Trong hầu hết các trường hợp, không can thiệp lại là sự giúp đỡ lớn nhất cho người hoặc đối tượng khác.

Vấn đề của chúng ta không nằm ở những sự việc xảy ra mà nằm ở chính chúng ta, trong đa số trường hợp, là do ta không thể không can thiệp nên sự việc mới trở thành vấn đề.

Khi nghe nói “không can thiệp” thì lập tức trong hầu hết mỗi người có một sự phản đối, nghi hoặc, bối rối, cưỡng chống trỗi lên. Suy nghĩ bắt đầu đưa ra lý lẽ. Suy nghĩ dựa vào thói quen, vào kinh nghiệm, kiến thức của cá nhân để đưa ra lập luận nhằm phản bác và thuyết phục bản thân để tiếp tục duy trì việc can thiệp. Thế là chúng ta không thể ngồi yên không can thiệp. Chúng ta thích thú can thiệp vào mọi thứ, mọi việc.

Tự quan sát tâm trí của bản thân, dễ dàng nhìn thấy bất cứ khi nào ta can thiệp thì đều là vì muốn sự việc diễn ra theo ý muốn của mình, muốn người khác sống theo ý của mình, muốn vạn vật theo ý mình.

Và, chúng ta gọi sự can thiệp là quan tâm.

Ví dụ: Đứa trẻ tự chơi, buông cái này bắt cái kia, liên tục thay đổi sự chú ý. Ta muốn nó ngồi yên, chỉ chơi một vài món đồ mà ta đưa cho nên ta can thiệp bằng cách la mắng, quát tháo, ngăn chặn, đánh đập để buộc nó phải theo ý mình. Ta gọi đó là quan tâm.

Đứa trẻ thích học sáo, không thích học toán. Nó suốt ngày ôm cây sáo thổi toe toe, không làm bài tập toán. Ta muốn nó học toán. Ta đưa ra lập luận rằng chỉ khi nó chịu học toán thì nó mới có thể thành đạt, toán là môn chính yếu và cần thiết, còn sáo chỉ để chơi, thứ yếu, không quan trọng. Ta can thiệp bằng mọi hình thức: dụ dỗ, thuyết phục, răn đe, ép buộc để nó phải học toán. Với lý lẽ “muốn tốt cho con”, ta mặc tình can thiệp. Đội lốt quan tâm, ta nhơn nhơn can thiệp thô bạo vào quá trình tự học, phát triển, trải nghiệm, sự sống của trẻ.

Ăn gì, mặc gì, nói gì, học gì, làm gì đều bị can thiệp, quản lý, kiểm soát chặt chẽ không bởi ba mẹ thì ông bà, chồng vợ, anh em, bạn bè, cộng đồng, xã hội. Ai thoát???

Sâu hơn, trong suy nghĩ của mỗi người, ta thấy tự ta luôn can thiệp vào mọi thứ diễn ra trong tâm trí, cơ thể.

Ví dụ: Ta có một ý nghĩ chợt đến mà ta không thích ý nghĩ đó thì ta lập tức can thiệp bằng cách phủ nhận nó, xua nó đi ngay, thay đổi sang một ý nghĩ khác. Một cảm xúc mà ta không thích, như nỗi buồn, chạy đến, ta lập tức can thiệp bằng cách xua đuổi nó, chạy trốn khỏi nó bằng các hình thức giải trí bên ngoài. Một cảm nhận nào đó mà ta không thích, không đúng ý ta muốn, lập tức ta can thiệp bằng cách chối bỏ. Nếu đó là ý nghĩ, cảm xúc, cảm nhận mà ta thích thì ta vẫn can thiệp bằng các cố gắng kéo dài, duy trì nó, không muốn kết thúc, nếu nó kết thúc thì ta làm mọi cách để lặp lại.

Rộng ra xã hội, ta muốn sự việc diễn ra theo ý mình muốn. Ta muốn người, nhóm người nào đó hành động theo ý của mình. Nếu không, ta lập tức can thiệp. Không có quyền lực thì ta can thiệp bằng lời, chung quy là thao túng tâm lý: khuyên nhủ, dụ dỗ, răn đe, chỉ trích, chửi mắng,.. khiến đối phương cảm thấy tội lỗi hoặc vô dụng, không tốt nếu không theo ý mình. Có quyền lực thì ta lập ra luật, quy định, chế tài, phạt, tù, bắn bỏ. Và ta gọi đó là giữ gìn trật tự ổn định xã hội.

Để hợp thức hoá sự can thiệp, chúng ta đưa ra lập luận rằng nếu không can thiệp thì mọi thứ sẽ hỗn độn, hỗn loạn, vỡ tan, mất trật tự, rối loạn, hoang tàn. Chúng ta thiết lập các thể chế để đeo gông vào cổ nhau rồi gọi đó là tự do có kiểm soát.

Bất cứ hình thức can thiệp nào trong tâm trí lẫn trong cuộc sống đều tạo ra xung đột.

Đứa trẻ đang chơi cái xe, ta can thiệp không cho nó chơi, nó khóc. Đứa trẻ muốn học vẽ, ta bắt nó học văn, nó chống đối. Một người đang trải nghiệm cuộc sống theo cách A, ta bắt họ phải trải nghiệm theo cách B, họ phản đối. Từ trong gia đình ra cộng đồng xã hội luôn luôn như vậy.

Tất cả mọi sự phức tạp mà ta thấy thật ra không có cái gì phức tạp. Nó chỉ phức tạp bởi ta và những người xung quanh không ngừng can thiệp làm cho nó phức tạp lên. Và rồi chúng ta lạc lối trong mớ bòng bong do chính mình tạo ra. Thế là lại ra sức để kiểm soát, quản lý, can thiệp.

Khi mải mê can thiệp, ta có thực sự quan tâm? Tại sao hầu hết chúng ta khi được nhận sự quan tâm của người khác nhưng ta lại cảm thấy bị kiểm soát, cảm thấy khó chịu? Ấy là vì ta trực nhận được rằng đó không phải là sự quan tâm mà là can thiệp. Sự quan tâm thực sự luôn đem đến cảm giác ấm áp dễ chịu. Nhưng mẹ, ba, ông bà, người lớn, chính quyền, xã hội lại giáo dục truyền dạy can thiệp là quan tâm, sự khó chịu mà ta cảm thấy là do ta không biết tôn trọng sự quan tâm của người khác.

Thế thì rốt cuộc quan tâm là gì?

Nguyễn Thị Bích Ngà

Theo facebook Nguyễn Thị Bích Ngà
Đăng dưới sự cho phép của tác giả

  • Xem thêm cùng tác giả loạt bài “Nền tảng giáo dục gia đình” tại đây.
  • Xem thêm cùng tác giả loạt bài “Thói xấu người Việt” tại đây.
  • Xem thêm cùng tác giả loạt bài “Góc tự học” tại đây.

Xem thêm:

Mời xem video:

Nguyễn Thị Bích Ngà

Published by
Nguyễn Thị Bích Ngà

Recent Posts

Phản ứng của Ukraine về báo cáo sẽ làm ra bom nguyên tử nếu bị Mỹ bỏ rơi

Ukraine tuyên bố vẫn “tuân thủ Hiệp ước Không phổ biến Vũ khí Hạt nhân”,…

2 giờ ago

Meta bị phạt hơn 800 triệu USD do vi phạm quy định chống độc quyền

Ủy ban châu Âu (EC) ngày 14/11 đã phạt hãng công nghệ Meta 797,72 triệu…

4 giờ ago

Ông Trump và Elon Musk hát chung bài “God Bless America”

Tổng thống đắc cử Donald Trump và tỷ phú Elon Musk hát bài "God Bless…

5 giờ ago

Chuyển 57,72ha rừng đặc dụng VQG Phú Quốc để làm dự án du lịch sinh thái

HĐND tỉnh Kiên Giang vừa chấp thuận chủ trương chuyển mục đích sử dụng 57,72…

9 giờ ago

Natalie Harp – cô gái được Trump cứu mạng và trở thành nhân viên đánh máy riêng của ông

Vậy Natalie Harp là ai? Cô ấy đã trở thành trợ lý quan trọng của…

13 giờ ago

Liệu ông Trump sẽ giải cứu ông Lê Trí Anh?

Người Hồng Kông hy vọng ông Trump có thể thực hiện lời hứa đã đưa…

13 giờ ago