Nữ quyền thời quân chủ và sai lầm dịch thuật “phụ nữ khó dạy”
- Quang Minh
- •
Khi nói tới nữ quyền trong xã hội quân chủ xưa, nhất là trong xã hội Nho giáo, người ta thường viện dẫn câu nói “Chỉ có phụ nữ và tiểu nhân là khó dạy nhất” của Khổng Tử để xem như một bằng chứng cho việc Nho giáo coi rẻ phụ nữ. Đó thật là một nỗi oan của bậc Thánh nhân. Câu nói nguyên gốc của Khổng Tử vốn không có ý khinh miệt phụ nữ, mà bởi vì người đời sau cắt nó khỏi ngữ cảnh, hoặc giả không thấu hiểu Nho giáo, lại có ý bài xích chế độ cũ để lập chế độ mới, nên mới thành ra như vậy.
Phụ nữ và tiểu nhân khó dạy?
Câu nói nguyên gốc của Khổng Tử trong sách Luận ngữ là: “Duy nữ tử dữ tiểu nhân, vi nan dưỡng dã, cận chi tắc bất tốn, viễn chi tắc oán”. Câu này thường được người đời sau dịch là: “Chỉ có phụ nữ và tiểu nhân là khó dạy, gần nó thì nó vô phép, xa nó thì nó oán hận”. Đây là cách hiểu hoàn toàn sai lầm.
Nguyên nhân cách hiểu sai lầm này xuất phát từ việc chép Luận ngữ, vốn là một cuốn sách được viết từ đời Tiền Hán tới đời Hậu Hán.
Sau khi Khổng Tử qua đời, các môn sinh thu thập lời dạy của thầy, truyền cho nhau, một số người chép lại dùng để dạy học. Môn sinh nghe giảng căn bản là không thể hiểu rõ ngữ cảnh của câu nói. Hơn thế nữa lời dạy của Khổng Tử cùng lời dạy của học trò ông đều bị chép chung vào trong Luận Ngữ. Điều này dẫn tới việc những câu nói như “Duy nữ tử dữ tiểu nhân, vi nan dưỡng dã” hoàn toàn bị tách khỏi hoàn cảnh ban đầu, chỉ đứng một mình trong sách mà không có ngữ cảnh.
Trong Tứ thư Ngũ kinh (mà thật ra là Lục kinh, Kinh Nhạc của Khổng Tử đã bị tiêu hủy không còn) thì chỉ có Ngũ kinh là nguyên gốc do Khổng Tử ghi chép và biên soạn. Tứ thư là người đời sau tập hợp và chỉnh lý mà thành. Thêm vào đó, tư tưởng của cổ nhân và của con người hiện đại ngày càng cách biệt nhau, khiến cho việc giải nghĩa chính xác nhiều câu nói của Khổng Tử càng trở nên khó khăn hơn.
Thật ra, “nữ tử” ở đây, cũng không phải là chỉ “nữ nhân” (người nữ) thời nay. Thời cổ đại gọi “nhi tử” (con trai), “nữ nhi” (con gái) là “tử” (con), “tử” cũng là chỉ con gái. Ở đây nói “nữ tử”, trước chữ “tử” thêm một chữ “nữ”, là đặc biệt chỉ rõ ra là “nữ nhi” (con gái). Còn từ “dã”, trong “Thuyết văn giải tự” giải thích rằng: “Dữ, tứ dữ dã”, từ “dã” trong ý “giá” (gả) ở đây là “giá dã” (gả cho ai đó). Thế nên, hàm nghĩa cả câu nói này chính là phản ảnh cách thức hay quan điểm chọn rể của Khổng Tử. Có thể trong một dịp chứng kiến sự hư hỏng của vợ một kẻ tiểu nhân mà Khổng Tử đã viết ra câu này.
Hàm nghĩa chân chính của câu nói là: Nếu mà gả con gái cho kẻ tiểu nhân, thì sẽ khó mà dạy dỗ được con nữa, gần con thì con vô phép, xa con thì con oán hận. Sự biến đổi của ngôn ngữ và tách khỏi văn cảnh khiến cho người sau không còn hiểu được nghĩa gốc của câu nói, lại còn cho rằng Nho giáo chèn ép nữ quyền.
Nữ quyền chân chính trong Nho giáo
Thật ra Nho giáo không chỉ không hạ thấp nữ quyền mà còn đề cao phụ nữ. Hãy thử lấy Tống Nho, thời điểm chế độ tông tộc hưng khởi tại Trung Hoa, làm ví dụ.
Về phương diện giáo dục, khi Âu Dương Tu mới học chữ, là do mẹ dạy, còn lưu lại câu chuyện về việc lấy lau làm bút. Thời niên thiếu của Tô Thức (Tô Đông Pha), cũng do mẹ dạy đọc “Hán thư”. Chu Tất Đại thời niên thiếu, mẹ cũng “trực tiếp đốc thúc đọc sách, thường thức tới nửa đêm… lại dạy làm thơ”. Dựa vào thành tựu của các đại phu nhà Tống, thì sự dạy dỗ của người mẹ thời vỡ lòng quả thực là không thể không nhắc đến. Như vậy chẳng phải các bậc mẫu thân xưa cũng rất mực trí tuệ?
Lại nói về phương diện trị gia, thường thường người xưa là từ “nghiêm” mà trị. Ví dụ khi một vị quan nổi tiếng thời Tống là Bao Thanh Thiên qua đời, thì vợ ông là Đổng thị liền tiếp quản vị trí chủ gia đình “trang nghiêm chặt chẽ”, xử lý các mối quan hệ thân thiết thì cũng giống như Bao Chửng, “phàm là việc phi nghĩa, thì nhất định không liên quan”, những lúc rảnh rỗi thì “đọc sách Phật để tu tính”. Vậy thì đâu thể nói rằng người phụ nữ không thể đảm đương trách nhiệm gia đình?
Hơn thế nữa, phụ nữ cũng không chỉ giới hạn là người tiếp quản gia đình, mà cũng trợ giúp lo việc bên ngoài. Ví dụ như khi Mai Nghiêu Thần tiếp đãi các sĩ phu xử lý công sự, thì vợ là Tạ thị thường đứng sau bình phong lắng nghe, sau đó cùng với Mai Nghiêu Thần bàn bạc xem sĩ phu có phải là người hiền hay không, việc đó được mất thế nào, phân tích rất cụ thể và rõ ràng. Mai Nghiêu Thần cũng tán thưởng vợ với người ngoài. Điều này nói rõ rằng thời đó kẻ sĩ đại phu tán thành phụ nữ tham dự vào việc công, không có ai cho rằng đó là “phụ nữ tiếm quyền” cả.
Nói đến sự tôn sùng đối với địa vị của phụ nữ thời đó, thì không thể bỏ qua việc người phụ nữ tham gia chính sự. Các học giả hiện đại cho rằng sự hạ thấp địa vị của phụ nữ là bắt đầu từ thời nhà Tống, trên thực tế thời Tống lại là thời có nhiều Thái Hậu buông rèm nghe chính sự nhất, trong đó phải kể đến:
- Chân Tông Lưu Hậu: Bà thông tường sách sử cổ kim, am hiểu chính sự, giúp đỡ được vua Chân Tông. Mỗi ngày phê đọc tấu chương và đi vi hành, bà đều phải ở bên vua. Khi Chân Tông lâm trọng bệnh, các việc chính sự tâu lên thực chất đều do một tay bà thu xếp. Sau này, bệnh của vua ngày càng nặng, liền hạ chiếu chính thức giao việc triều chính cho hoàng hậu. Khi Chân Tông mất, bà trở thành Hoàng thái hậu nhiếp chính đầu tiên của thời Tống, thực hiện quá trình chuyển giao quyền lực từ thời Chân Tông sang thời Nhân Tông một cách êm thấm, tạo cơ sở cho sự phát triển phồn vinh của nhà Tống ở thời vua Nhân Tông.
- Nhân Tông Tào Hậu: Tào hoàng hậu tinh thông kim cổ, là người hiền đức. Vì dung mạo của bà không đặc biệt xuất chúng nên không được vua Nhân Tông sủng ái nhiều. Nhưng đối với các mỹ nhân đắc sủng, bà cũng không hề tính toán so đo. Bà trở thành Hoàng thái hậu nhiếp chính dưới thời Tống Anh Tông Triệu Thự, và trở thành Thái hoàng thái hậu đầu tiên của nhà Tống dưới thời Tống Thần Tông Triệu Húc.
- Anh Tông Cao Hậu: Trong thời gian chấp chính, bà chủ trương tiết kiệm, thực thi lễ pháp anh minh, đất nước yên bình và hưng thịnh. Bà được đánh giá có tài chấp chính, làm đất nước phồn vinh, ngoài ra cũng nổi tiếng bởi sự hiền minh lễ độ. Sử gia Tống triều xưng bà làm “Nữ trung Nghiêu Thuấn”, hàm ý ví bà như bậc kiệt xuất của nữ nhi, cũng giống như vua Nghiêu vua Thuấn thời cổ đại là hình tượng mà nam nhi theo đuổi.
- Thần Tông Hướng Hậu: Hướng hoàng hậu giữ ngôi chính cung trong vòng 18 năm, được đánh giá là hiền huệ, ôn hòa lễ độ, quán chủ hậu cung một cách anh minh, sáng suốt. Bà trở thành hoàng thái hậu dưới thời Tống Triết Tông, và có vai trò quan trọng trong việc đăng cơ của Tống Huy Tông. Khi Huy Tông lên ngôi, Hướng thái hậu sau sáu tháng nghe chính sự, hạ chỉ hết buông rèm, từ đó Tống Huy Tông đích thân chấp chính.
Những vị Hoàng hậu trên đây đều từng buông rèm nhiếp chính, nhưng hình thức khác xa với việc Lữ Hậu chuyên quyền vào thời Hán, hay Võ Tắc Thiên xưng đế vào đời Đường. Họ hoặc là được quần thần mời, hoặc được tiên đế phó thác, mới từ hậu cung bước lên đài chính trị. Hơn nữa, trong số họ không có một ai là không xuất phát từ tâm muốn phò tá ấu chúa, dẹp loạn phản chính, đẩy lùi kẻ tiểu nhân, hoặc giả tránh xa ngoại thích, vì để giữ lại cơ nghiệp của tổ tiên, vì để bảo vệ giang sơn Đại Tống, do vậy có thể lưu danh muôn đời, danh lưu thiên cổ.
Triều Tống giống như một đại gia tộc mà nhiều đời liên tiếp sống cùng nhau, các vị nữ chủ của triều Tống chính như một người đứng đầu gia tộc, nhận được sự kính yêu của dòng tộc. Mà những người phụ nữ này có thể có được tài năng, đức hạnh, năng lực kiệt xuất như vậy, lại là được lợi ích từ thực tiễn và hồng dương của lý tưởng “tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ” của Nho gia. Đây mới là địa vị của phụ nữ trong quan hệ với lễ giáo Nho gia, và chế độ tông thất.
Đương nhiên, không thể phủ định rằng lễ giáo từ thời Tống đến thời Thanh càng về sau thì càng suy kém và có các loại biểu hiện không được như ý, truyền ra đến các nước lân bang thì lại càng suy vong. Nhưng ví như con người có sinh lão bệnh tử, thì bất kể một hệ tư tưởng nào, một loại chế độ nào cũng đều có quá trình “thành trụ hoại” của nó. Chúng ta thảo luận về bất kể hiện tượng nào, đều cần xem về tình huống vào thời kỳ chính thường của nó. Không thể vì người ta sắp lâm chung mà phủ định cả đời, không thể vì trong các việc có việc bất thành mà phủ định những thành công trước đó.
Nữ quyền chân chính không phải nữ quyền hiện đại
Con người có nam có nữ, có âm có dương, đây là lẽ tự nhiên, là thiên tính của con người vậy. Chẳng thế mà, dù có phụ thuộc về mặt vật chất hay không, người phụ nữ vẫn luôn muốn dựa dẫm về mặt tinh thần đối với người chồng của mình. Cũng bởi vì thiên tính đó, người phụ nữ được giao cho trách nhiệm lớn đối với gia đình. Phụ nữ mạnh mẽ bên trong sự nhu hòa, trí tuệ bên trong sự khiêm nhường, là người quán xuyến nhà cửa. Điều đó đàn ông có thể giúp đỡ, nhưng không thể làm được trọn vẹn.
Hơn nữa, có một đạo lý rằng, núi không thể có hai hổ. Vấn đề tranh cãi của hai vợ chồng rốt cuộc phải có một người đứng ra quyết định khi không tìm được tiếng nói chung. Người phụ nữ có thể hạnh phúc không, khi một mặt họ muốn người chồng trở thành chỗ dựa, mặt khác lại muốn “quản hết”, muốn phần thắng thuộc về mình, muốn cường ngạnh như nam giới? Đó chính là mâu thuẫn của người phụ nữ hiện đại. Nếu thực sự có mâu thuẫn, thì người phụ nữ có thể dùng cái nhu của mình để đối đãi, có thể lấy nhu mà nhẫn chịu, cũng có thể lấy nhu mà thắng cương, nhưng nhất quyết vẫn nên là người phụ nữ.
Mang bổn phận chu toàn cho gia đình cũng có nghĩa rằng, người phụ nữ cần phải là điểm tựa vững chãi cho chồng, cho con. Người phụ nữ xưa lấy chồng ở tuổi còn rất trẻ, khó mà có khả năng gánh vác như người đàn ông. Vậy nên người phụ nữ cần làm tốt trách nhiệm của mình trong gia đình để hỗ trợ người chồng an tâm bươn chải. Người phụ nữ cũng cần giáo dục con cái cho nên người. Bởi vậy, người ta nói rằng, nhà sẽ không phải là nhà nếu thiếu vắng một người phụ nữ, thật sự là như vậy.
Trong hoàn cảnh thiên tính hình thành nên bổn phận, bổn phận hình thành nên trách nhiệm, xã hội cũng từ đó mà tôn sùng giá trị đạo đức của người phụ nữ. Đơn cử như khi một vị vua băng hà, nếu hoàng hậu không giúp sức cho ấu chúa mà cải giá với người ở dòng tộc khác, thì hỗn loạn chắc chắn sẽ xảy ra, dẫn đến đau khổ và cơ cực cho dân chúng. Cũng tương tự như vậy, nếu người chồng mất đi, mà người vợ không lo cho con cái, giúp con mình trưởng thành, trở thành “nóc nhà” thay thế cha, thì mái nhà đó sẽ sụp đổ. Đây là trách nhiệm của người phụ nữ, cũng là nói khi chồng mất, người phụ nữ sẽ tạm thời đóng cả vai trò là “nóc nhà”. Người ta tôn sùng những người phụ nữ có thể hy sinh cho con bởi vì đó chính là tình mẫu tử. Vậy nên mới có câu “phu tử tòng tử”.
Vậy vì sao người đàn ông lại có thể tiếp tục đi bước nữa khi vợ mất? Bởi vì nam giới thực sự không có được sự chu toàn cho gia đình như nữ giới. Hơn nữa, đặt trên vai người đàn ông là trách nhiệm đối với dòng tộc. Vậy nên người chồng không thể không tìm kiếm một người phụ nữ khác để gánh vác công việc gia đình và duy trì nòi giống. Tất nhiên, bên cạnh những người phụ nữ thủ tiết nuôi con, vẫn có những người đàn ông không hề lấy thêm vợ.
Mặc dù người hiện đại có những nhìn nhận khác biệt về quyền lợi của người phụ nữ (nữ quyền), nhưng đặt trong tư duy của người xưa, những giá trị của người phụ nữ không hề bị coi nhẹ. Nho gia đơn thuần chỉ là đưa ra một trật tự xã hội, trong đó sự phân chia trách nhiệm đã dẫn đến những giá trị đạo đức khác nhau của nam và nữ. Mà một trong những giá trị đạo đức cao nhất vẫn là: “Kỷ sở bất dục vật thi ư nhân” (Cái gì mà mình không muốn thì đừng làm cho người khác).
Quang Minh
Xem thêm:
Mời xem video:
Từ khóa Khổng Tử Nữ quyền Nho giáo