Vua Thần Nông họ Khương, sống vào khoảng 2.000 năm trước Đức Chúa Giáng Sanh. Vua là bực tài đức chẳng những dạy dân lập chợ búa buôn bán, mà còn dạy cày cấy trồng tỉa, nên dần tôn hiệu là “Thần Nông”. Vua Thần Nông để lại cho ta bộ Thần Nông Bản Thảo, gồm có 3 quyển, tổng cộng được 365 vị thuốc, ấy là bộ sách xưa nhứt và quí nhất trong nghề Y.
Trong bộ ấy, 365 dược tánh được giảng giải rất rành mạch, phân minh chắc chắn, đầy đủ, đến nỗi ngày nay khoa học tối tân xem xét thí nghiệm đem những vị nói trong ấy, đều nhiệt liệt tán thành không sửa cải được điều gì, mà cũng không thêm được sự phát minh nào cho đích đáng hơn.
Ví dụ như Ma Hoàng: “Khí Vị Khổ Ôn, vô độc, chủ trúng phong thương hàn, đầu thống ôn ngược, Phát biểu xuất hàn, khử tà nhiệt khí, chỉ khái nghịch thương khí, trừ hàn nhiệt, pha trưng kiện tích tụ, khử tiết căn”. Trong Bản Thảo có nói rõ khử tiết căn, nghĩa là khi dùng Ma Hoàng thì chỉ dùng công, bỏ tiết là mắc và căn là rễ. Khoa học ngày nay phân tích, thấy trong Ma Hoàng có chất éphédrine, vì đó mà Ma Hoàng được công hiệu. Nhưng trong công thì có éphédrine rất nhiều, còn trong tiết và rễ thì không có éphédrine nào cả.
Trong Bản Thảo lại dạy cắt Ma Hoàng đúng vào tiết Lập Thu thì mới tốt. Ngày nay người ta thấy rõ Ma Hoàng gặt ở mùa Hạ thì không có éphédrine, mà gặt ở mùa Đông thì chỉ có phần ba éphêdrine của mùa Thu mà thôi. Một ví dụ nhỏ như thế cũng đủ chứng chắc giá trị đặc biệt của sự nghiên cứu của Vua Thần Nông. Hay nói một cách khác, Vua Thần Nông cũng là người mà dùng phương pháp gì để rõ vị khí, tính chất, hiệu năng, tác dụng của vị thuốc một cách chắc chắn, mau chóng, mà khoa học máy móc ngày nay cũng phải nhận là quá đúng?
Tục chỉ truyền rằng Vua Thần Nông một ngày ngộ độc đến 70 lần mà không chết, nhưng chẳng nói cho chúng ta biết Vua Thần Nông nếm thuốc với phương pháp nào. Một người mạnh giỏi như Vua Thần Nông tự nếm thuốc để coi thuốc ấy trị được bịnh gì thì làm sao nếm cho biết được. Ít nữa phải có bịnh nhơn chẩn đoán cho trúng bịnh đã, rồi mới thử thuốc, thử đến 10 lần, 100 lần đúng như nhau rồi mới dám truyền lại cho hậu thế. Nếu không có bịnh nhơn để thử thuốc mà thử lấy một mình, mà mình lại vô bịnh thì làm sao rõ được công hiệu của vị thuốc. Bởi vì lý lẽ ấy mà nhiều người cho câu chuyện Vua Thần Nông là câu chuyện huyền hoặc như trăm nghìn câu chuyện huyền hoặc khác; rồi bỏ lơ mà nói: Bộ Thần Nông Bản Thảo do sự ghi chép kinh nghiệm của nhiều dược học gia ở nhiều đời mà ra, chớ không phải của một người.
Nếu tục chẳng truyền cho chúng ta biết rằng Vua Thần Nông ngộ độc 70 lần trong một ngày mà không chết thì chúng ta thật chẳng biết làm sao mà lần mò ra được. Nhưng tục đã truyền như vậy thì ta có thể lần phăng đầu dây mối nhợ ấy mà đạt đến chỗ ta muốn biết, là với phương pháp gì Vua Thần Nông nếm thuốc mà biết được dược tánh một cách chắc chắn và phân minh như vậy. Vì rằng, một khi nhận rõ phương pháp ấy ta cũng có thể áp dụng nó trong việc khảo cứu dược tánh của ta ngày nay cho được nhanh chóng và tinh vi. Ta thử xem chunh quanh ta, có biết bao nhiêu cây cỏ dùng làm thuốc được, ta gọi là “cây nên thuốc” mà ta chẳng biết làm sao thí nghiệm cho rõ chúng nó trị được những bệnh gì. Dầu với máy móc tối tấn, ta cũng chẳng đi được một bước xa nào, ta chỉ chờ những kẻ nghèo nàn hay người rủi ro ăn phải một cách ngẫu nhiên, nhiều lần như vậy, rồi ta mới dám biên vào sách nhưng với một dấu hỏi to, vì không phải tự tay ta đã thí nghiệm. Ta phải chờ thì giờ và ngẫu nhiên, biết mấy mươi năm mới thêm chắc chắn được một vị thuốc mới.
Nhưng, trước khi bàn đến phương pháp của Vua Thần Nông, tôi xin đem quí ngài một tí qua phía trời Âu.
Cuối thế kỷ thứ 17, tại quận Saxe ở Đức Quốc, Bác sĩ Hahnemann phát ra một phương trị liệu, nói cho đúng bác sĩ chỉ áp dụng phương cổ truyền dạy từ Hippocrate, là tổ thầy thuốc bên Âu Châu như Huỳnh Đế được coi là Tổ Y Học của Á Châu; phương trị liệu ấy gọi là “Đồng Chủng trị liệu pháp”. Một buổi kia bác sĩ được đọc một tờ kỷ yếu của một Tạp Chí Y Khoa, thấy nói có nhiều người đang lành mạnh mà không biết vì lẽ gì mà uống ký ninh nhiều quá, bỗng trở nên sốt rét như người bị bịnh sốt rét rừng. Bác sĩ tức thời chạy lấy ký ninh mà uống rất nhiều, và cho vợ con tôi tớ uống nữa. Mọi người đều bị chứng run rét, rồi nóng, rồi đổ mồ hôi. Mỗi ngày cũng có từng cơn y như bị muỗi độc truyền bịnh rét rừng cho. Bác sĩ lấy làm lạ quá, và dùng thuốc ký ninh, lần này ít ít, mà chữa bịnh thì ai nấy đều được mạnh.
Từ đó, Ông Hahnemann mới thử thêm các thứ thuốc khác, có lúc Ông uống, có lúc cho người tình nguyện uổng, công phu hơn ba mươi năm trời mới để lại cho đời một Bản Thảo, mà nếu so sánh với Thần Nông Bản Thảo thì như hai anh em ruột. Sự so sánh này rất bổ ích cho người tìm hiểu căn nguyên của y lý, nhưng nói ra sẽ dài quá, không thể để trong khuôn khổ bài này được. Nhờ sự sáng kiến của Ông Hahnemann, công phu thí nghiệm của Ông và bộ Bản Thảo của Ông (tiếng Pháp: Matière Médicale), mà ngày nay Âu Mỹ mới có một khoa trị liệu mới, rất thần tình, gọi là Đồng Chủng trị liệu pháp, tên Âu Mỹ gọi là Homéopathie.
Vậy chớ Đồng Chủng trị liệu pháp là gì? Ta cũng nên thừa dịp này mà biết sơ qua. Xưa nay, Đông Y hay Tây Y đều dùng thuốc theo khoa Dị Chủng trị liệu, nghĩa là một bịnh nào chẳng hạn, như bịnh kiết lỵ, vì sự ngẫu nhiên mà người ta biết Émétine hay Kim ngân Hoa trị được, nhưng vì sao mà trị được? Trị được là vì Émétine có tính sát trùng amibes, còn Kim ngân Hoa có tính hàn, giải được độc của nhiệt lỵ. Dầu ta có trị kiết lỵ bằng những phương khác, hoặc tứ linh, ngũ linh, hoặc với hoàng liên ngô thù, thì các vị thuốc ấy không thấy có đi một chiều với bịnh, trái lại đi nghịch chiều với bịnh thì mới trị được bịnh. Hàn thì phải ôn, nhiệt thì phải lương, ngộ độc vào thì ta phải cho mửa ra, hư thì phải bổ, thực thì phải tả, đều là phải dùng phương trái ngược với bịnh mới trị được bịnh. Phương ấy gọi là Dị Chủng trị liệu, Âu Mỹ gọi là Allopathie.
Ông Hahnemann, khi đã uống ký ninh nhiều thì thấy rét run như sốt rét rừng, khi uống lại ít ít thì chữa lại được chứng sốt rét ấy, bèn nghĩ đến những trường hợp giống như thế. Cà phê uống nhiều thì không ngủ được, bắt trằn trọc hoài. Mà uống rất ít lại trị được chứng bất mi (không ngủ) vì thần kinh. Nha phiến hút nhiều làm giảm sức não tủy, còn dùng rất ít thì, trái lại, giục sức bộ thần kinh lên. Nhơn Ngôn uống nhiều giết hại hột máu đỏ trong người, dùng ít lại làm tăng hột mẫu đỏ. Thuốc hút, hút nhiều thì say, hút một ít thì trái lại chữa được chứng huyền vựng (chóng mặt). Mã tiền uống nhiều thì các bắp thịt đều chuyên cứng, cho đến bộ tiêu hóa từ cuống họng tới hậu môn đều bị bóp rất mạnh và đau. Trái lại, biết dùng ít thì mã tiền trị được lý cấp (bụng bóp đau) và chuyển cân (dọp bẻ). Khi ta bị ong chích, thì thấy một quầng đỏ và chỗ ấy nhức nhối như ai đâm kim chích vào chỗ đó, thì ta uống một tí nọc ong sẽ hết ngay lập tức…
Suy nghĩ đến mấy ví dụ ấy, Ông Hahnemana thấy rằng một bên: là một thứ thuốc của người đang mạnh giỏi dùng cho đến sức lượng ngộ độc, như cà phê kích thích thần kinh cho đến mất ngủ; một bên: là cũng một vị ấy mà biết cách dùng ít đi, thì lại chữa được bệnh mà chính nó đã gây nên bởi uống nhiều, như cà phê biết cách dùng ít thì chữa được bịnh mất ngủ vì thần kinh kích thích.
Biết cách dùng ít một vị thuốc để chữa những bịnh, hay chứng mà chính nó gây nên nếu uống nó nhiều, lấy nó mà trị nó, “đạp gai lấy gai mà lể”, ấy là phương pháp của Ông Hahnmann, mà ngày nay đã bành trưởng khắp hoàn cầu.
Quay về phương Đông của chúng ta, chúng ta cũng thấy phép Đồng Chủng trị liệu đã được áp dụng nhiều lần mà ta chẳng hay. Như bã đậu dùng nhiều thì ỉa đến chết, mà lấy ít hột bã đậu, đem giã nát với mấy chục ngàn chày trong giấy bạch (giấy bản) với ít hột tiêu sọ rồi lấy một ít bằng hột lúa cho uống, thì trị bịnh thiên thời ỉa đến gần chết rất hay. Như rắn bách hoa xà uống vào nhiều thì làm đến rụng răng, chảy máu mủ ở lợi (nướu), nhưng lấy một chút bột rắn ấy phết với dầu dừa chà ở 8 kẻ ngón tay thì lại trị được bệnh ung xỉ rất hay. Như lá giác uống nhiều thì sưng nổi cùng mình, nhứt là sưng vú; nhưng lấy một ít lá giác đầm dập bó ở đầu ngón tay cái thì chữa được nhũ ung rất tài. Vú bên mặt thì bỏ ngón trái, vú bên trái thì bỏ ngón mặt vì sự giao thông bắt tréo của các đường kinh lạc; mới vừa bỏ thì thấy tê rần rần và ngứa ở vú; một chốc lát hết ngứa thì phải rửa chổ bỏ lá giác ngay là khỏi. Cũng có khi người mình chữa bịnh yết hầu hay ung xỉ mà chỉ hít hơi thuốc bôi ở vách cách xa miệng độ 3, 4 tấc tây.
Xưa kia người mình dùng phương Đồng Chủng trị liệu như thế rất nhiều, mà trong phép ấy vị thuốc dùng phải rất ít, có khi chỉ có một phần triệu của một ly (Ông Hahnemann dùng đến 1 phần 10 triệu của ly), có khi một luồng hơi cũng đủ trị, mà dùng nhiều hơn thì lại không trị được. Người mình, gần đây, không biết vì lẽ gì hít hơi thuốc ở vách, hay bó thuốc ở ngón tay trái mà trị được bịnh ở vú bên mặt, bèn chế nhạo rồi khinh bỉ Ông Bà mình là mê tín dị đoan; tức nhiên là những công nghiệp quí báu của tồ tiên đã tiêu diệt gần hết.
Chắc cũng có được một vài độc giả muốn biết tại sao thuốc dùng ít như thế mà công hiệu được.
Một vị thuốc uống vào người thì hóa ra hai phần: một phần vật chất chạy khắp trong tạng phủ, một phần đã hóa ra khí thuốc, chạy theo kinh lạc nào nó hợp, như trong Bản Thảo thường nói là vị thuốc nào chạy vào kinh nào, chớ không nói nó chạy vào gan hay phế mà nói chạy vào túc huyết âm kinh hay thủ thái âm kinh mà thôi. Phần vật chất không quan hệ cho mấy đến sự trị bịnh, mà chính là phần khí hóa của thuốc mới bổ hay tả được kinh lạc, rồi kinh lạc mạnh lên hay yếu đi sẽ trở lại ảnh hưởng đến ngũ tạng lục phủ mình. Phần khí hóa mới thật là phần trị bịnh. Theo phép Dị Chủng trị liệu như ta thường dùng, thì thuốc thường không độc cho mấy, nên uống nhiều hơn hay ít hơn một tí cũng không sao; và trong phép trị liệu như thế ta để tự nhiên thuốc biến hóa thế nào là biến hóa thế ấy, không can thiệp đến. Còn theo phép Đồng Chủng trị liệu, như cách dùng bã đậu trị bịnh thiên thời, thì ta phải giã bã đậu đến mươi ngàn chày, ta phá tan tế bào nó ra, giúp nó mau thành khí hóa; tế bào càng tan ra nhiều chừng nào thì sức khí hóa của nó càng to và mạnh chừng nấy, thì sức trị liệu của nó càng to gấp bội phần. Ông Hahnemann lấy một giọt thuốc nặng chừng 1 ly tây, nhểu giọt ấy trong một cái bình đựng 99 giọt nước lã. Ông đóng nút chặt, cho máy vừa xoay vừa lắc, một phút đến cả ngàn vòng. Kế đó, Ông lấy 1 giọt trong bình thứ nhứt, nhểu qua bình thứ nhì có sẵn 99 giọt nước lã và cũng cho quay và lắc nhiều như thế, cho đến 30 lần, 50, 100 lần bình như thế rồi Ông mới lấy ra 5, 3 giọt chế như thế mà dùng thì hiệu nghiệm vô cùng, càng phá tan tế bào nhiều chừng nào càng công hiệu chừng nấy.
Về thuốc khô, Ông Hahnemann cũng tán ra, đâm ra biết bao nhiêu ngàn chày thì lại thấy thuốc càng hay lên. Cho nên chúng ta chẳng lấy làm lạ rằng thuốc tán uống ít mà công hiệu không kém, có khi nhiều hơn thang thuốc cần lượng gấp 5, 6 lần của thuốc tán.
Khi thuốc phết ở kẽ tay, thì nhờ máu huyết của thân thể chưa phân các tế bào của thuốc, kéo giãn sức thuốc ra, thì khí hóa của thuốc được mạnh và sung túc, sự công hiệu càng tăng vậy.
Khi dùng phép Dị Chủng trị liệu, thì ta dùng bất cứ vị thuốc nào, miễn là vị thuốc ấy theo lối trị liệu trái ngược của bịnh: hàn phải ôn, nhiệt phải lương thì được. Càng bịnh nặng, càng uống nhiều, thì phần vật chất của thuốc cũng nhiều nên sự phá hoại tạng phủ không phải nhỏ.
Khi dùng phép Đồng Chủng trị liệu, tức là ta phải tìm cho được thứ gai nào đã đạp mà lấy thứ gai ấy để lể. Nói một cách khác, phải tìm được vị thuốc nào mà khi người mạnh dùng nó nhiều mà đến bị bệnh giống in như bịnh của ta đang muốn trị, lấy vị ấy mà kéo giãn khí hóa lực của nó để có công hiệu nhiều hơn; đem vị ấy mà dùng ít chừng nào thì hay chừng ấy. Phần vật chất của thuốc rất ít nên sự phá hoại tạng phủ không nhiều.
Lúc tôi có dịp đi diễn thuyết Đông Y tại 10 Châu Thành ở Đức, tôi có tìm gặp những người đệ tử của Ông Hahnmann để hỏi cách nếm thuốc của họ. Có nhiều bác sĩ tự nếm thuốc lấy mình, có khi cho người tình nguyện uống. Nhưng bao giờ cũng phải chọn người lành mạnh không bệnh tật, và uống cho đến khi thấy ngộ độc mới thôi. Họ cho 5, 10 người uống một vị thuốc, rồi biên chép hết các chứng đã xảy ra, chọn lấy chứng chánh, chứng phụ, ghi ra thành sách. Hễ người lành mạnh mà ngộ độc ra chứng gì, ví dụ ỉa mửa và nhức đầu thì người ta ghi rằng vị thuốc này trị được chứng ỉa mửa nhức đầu; vị khác mà ngộ độc làm kinh trợn mắt thì người ta chép rằng vị thuốc ấy trị được chứng làm kinh trơn mắt. Đó là phương ghi chép dược tính một cách mau chóng, chắc chắn và ai làm cũng được. Phương pháp ấy nhờ những đệ tử sáng suốt và trung thành của Ông Hahnemann mà ngày nay được toàn bác sĩ thế giới công nhận là không sai. Phương ấy được chánh thức dùng ở các nước văn minh và càng ngày càng được bành trướng.
Nhân ngày lễ Thần Nông, ta cũng nên nhận thấy chỗ giống hệt của hai phương nếm thuốc: phương của Thần Nông và phương của Hahnemann; cả hai phương đều dùng người lành mạnh, cả 2 phương đều nếm cho đến sức ngộ độc, cả 2 phương đều ghi chép một cách mau chóng và chắc chắn, lưu truyền được hậu thế.
Nếu ta đem phương ấy mà áp dụng cho những cây thuốc Nam của ta thì chẳng bao lâu ta sẽ được ngoài những mấy ngàn thứ thuốc giống thuốc Tàu đem lại, mà còn được thêm hãy trăm vị thuốc mới, đặc biệt thổ sản Việt Nam, thì nền Y Học Việt Nam và kinh tế Việt Nam tấn bộ không phải nhỏ. Phương pháp nếm thuốc phải được duy nhất trong các Ông thầy thử thuốc để có thể so sánh với nhau; và phương pháp ấy phải là phương pháp được lâu năm và nhiều người công nhận, như phương pháp Thần Nông đã được 5.000 năm thử thách, và phương pháp Hahnemann trong 300 năm gần đây được mấy ngàn bác sĩ ở thế giới đeo đuổi một cách say mê và tiến bộ. Ta cũng nên nghĩ đến ta mà suy xét và tìm cách thi hành.
Nguyễn Văn Ba
Theo “Vua Thần Nông Nếm Thuốc”
Tạp Chí Bách Khoa (1957-1975)
Đăng lại từ Fanpage Thú Chơi Sách
Mời độc giả ghé thăm
Xem thêm:
Mời xem video:
HĐGSNN vừa công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh giáo sư, phó giáo sư năm…
Ông Vương Đình Huệ có sai phạm trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; vi…
Ông Musk và ông Ramaswamy đã cùng chấp bút một bài xã luận đăng trên…
Quân đội Ukraine thông báo trong sáng Thứ Năm Nga đã tiến hành không kích…
Hai nước Việt Nam-Malaysia vừa nâng cấp quan hệ lên Đối tác Chiến lược toàn diện,…
UBND TP.HCM vừa đề xuất dùng ngân sách địa phương để xử lý nợ quá…