Người xưa nói: “Nhà nghèo sinh con hiếu, nước nguy xuất trung thần”, vào thời một triều đại suy vi sẽ có nhiều nhân vật trung nghĩa nổi lên, làm tấm gương cho đời sau. Chuyện anh em Lê Hiến Phủ và Lê Hiến Tứ thời mạt Trần cũng là như vậy.
Tô Hiến Thành là vị quan đại thần phụ chính qua hai triều vua Lý Anh Tông và Lý Cao Tông. Ông nổi tiếng công minh chính trực, được ban tước Vương dù không phải là tôn thất nhà Lý.
Theo thần tích đền Thượng Lao và đền Xối Thượng ở Nam Thanh, Nam Trực, Nam Định thì vào thời nhà Trần, hậu duệ của Tô Hiến Thành là Tô Hiến Chương làm quan ở Gia Viễn, Ninh Bình. Vì sợ bị mưu sát nên Tô Hiến Chương đổi tên thành Lê Hiến Thái, dời đến trang Thượng Lao, huyện Tây Chân, phủ Thiên Trường. Tại đây ông lấy người con gái cùng Trang là Lê Thị Nga.
Hai vợ chồng nhân hậu, tính tình hiền lành hay cứu giúp người gặp khó, lại truyền lại cho dân chúng nghề dệt, nên dân quanh vùng ai cũng quý mến cảm phục.
Vì mãi vẫn chưa sinh được con, lại nghe nói ở động Hương Tích có chùa thờ Nam Hải Quan Âm Bồ Tát rất linh ứng, hai vợ chồng bèn mang lễ vật đến cầu tự. Từ đó bà Lê Thị Nga có mang, sinh được hai người con trai, gọi Đại Đồng và Tiểu Đồng.
Đến tuổi đi học, hai vợ chồng đặt tên cho con là Lê Hiến Phủ và Lê Hiến Tứ, rồi cho đến học với thầy là tiến sĩ Đào Toàn Bân người làng Cổ Lễ, huyện Nam Chân, phủ Thiên Trường, nay là thị trấn Cổ Lễ, Trực Ninh, Nam Định. Hai anh em vốn thông minh lại siêng học, gặp được thầy hay nên học hành ngày càng tấn tới.
Năm 1374, Triều đình tổ chức khoa thi, cả hai anh em cùng đăng ký. Do Lê Hiến Phủ có tên trùng với Thượng Hoàng Trần Nghệ Tông (tên thật là Trần Phủ) nên phải đổi tên thành Lê Hiến Giản.
Khoa thi này con của thầy Đào Toàn Bân là Đào Sư Tích đỗ đầu tức Trạng nguyên, đỗ cao thứ hai chính là Lê Hiến Giản, còn người em Lế Hiến Tứ cũng đỗ tiến sĩ. Cả hai anh em thi đỗ đại khoa cùng lúc khiến cả làng và gia đình đều vui sướng tự hào.
Tại đền Thượng Lao đến nay còn đôi câu đối ca ngợi:
Nhất môn khoa hoạn song đăng bảng,
Vạn cổ cương thường biệt lập căn.
Nghĩa là:
Một nhà khoa bảng hai người đỗ,
Muôn thuở cương thường một nếp riêng.
Sau khi thi đỗ, Lê Hiến Giản được Triều đình bổ nhiệm làm trấn thủ phủ Thiên Trường. Ông có công mở mang vùng đất Giao Thủy, Xuân Trường. Sau đó ông được về Kinh thành làm Ngự sử Trung Đại phu.
Còn người em Lê Hiến Tứ được giao trấn thủ vùng biên giới Cao Bằng, có công đánh dẹp giặc ở đây, giúp dân chúng ổn định cuộc sống. Sau đó Lê Hiến Tứ lại xuống nam đánh thắng giặc Chiêm Thành, được Vua phong làm Trấn nam Tướng quân và làm quan đến chức Hạ đại phu.
Dù làm quan to nhưng cả hai anh em đều nhớ quê nhà, xây dựng công trình tại quê nhà, giúp dân đắp đường chia ruộng, đào ngòi dẫn nước vào tưới ruộng, dân đỡ năng nhọc tưới tiêu.
Đồng thời hai anh em cũng cho đào ngòi lớn dẫn nước quanh làng, thông với sông Đào, sông Hồng để tưới tiêu cho cánh đồng các xã: Thượng Lao, Xối Thượng, Xối Tây, Xối Trì nay là 4 thôn của xã Nam Thanh. Từ đây thuyền bè đi lại thông ra sông Hồng được dễ dàng.
Lúc này ở trong Triều, Thượng Hoàng Nghệ Tông rất tin tưởng Hồ Quý Ly, phong cho làm Đồng bình chương sự (tương đương Tể tướng) nắm hết quyền hành. Hồ Quý Ly từng bước tính kế cướp ngôi, muốn biết đám sĩ phu và quan lại có ai chống đối mình để diệt, nên tâu với Thượng Hoàng Nghệ Tông xuống chiếu “cầu lời nói thẳng”.
Dù biết nói thật sẽ bị hại, nhưng Bảng nhãn Lê Hiến Giản cùng các kẻ sĩ và quan lại không sợ cường quyền đã dâng bản tấu nói lên lòng mình, nêu rõ tâm địa của Hồ Quý Ly với mong muốn cảnh tỉnh Thượng Hoàng Nghệ Tông. Tuy nhiên Nghệ Tông lại đưa các bản tấu này giao cho Hồ Quý Ly xem xét, nhờ đó mà Hồ Quý Ly nắm rõ những ai chống đối mình để tìm cách thuyên chuyển đi xa, dọn đường cho việc cướp ngôi sau này.
Trạng nguyên Đào Sư Tích và Thám hoa Trần Đình Thám đều bị cách chức và thuyên chuyển. Hàng trăm người khác cũng bị thuyên chuyển đi.
Sau sự việc này, Bảng nhãn Lê Hiến Giản luôn đối mặt, thậm chí phê phán trước mặt Hồ Quý Ly mà không hề sợ hãi. Lê Hiến Giản thậm chí còn ngâm thơ rằng:
Ngã tâm phỉ tịch,
Bất khả quyển dã.
Ngã lâm phỉ thạch,
Bất khả chuyển dã.
Nghĩa là:
Lòng ta chẳng phải chiếc chiếu,
Không thể cuốn tròn được.
Lòng ta chẳng phải hòn đá,
Không thể chuyển vần được.
Năm 1394, Thượng Hoàng Nghệ Tông mất, vua Thuận Tông chỉ là bù nhìn, mọi việc đều do Hồ Quý Ly quyết định. Hồ Quý Ly ép vua Thuận Tông dời đô từ Thăng Long về Tây Đô ở Thanh Hóa để cướp ngôi. Những ai biết chuyện khuyên Vua đừng dời đô đều bị giết chết.
Năm 1398, Hồ Quý Ly ép vua Thuận Tông truyền ngôi cho Thái tử An mới 2 tuổi, còn Vua lên làm Thượng Hoàng, rồi ép vào quán Ngọc Thanh, thôn Đạm Thủy để tu Đạo, cho người giám sát chặt chẽ.
Trước sự ngang ngược của Hồ Quý Ly, các tôn thất nhà Trần cùng quân đội lên kế hoạch diệt trừ. Người đứng đầu là Trần Khát Chân cùng Thượng Trụ quốc Trần Nhật Đôn, Thượng thư Hà Đức Lân. Đại phu Lê Hiến Giản cũng tham gia sự việc này.
Nhưng việc bất thành, gần 400 tướng lĩnh nhà Trần cùng những người liên quan đều bị hành hình. Lê Hiến Giản cũng tham gia vào việc mưu sát Hồ Quý Ly nên cùng bị hành hành.
Trước khi bị hành hình, ông đọc bài “cảm khái” để nói lên lòng mình:
Thốn nhẫn trừ tàn thiên địa bạch,
Thất tâm báo quốc quỷ thần tri.
Nghĩa là:
Tấc kiếm trừ gian trời đất biết,
Tấm lòng báo quốc quỷ thần hay.
Hồ Quý Ly lệnh lùng bắt bằng được cả người thân của những phạm nhân trong vụ án này. Lê Hiến Tứ lên thuyền chạy đến núi Thần Thiệu (nay thuộc huyện Gia Viễn, Ninh Bình). Tuy nhiên ông bị truy tìm gắt gao. Một năm sau, đúng vào ngày mất của anh, ông gieo mình xuống sông tuẫn tiết.
Thương tiếc hai anh em, người thời đó có câu rằng:
Phù chính đân tâm nguyên bất tử,
Tận trung hùng khí lẫm như sinh.
Nghĩa là:
Phù chính nghĩa lòng son lẫm liệt không bao giờ mất,
Hết lòng trung khí mạnh mãi mãi vẫn như còn.
Các đời sau này tôn hai em em như bậc Thánh. Giản Định Đế thời Hậu Trần phong cho hai ông là “Nhất tự tịnh kiện vương”.
Năm 1426, Lê Lợi tiến quân ra bắc, khi đi qua Thượng Lao được hai ông báo mộng. Năm 1428, sau khi đánh đuổi quân Minh và lên ngôi, Lê Lợi phong cho hai ông là “Thượng đẳng phúc thần” và cho lập đền thờ làm Thành hoàng.
Khi Mạc Đăng Dung cướp ngôi nhà Lê, Thái tử Duy Ninh cùng Thái úy Nguyễn Kim đem quân đóng ở trước đền thờ hai ông. Đêm Thái tử nằm mộng thấy Thần dâng mũ ngọc xin giúp việc quân, về sau quả ứng nghiệm. Bởi vậy khi Thái tử Duy Ninh lên ngôi Vua đã phong cho Lê Hiến Giản 4 chữ: “Quan phục linh ứng”.
Trần Hưng
Xem thêm:
Mời xem video:
HĐGSNN vừa công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh giáo sư, phó giáo sư năm…
Ông Vương Đình Huệ có sai phạm trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; vi…
Ông Musk và ông Ramaswamy đã cùng chấp bút một bài xã luận đăng trên…
Quân đội Ukraine thông báo trong sáng Thứ Năm Nga đã tiến hành không kích…
Hai nước Việt Nam-Malaysia vừa nâng cấp quan hệ lên Đối tác Chiến lược toàn diện,…
UBND TP.HCM vừa đề xuất dùng ngân sách địa phương để xử lý nợ quá…