Trong tình thế không thể đi đến thỏa thuận hợp lý với Nga trên bàn đàm phán, người Nhật đã đi đến một quyết định khiến thế giới bất ngờ: tuyên chiến với Nga.
Ngày 8/2/1904, hạm đội Nhật Bản do Đô đốc Tōgō Heihachirō chỉ huy tiến đến cảng Lữ Thuận. Đến nửa đêm ngày 8/2, tàu chiến Nhật phóng ngư lôi liên tục vào tàu Nga khiến 2 tàu của Nga bị hư hỏng nặng phải chạy vào cảng Lữ Thuận để sửa chữa.
Chiều ngày 9/2, hải quân Nhật tiến gần hơn để đưa tàu Nga vào tầm bắn, nhưng các tàu Nga đã vào gần bờ chờ sẵn, khi thấy tàu Nhật đến thì hỏa lực trên tàu Nga cùng đại bác trên bờ bắn liên tục vào tàu quân Nhật, sau 20 phút đấu súng các tàu Nhật phải rút ra phía ngoài.
Hải quân Nhật ngăn hạm đội của Nga thoát ra ngoài. Các tàu Nhật thả 50 thủy lôi quanh cảng gần các tàu Nga.
Phía Nga cho 2 tàu khu trục và 4 tuần dương hạm ra ngoài tấn công. Tàu Nhật giả vờ chạy, dụ tàu Nga đuổi theo và rơi vào trận địa mai phục sẵn của quân Nhật.
Tàu Nga bị đánh bất ngờ liền vội tháo chạy trở lại, nhưng trên đường về thì 2 thiết giáp hạm trúng phải thủy lôi, một chiếc bị chìm khiến chỉ huy hải quân Nga là Phó Đề đốc Stepan Makarov chết theo tàu, thiết giáp còn lại bị hư hỏng nặng.
Hải quân Nga không dám ra ngoài nghênh chiến nữa mà cố thủ trong cảng.
Chuẩn Đô đốc Vitgeft được cử lên chỉ huy hải quân Nga, ông ta cho rải thủy lôi ở vị trí tàu Nhật có thể đến. Ngày 15/5, hai thiết giáp hạm của Nhật bị trúng thủy lôi và chìm.
Đến tháng 6/1904, các tàu của Nga bị hư hỏng đã được sửa chữa xong. Vài lần hạm đội Nga chạy ra ngoài nhưng đều bị các tàu Nhật chặn, buộc phải rút trở lại cảng Lữ Thuận với một số tàu bị hư hỏng.
Các tàu của Nhật cũng tiêu diệt tàu thuyền của Nga đang hoạt động ở biển Hoàng Hải, rồi đổ bộ đến Nhân Xuyên (thuộc Triều Tiên) giao tranh với quân Nga và Triều Tiên, tiến đến Hán Thành (Seoul ngày nay).
Chỉ trong trong 2 tháng, quân Nhật hoàn toàn chiếm Triều Tiên, khiến Triều Tiên phải tuyên bố hủy bỏ mọi Hiệp ước trước đó với Nga và hoàn toàn thần phục Nhật Bản.
Ngày 9/4/1904, quân Nga phải rút khỏi Triều Tiên đến sông Áp Lục, củng cố vững phòng tuyến cả bờ bắc và bờ nam con sông này để ngăn quân Nhật qua sông sẽ tiến vào Mãn Châu.
Quân Nhật tấn công vào làng Uiju (huyện Nghĩa Châu ở bờ nam sông Áp Lục). Với hỏa lực pháo binh mạnh mẽ quân Nhật buộc quân Nga phải rút khỏi bờ nam đến tập trung phòng thủ bờ bắc.
Quân Nhật tiếp tục tấn công, quân Nga thất thủ phải rút lui. Vượt qua sông Áp Lục, quân Nhật tiếp tục tiến về phía Mãn Châu.
Quân Nhật tiến đánh Newchang (Ngưu Trang) và Kenchou (Kim Châu), rồi bao vây Lữ Thuận trên bộ, cắt đứt liên lạc giữa bộ binh và hải quân của quân Nga. Suốt 5 tháng từ 8/1904 đến 1/1905 quân Nhật siết chặt dần vòng vây.
Trong khi cuộc chiến Lữ Thuận đang diễn ra thì ngày 25/8/1904,nguyên soái Nhật Bản là Ōyama Iwao cho một cánh quân tiến vào Liêu Dương. 125.000 quân Nhật đối đầu với 158.000 quân Nga được tăng cường từ châu Âu sang.
Đến ngày 26/8, quân Nhật chiếm được núi Kosarei và đèo Hung-sha nằm ở phía đông nam thành phố Liêu Dương. Quân Nga quyết định rút lui toàn phòng tuyến phía đông trước sự truy đuổi của quân Nhật.
Ngày 29/8, quân Nhật tấn công phòng tuyến phía nam Liêu Dương và chiếm được phòng tuyến này. Quân Nga phản công bất thành. Sáng sớm ngày 4/9, quân Nga buộc phải rút khỏi Liêu Ninh về Phụng Thiên.
Khi quân Nhật chiếm được Liêu Ninh, cuộc chiến ở Lữ Thuận vẫn rất quyết liệt. Quân Nga cố giữ các đồi cao, đồng thời hai bên cùng đào chiến hào quyết chiến trên từng tấc đất, các chiến hào kéo dài suốt 75 km.
Lúc này cao điểm 203 trên đồi cao trở thành mục tiêu của hai bên, bởi nó có thể bao quát và khống chế Lữ Thuận. Quân Nhật đợi đêm xuống thì tấn công vào cao điểm này, quân Nga dùng đèn pha rọi và chống trả quyết liệt. Đến tháng 10/1904, quân Nhật đánh đổi 14.000 quân để chiếm được cao điểm này, trong khi quân Nga chỉ mất 5.000 quân.
Chiếm được cao điểm chiến lược 203, quân Nhật đưa trọng pháo đến đây rồi bắn xuống các vị trí phòng thủ của quân Nga, khiến các tuyến phòng thủ quân Nga bị xé nát. Các tàu chiến trên biển cũng bị đạn pháo bắn chìm, hạm đội Thái Bình Dương lẫy lừng của quân Nga bị xóa sổ.
Tướng chỉ huy quân Nga là Anatoly Stessel lúc đó còn 33.000 quân nhưng bị rơi vào cảnh cùng quẫn nên quyết định đầu hàng với lý do giá trị hải cảng là ở tàu chiến, nhưng tàu đã mất sạch rồi thì việc phòng thủ không còn ý nghĩa.
Ngày quân Nga đầu hàng ở Lữ Thuận là 2/1/1905, tin tức bay đi rất nhanh khiến toàn thế giới sững sờ.
Nga quyết định điều thêm hạm đội Ban Tích và hạm đội Biển Đen dưới sự chỉ huy của Đô đốc Zinovy Rozhestvensky đến nhằm xoay chuyển tình thế. Hạm đội này ở Bắc Âu nên phải đi qua con đường dài xuống châu Phi, đến Ấn Độ Dương, qua Đông Nam Á rồi mới đến nơi. Dự kiến đến tháng 5/1905 mới đến Lữ Thuận được.
Trong khi đó trên bộ, quân Nga ở Mãn Châu tập trung hết tại Phụng Thiên. Quân Nhật tiến đến phía nam Phụng Thiên, nhưng hai bên phải hoãn binh để tránh cái rét khắc nghiệt của mùa đông.
Ngày 25/1/1905, đại tướng Nag là Oskar Grippenberg cho quân Nga bất ngờ tấn công quân Nhật ở thị trấn Sandepu suốt 4 ngày liền. Tuy nhiên quân Nga không được tiếp ứng nên không xuyên thủng được phòng tuyến quân Nhật.
Lúc này Nga đang xây dựng tuyến đường sắt xuyên Siberi dần đến Mãn Châu. Người Nhật cần nhanh chóng tiêu diệt quân Nga ở Mãn Châu, bởi nếu để tuyến đường sắt này đến Mãn Châu, bộ binh quân Nga sẽ được tiếp ứng, gây khó khăn lớn cho quân Nhật.
(Còn nữa)
Trần Hưng
Xem thêm:
Mời xem video:
Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm thứ Năm (21/11) tuyên bố Moskva có quyền tấn…
Tổng thống đắc cử Donald Trump vào tối thứ Năm (21/11) đã công bố rằng…
Việc hiệu trưởng trường THCS Lê Văn Tám (xã Ia Piơr, huyện Chư Prông, tỉnh…
Một tiệm vàng ở huyện Yên Thành (tỉnh Nghệ An) huy động tiền gửi tiết…
Ông Trần Quân (John Chen) bị kết án vì cùng đồng phạm hỗ trợ ĐCSTQ…
Các cuộc biểu tình tại Trung Quốc trong quý 3 năm nay đã tăng 27%…