(Tranh: Họa sĩ Cừu Anh thời Minh, Public Domain)
Vào thời hiện đại, việc chung sống hai thế hệ là cha mẹ và con cái là điều khá phổ biến. Ngày càng có ít gia đình có sự chung sống của ba thế hệ, chưa nói đến nhiều hơn. Tuy nhiên vào thời cổ đại, nhiều thế hệ người có cùng họ hoặc cùng huyết thống thường sống chung ở một nơi, chăm sóc lẫn nhau và nương tựa vào nhau, ba bốn thế hệ sống chung dưới một khuôn viên. Trường hợp hiếm có hơn, có những dòng họ gồm sáu, bảy thế hệ sinh sống cùng nhau trong một khu vực lớn. Liệu hàng trăm hay hàng ngàn người có thể thực sự chung sống hòa thuận với nhau như vậy hay không?
Trong “Ký viên ký sở ký” và “Lịch sử thượng mân thai gia đình dữ gia tộc giao vãng” có ghi chép về gia đình dòng họ Trịnh thời nhà Minh, được mệnh danh là “Thiên hạ đệ nhất gia”.
Vào thời ghi chép, đứng đầu họ Trịnh là Trịnh Liêm, tên tự là Trọng Đức, biệt hiệu là Thải Linh Tử, người Phố Giang. Bấy giờ họ Trịnh đã có khoảng 1000 người sống chung với nhau suốt 7 đời, kéo dài suốt 200 năm mà luôn hòa thuận, cũng không có một nhà nào từng muốn tách ra ở riêng. Dòng họ Trịnh được xưng là “Nghĩa môn” bởi vì họ sống rất hiếu đễ và nhân nghĩa. Tri phủ địa phương vì để khuyến khích mọi người học tập sự hòa thuận của dòng họ Trịnh nên đã tặng cho họ hoành phi “Thiên hạ đệ nhất gia”.
Sau khi Minh Thái Tổ lên ngôi, ông đã rất tò mò về “thiên hạ đệ nhất gia”. Hoàng đế liền hạ chỉ cho mời Trịnh Liêm đến kinh thành tiếp kiến, hỏi: “Tại sao lại gọi là Thiên hạ đệ nhất gia?”
Trịnh Liêm đáp: “Gia đình thần đã chung sống với nhau tám chín thế hệ. Tri phủ địa phương cho rằng gia đình họ Trịnh có thể khích lệ phong tục địa phương, nên đã ban tặng tấm biển ‘Thiên hạ đệ nhất gia’. Thần sợ rằng không xứng với tấm biển ấy.”
Minh Thái Tổ lại hỏi: “Trong nhà khanh có bao nhiêu người sinh sống cùng nhau?” Trịnh Liêm đáp rằng, gia đình ông có trên 1000 người sinh sống cùng nhau.
Minh Thái Tổ cảm khái nói: “Trên một ngàn người cùng chung sống, thật hiếm có. Quả là thiên hạ đệ nhất gia!”
Đúng lúc ấy, những quả lê thơm mà Hà Nam dâng lên Hoàng đế được đưa đến cung. Minh Thái Tổ đã ban tặng cho Trịnh Liêm hai quả rồi cho Trịnh Liêm về. Hoàng đế còn cử cẩm y vệ đi theo để xem ông chia hai quả lê này cho một nghìn người trong nhà như thế nào.
Sau khi Trịnh Liêm trở về nhà, ông không hề lo lắng việc phân chia lê mà triệu tập tất cả mọi người đến đình viện. Ông cho toàn thể người trong nhà hướng về phía kinh thành dập đầu bái tạ ơn Hoàng đế. Sau đó ông sai người mang hai lu nước lớn đến, mỗi bên nghiền vụn một quả lê, để nước lê chảy vào lu nước, quấy đều lên rồi bảo mọi người chia nhau uống.
Hoàng đế sau khi biết chuyện đã vô cùng cao hứng, đồng thời cũng hiểu được lý do vì sao gia đình họ Trịnh lại bình yên và hạnh phúc như vậy. Hoàng đế đã đích thân viết ba chữ lớn “Hiếu nghĩa gia”, đóng ngọc tỷ lên đó để ban tặng gia đình họ Trịnh. Hoàng đế cũng muốn bổ nhiệm Trịnh Liêm làm quan, nhưng Trịnh Liêm từ chối vì tuổi đã cao.
Về sau, có người đã vu cáo nhà họ Trịnh thông đồng với phản nghịch. Khi quan lại đến bắt người, lạ thay, sáu anh em đứng đầu họ Trịnh tranh nhau đi chịu tội. Minh Thái Tổ sau khi biết chuyện đã nói: “Người hiếu nghĩa như vậy, sao có thể theo người khác phản nghịch được?” Sau đó, Hoàng đế đã cho điều tra rõ và trừng phạt người vu cáo họ Trịnh, đồng thời bổ nhiệm các thế hệ sau của nhà họ Trịnh vào các chức vụ quan trọng của triều đình.
Sau khi Minh Thái Tổ qua đời, Minh Huệ Đế lên ngôi đã lấy ba chữ “Hiếu nghĩa gia” đặt tên cho gia đình họ Trịnh. Anh em Trịnh Liêm đã cùng nhau biên soạn ba cuốn “gia phạm” nổi tiếng và có tầm ảnh hưởng lớn. Nội dung cuốn sách bao gồm các nguyên tắc sống trong gia đình nhiều thế hệ dựa trên đạo đức Nho gia, chẳng hạn như “hòa hợp là quan trọng nhất”, “cho đi và chia sẻ”, “đừng làm với người khác những gì mình không muốn người khác làm với mình”…
Gia đình truyền thống xưa nay đều đặc biệt coi trọng và tôn sùng hiếu nghĩa, giáo dục mọi người không ích kỷ, biết tôn trọng và hiếu thảo với người lớn tuổi, chăm sóc và yêu thương thế hệ trẻ, khoan dung và khiêm tốn với người cùng trang lứa. Những gia đình có truyền thống đạo đức như vậy nhất định sẽ luôn luôn hòa thuận, đầm ấm.
Theo Epoch Times tiếng Trung
Tác giả: Chu Hiểu Huy
An Hòa biên tập
Xem thêm:
Mời xem video:
Bộ trưởng Quốc phòng Hegseth gửi thông điệp tới Houthi và Iran: ‘Các vị biết…
Hôm thứ Tư (30/4), các đám cháy rừng lớn bùng phát gần thành phố Jerusalem…
Hôm thứ Tư (30/4), các nhà lập pháp Hàn Quốc trích dẫn nguồn tin từ…
Nhiễm virus hợp bào hô hấp là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây…
TP.HCM sẽ không trình diễn 10.500 drone vào tối ngày 1/5, sau khi màn trình…
Trong khi nhiều người lớn tuổi vẫn tin rằng “uống một ít rượu mỗi ngày…