Bất cứ lời nói, câu văn nào cũng phải được hiểu trong bối cảnh nó ra đời. Tách lời nói, câu văn ra khỏi bối cảnh ra đời của nó thì lời nói, câu văn không còn được hiểu đúng đủ ý nghĩa của nó. Khi lời nói, câu văn bị tách ra khỏi bối cảnh mà lại còn được diễn giải bởi suy nghĩ, tư tưởng, định kiến của người khác thì nó bị bóp méo, bẻ cong, vặn vẹo theo ý của người diễn giải.

Quan sát, lắng nghe một cách cẩn trọng, chúng ta dễ dàng nhìn thấy, nhận ra hầu hết những bất hoà trong các mối quan hệ dù là trong gia đình hay cộng đồng, xã hội, đều xuất phát từ việc người này tách lời nói, câu văn của người kia ra khỏi bối cảnh và bẻ cong, vặn vẹo nó theo ý mình. Một số người vì mục đích riêng nên cố ý hiểu sai lời nói, câu văn của người khác, nhưng phần lớn chúng ta vô thức hiểu sai.

Khi nghe, khi đọc, chúng ta không đơn thuần nghe, đọc. Phần lớn chúng ta vừa đọc, nghe vừa suy nghĩ, phân tích, dự đoán. Mà suy nghĩ của mỗi người thì chứa những trải nghiệm đã qua, kinh nghiệm cá nhân, kiến thức đã được tiếp nạp, định kiến, thành kiến, nỗi sợ, nỗi lo,…

Khi vừa nghe, đọc mà trong đầu bận bịu suy nghĩ, phân tích, dù để đồng ý hay phản bác lời nói câu văn của người khác, thì ngay lúc đó người nghe người đọc đã vô thức bỏ lỡ điều người khác nói, không thực nghe lời nói, không thực đọc câu văn của người mà đang nghe tiếng nói trong đầu mình, đang liên tưởng về một trải nghiệm nào đó của mình và đưa ra ý kiến gán ghép, gọi là hiểu lời nói câu văn của người khác theo ý của mình chứ không theo ý của người nói.

Khi hiểu lời nói câu văn của người nói không theo đúng ý của người nói mà theo ý của mình, thì chúng ta sẽ phản hồi trớt qướt dù đồng tình hay phản đối. Đó là tình trạng mất kết nối.

Khi bạn nghe ai đó nói hoặc đọc một đoạn văn, ví dụ như status này, bạn để ý xem bạn chỉ nghe chỉ đọc đơn thuần hay vừa nghe vừa đọc vừa suy nghĩ, liên tưởng, nhớ tới đoạn văn nào đó, bình luận gì đó trong đầu? Nhận biết điều đó đang diễn ra trong đầu mình thì bạn sẽ thấy suy nghĩ của bản thân thường lộn xộn, bẻ cong mọi lời nói câu văn của người khác ra sao.

Nếu khi nghe, đọc mà thấy trong đầu suy nghĩ, phân tích, bình luận thì hãy yêu cầu để nghe lại, kiên nhẫn đọc lại. Đừng xấu hổ vì sự phân tâm vô thức của mình. Việc hiểu đúng ý người khác quan trọng hơn sự xấu hổ.

Chúng ta luôn ỷ y cho rằng mình có học, biết đọc biết viết, hiểu nghĩa của câu chữ, có kiến thức, có trí thông minh, thì việc nghe, đọc, hiểu là điều đương nhiên. Thiệt khó chấp nhận khi ai đó nói rằng mình nghe, đọc mà không hiểu. Không dễ để tự thừa nhận là mình không biết, không hiểu, bỏ lỡ. Nhiều khi sự ỷ y cuốn chúng ta đi mà ta không biết.

Để ý một chút xem bản thân đang nghe, đang đọc như thế nào. Điều này sẽ giúp bạn nhận ra rất nhiều điều về bản thân và người khác.

Nguyễn Thị Bích Ngà

Theo facebook Nguyễn Thị Bích Ngà
Đăng dưới sự cho phép của tác giả

  • Xem thêm cùng tác giả loạt bài “Nền tảng giáo dục gia đình” tại đây.
  • Xem thêm cùng tác giả loạt bài “Thói xấu người Việt” tại đây.

Xem thêm:

Mời xem video: