Tính xấu hổ, ăn năn đang mất dần đi trong không ít người Việt. Đó là một điều rất đáng lo ngại, bởi nếu con người không biết xấu hổ, ăn năn sau khi đã làm sai, thì con người không thể sửa chữa, không thể được cứu chuộc. Một dân tộc có nhiều người không biết xấu hổ, không biết ăn năn thì dân tộc đó chỉ có một con đường: tự diệt.
Tại sao người Việt mình bây giờ ít tự vấn lương tâm, ít xấu hổ, ăn năn như vậy? Mỗi ngày chúng ta đều có thể đọc được những thông tin quan chức chính quyền các cấp – là thành phần quản lý và dẫn dắt đất nước – không hề xấu hổ khi phát ngôn sai, hành động sai, nói một đàng làm một ngả. Quan chống tham nhũng thì tham nhũng. Quan chống buôn lậu thì buôn lậu. Quan nói thương dân thì đem công an quân đội đi cưỡng chế cướp đất. Dân mình cũng quay cuồng trong công cuộc kiếm tiền bất chấp tất cả, và ngụy biện bằng đủ mọi hình thức hòng xóa bỏ tính xấu hổ của bản thân, để khỏi ăn năn khi làm điều sai, xấu.
Việc tự triệt tiêu sự xấu hổ và ăn năn có thể mang đến lợi ích trước mắt, nhưng về lâu dài nó làm con người dần mất đi nhân tính. Dạy con biết xấu hổ, biết ăn năn là dạy con nhân tính và tiến bộ.
Làm cha mẹ, chúng ta cần hiểu rằng: không một đứa trẻ nào mà không phạm lỗi lầm. Dù con phạm lỗi nào, cha mẹ vẫn cần phải bình tĩnh để suy xét các nguyên nhân dẫn đến lỗi lầm đó. Có mấy nguyên nhân cụ thể sau:
1. Do con trẻ thiếu kiến thức. Đây là nguyên nhân chính trong mọi vấn đề của con trẻ.
Trẻ em cần được học hỏi rất nhiều để định hình nhân cách và trưởng thành. Trong quá trình này, có rất nhiều lần chúng có những lời nói và hành động sai do không có kiến thức trong việc đó. Hãy giúp con học hỏi kiến thức. Khi con có kiến thức đúng, đủ trong một việc thì con sẽ không nói và làm sai nữa.
Một đứa trẻ làm sai một bài toán là vì nó chưa hiểu cách làm bài toán đó như thế nào cho đúng. Hãy dạy con thay vì chỉ trích con.
Một đứa trẻ tuổi mới lớn học đòi hút thuốc vì nó bắt chước bạn, muốn tập làm người lớn, nó thiếu kiến thức để nhận biết rằng, làm người lớn là cần có trách nhiệm với bản thân và mọi người, chứ cầm điếu thuốc không phải là người lớn. Hãy dạy con thay vì vội vàng đánh mắng.
Một đứa trẻ ăn cắp tiền của cha mẹ để đi chơi là vì nó chưa hiểu được giá trị, mục đích của đồng tiền, cũng như chưa hiểu rõ ăn cắp dù là của cha mẹ vẫn là điều xấu. Hãy dạy con thay vì chửi bới hoặc kêu gào khóc lóc là nhà vô phúc.
2. Do con trẻ căng thẳng, ức chế về tâm lý. Đây là nguyên nhân chủ yếu thường gặp ở lứa tuổi mới lớn.
Trẻ em trong gia đình có cha mẹ hòa thuận hay không hòa thuận thì vẫn có những lúc chúng bị căng thẳng, ức chế. Khi bị căng thẳng và ức chế, chúng sẽ cố tình làm ngược tất cả những gì được dạy để chống đối, với mục đích tạo căng thẳng, ức chế cho các thành viên khác trong gia đình.
Sự cãi lời, ương bướng giúp trẻ đạt được hai nhu cầu: tạo sự chú ý của người lớn và giảm căng thẳng cho bản thân. Nhưng, với kiến thức nuôi dạy con ít ỏi, cha mẹ Việt thường sẽ chú ý tới trẻ bằng cách tăng thêm căng thẳng cho trẻ. Một đứa trẻ đánh em, la mắng quát nạt em vì nó đã bị đánh, la mắng trước đó và nó nghĩ đó là cách giải quyết tốt nhất. Nó là vòng lặp bệnh lý của cả gia đình, không có hướng giải quyết tốt đẹp.
Một đứa trẻ hiểu rằng học hành là tốt cho bản thân nhưng ba mẹ trong gia đình bất hòa và luôn chửi mắng nhau, thậm chí đổ thừa cho con cái, thì trẻ sẽ chán học và không coi trọng bản thân. Đứa trẻ sẽ có những hành động đôi lúc rất điên rồ, tự hủy.
Trong một gia đình bình thường, yêu thương nhau, thì trẻ vẫn có những lúc bị căng thẳng, ức chế. Trẻ không được đáp ứng một điều gì đó như mua một món đồ chơi mới hay không được đi chơi với bạn. Trẻ có những va chạm với bạn bè. Trẻ có vấn đề với thầy cô…
Cha mẹ cần tìm hiểu nguyên nhân vì sao con trẻ bị căng thẳng và giải quyết rốt ráo nguyên nhân đó, không để kéo dài, không la mắng khi không rõ nguyên nhân và chưa giải quyết nguyên nhân.
3. Do ảnh hưởng từ chính gia đình, xã hội và môi trường sống. Đây là nguyên nhân rất khó nhận diện bởi hầu hết gia đình, xã hội và nhà trường thường đổ lỗi vòng quanh cho nhau và tệ hơn là: đổ lỗi hết cho trẻ. Rất hiếm người tự nhận trách nhiệm và xem đó là lỗi của mình.
Sau khi tìm hiểu đúng nguyên nhân vì sao trẻ mắc lỗi lầm và giải quyết nguyên nhân, hãy phân tích cho trẻ để trẻ biết, cho dù là vì nguyên nhân nào thì việc làm ra lỗi lầm cũng có một phần trách nhiệm của trẻ. Đó là lúc dạy trẻ biết xấu hổ, ăn năn và khắc phục.
Không một đứa trẻ nào không ham chơi. Cha mẹ dặn con rửa chén quét nhà, dọn phòng riêng… đi làm về thấy trẻ không thực hiện, cha mẹ cần nhắc trẻ làm cho xong. Có thể giúp trẻ bằng cách cùng làm với trẻ nhưng phải ôn tồn giải thích cho trẻ biết đó là việc của trẻ, lần sau cha mẹ sẽ không giúp nữa và trẻ cần tự giác đừng để cha mẹ nhắc. Có thể giúp trẻ lên thời khóa biểu việc nhà, việc học và chơi để giúp trẻ biết lập kế hoạch. Hướng dẫn trẻ cách làm việc thế nào cho nhanh, gọn, hiệu quả để trẻ có thời gian chơi.
Nếu cha mẹ tự làm và chửi mắng mà trẻ vẫn ngồi chơi không quan tâm, không chạy lại phụ cha mẹ thì đó là điều rất đáng lo, vì trẻ đã không được dạy cho biết xấu hổ, trẻ đã đang tự triệt tiêu sự xấu hổ của bản thân để đạt lợi ích trước mắt. Không biết xấu hổ khi không làm tròn trách nhiệm trong việc nhỏ thì khi lớn trẻ sẽ không biết có trách nhiệm, không biết xấu hổ với những lỗi nghiêm trọng, không biết xin lỗi, sửa sai. Con trẻ sẽ đánh mất nhân cách khi không được dạy dỗ đúng cách ngay từ khi còn nhỏ.
Dạy con biết xấu hổ là một phần rất quan trọng trong việc định hình nên con người của con sau này.
Theo facebook Nguyễn Thị Bích Ngà
Đăng có chỉnh sửa dưới sự cho phép của tác giả
Xem thêm cùng tác giả:
Mời xem video: Vấn đề nuôi dạy con cái: Cách áp dụng kỷ luật với con
HĐGSNN vừa công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh giáo sư, phó giáo sư năm…
Ông Vương Đình Huệ có sai phạm trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; vi…
Ông Musk và ông Ramaswamy đã cùng chấp bút một bài xã luận đăng trên…
Quân đội Ukraine thông báo trong sáng Thứ Năm Nga đã tiến hành không kích…
Hai nước Việt Nam-Malaysia vừa nâng cấp quan hệ lên Đối tác Chiến lược toàn diện,…
UBND TP.HCM vừa đề xuất dùng ngân sách địa phương để xử lý nợ quá…