TQ: Dịch lan rộng đến cả Bắc Kinh; Chuyên gia: Tiêm chủng vẫn nhiễm là chuyện thường

Gần đây, dịch COVID-19 ở Trung Quốc lại nóng lên, kể từ khi bùng phát virus biến thể Delta tại Sân bay quốc tế Lộc Khẩu (thành phố Nam Kinh, tỉnh Giang Tô), biến thể này đã lây lan ra 26 thành phố trên 15 tỉnh. Tính đến ngày 31/7, ít nhất 303 người lây nhiễm liên quan đến chuỗi này. Thành phố Bắc Kinh cũng trở nên căng thẳng.

Bắc Kinh thắt chặt kiểm soát ra vào thành phố để phòng ngừa dịch bệnh lây lan. Thông tin cho biết, xe cộ vào thành phố Bắc Kinh trên đường cao tốc Bắc Kinh – Tân Cương và đường quốc lộ G110 tắc hơn 100km. (Ảnh cắt từ video).

TQ: Dịch lan ra 15 tỉnh, 29 tỉnh thành yêu cầu ‘không rời tỉnh không rời thành phố’

Theo thông báo từ Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc vào ngày 2/8, có 98 trường hợp mới được xác nhận trong ngày 1/8, phân bố ở Vân Nam, Bắc Kinh, Phúc Kiến, Nội Mông Cổ, Giang Tô, Thiểm Tây, Thượng Hải, Sơn Đông, Hà Nam, Quảng Đông, Tứ Xuyên, Hồ Nam, Hồ Bắc, Hải Nam, Vân Nam.

Để ngăn chặn dịch tiếp tục lây lan, 29 tỉnh và thành phố của Trung Quốc đã ban hành thông báo khẩn cấp, yêu cầu người dân “không rời khỏi tỉnh hoặc thành phố nếu không cần thiết” hoặc “giảm số lượng người ra khỏi tỉnh thành.”

Bắc Kinh xuất hiện ca nhiễm, kiểm soát chặt người ra vào thành phố

Chính quyền Trung Quốc trước đó tuyên bố tiêm chủng COVID-19 trong nước đạt hơn 1,6 tỷ liều, tỷ lệ tiêm vắc xin ở Bắc Kinh đã vượt trên 96%, tuy nhiên Bắc Kinh vẫn bị ảnh hưởng bởi chuỗi lây nhiễm này.

Theo thông báo của bà Bàng Tinh Hỏa, Phó giám đốc Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) thành phố Bắc Kinh, hôm 2/8 có một trường hợp mới tại tiểu khu Guoxing Jiayuan, quận Hải Điến được xác nhận, liên quan đến nguồn lây bên ngoài Bắc Kinh. Điều tra dịch tễ ban đầu xác định được 9 người liên quan tiếp xúc gần.

Thông báo ở tiểu khu Guoxing Jiayuan ở quận Hải Điến thành phố Bắc Kinh có người xác nhận lây nhiễm, tiểu khu thực hiện quản lý khép kín. (Ảnh từ internet).

Theo bà Lâm Hàng, Phó quận trưởng quận Hải Điến cho biết, các cộng đồng và đơn vị liên quan xung quanh Guoxing Jiayuan, nơi có bệnh nhân được xác nhận nói trên sinh sống, đã bị đóng cửa và kiểm soát, có khoảng hơn 10.000 người liên quan trong khu dân cư này.

Trước đó vào ngày 1/8, hai trường hợp được xác nhận và một trường hợp lây nhiễm không có triệu chứng cũng đã được phát hiện tại quận Phòng Sơn, thành phố Bắc Kinh. Các bệnh nhân vừa trở về Bắc Kinh từ một chuyến đi đến Trương Gia Giới. Sau khi tin tức chính thức được xác nhận, cộng đồng nơi bệnh nhân sinh sống đã đóng cửa, có khoảng gần 10.000 trong khu vực này.

Ủy ban Y tế và Sức khỏe thành phố Bắc Kinh hôm 2/8 thông báo rằng họ sẽ kiểm soát chặt chẽ việc ra vào thành phố, áp dụng biện pháp “ai phê chuẩn thì người đó chịu trách nhiệm”, đồng thời yêu cầu tất cả các cơ quan đảng và chính quyền cũng như nhân viên doanh nghiệp nhà nước không đi đến các địa điểm có nguy cơ trung bình và nguy cơ cao. Thông báo nhấn mạnh không cần thiết thì không rời khỏi Bắc Kinh, không cần thiết thì không xuất cảnh, những người từ các khu vực có ca nhiễm cũng bị hạn chế vào Bắc Kinh. Về nguyên tắc, những người ở các phố (hương, trấn) và các đơn vị của thành phố có trường hợp xác nhận lây nhiễm, thì sẽ không được phép rời khỏi Bắc Kinh. Nếu cần thiết phải ra khỏi Bắc Kinh thì cần có mã sức khỏe màu xanh và xét nghiệm axit nucleic âm tính trong vòng 48 giờ.

Dư luận cho rằng chính quyền lo ngại dịch sẽ bùng phát ở Bắc Kinh, chủ yếu là do hầu hết các quan chức hàng đầu của Đảng Cộng sản Trung Quốc đều sống ở thành phố này.

Đoạn video được chia sẻ trên mạng cho thấy, ngày 1/8, trạm kiểm soát đường cao tốc đi vào Bắc Kinh từ Trương Gia Khẩu (tỉnh Hà Bắc) đã kiểm tra nghiêm ngặt các phương tiện đi vào Bắc Kinh, khiến đường cao tốc bị tắc nghiêm trọng. Theo người quay video, “các cuộc kiểm tra theo thông lệ, thấy đường từ Trương Gia Khẩu ở Hà Bắc đến Bắc Kinh đã được chuyển hướng từ đường cao tốc Bắc Kinh – Tân Cương sang đường quốc lộ G110. Hiện tại đường cao tốc quốc lộ G110 đã bị tắc nghẽn hơn 2 giờ ở Bắc Kinh và về cơ bản nó không di chuyển.” Cư dân mạng tiết lộ các phương tiện đi vào Bắc Kinh bị ùn tắc kéo dài hơn 100 km trên đường cao tốc.

Ngoài ra hôm 2/8, cũng có một hàng dài người đang xếp hàng ở cổng Lang Phường tỉnh Hà Bắc để chờ vào Bắc Kinh.

Tại cuộc họp tổ chức hôm 1/8, Tiểu tổ lãnh đạo công tác Phòng chống và Kiểm soát Dịch bệnh của thành phố Bắc Kinh cho biết, chùm lây nhiễm đã xảy ra ở nhiều vùng của Trung Quốc và các ca bệnh địa phương nhập cảnh từ những nơi khác đã xuất hiện ở Bắc Kinh, “tình hình dịch bệnh gay go và phức tạp”.

Nhiều nơi khác có nguy cơ bùng phát

Thành phố Trịnh Châu, tỉnh Hà Nam, nơi hứng chịu lũ lụt hồi tháng 7, cũng hết sức lo lắng sau khi xuất hiện ca nhiễm được chẩn đoán là chủng Delta Ấn Độ. Theo thông báo của Tiểu tổ phòng chống dịch thành phố Trịnh Châu đưa ra, những khu vực người dân có kết quả xét nghiệm axit nucleic bất thường đều được điều chỉnh thành khu vực đóng cửa.

Thành phố Từ Châu, tỉnh Giang Tô cũng đã cập nhật các biện pháp phòng chống dịch bệnh vào tối ngày 1/8. Ngay trong tối cùng ngày, tất cả các cơ sở đào tạo ngoài trường học, cơ sở chăm sóc trẻ em và các lớp dịch vụ trông giữ mùa hè ở Từ Châu sẽ tạm dừng các hoạt động, và thời gian hoạt động trở lại sẽ được thông báo riêng.

Tính đến ngày 1/8, Trung Quốc có 95 khu vực có nguy cơ trung bình – cao, bao gồm 91 khu vực có nguy cơ trung bình và 4 khu vực có nguy cơ cao, nằm ở các tỉnh Vân Nam, Giang Tô, Hà Nam  Dương Châu, Giang Tô.

Chuyên gia Trung Quốc: tiêm vắc-xin vẫn nhiễm bệnh là điều bình thường

Cần lưu ý rằng làn sóng dịch bệnh này của Trung Quốc từ Nam Kinh đến 15 tỉnh và 26 thành phố không lạc quan như quan chức ĐCSTQ tuyên bố.

Theo một cuộc họp báo Liên ngành Phòng ngừa và Kiểm soát của Quốc vụ viện Trung Quốc tổ chức hôm 31/7, người phát ngôn Ủy ban Y tế Quốc gia Mễ Phong cho biết, tổng số ca bệnh mới được xác nhận tại địa phương của Trung Quốc là 328 ca trong cả tháng 7, gần bằng tổng số ca bệnh trong 5 tháng trước đó. Theo thống kê, kể từ ngày 20/7, chuỗi lây lan của ổ dịch tại sân bay ở Nam Kinh đã lây cho 303 người.

Theo ông Mễ Phong, chủng đột biến Delta hiện đang là dòng lây lan chính, có đặc điểm lây lan nhanh, nhân bản nhanh trong cơ thể, thời gian chuyển thành âm tính lâu nên càng đặt ra nhiều thách thức cho công tác phòng, chống dịch.

Điều này khiến người ta lo lắng về việc, liệu loại vắc-xin đã được chính quyền ĐCSTQ tuyên truyền là một vũ khí mạnh mẽ chống lại virus viêm phổi Vũ Hán, có thể chống lại biến thể Delta một cách hiệu quả hay không.

Theo một tài liệu được công bố trên trang web của CDC Mỹ hôm 30/7, khả năng lây truyền của biến thể Delta có thể so sánh với bệnh thủy đậu, mỗi người mắc bệnh sẽ lây nhiễm cho trung bình từ 5 đến 9 người, vượt cả SARS và Ebola, bệnh đậu mùa, v.v. Trong khi đó, dữ liệu về virus nguyên thủy của bệnh viêm phổi Vũ Hán tương tự như dữ liệu của bệnh cảm cúm thông thường.

So sánh khả năng lây truyền của chủng đột biến Delta với virus corona ban đầu và các bệnh truyền nhiễm khác. (Nguồn ảnh: Ảnh chụp màn hình tài liệu CDC Mỹ).

Tài liệu cũng đề cập rằng trong “các trường hợp đột phá” (tiêm vắc-xin vẫn bị nhiễm), những người bị nhiễm biến chủng Delta Ấn Độ có tải lượng virus cao gấp 10 lần so với những người bị nhiễm biến chủng Alpha Anh. Tải lượng virus đo được của một người bị nhiễm biến chủng Delta dù đã tiêm chủng không khác nhiều so với người nhiễm chủng này mà chưa được tiêm chủng.

Ngoài ra, theo National Public Radio, diễn đàn phân tích bộ gen virus “Virological” đã công bố một báo cáo nghiên cứu từ CDC tỉnh Quảng Đông hôm 7/7. Trong đó đề cập chủng virus Delta ở trong đường hô hấp của con người có tốc độ nhân lên nhanh gấp 1000 lần so với chủng virus ban đầu.

Vì lý do này, CDC Mỹ cũng cho biết vắc-xin viêm phổi Vũ Hán không quá hiệu quả trong việc ngăn ngừa lây nhiễm hoặc lan truyền. Nếu chỉ dựa vào vắc-xin, các ca nhiễm dù đã tiêm đủ vắc-xin và lây truyền trong cộng đồng sẽ tiếp tục xuất hiện.

Trước những kết luận trên của các chuyên gia y tế có thẩm quyền quốc tế, hôm 31/7, ông Phòng Tử Kiện (Feng Zijian), nhà nghiên cứu tại CDC Trung Quốc, thừa nhận rằng các nghiên cứu và quan sát hiện tại cho thấy khả năng bảo vệ của vắc-xin COVID-19 có thể bị giảm khi chống lại chủng biến thể Delta Ấn Độ.

Ông Thiệu Nhất Minh (Shao Yiming), thành viên trong Nhóm nghiên cứu và phát triển vắc xin thuộc cơ chế phòng chống dịch liên ngành của Quốc vụ viện Trung Quốc cho biết, theo tình hình hiện nay mà xét, sau khi tiêm đủ vắc-xin thì mức độ kháng thể sẽ suy giảm theo thời gian. Ông cũng chỉ ra rằng đối với các trường hợp vẫn lây nhiễm sau khi tiêm vắc-xin là một trạng thái bình thường, không phải là một ngoại lệ.

Trí Đạt (tổng hợp)

Trí Đạt

Published by
Trí Đạt

Recent Posts

Đề xuất đưa vàng mã, túi nilon vào diện chịu thuế tiêu thụ đặc biệt

Theo ĐBQH Dương Minh Ánh, biện pháp tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với vàng…

8 phút ago

Giám đốc Sở KH&CN Quảng Ngãi bị kỷ luật khiển trách

Do có các sai phạm, khuyết điểm trong quá trình thực hiện chức trách, nhiệm…

55 phút ago

Tổng thống Biden: Trát ICC đòi bắt Netanyahu là “thái quá”

Hôm Thứ Năm, ICC tuyên bố bắt các quan chức cao cấp của Israel quy…

2 giờ ago

Nước giải khát có đường dự kiến chịu thuế tiêu thụ đặc biệt 10%

Nước giải khát có hàm lượng đường trên 5g/100ml dự kiến phải chịu thuế tiêu…

3 giờ ago

Một huyện của tỉnh Quảng Nam công bố dịch bệnh chó dại

Trong vòng một tuần, huyện Nông Sơn (tỉnh Quảng Nam) đã phát hiện 5 con…

4 giờ ago

Hiện tượng hiếm: Nước biển dâng cao tràn vào nội thành tại nhiều tỉnh thành ở Trung Quốc

Tại Trung Quốc vào tháng trước chứng kiến hiện tượng hiếm thấy khi nước biển…

4 giờ ago