Các đời chúa Nguyễn mở rộng lãnh thổ – P5: Lãnh thổ rộng lớn cực điểm

Năm 1738, chúa Nguyễn Phúc Thụ qua đời, con trưởng là Nguyễn Phúc Khoát lên nối ngôi, người thời đấy gọi ông là Chúa Võ. Chúa Võ đã giúp hoàn thành việc mở mang lãnh thổ Đại Việt, nhưng cũng vì ông mà cơ nghiệp các đời chúa Nguyễn bị lụi tàn. Phải chờ đến hàng chục năm sau, hậu duệ của Chúa Võ mới giúp lãnh thổ nước ta rộng lớn tới cực điểm.

Cao Miên dâng đất Long An, Tiền Giang

Khi chúa Nguyễn sáp nhập các vùng đất của Chiêm Thành ở Bình Thuận và Ninh Thuận vào lãnh thổ, một số người Chăm đã sang Cao Miên để định cư sinh sống. Thế nhưng sau đó triều đình Cao Miên liên tục quấy nhiểu ức hiếp những người Chăm sinh sống ở đây.

Xem người Chăm là dân tộc thuộc quốc gia của mình, năm 1753, Chúa Võ sai Thiện Chính và Nguyễn Cư Trinh tiến sang Cao Miên để giải cứu người Chăm.

Năm 1754, Thiện Chính và Nguyễn Cư Trinh từ Gia Định chia quân làm hai hướng tiến sang Cao Miên. Quân Cao Miên đại bại, Quốc Vương là Nặc Nguyên phải chạy trốn đến Tầm Phong Thu (nay là tỉnh Kampong Thom), các Phủ ở Cao Miên đều đầu hàng.

Mùa xuân năm 1755, thống suất Thiện Chính rút về Mỹ Tho trước, còn những người Chăm đi sau. Nhưng trên đường đi, người Chăm bất ngờ bị hơn 1 vạn quân Cao Miên tập kích, phải đem hết xe chất thành lũy để ngăn ngăn quân Cao Miên đồng thời cho người đi cấp báo.

Thiện Chính vì sông sâu đầm lầy nên không thể đến được, Nguyễn Cư Trinh lập tức đưa quân ngay đến đánh khiến quân Cao Miên phải rút. Nguyễn Cư Trinh đưa hơn 5.000 người Chăm đến chân núi Bà Dinh (tức núi Bà Đen ngày nay) an toàn.

(Tranh minh họa: Họa sĩ Sỹ Hòa, báo Bình Phước Online)

Vì chuyện này, quân Chúa Nguyễn lại tiến sang Cao Miên một lần nữa. Quân Cao Miên bị đánh tan tác, quốc vương Nặc Nguyên chạy đến Hà Tiên nương tựa Mạc Thiên Tứ (hậu duệ Mạc Cửu, người đã dâng cho Chúa Nguyễn vùng đất Hà Tiên và đảo Phú Quốc), nhờ Mạc Thiên Tứ làm trung gian, đổ lỗi việc sát hại người Chăm là do tướng Chiêu Chùy Ếch làm. Đồng thời quốc vương Nặc Nguyên xin dâng hai phủ là Tầm Bôn (tức Tân An, Long An ngày nay), Lôi Lạt (tức Gò Công, Tiền Giang ngày nay), xin cống nộp lễ vật còn thiếu 3 năm trước đó.

Chúa Võ không đồng ý mà yêu cầu Cao Miên phải giao cả kẻ sát hại người Chăm là tướng Chiêu Chùy Ếch. Quốc vương Nặc Nguyên báo rằng đã cho xử tử viên tướng này rồi. Chúa Nguyễn không tin nên yêu cầu giao cả gia đình tướng Chiêu Chùy Ếch thì Nặc Nguyên xin Chúa Nguyễn tha cho họ. Chúa Võ cho rằng quốc vương Cao Miên lừa dối nên không đồng ý.

Tuy nhiên Nguyễn Cư Trinh đã dâng sớ tâu nhắc lại kế “tằm ăn dâu” và khuyên Chúa nên nhận 2 phủ này, lời sớ tâu có đoạn rằng:

“Từ xưa, sở dĩ dùng đến binh, chẳng qua là muốn giết đứa cừ khôi, mở mang bờ cõi mà thôi. Nay Nặc Nguyên đã hối quá, biết nộp đất hiến của. Nếu không cho y hàng, thì y chạy trốn; mà từ Gia Định đến La Bích, đường sá xa xôi, không tiện đuổi đánh. Vậy muốn mở mang bờ cõi, chi bằng hãy lấy hai phủ ấy, giữ chặt phía sau cho hai dinh (Phiên Trấn và Trấn Biên). Năm xưa, đi mở phủ Gia Định, trước phải mở phủ Hưng Phước (Biên Hoà), rồi mới mở đến phủ Lộc Dã (Đồng Nai) để quân dân đoàn tụ, rồi mới mở đất Sài Côn. Đó là cái kế ‘tằm ăn dâu’ đó”.

Chúa Võ thuận theo lời tâu này, đồng ý nhận 2 phủ mới.

Cao Miên tiếp tục dâng đất Trà Vinh, Bến Tre, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Kiên Giang, Cà Mau

Năm 1757 Nặc Nguyên mất, chú họ là Nặc Nhuận tạm nắm quyền. Nhưng Nặc Nhuận muốn ngôi Vương nên tấu lên Chúa Võ phong xin phong tước Vương cho mình. Chúa Võ yêu cầu Nặc Nhuận phải dâng hai vùng đất là Trà Vang (nay là Trà VinhBến Tre), Ba Thắc (nay là Sóc TrăngBạc Liêu) mới chuẩn tấu.

Thế nhưng sang năm 1758, Nặc Nhuận bị con rể là Nặc Hinh nổi loạn giết chết để cướp ngôi. Con của Nặc Nhuận là Nặc Ong Ton chạy sang Hà Tiên lánh nạn và nhờ Mạc Thiên Tứ cầu cứu với Chúa Nguyễn đánh đuổi Nặc Hinh giành lại ngôi Quốc Vương Cao Miên cho mình.

Chúa Võ nhận lời, sai Trương Phúc Du đem quân thảo phạt. Ninh Hinh thua chạy đến Tầm Phong Xoài thì bị phiên liêu là Ốc Nha Uông giết chết.

Chúa Võ đồng ý sắc phong cho Nặc Ong Ton là Quốc Vương nhưng yêu cầu phải dâng thêm vùng đất Tầm Phong Long (tức An Giang, Đồng Tháp bây giờ).

Ngoài ra Nặc Ong Ton vì để tạ ơn Mạc Thiên Tứ đã cưu mang giúp đỡ mình khi hoạn nạn nên đã tặng riêng 5 phủ là: Kompong Som (Vũng Thơm), Kampot (Cần Bột), Chal Chun (Chưn Rùm hay Chân Sâm), Bantey M éas (Sài Mạt) và Raung Veng (Linh Quỳnh). Tuy nhiên Mạc Thiên Tứ đã dâng hết cả 5 phủ này cho chúa Nguyễn. 5 phủ này đều thuộc tỉnh Kiên GiangCà Mau ngày nay.

Hoàn tất công cuộc khai phá phương Nam

Năm 1758, cả một vùng đất Nam Bộ đã thuộc về Chúa Nguyễn. Công cuộc Nam tiến của các đời chúa Nguyễn đến đây cũng kết thúc.

Nếu vào thời điểm tháng 10/1558, thời Chúa Nguyễn đầu tiên là Nguyễn Hoàng chỉ có hai vùng đất là Thuận Hóa và Quảng Nam còn hoang sơ chưa được khai phá…

Thời Chúa Nguyễn đầu tiên là Nguyễn Hoàng chỉ có phần đất Thuận Hóa và Quảng Nam. (Tranh: Luanpt.arc@gmail.com)

Thì đúng 200 năm sau, trải qua 8 đời Chúa Nguyễn đến năm 1758, lãnh thổ Đàng Trong đã vô cùng rộng lớn, trải dài hết vùng đất Nam Bộ đến tận vùng cực Nam, định hình cho nước Việt Nam ngày nay. Đó là công lao các đời Chúa Nguyễn tạo thành.

Bản đồ Đại Việt năm 1758. (Tranh: Luanpt.arc@gmail.com)

Một phút lơ là để loạn thần thao túng dẫn đến mất nước

Sau khi lãnh thổ rộng lớn, đất nước cường thịnh, Chúa Võ lại chỉ lo tận hưởng cuộc sống xa hoa, không còn tha thiết với việc nước nữa. Chúa Võ bị cậu là Trương Phúc Loan dụ dỗ đi vào con đường nữ sắc không quan tâm đến vận nước, để từ đó Trương Phúc Loan có cơ hội nắm hết quyền hành, khiến vận nước rối bời, muôn dân ca thán.

Năm 1765 Chúa Võ mất, viết di chiếu nhường ngôi cho con là Nguyễn Phúc Luân (thân phụ của Nguyễn Phúc Ánh tức vua Gia Long sau này). Biết Nguyễn Phúc Luân là người thông minh khó mà uy hiếp, Trương Phúc Loan đã bố trí người giết chết cận vệ rồi bắt giam Nguyễn Phúc Luân, đồng thời phong Nguyễn Phúc Thuần mới 11 tuổi lên nối ngôi. Ngay sau đó Nguyễn Phúc Luân cũng chết trong ngục. Mọi việc đều do Trương Phúc Loan thao túng khiến Đàng Trong ngày càng suy yếu.

Năm 1767, Lại bộ Thương thư Nguyễn Cư Trinh, trụ cột nhà Nguyễn qua đời, không còn ai có sức ngăn cản Trương Phúc Loan nữa. Những người có tài có tâm với nước đều bị Trương Phúc Loan tìm cách hãm hại, quốc khố ngày càng kiệt quệ

Có được quyền hành Trương Phúc Loan tha hồ vơ vét của cải mặc cho quốc nạn cũng như dân tình đói khổ, thuế sản vật các mỏ vàng Thu Bồn, Đồng Hương, Trà Sơn, Trà Vân… đều rơi vào tay Loan. Loan tổ chức thu thuế ở các cảng sông, cảng biển quan trọng và thu thuế khai thác các nguồn tài nguyên, khoáng sản ở Quảng Nam mỗi năm ước đạt bảy tám vạn quan tiền bỏ vào túi riêng, chỉ nộp công khố khoảng một hai phần. Thêm vào đó, Loan công khai bán quan, chạy ngục nên đã thâu tóm được một lượng tài sản kếch xù. 

Sử sách ghi lại rằng, có năm ngập lụt, nước tràn vào cả dinh thự của Trương Phúc Loan ở Phần Dương. Sau khi nước rút ông ta phơi vàng bạc ở sân cho khô ráo làm sáng rực cả một góc trời. Cả nhà họ Trương chia nhau nắm giữ mọi chức vụ chủ chốt trong triều đình.

Trương Phúc Loan không quan tâm đến đời sống người dân, mặc cho dân đói khổ vì thiên tai, ông ta còn tăng các khoản sưu thuế rất nặng. Cuộc sống người dân Đàng Trong đang phồn thịnh bỗng chốc trở nên nghèo đói lầm than, người dân oán thán gọi Trương Phúc Loan là Trương Tần Cối (Tần Cối là một gian thần bán nước thời Nam Tống bên Trung Quốc).

Cuộc khởi nghĩa Tây Sơn nổ ra đã đánh đổ Chúa Nguyễn. 8 đời Chúa Nguyễn đều có công Nam tiến mở rộng lãnh thổ, đời sống Đàng Trong rất sung túc, nhưng Chúa Võ cuối đời chỉ lo hưởng lạc mà bị quyền thần thao túng, khiến cơ nghiệp sụp đổ.

Nhà Nguyễn lấy lại Giang Sơn, mở rộng lãnh thổ lớn gấp hơn 1,7 lần ngày nay

Sau này hậu duệ Chúa Nguyễn là Nguyễn Phúc Ánh (cháu nội của Chúa Võ Nguyễn Phúc Khoát, con của Nguyễn Phúc Luân) đã đánh thắng được Tây Sơn, thống nhất toàn cõi lãnh thổ, lên ngôi Vua vào năm 1802, hiệu là Gia Long, lập ra triều đại nhà Nguyễn.

Các đời vua Gia Long và Minh Mạng, Việt Nam ngày càng hùng mạnh khiến Ai Lao (tức Lào ngày nay) phải thần phục, xin được đặt dưới sự bảo hộ và sáp nhập vào lãnh thổ Việt Nam.

Chân dung Minh Mạng theo minh họa trong sách của John Crawfurd. (Tranh: Cornell Library, Wikipedia, Public Domain)

Nhà Nguyễn cũng đưa quân sang Cao Miên đánh bại quân Xiêm la, khiến Cao Miên mong được bảo hộ, đồng thời sáp nhập hầu hết các vùng đất Cao Miên vào lãnh thổ Việt Nam.

Đến năm 1835 thời vua Minh Mạng, với các vùng đất từ Ai Lao và Cao Miên sáp nhập vào, lãnh thổ Việt Nam đạt đến cực điểm, rộng 575.000 km2 tức gấp hơn 1,7 lần so với Việt Nam bây giờ (diện tích Việt Nam hiện là 331.698 km2, theo cổng thông tin điện tử chính phủ năm 2009).

Bản đồ Việt Nam năm 1835 sau khi sáp nhập các vùng đất của Lào và Campuchia (Tranh: Luanpt.arc@gmail.com)

(Hết)

Trần Hưng

Xem thêm:

Mời xem video: Đạo trị quốc của cổ nhân: Thuận theo tự nhiên

Trần Hưng

Published by
Trần Hưng

Recent Posts

Ông Trump bán cây đàn guitar có chữ ký với giá hơn 10.000 USD

Có hơn 1.000 cây guitar acoustic và guitar điện không có chữ ký của ông…

17 phút ago

Bệnh tiểu đường gây tổn thương võng mạc như thế nào?

Bệnh tiểu đường có thể gây ra rất nhiều tác hại đối với cơ thể,…

36 phút ago

Hungary sẽ triển khai hệ thống phòng không gần biên giới của Ukraine

Trước tình hình căng thẳng, Hungary đang lên kế hoạch triển khai hệ thống phòng…

2 giờ ago

Quân đội Mỹ sẵn sàng sử dụng vũ khí hạt nhân nếu cần

Chuẩn Đô đốc Thomas Buchanan tuyên bố rằng Mỹ sẵn sàng sử dụng vũ khí…

2 giờ ago

Nga bắn tên lửa tầm trung, không phải ICBM — Tổng thống Putin

Putin: Nếu Mỹ muốn chiến thì Nga cũng phải theo, và tên lửa bắn vào…

3 giờ ago

Một ứng viên xin rút công nhận chức danh phó giáo sư năm 2024

HĐGSNN vừa công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh giáo sư, phó giáo sư năm…

9 giờ ago