ĐCSTQ đã hủy hoại những gì trong Đại cách mạng văn hóa?
Sau khi Taliban lên nắm quyền tại Afghanistan, tượng Đức Phật Bamyan, một tượng đài văn minh thế giới, đã bị hủy hoại bằng súng, pháo và mìn. Còn quân ISIS thì không ngại phá hủy toàn bộ các di chỉ văn minh của nhiều nền văn hóa khác nhau, ở bất cứ đâu mà đội quân này lướt qua. Người ta gọi họ là những kẻ khủng bố phá hủy nền văn minh, không chỉ đối lập với con người và mọi thứ của thế giới hiện đại, mà còn mang lòng thâm thù đại hận. Tuy nhiên nếu so sánh thì thảm họa mà Taliban hay ISIS gây ra không thể nào sánh được với điều Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã làm trong cuộc Đại cách mạng văn hóa.
Có thể kể đến rất nhiều di tích bị hủy hoại trong cuộc Đại cách mạng văn hóa do ĐCSTQ phát động:
Sảnh chính của Lăng Thần Nông đã bị đốt cháy, ngôi mộ bị khai quật, xương bị đốt và rải tro cốt khắp nơi.
Phần mộ của Thương Hiệt, người sáng tạo nên chữ Hán đã bị phá hủy và cải tạo thành một “nghĩa trang liệt sĩ”.
Lăng của vua Thuấn ở Sơn Tây đã bị phá hủy, và những chiếc loa lớn được treo trên ngôi mộ.
Ngôi đền Đại Vũ trên núi Cối Kê, Thiệu Hưng, Chiết Giang đã bị dỡ bỏ. Bức tượng Đại Vũ cao lớn bị đập vỡ, đầu và cổ đứt lìa, được đặt trên một chiếc xe đẩy đi diễu phố thị chúng.
Kho báu quý giá của Phật giáo trên thế giới, một trong ba bức tượng được chính Đức Thế Tôn tự mình khai quang khi còn tại thế, đã bị phá hủy phần mặt.
Bục giảng của Lão Tử, nơi thánh địa Đạo giáo lớn nhất tại Trung Quốc, và gần 100 Tọa đạo quán xung quanh đều bị phá hủy.
Ngôi mộ của Khổng Tử bị san phẳng và đào bới, tượng đài bị đập tan thành từng mảnh. Tấm bia đền bị đập vỡ, bức tượng đất sét trong Miếu Khổng Tử bị hủy hoại. Ngôi mộ của Tôn Lệnh Di, thế hệ thứ 76 của Khổng Tử, bị khai quật.
Đền Bá Vương của Hạng Vũ, Đền Ngu Cơ và Lăng Ngu Cơ nằm bên bờ sông Ô Giang huyện Hòa bị đập phá tan hoang, chỉ còn những con sư tử đá được chôn nửa vời, lộ trên mặt đất.
Hoắc Lăng của Hoắc Khứ Bệnh bị đập phá, pho tượng Hoắc Khứ Bệnh cũng bị phá hủy.
Bức tượng của thánh y Trương Trọng Cảnh bị đập vỡ, lăng mộ và bia đá bị đập tan, vật trưng bày trong “Nhà tưởng niệm Trương Trọng Cảnh” cũng bị cướp phá trống trơn. “Đền thánh y” không còn tồn tại.
“Thiên cổ nhân long” tại “Lều cỏ Gia Cát” (hay còn gọi Đền Vũ Hầu), “Nơi Hoàng đế Hán Chiêu Liệt ba lần viếng thăm” và “Văn thao võ lược” của Gia Cát Lượng ở Nam Dương, Hà Nam, cùng tượng đá, đền thờ, 18 pho tượng La Hán bằng lưu ly trạm khắc giữa những năm Thành Hóa thời nhà Minh, toàn bộ đều bị phá hủy. Những vật trang trí ngôi đền cũng bị đập vỡ, các văn bản khắc gỗ quý giá được vua Khang Hy thời nhà Thanh lưu giữ cẩn trọng như “Long Cương Chí” và “Trung Vũ Chí” đã bị thiêu hủy.
Bia đá “Cổ Định Quân Sơn” ở huyện Miễn, thành phố Hán Trung cũng bị đập vỡ vì Gia Cát Lượng là “thành phần địa chủ”.
Bảo tàng Vận Thành Quảng Tây ban đầu là Đền Quan Đế. Bởi vì Vận Thành là nơi sinh ra Quan Vũ, được sửa chữa và bảo trì rất tốt trong quá khứ. Cặp sư tử đá cao 6m trước cửa có thể là những chú sư tử đã lớn nhất tại Trung Quốc. Ngày nay cặp sư tử đá này cũng bị đập nát, tứ chi đứt gãy, không thể nhận mặt. Năm con sư tử con trên lưng sư tử mẹ đều bị đập tan thành đống đổ nát.
Lăng mộ của thánh thư Vương Hi Chi và Kim Đình Quán, với diện tích 20 mẫu, gần như bị phá hủy hoàn toàn. Chỉ còn sót lại vài ngàn cây bách cổ trước Đền Hựu Quân bầu bạn với vong hồn đã mất đi nơi trú ngụ của vị thánh thư này.
Những bức bích họa của hang Mạc Cao, Cam Túc, đã bị đánh cắp và bán cho phương Tây bởi các thương nhân người Nga, người Anh, và người Đức. Những bức bích họa được chuyển ra nước ngoài lại được bảo tàng thu thập và không bị phá hủy. Nhưng trong Đại cách mạng văn hóa do chính người Trung Quốc thực hiện, người ta lại tập trung vào một chữ “Phá”: Khoét mắt các nhân vật trong các bức bích họa còn lại, hoặc nhất quyết bôi quét lên những bức bích họa này bằng thứ nước bùn màu vàng, cố tình khiến những bức bích họa đó trở thành phế vật.
Thiền sư Bao Thiền nổi tiếng của nhà Đường trú tại núi Hoa Sơn, huyện Hàm Sơn, tỉnh An Huy. Sau khi ông qua đời, đệ tử của ông đã đổi tên ngọn núi này thành núi Bao Thiền. Hai tòa tháp lớn nhỏ trên núi Bao Thiền đều bị cho nổ tung.
Lục Tổ Huệ Năng của Thiền Tông lưu lại nhục thân bất hoại. Thi thể ông không được tiêm chất chống phân hủy, cũng không phong kín trong chân không. Khí hậu ở Quảng Đông lại oi bức, ẩm thấp nhưng thi thể không bị phân rã hay khô héo. Hồng vệ binh đã sử dụng một thanh sắt để đục một lỗ ở ngực và lưng của Lục Tổ, lôi lục phủ ngũ tạng ra ngoài và ném chúng vào Điện đại Phật. Xương sườn và xương sống lăn lóc khắp mặt đất. Phần còn lại của Lục Tổ may mắn được chôn cất và bảo vệ, mới không bị phá hủy hoàn toàn và còn lưu giữ đến ngày nay.
Ngôi mộ của nhà thơ thời Tống Lâm Hòa Tĩnh cũng bị phá hủy.
Ngôi mộ “Bao Thanh Thiên” được bảo vệ, hương khói quanh năm bởi các thế hệ người Hợp Phì, cũng bị hủy.
Túy Ông Đình lưu trữ nhiều thư họa nổi tiếng của các triều đại trong quá khứ, tất cả đều bị lấy đi. Tấm bia đá lưu lại bút tích của Tô Đông Pha được chạm khắc dưới chân núi Lang Gia bị đánh sập, phân nửa bút tích của Tô Đông Pha bị đục đi.
Huyện Thang Âm, Hà Nam đã “quét sạch” các bức tượng điêu khắc và tượng đồng của Nhạc Phi, tượng sắt quỳ của Tần Cối, cùng những bia đá được truyền qua các thời đại.
Hàng Châu đã đập phá Nhạc Miếu, ngay cả ngôi mộ của Nhạc Phi cũng bị lật nhào, xương bị thiêu hủy, tro cốt rải khắp nơi.
Lăng của Thành Cát Tư Hãn trên thảo nguyên bị đập vỡ vụn.
Bia đá khổng lồ của Chu Nguyên Chương tại lăng mộ hoàng tộc đã bị kéo đổ. Người đá và ngựa đá bị nổ tung, khuyết thiếu chân tay, hoàng thành cũng bị phá hủy sạch sành sanh.
Hai ngôi đền Văn miếu Vương Dương Minh và Vương Văn Thành, bao gồm tượng của Vương Dương Minh, đã bị phá hủy hoàn toàn.
Trên đảo Hải Nam, ngôi mộ của Hải Thụy, danh thần nhà Minh đã bị đập vỡ. Di cốt một đời thanh quan cũng bị quật mồ, diễu phố thị chúng.
Ngôi mộ của Trương Cư Chính, một danh thần nổi tiếng ở Giang Lăng, Hồ Bắc, bị phá hủy và thiêu hài cốt.
Ngôi mộ của Viên Sùng Hoán tại nội thành Bắc Kinh cũng bị san phẳng.
Quê hương Lê Bình là nơi an táng Hà Đằng Giao, một danh thần cuối triều Minh. Bức tượng Phật trong từ đường của ông bị quét sạch, ngôi mộ của Hà Đằng Giao, điều khiến người Lê Bình tự hào nhất cũng bị đào bới.
Nơi Ngô Thừa Ân từng cư ngụ tại hẻm Đả Đồng, trấn Hà Hạ, huyện Hoài An, tỉnh Giang Tô, bị phá hủy thành một đống đổ nát. “Tây Du Kí” đã trở thành “Phong” (Phong kiến) trong “Phong, Tư, Tu” (Chế độ Phong kiến, Chủ nghĩa Tư bản, Chủ nghĩa Xét lại).
Ngôi mộ của Triệu Giảng Vương Chu Cao Toại nhà Minh ở huyện An Dương, Hà Nam cũng bị khai quật.
Phật Hương Các trong Di Hòa Viên bị đập tan tành, đại tượng Phật bị phá hủy.
Nhà tưởng niệm của Ngô Kính Tử được xây dựng vào năm 1959 đã được san phẳng trong Cách mạng Văn hóa.
Ngôi mộ của Vũ Huấn, người ăn mày trượng nghĩa cổ đại, bị Hồng vệ binh tại huyện Quán, tỉnh Sơn Đông phá vỡ, di cốt bị khai quật, sau khi diễu phố thị chúng thì đốt thành tro.
Ngôi mộ của Trương Chi Động bị khai quật. Họ Trương là một thanh quan, không có kho báu trong lăng mộ. Hồng vệ binh đã treo thi thể còn chưa phân hủy hết của vợ chồng ông lên một cái cây. Hậu duệ của ông không dám nhận thi thể, mặc thi thể treo trên cây trong hơn một tháng, cho đến khi bị chó ăn mất.
Thôn Ân Tế tại ngoại thành Bắc Kinh là nơi chôn cất lăng mộ Lí Liên Anh, đại tổng quản trong cung đình lưỡng triều vua Đồng Trị và Quang Tự nhà Thanh. Ngôi mộ bị đục đẽo mở ra, chỉ có hộp sọ, không thấy thi hài, đồ châu báu bị cướp đi.
“Mộ tướng quân” ở huyện Hắc Hà, Hắc Long Giang, đã bị phá hoại nghiêm trọng vì thuộc về “hoàng đế và tướng quân”.
Ngôi mộ của Chương Thái Viêm, Từ Tích Lân, Thu Cẩn cuối triều Thanh, thậm chí cả lăng mộ của Dương Nãi Võ trong vụ án oan “Dương Nãi Võ và Tiểu Bạch Thái” đều chẳng còn dưới khẩu hiệu “quét sạch tất cả thần rắn quỷ bò”.
Tại cố cư của Tưởng Giới Thạch ở thị trấn Khê Khẩu, huyện Phụng Hóa, tỉnh Chiết Giang, ngôi mộ của mẹ ruột ông bị khai quật bởi học sinh trung học Ninh Ba, dưới sự dẫn dắt của sinh viên đại học ở Thượng Hải. Cả hài cốt và bia mộ đều bị ném vào trong rừng.
Đền Trương Công, mộ tưởng niệm họ Trương và ba ngôi đền tưởng niệm do danh tướng chống Nhật Trương Tự Trung ở huyện Nam Chương xây dựng, đều bị phá hủy.
Và còn rất rất nhiều di tích khác…
Khi lần theo dòng lịch sử từ thời Tam Hoàng Ngũ Đế đến cuối thời nhà Thanh, không có thời kỳ nào mà di tích không bị hủy hoại.
Không chỉ hủy hoại các di tích, ĐSTQ còn chú trọng hủy hoại các văn vật và đồ cổ được những học giả sưu tầm và lưu giữ:
Nhà của Lương Thấu Minh, học giả nổi tiếng Bắc Kinh đã bị lục soát và thiêu trụi. Lương Thấu Minh kể: “Họ ném tranh chữ, đập đá để chơi đùa, vừa xé, vừa mắng nhiếc là thứ đồ chơi phong kiến. Cuối cùng, họ ra lệnh đem toàn bộ thư tịch và tranh chữ mà ba thế hệ tằng tổ, tổ phụ và phụ thân của tôi, cùng những thứ mà tôi tự mình cất giữ, tất cả được chất đống trong sân và bị đốt sạch… Hồng vệ binh tự chất thành đống và tự thiêu, họ còn vây quanh ngọn lửa hô khẩu hiệu…”
Những bức tranh chữ và toàn bộ tác phẩm mà Lâm Tán Chi, nhà thư pháp nổi tiếng ở Nam Kinh, thu thập nhiều năm đều bị thiêu hủy, ông bị đuổi về quê ở An Huy.
Họa sĩ Lâm Phong Miên, sống ở Thượng Hải cũng bị lục soát nhà, những bức tranh của ông bị thiêu hủy. Trong cơn hoảng loạn, ông đã tự mình nhúng những tác phẩm còn lại vào bồn tắm, đổ vào bồn cầu, để chúng chìm xuống bể tự hoại.
Nhà của Mã Nhất Phù, một học giả nổi tiếng ở Hàng Châu, 84 tuổi, phó giám đốc của Bảo tàng Văn học và Lịch sử Trung ương, đã bị vét sạch. Trước khi những kẻ lục soát rời đi, ông khẩn khoản cầu xin: “Để lại một ngiên mực cho tôi viết chữ, được không?” Ai ngờ ông lại nhận được ngay một cái tát vào mặt. Ông dằn vặt trong nỗi bi phẫn, không lâu sau thì mất.
Lão nhân Hồng Thu Thanh, chuyên gia tu sửa tranh chữ, được người đời mệnh danh là “thần y” của tranh chữ cổ. Ông từng tu sửa vô số kiệt tác, như phong cảnh trong bức tranh sơn thủy của Tống Huy Tông, cây trúc của Tô Đông Pha, tranh của Văn Chinh Minh và Đường Bá Hổ.
Trong nhiều thập kỷ, hàng trăm bức tranh chữ cổ được ông giải cứu, hầu hết đều là những bộ sưu tập hàng đầu cấp quốc gia. Những bức tranh tên mà ông đã thu thập, được lưu giữ bằng tất cả tâm huyết, tất cả đều bị thiêu rụi. Sau đó, Hồng tiên sinh nói trong nước mắt: “Hơn một trăm cân tranh chữ đã bị đốt cháy trong một thời gian dài!” Ngay cả những cuốn sách tại thư viện Tân Hoa ở Urumchi, thủ phủ Tân Cương xa xôi, cũng bị thiêu trụi.
Kể từ khi bị Mao Trạch Đông phê phán vào những năm 1950, nhà khoa học đỏ Du Bình Bá bị ấn định là một “Học giả phản động tư sản”. Những kẻ lục soát nhà đã sử dụng bao tải bẩn, chứa toàn bộ bộ sưu tập sách mấy đời của gia đình họ Du, mang đi đốt sạch, bao gồm cả những tài liệu nghiên cứu về “Hồng Lâu Mộng” mà gia đình ông lưu giữ.
Vào thời điểm đó, tại Bắc Kinh chỉ còn Chu Hữu Lâm là nghệ sĩ duy nhất chạm khắc sứ ở Trung Quốc. ĐCSTQ từng quy định rằng các tác phẩm của ông Chu là bảo vật quốc gia, không được phép xuất khẩu. Tuy nhiên, Hồng vệ binh đã lục soát nhà ông và ném các tác phẩm của ông vỡ vụn thành từng mảnh. Chẳng mấy chốc, ông Chu đã chết một cách thê thảm, và quốc bảo không bao giờ được tái hiện.
Vào những năm 1950, Lăng Hư, nhà trạm khắc gỗ của Đào Hoa Ổ, Tô Châu, từng có bức tranh “Ngư lạc họa sách” dài 50 thước, được chính phủ Trung Quốc mang đi và coi như báu vật quốc gia, sau này tặng lại cho Tổng thống Sukarno của Indonesia. Lăng Hư đã dành tâm huyết hàng thập kỷ, thu thập hàng ngàn bản khắc cổ từ khắp nơi trên đất nước, nhưng chúng đã bị đốt rụi hoàn toàn trong Đại cách mạng văn hóa.
Những bức tranh được thu thập bởi Lưu Hải Túc, họa sĩ Thượng Hải, sau khi bị lục soát, cũng bị đốt ngay trên phố.
Chu Dĩ Chiêm, họa sĩ 75 tuổi của Học viện Hội họa Thượng Hải, đã thu thập tranh chữ của tất cả những danh nhân nổi tiếng, cất giữ trong nhà. Chúng đều bị lấy đi. Hơn 70 ấn chương của Tề Bạch Thạch không còn sót lại một bức.
Sau khi nghệ nhân khắc gỗ nổi tiếng Lưu Hiện được lệnh giao toàn bộ “Tứ Cựu”, ông lặng lẽ xếp các bản khắc gỗ mẫu trong nhiều năm, chất đống bên cạnh lò sưởi, sau đó đốt từng bức một, cho đến khi toàn bộ bị đốt sạch.
Khu vực Giang Tô và Chiết Giang nhân tài, văn vật rất nhiều. Trong suốt 500 năm hai triều Minh, Thanh, hầu hết các nhà thư pháp và họa sĩ nổi tiếng đều sinh ra vào thời đó, thư tịch còn lưu lại nhiều vô kể. Chỉ riêng các cuốn cổ thư được khâu bằng tay thời Minh, Thanh bị đưa đến nhà máy đóng thành bột giấy ở Ninh Ba, đã lên tới 80 tấn.
v.v..
Chỉ có một vài tác phẩm may mắn thoát khỏi sự phá hoại của Hồng Vệ Binh trong Đại cách mạng văn hóa. Chẳng hạn tượng Lạc Sơn Đại Phật ở Tứ Xuyên đã bị chất đầy chất nổ và chuẩn bị cho nổ tung. Nhưng cầu chì bị ướt do trời mưa, nên vụ phá hủy không thành công. Lạc Sơn Đại Phật là một pho tượng nổi tiếng, đặc biệt linh thiêng, và mang ý nghĩa quan trọng trong lịch sử Trung Hoa. (Xem bài: Lạc Sơn Đại Phật: Pho tượng ngàn năm mưa gió vẫn trường tồn)
Có rất ít di tích thực sự còn nguyên vẹn ở Trung Quốc sau Đại cách mạng văn hóa, rất nhiều phần là được phục dựng và xây dựng sau này. Văn vật trong viện bảo tàng thậm chí còn ít tới mức đáng thương so với lịch sử hơn 70 triều đại, trải dài 5.000 năm.
Có một sự kiện lịch sử xảy ra như thế này. Vài năm sau thời “Phá Tứ Cựu”, Sihanouk, Quốc vương đang lưu vong của Campuchia, xin được đến thăm Chùa Bạch Mã. Đây là ngôi chùa Phật giáo đầu tiên ở Trung Hoa, được xây dựng vào thời kỳ đầu của triều đại nhà Đông Hán ở ngoại ô thành phố Lạc Dương, tỉnh Hồ Nam. Nhưng mà trong “Phá Tứ Cựu”, những bức tượng 18 vị La Hán bằng đất sét hơn 1000 năm tuổi đã bị phá hủy; Kinh Bối Diệp do một vị cao tăng người Ấn Độ mang đến Trung Quốc 2000 năm trước đã bị đốt; Ngựa ngọc bích đã bị đập tan thành từng mảnh. Chu Ân Lai, thủ tướng Trung Quốc lúc bấy giờ, đã vội vã ra lệnh chuyển tới Lạc Dương kinh Bối Diệp lưu giữ trong Hoàng Thành ở Bắc Kinh và các bức tượng 18 vị La Hán làm trong đời nhà Thanh từ chùa Bích Vân ở vườn Hương Sơn ngoại ô Bắc Kinh. Với sự thay thế giả này, một khó khăn về mặt ngoại giao đã được “giải quyết”.
Từ câu chuyện trên, không khó hiểu khi có người bi quan cho rằng ngày nay ở Trung Quốc, 9 trong số 10 văn vật là giả. Hầu hết đều đã bị hủy trong Đại cách mạng văn hóa.
Ngoài ra khi đến Trung Quốc, du khách có thể sẽ để ý thấy, hầu như không có phòng trưng bày nghệ thuật cổ xưa ngoại trừ Cố Cung. Các phòng trưng bày nghệ thuật hầu như đều là của những họa sĩ hiện đại. Có rất ít tranh chữ cổ đại – rất ít so với số lượng thực tế trong bề dày lịch sử thư họa Trung Hoa. Đó chính là bởi vì tranh chữ dễ bị phá hủy nhất, ném vào lửa là cháy!