Đào Toàn Bân: Thầy dạy của “tam khôi” khoa thi 1374
- Trần Hưng
- •
Khoa thi năm 1374, cả Kinh thành Thăng Long chấn động bởi “tam khôi” (Trạng nguyên, Bảng nhãn, Thám hoa) đều thuộc về học trò của Đào Toàn Bân ở làng Song Khê thuộc Bắc Giang, nơi vào thời điểm ấy chưa hề có tiếng tăm về khoa bảng.
Đỗ đạt sớm nhưng lại chọn mở trường dạy học
Theo gia phả họ Đào ở làng Song Khê thì Đào Toàn Bân sinh năm 1308, thuở nhỏ đã nổi tiếng thông minh, sách vở đọc 1 lần là nhớ. Năm 16 tuổi, ông thi Hương và đỗ đầu, người dân làng Song Khê nô nức chào đón người đầu tiên đỗ đạt, trở thành tấm gương cho các thế hệ sau này.
Tuy đỗ đạt sớm nhưng Đào Toàn Bân không thi tiếp mà mở trường dạy học. Ông nói với học trò rằng bể học mênh mông trong khi đời người có hạn, nên tận dụng thời gian để học tập. Nhiều người thấy ông dạy học chẳng khá giả gì nên khuyên ông ra làm quan, nhưng ông từ chối mà vẫn theo đuổi nghề dạy học.
Thời gian trôi đi, Đào Toàn Bân tuổi cũng ngày càng lớn. Đến khoa thi năm 1352 thời vua Trần Dụ Tông, vợ ông khuyên nhủ ông nên đi thi một phen, e là sau này không còn cơ hội, vì năm ấy ông cũng đã 44 tuổi rồi. Nghe lời vợ, ông đăng ký dự thi và đỗ Tiến sĩ đệ nhị giáp.
Sau khi đỗ đạt, ông làm quan ở phủ Thiên Trường (thị trấn Cổ Lễ, huyện Trực Ninh, tỉnh Nam Định ngày nay). Ông đưa gia đình đến đây, cùng dân chúng khai hoang lập làng mới.
Cả Trạng nguyên, Bảng nhãn, Thám hoa đều là học trò
Đào Toàn Bân được thăng lên làm Lễ Bộ thượng thư, Tham tri thẩm hình viện sự. Dù làm quan to, ông vẫn giành thời gian dạy học. Thời đấy trường học còn ít, thầy giáo cũng hiếm, nên nhiều người đỗ đạt vẫn tham gia dạy học. Đào Toàn bân dạy học ở nhà, trong số các học trò có cả con trai ông là Đào Sư Tích.
Năm 1374, Triều đình mở khoa thi, cả Kinh thành chấn động vì 3 ngôi đầu là Trạng nguyên, Bảng nhãn Thám hoa đều lọt vào tay học trò của Đào Toàn Bân.
Trạng nguyên thuộc về con trai ông là Đào Sư Tích, Bảng nhãn là Lê Hiến Phủ, Thám hoa là Trần Đình Thám. Còn một học trò khác của ông cũng đỗ tiến sĩ.
Sự kiện này được “Đại Việt Sử ký Toàn thư” ghi chép như sau:
“Giáp Dần, [Long Khánh] năm thứ 2 [1347], (Minh Hồng Vũ năm thứ 7). Mùa xuân, tháng 2, thượng hoàng về ở cung Trùng Hoa, phủ Thiên Trường. [Tổ chức] thi đinh cho các tiến sĩ. Ban cho Đào Sư Tích đỗ Trạng nguyên, Lê Hiến Phủ đỗ Bảng nhãn, Trần Đình Thám đỗ Thám hoa, bọn La Tu đỗ Hoàng giáp cập đệ và đồng cập đệ. Tất cả đều được ban yến và áo xếp, cho quan chức theo thứ bậc khác nhau. Dẫn ba vị đỗ đầu đi chơi phố 3 ngày”.
Nhà Vua khen ngợi tặng hai cha con ông bức trướng có đề 5 chữ: “Phụ tử đồng đăng khoa”, tức hai cha con cùng thi đỗ.
Đào Toàn Bân cũng được Thượng hoàng nhà Trần rất tin tưởng. Nhà Trần có lệ khi Thái tử trưởng thành thì Vua nhường ngôi cho con rồi lên làm Thượng hoàng, lui về ở Thiên Trường. Đào Toàn Bân làm quan tại Thiên Trường, được cho phép xây dựng Hành cung của mình ở kế Cung Thiên Trường, lại được phong cho Thái ấp làm bổng lộc ở Cổ Lễ (Nam Định).
Tưởng nhớ
Năm 1384, Đào Toàn Bân mất thọ 76 tuổi, được an táng ở làng Song Khê. Mộ của ông giữ được nguyên vẹn như vị trí an táng lúc ban đầu. Đền thờ ông vẫn bảo lưu nhiều tài liệu quý giá trong đó có cả gia phả của dòng họ.
Thầy giáo nổi tiếng Chu Văn An từng bày tỏ sự thán phục tài năng và công lao dạy dỗ của Đào Toàn Bân và tặng ông 4 chữ: “Đại sư vô nhị”.
Hiện nay ở Cổ Lễ vẫn tôn thờ Đào Toàn Bân làm thành hoàng vì có công khai khẩn đất hoang lập nên địa phương này.
Hàng năm tại làng Song Khê, vào ngày giỗ tiến sĩ Đào Toàn Bân 10/10 âm lịch, và ngày giỗ Trạng nguyên Đào Sư Tích 4/9 âm lịch đều có các nghi lễ tưởng nhớ đến hai cha con họ Đào. Năm 2021, mộ và đền thờ Đào Toàn Bân được công nhận là di tích lịch sử quốc gia.
Trần Hưng
Xem thêm:
- Ra ngõ gặp phụ nữ vẫn đậu Trạng nguyên, trở thành sứ thần lỗi lạc
- Trần Ích Phát: Người thầy của 3 Trạng nguyên, 74 tiến sĩ
Mời xem video:
Từ khóa Giáo dục thầy giáo Trạng nguyên khoa bảng