Chuyện con vịt và triết lý về tình yêu thương

Nhân đọc chuyện mình kể về mấy con vịt, anh bạn kể:

“Để anh kể cho nghe chuyện hồi xưa anh nuôi vịt. Hồi đó anh đi bộ đội, đánh trận ở Campuchia. Lính mà, rong ruổi nay đây mai đó toàn trong rừng. Lần đó qua phum, anh được mấy người dân cho một con vịt con vì họ thấy anh thích chúng nó quá. Nó dễ thương, anh muốn nuôi nhưng cứ đi hoài thì làm sao nuôi được. Anh bèn nghĩ ra một cách. Anh chặt ống lồ ô to, chẻ ra, cho con vịt vô trong rồi dùng dây thép cột lại. Khoét lỗ nhỏ cho không khí ra vô và lỗ cho con vịt chui cái đầu ra để ăn. Khi anh đi đâu chỉ cần xách cái khúc lồ ô lên là đi thôi. Lúc đó anh nghĩ sao mà mình thông minh quá trời.

Rồi đó, ngày nào anh cũng cho nó ăn cơm ăn thứ này thứ kia, đem nó ra suối rửa cho nó chứ không tháo ống cho nó ra vì lười. Anh vui vì thỉnh thoảng nó lú đầu ra kêu cáp cáp như làm bạn với mình. Cuộc sống như có một chút khác lạ, một cái gì đó mới và đáng yêu hơn là chỉ toàn căng thẳng và bắn giết.

Anh nuôi cũng lâu lâu, đâu hai tháng gì đó không nhớ, tới lúc nó chỉ thò được cái mỏ ra thì anh mới nghĩ đến chuyện tháo dây buộc ống chẻ cho nó ra ngoài. Nó dài thòng theo cái ống. Chân và cánh nó nhỏ chút xíu. Mình nó trơ trọi có vài cọng lông thôi. Để trên mặt đất nó không đi được vì chân quá nhỏ, quá yếu. Nó nằm một chỗ, dài ngoằng, ngộ nghĩnh và kì dị. Cả bọn phá lên cười. Anh cũng cười. Rồi sau cái cười đó, anh thấy mình ác quá. Thấy mình tàn nhẫn dễ sợ. Sự thông minh của mình thật ra là sự ngu ngốc. Suốt đời, anh không dám làm điều gì tương tự như vậy nữa…”

Câu chuyện của anh bạn làm mình nghĩ đến cuộc sống. Chúng ta vẫn thường vì yêu thương một người một vật gì đó quá thể nên ta thường dùng mọi cách có thể để được sở hữu, bất chấp điều kiện và khả năng của mình cũng như cảm xúc của người, vật mà ta yêu thích. Ta nhân danh tình yêu thương để sắp đặt, đặt để, cưỡng ép người, vật khác phải theo ý mình, thuộc về mình.

Trong quan hệ giữa người với người, tôi thấy, hầu hết trong chúng ta, khi yêu thương ai đó, đều luôn muốn sở hữu. Và vì muốn sở hữu nên ta thường nhân danh tình yêu thương để biến đổi người khác với mục đích làm cho họ phải lệ thuộc, hoặc phải phục tùng sự sắp đặt của mình và cho rằng đó là vì mình muốn điều tốt đẹp cho người mà mình yêu thương.

Ít khi nào chúng ta quan tâm đến cảm xúc của người mà mình yêu thương để biết họ có muốn điều ta làm cho họ hay không, có vui vẻ đón nhận nó hay không. Khi người đó phản ứng lại sự sắp đặt của ta, ta cũng ít khi nhìn lại chính mình để học cách yêu thương đúng nghĩa, mà ta thường phản ứng ngược, ta trách móc người đó không cảm nhận được tấm lòng tốt đẹp của ta trong việc ta sắp đặt cho họ, và rằng ta đã cố gắng rất nhiều để có thể đem lại điều tốt đẹp cho họ mà họ lại không trân trọng. Thật ra ta có yêu người đó không? Đó có phải là tình yêu? Cho dù nhân danh, cho dù lầm tưởng, đó chỉ là sự ham muốn sở hữu như ham muốn một món đồ, không phải tình yêu. Tình yêu nếu có, thì chỉ là yêu chính bản thân mình.

Tại sao lại bảo là yêu chính bản thân trong khi ta nghĩ ta đang làm nhiều điều vì người ta yêu chứ có vì chính ta đâu? Ngẫm mà xem, mọi sự ta làm ta sắp đặt đều nhân danh vì người khác nhưng thực chất chỉ vì cảm xúc của chính mình. Ta muốn thoả mãn cảm xúc được người đó mang ơn, được người đó yêu thương vì những điều ta sắp đặt cho họ, ta muốn thoả mãn niềm vui thú của chính ta và tự thấy hạnh phúc vì ta sắp đặt được người khác theo ý mình. Chúng ta biến đổi mọi thứ, làm méo mó mọi thứ kể cả tình yêu thương.

Ít người trong chúng ta yêu thương mà không có tính sở hữu. Chúng ta ít khi yêu thương một người một vật như nó vốn là và để cho người, vật đó được sống, phát triển theo sự lựa chọn của họ, theo tự nhiên. Tình yêu thương, về cơ bản, thật tự nhiên và bản năng, nhưng trong một xã hội mà các giá trị bị đảo lộn thì những gì thuộc về bản năng, thuộc về tự nhiên luôn bị kềm hãm, kềm cặp và khốn thay nó luôn nhân danh những điều tốt đẹp nhất.

May mắn thay cho những người nhận ra chính mình và nhận ra đâu là yêu thương thực sự, đâu là nhân danh.

Theo facebook Nguyễn Thị Bích Ngà
Đăng có chỉnh sửa dưới sự cho phép của tác giả

  • Xem thêm cùng tác giả loạt bài “Nền tảng giáo dục gia đình” tại đây.
  • Xem thêm cùng tác giả loạt bài “Thói xấu người Việt” tại đây.
  • Xem thêm cùng tác giả loạt bài “Những tổn thương vô tình gây cho con” tại đây

Xem thêm cùng tác giả:

Mời xem video:

Nguyễn Thị Bích Ngà

Published by
Nguyễn Thị Bích Ngà

Recent Posts

Đại học Wollongong (Úc) bác thông tin không nhận hồ sơ học sinh 5 tỉnh, thành Việt Nam

Liên quan việc trường Đại học Wollongong (Úc) không nhận hồ sơ từ 5 tỉnh,…

2 giờ ago

Bão Trami sắp vào biển Đông, gây đợt mưa rất lớn dọc miền Trung

Bão Trami (bão số 6) sẽ vào biển Đông trong tuần này, có khả năng…

2 giờ ago

Nga phản ứng về việc ông Trump nói ông đã từng đe dọa tấn công Moskva

Ông Peskov lưu ý rằng “hiện tại có rất nhiều tuyên bố gay gắt, rất…

3 giờ ago

Bộ GD&ĐT yêu cầu thu hồi bằng cấp của ông Vương Tấn Việt

Ông Vương Tấn Việt  (Thích Chân Quang, Trụ trì Thiền tôn Phật Quang) bị thu…

3 giờ ago

Tiêm kích Nhật Bản xuất kích chặn máy bay trinh sát H-6, Y-9 của Trung Quốc

ĐCSTQ điều động một máy bay ném bom và máy bay trinh sát bay qua…

4 giờ ago

Năm chủ điểm thách thức lớn nhất đe dọa liêm chính bầu cử Hoa Kỳ 2024

Hoa Kỳ đang gặp phải rất nhiều thách nghiêm trọng liên quan đến tính liêm…

4 giờ ago