“Minh chí” là chí hướng rõ ràng, đúng đắn. Cổ nhân rất coi trọng việc xác lập chí hướng nhân sinh, Gia Cát Lượng nói rằng “chí đương tồn cao viễn” (chí hướng nên đặt ở cao và xa), chỉ có chí hướng rộng lớn, cao xa mới có thể khắc phục được những khó khăn trước mắt và những điểm yếu của bản thân để tiến đến những mục tiêu đã định trước.
Người xưa thường thể hiện chí hướng của mình bằng cách trèo lên cao để nhìn xa, “Khổng Tử lên đỉnh núi Đông Sơn nhìn thấy nước Lỗ nhỏ bé, lên đỉnh núi Thái Sơn nhìn thấy thiên hạ nhỏ bé”. Chỉ khi đứng trên cao người ta mới nhìn được xa, lòng ôm chí lớn, không tính đếm những thành bại được mất nhất thời, cuối cùng thực hiện được chí hướng to lớn.
Khổng Tử nói: “Nếu đã lập chí hướng ở lòng nhân, thì sẽ không làm việc ác nữa”. Người đã dưỡng thành tấm lòng nhân đức thì sẽ không làm việc xấu nữa, tức là sẽ không làm loạn, không làm việc ác, cũng sẽ không kiêu ngạo, xa hoa, dâm dật hay tùy ý phóng túng theo dục vọng; mà là có thể làm những việc thiện có lợi cho mình, cho người và cho thiên hạ.
Khổng Tử còn nói: “Sỹ chí vu đạo, nhi sỉ ác y ác thực giả, vị túc dữ nghị dã” (Luận ngữ – Lý nhân), đại ý là người lập chí về đạo nhân nghĩa, nhưng lại xấu hổ vì ăn đói mặc rách, thì không xứng đáng để đàm luận cùng. Cổ nhân có câu “an bần lạc đạo”. Khổng Tử đã từng nói những câu như “quân tử mưu đạo bất mưu thực” (người quân tử cầu đạo chứ không cầu ăn), “quân tử ưu đạo bất ưu bần” (người quân tử lo nghĩ về đạo, chứ không lo nghĩ về chuyện bần hàn). Nhan Uyên là môn sinh mà Khổng Tử đắc ý nhất, ông là người an bần hiếu học, Khổng Tử thường khen ông rằng ăn cơm bằng giỏ, uống nước bằng gáo, sống trong ngôi nhà xiêu vẹo sơ sài, nhưng lại có thể giữ được niềm vui cầu đạo không bao giờ thay đổi.
Trong “Luận Ngữ – Thái Bá” có viết rằng: “Sỹ bất khả dĩ bất hoằng nghị, nhiệm trọng nhi đạo viễn”, kẻ sĩ không thể không cứng cỏi kiên trì, bởi họ có trách nhiệm lớn lao và con đường đi rất dài.
Câu nói này là xuất phát từ Tăng Sâm, đệ tử của Khổng Tử. Về việc này, ông giải thích rằng: Xem việc thực hiện nhân đức với thiên hạ là trách nhiệm của bản thân, trách nhiệm này chẳng phải rất trọng đại hay sao? Cần nỗ lực đến lúc chết mới dừng lại, con đường này chẳng phải rất lâu dài hay sao?
Trong số các đệ tử của Khổng Tử, thì Tăng Sâm luôn được nhận định là một người tính tình ôn hòa, nhưng câu nói này của ông lại rất có khí phách, thể hiện sự tự tin đối với đạo đức và không ngừng theo đuổi lý tưởng nhân cách của ông.
Gia Cát Lượng cho rằng một người nên lập chí hướng cao thượng, lớn lao, sâu xa. Ông còn nói rằng: “Phi đạm bạc vô dĩ minh chí, phi ninh tĩnh vô dĩ trí viễn” (Giới tử thư), nghĩa là nếu không làm được việc kiềm chế dục vọng thì không thể xác lập được chí hướng rõ ràng đúng đắn, nếu không đạt được tĩnh lặng thì không thể suy nghĩ được sâu xa. Đây là lời giáo huấn ân cần của Gia Cát Lượng dành cho con trai mình, cũng là một danh ngôn của ông về việc tu thân dưỡng đức.
Một người mà bị lợi ích, dục vọng làm mê muội tâm can thì không thể có chí hướng rộng lớn, cao xa được. Một người mà tính tình xốc nổi, thì rất khó có được nhận thức đúng đắn. Chỉ có không màng danh lợi mới có thể lập nên chí hướng rộng lớn, tâm thái bình hòa mới có thể suy nghĩ sâu xa. Lý tưởng cao thượng tất nhiên cần phải thoát ly khỏi tham dục của thế tục, tư duy thấu triệt cũng thường bắt nguồn từ cảnh giới tâm hồn tĩnh lặng. Nhân cách cao thượng, cần sự bồi đắp của tâm tình ý chí cao thượng, cần phải không ngừng theo đuổi và thăng hoa trong sự thanh bạch và tĩnh lặng.
“Hậu Hán thư – Cảnh Yểm liệt truyện” có câu rằng: “Hữu chí giả sự cảnh thành”, người có chí thì sẽ thành công. Nhưng không có nghĩa là sau khi đã xác lập chí hướng to lớn thì có thể ngồi chờ thành công đến. Giữa lập chí và thành công, còn cần phải kiên trì nỗ lực không ngừng nghỉ. Nếu như không có sự phó xuất thực sự, thì chí hướng to lớn đến đâu cũng chỉ là lâu đài đình các trên không trung.
Nhà văn Tô Thức thời nhà Tống nói rằng: “Người lập nên đại sự thời xưa, không chỉ là nhờ vào tài năng phi thường, mà còn cần có ý chí kiên định không lay chuyển” (Trào Thố luận), muốn thành tựu đại sự, thì cả tài năng và nghị lực đều không thể thiếu.
Người xưa đã có rất nhiều tục ngữ khích lệ con người ta lập chí từ nhỏ, như “hữu chí bất tại niên cao, vô chí không trưởng bách tuế” (có chí không phải ở tuổi tác lớn, không có chí thì trăm tuổi cũng vẫn trắng tay); “trượng phu lập chí, cùng đương ích kiên, lão đương ích kiện” (bậc trượng phu lập chí, nghèo khó thì càng thêm kiên cường, tuổi cao thì càng thêm hùng tráng). Vì vậy, việc xây dựng chí hướng rộng lớn, cao xa, phù hợp với đạo nghĩa là rất quan trọng đối với một đời người.
Theo loạt bài “Tinh giải Luận ngữ“
Đăng trên ChanhKien.org
Xem thêm:
Mời xem video:
Putin: Nếu Mỹ muốn chiến thì Nga cũng phải theo, và tên lửa bắn vào…
HĐGSNN vừa công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh giáo sư, phó giáo sư năm…
Ông Vương Đình Huệ có sai phạm trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; vi…
Ông Musk và ông Ramaswamy đã cùng chấp bút một bài xã luận đăng trên…
Quân đội Ukraine thông báo trong sáng Thứ Năm Nga đã tiến hành không kích…
Hai nước Việt Nam-Malaysia vừa nâng cấp quan hệ lên Đối tác Chiến lược toàn diện,…