Cuộc đàn áp của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) với nhóm người dân tộc thiểu số vùng Tân Cương vẫn luôn là một vấn đề nóng được truyền thông quan tâm. Gần đây, không ít kênh truyền thông đã cáo buộc trại tập trung ở Tân Cương của ĐCSTQ giam giữ lượng lớn người dân tộc thiểu số. Người ta còn phát hiện ra ĐCSTQ vẫn đang công khai tìm kiếm các nhà thầu nhằm xây dựng thêm nhiều trại giam như vậy.
Một bài viết trên tờ New York Times ngày 15/5/2018 đã chỉ ra rằng, ĐCSTQ đã xây dựng một lượng lớn các trại tập trung tại khu vực Tân Cương nhằm tiến hành “giáo dục chuyển hóa” người dân tộc thiểu số. Và dù ra sức che đậy hành động này, họ vẫn để lại những chứng cứ khó chối cãi.
Tác giả của bài viết là Phó giáo sư, nhà lịch sử học Rian Thum của Đại học Loyola University New Orleans. Ông nói: “Làm thế nào mới có thể bắt giam 500.000 người của một nhóm dân tộc thiểu số chỉ trong vòng một năm? Điều này quả thực đòi hỏi một nguồn tài nguyên khổng lồ và tổ chức hết sức phức tạp, nhưng chính quyền ĐCSTQ không hề ngần ngại.”
Bài báo nêu rõ, các nhà chức trách của ĐCSTQ thẳng thắn phủ nhận hết thảy những cáo buộc về việc xây dựng trại tập trung ở Tân Cương, và số tù nhân bị giam giữ trong mỗi trại cải tạo vẫn là một bí mật được chính quyền Bắc Kinh giữ kín. Tuy nhiên, dựa vào những số liệu về hồ sơ chào thầu công khai do chính phủ thiết lập gửi tới nhà thầu xây dựng, cũng như quảng cáo tìm kiếm nhân lực quản lý các trại giam này đã phần nào thấy được quy mô và mức độ của trại tập trung Tân Cương.
Bài báo trích dẫn nghiên cứu của nhà nghiên cứu Adrian Zenz tại Học viện Học viện Thần học và Văn hóa châu Âu (European School of Culture and Theology) ở Korntal, Đức, trong đó phân tích những bản tin quảng cáo đầu tư của chính phủ. Kết quả cho thấy, chúng có liên quan đến các công trình xây dựng và cải tạo “cơ sở giáo dục” tại 40 vùng khác nhau ở Tân Cương. Kể từ năm 2016, ĐCSTQ đã và đang xúc tiến xây dựng tại tập trung ở hầu hết các ngõ ngách ở khắp Tân Cương, số vốn đầu tư tính đến nay đã lên tới hơn 680 triệu Nhân dân tệ (~107 triệu USD).
Một trong những hồ sơ mời thầu phát hành vào ngày 27/4/2018 cho thấy nhiều trại tập trung vẫn đang tiếp tục được xây dựng thêm nữa. Hồ sơ này đề cập đến dự án xây dựng với tổng diện tích hơn 80.000 mét vuông, một số phần trong đó còn được chuẩn bị để xây dựng doanh trại cho cảnh sát vũ trang, lực lượng an ninh bán quân sự. Chính quyền địa phương cũng đang quảng cáo để tuyển dụng nhân viên cho các trại tập trung này, bao gồm những người có nghiệp vụ tâm lý tội phạm và cả những nhân viên từng công tác trong các lực lượng quân đội hay cảnh sát.
Bằng chứng về các chi tiết kỹ thuật này là vô cùng giá trị, đặc biệt trong hoàn cảnh khó khăn và khắc nghiệt cho các nhà nghiên cứu khi đến làm việc tại Tân Cương. Nhiều người trong quá trình đi tìm bằng chứng đã bị bắt giữ, có những người tại địa phương thậm chí còn bị uy hiếp đến cả người thân và phải chịu sự sách nhiễu dai dẳng.
Hồi tháng 2/2018, một sinh viên người Duy Ngô Nhĩ đang du học tại Mỹ đã gửi bài viết cho tạp chí Foreign Policy và mô tả những điểm chi tiết nhất về quá trình giam giữ từ trước đến nay. Khi trở về Trung Quốc năm ngoái, anh đã bị bắt giam 17 ngày mà thậm chí không biết mình bị cáo buộc mắc tội gì. Anh bị nhốt vào một phòng giam, bị bắt hành quân suốt nhiều ngày, hô lớn các khẩu hiệu và bị bắt phải xem các video tuyên truyền giáo dục về cái gọi là “các hoạt động tôn giáo bất hợp pháp”. Khi được thả ra, anh bị đe dọa, lính canh uy hiếp anh rằng: “Cho dù cậu ở Mỹ hay ở đâu đi nữa, thì người thân của cậu còn ở đây, chúng tôi cũng vẫn còn ở đây!”
Tháng trước, một người đàn ông Kazakh nói với Đài phát thanh Tự do châu Âu rằng ông đã bị giam giữ suốt bốn tháng trong một trại giam ở miền Bắc Tân Cương. Ông thậm chí còn gặp những tù nhân phải chịu đến bảy năm tù giam. Trong nhiều trường hợp, tù nhân bị giam giữ riêng, và người thân của họ không biết chuyện gì xảy ra với họ.
Kế hoạch trại tập trung này được quảng cáo là “nơi đào tạo nghề nghiệp”, nhưng mục đích thực sự của nó thì không ai hay biết. Có tài liệu mô tả khóa học bồi dưỡng là “miễn phí, hoàn toàn đóng và quân sự hóa” trong ba tháng đến hai năm. Kỳ thực, đây là nơi giam giữ những người bị coi là “không đáng tin cậy về mặt chính trị”, không qua xét xử và họ cũng không phạm bất cứ tội gì. Ngay cả thời gian giam giữ bao lâu cũng là điều không ai có thể đoán biết được.
Trước đó, hãng tin AP từng đưa tin, có khoảng 34 trại tập trung như vậy ở Korla, Tân Cương. Một phóng viên AP đã tới thăm một trại tập trung, bảng hiệu treo ở đó ghi là “Nhà giam”. Một trại tập trung khác nằm trên một con đường ở trung tâm thành phố, được cảnh sát mang khẩu súng trường canh giữ. Trại tập trung thứ ba nằm tại một căn cứ quân sự.
Kết lại bài báo, tác giả Adrian Zenz chỉ ra rằng đây là sự lạm dụng có chủ ý quy mô lớn của chính phủ Trung Quốc. Tân Cương dường như đã trở thành một chế độ chuyên chế do cảnh sát kiểm soát như Bắc Triều Tiên, đồng thời lại phân biệt chủng tộc giống chế độ phân biệt chủng tộc ở châu Phi.
Minh Ngọc
Xem thêm:
Trong vòng một tuần, huyện Nông Sơn (tỉnh Quảng Nam) đã phát hiện 5 con…
Tại Trung Quốc vào tháng trước chứng kiến hiện tượng hiếm thấy khi nước biển…
Viện trưởng Viện Y Dược học dân tộc TP.HCM - ông Huỳnh Nguyễn Lộc bị…
Vào ngày 28/7, mẹ của Hoàng Diên Thu phát hiện con trai mất tích, cả…
Ông Kim Jong Un đã cáo buộc Hoa Kỳ gia tăng căng thẳng và khiêu…
Thượng nghị sĩ Đảng Cộng hòa Mike Rounds đại diện tiểu bang Nam Dakota đã…