Văn nhân Trung Hoa cổ đại đều sử dụng bút lông, mực, giấy và nghiên nên bốn thứ này là bốn vật quý không thể thiếu trong thư phòng của tất cả các văn nhân xưa, được gọi chung là “Văn phòng tứ bảo”.
Tên “Văn phòng tứ bảo” bắt nguồn từ thời kỳ Nam Bắc triều. Trong lịch sử, những vật trong “Văn phòng tứ bảo” cũng có nhiều biến đổi. Thời Nam Đường, “Văn phòng tứ bảo” đặc biệt chỉ bút Gia Cát, mực Lý Đình Khuê ở Huy Châu tỉnh An Huy, giấy Trừng Tâm Đường, nghiên mực Long Vĩ ở Vụ Nguyên tỉnh Giang Tây. Từ thời Tống, “Văn phòng tứ bảo” chính là chỉ bút lông Hồ Châu (Chiết Giang), mực Huy Châu (An Huy), giấy Tuyên Thành (An Huy), nghiên mực Đoan Khê (Quảng Đông).
Văn phòng tứ bảo không chỉ là những vật phẩm có giá trị thực tiễn cao mà còn hòa hợp với hội họa, thư pháp, điêu khắc, đồ trang trí thành một tác phẩm nghệ thuật nhất thể, phản ánh ra nội tâm của chủ nhân. Trong quan niệm của người xưa, từ việc mài mực đến hạ bút viết chữ vẽ tranh, hiện thực hóa cảnh đẹp thiên nhiên thành mây khói sông núi trên giấy, đều là một quá trình ngưng khí tĩnh tâm, tu thân dưỡng tính.
Căn cứ vào các bản khắc văn tự giáp cốt cho thấy, từ thời nhà Hạ Thương đã có bút. Còn dựa vào các hoa văn trên đồ gốm thì có thể thấy việc tạo ra cây bút có thể đã bắt nguồn từ hơn 5.000 năm trước. Đến thời kỳ Xuân Thu Chiến Quốc, các nơi đều đã chế tạo và sử dụng bút viết. Lúc ấy, bút có nhiều tên gọi khác nhau, nước Ngô gọi bút là Bất luật, nước Yến gọi là Phất, nước Sở gọi là Hạnh, nước Tần gọi là Bút. Sau khi Tần Thủy Hoàng thống nhất đất nước, Bút trở thành tên cố định và được sử dụng đến ngày nay.
Thời cổ, đầu bút lông được làm nhọn để văn nhân dễ dàng cài lên tóc, khăn, mũ mang theo bên mình. Từ thời nhà Tấn đến nhà Tống, bút chủ yếu được tập trung chế tác ở Tuyên Thành. Bút cùng với giấy Tuyên Thành trở thành cống phẩm trong suốt các triều đại. Bút Tuyên Thành luôn được biết đến với sự lựa chọn nguyên liệu khắt khe và sự tỉ mỉ của người thợ.
Để làm ra bút Tuyên Thành thì tốt nhất phải là lông của những con thỏ đực trưởng thành, bắt vào mùa thu, đã nhiều năm ăn lá tre rừng và uống nước suối trên núi hoang dại. Hơn nữa, chỉ lấy được một ít lông màu đen có tính đàn hồi cao ở trên lưng thỏ. Chỉ có những chiếc lông như vậy mới có thể chế tác thành những chiếc bút đạt yêu cầu về độ sắc nét, đều, tròn, mới có thể được dân thư pháp, hội họa coi như “viên ngọc trong lòng bàn tay”, là “trân bảo”.
Mực là đồ dùng không thể thiếu trong vẽ viết, ghi chép thời cổ đại. Chỉ có sự biến hóa kỳ ảo của mực mới có thể hiện thực được những ý cảnh tươi đẹp vào trong thư họa. Người ta đã sử dụng mực thiên nhiên hoặc mực bán thiên nhiên để ghi chép tài liệu. Các hoa văn trang trí bằng gốm vẽ thời tiền sử, các bản khắc trên xương của nhà Thương và Chu, các chữ viết trên mảnh tre và gỗ, các bức tranh và thư pháp bằng lụa đều là dấu vết của việc sử dụng mực.
Thời xưa, các văn nhân khi viết hay vẽ thường phải suy nghĩ ý tưởng trước khi đặt bút nên thời gian mài mực chính là cơ hội tốt cho việc này. Mài mực cũng giúp truyền cảm hứng cho người viết vẽ. Mực nước tuy rằng tiện lợi hơn mực khô nhưng nó khiến người viết có thể bị mất đi những suy nghĩ linh cảm trước khi đặt bút. Hơn nữa việc mài mực sẽ khiến mực mịn nhất có thể để viết các tác phẩm quan trọng hoặc những chữ nhỏ.
Mực cực phẩm trong các loại mực là mực An Huy ra đời vào thời Nam Đường. Nó đã được sáng chế bởi hai cha con Hề Siêu và Hề Đình Khuê sống dưới triều đại nhà Đường. Mực An Huy được coi là tín vật của các thư họa gia nổi tiếng, mối quan hệ của nó với các thư họa gia giống như giữa danh tướng với ngựa quý. Trong mực An Huy này đã có trộn lẫn những dược phẩm như xạ hương, phiến, cho nên sau khi mài trên nghiên một lát sẽ phát ra một mùi hương rất mát. Nếu dùng mực An Huy để viết chữ hay vẽ tranh thì nét mực vừa đen vừa sáng bóng, mà khi gặp nước cũng không bị tan nhòa, sau nhiều năm nét mực vẫn như mới.
Giấy có những đóng góp vô cùng to lớn trong việc lưu trữ và truyền bá văn hóa cho các đời sau. Thái Luân thời Đông Hán đã cải tạo kỹ thuật làm giấy khiến cho nó trở nên thông dụng phổ biến ở khắp nơi.
Giấy nổi tiếng được văn nhân dùng là giấy Tuyên Thành. Loại giấy này mềm, trắng nõn, không những có thể hút mực mà còn làm cho sắc mực được hiện lên đầy đủ. Giấy Tuyên Thành có lịch sử rất lâu đời. Theo sử sách ghi lại, giấy Tuyên Thành ra đời vào thời nhà Đường. Theo ghi chép của nhà bình luận thi họa Trương Ngạn Viễn trong “Lịch đại danh họa lệ” thì vào những năm Càn Phù triều Đường, kỹ thuật làm giấy đã phát triển, người ta cũng bắt đầu dùng giấy Tuyên Thành để vẽ và viết, tuy nhiên trình độ kỹ thuật còn chưa cao.
Theo cuốn “Cựu đường thư” ghi lại, vào năm thứ hai niên hiệu Thiên Bảo triều Đường thì các vùng Giang Tây, Tứ Xuyên, nam An Huy và đông Chiết Giang đều sản xuất giấy để cống nạp. Giấy do vùng Tuyên Thành dâng tặng tinh xảo và đẹp hơn. Đến thời Nam Đường, giấy Trừng Tâm Đường do hậu chủ Lý Dục sản xuất ra “mỏng như màng trứng, chắc và sáng như ngọc”, có thể nói là tinh phẩm trong loại giấy Tuyên Thành.
Danh họa Lý Bá Thời nhà Tống đã dùng giấy Trừng Tâm Đường vẽ bức “Ngũ mã đồ” nổi tiếng. Âu Dương Tu cũng dùng loại giấy này soạn thảovà gửi một số tờ tặng cho thi nhân nổi tiếng Mai Nghiêu Thần. Mai Nghiêu Thần nhận được loại giấy “nhẵn như băng mùa xuân, dai như kén” này đã cao hứng mà kinh ngạc ngắm nghía với tâm trạng bồi hồi. Có thể tưởng tượng rằng giấy Trừng Tâm Đường vô cùng quý giá và khó tìm thấy vào thời nhà Đường và nhà Tống.
Nghiên còn gọi là Nghiên đài, được cổ nhân ca ngợi và gọi là “Văn phòng tứ bảo chi thủ”, là vật đứng đầu trong bốn bảo vật. Có nhiều loại như Thao nghiên, Hấp nghiên, Dịch Thủy nghiên, Đoan Khê nghiên, nhưng nổi danh hơn cả là nghiên mực Đoan Khê.
Nghiên mực Đoan Khê xuất hiện vào năm Vũ Đức thời nhà Đường, đến nay đã có hơn một nghìn năm lịch sử. Nghiên mực Đoan Khê được làm từ nhiều chất liệu khác nhau như bùn, gốm, gạch, kim loại, sứ, đá với nhiều kiểu dáng được chạm khắc tinh xảo khác nhau. Nhưng loại thường được sử dụng và được yêu thích nhất là nghiên mực làm bằng đá.
Nghiên mực Đoan Khê có ưu điểm là chất lượng đá rắn chắc, trơn nhẵn, tinh xảo, không bị đọng mực, mài mực nhanh, mực mịn, viết ra đều và nét mực không bị phai, nhờ vậy mà lông bút cũng không bị tổn hại. Vô luận là mùa hè nắng nóng hay mùa đông lạnh giá, khi dùng ngón tay ấn vào tâm của nghiên mực thì nó thường có màu xanh đậm, hơi nước lâu khô.
Theo Vision Times tiếng Trung
An Hòa biên tập
Xem thêm:
Mời xem video:
Trước tình hình căng thẳng, Hungary đang lên kế hoạch triển khai hệ thống phòng…
Chuẩn Đô đốc Thomas Buchanan tuyên bố rằng Mỹ sẵn sàng sử dụng vũ khí…
Putin: Nếu Mỹ muốn chiến thì Nga cũng phải theo, và tên lửa bắn vào…
HĐGSNN vừa công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh giáo sư, phó giáo sư năm…
Ông Vương Đình Huệ có sai phạm trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; vi…
Ông Musk và ông Ramaswamy đã cùng chấp bút một bài xã luận đăng trên…