Nằm cách Hà Nội 8 km về phía tây nam là Làng Triều Khúc, còn có tên là Kẻ Đơ. Đây là ngôi làng cổ xưa có truyền thống nông nghiệp và nghề thủ công, nổi tiếng khắp nước về làm nón quai thao.
Nhóm khảo cổ của GS Trần Quốc Vượng và khoa lịch sử trường ĐH Tổng hợp Hà Nội đã kết luận rằng: “Hơn 4000 năm trước Triều Khúc đã có người Việt cổ sinh sống”.
Đầu thế kỷ 18, Triều Khúc là nơi nổi tiếng cung cấp các mặt hàng bằng tơ lụa với các nghề dệt the (áo the, quạt the), làm yếm, thắt lưng, nghề nhuộm. Đây đều là những sản phẩm cần thiết để tạo nên bộ y phục cho người phụ nữ xưa.
Ngoài ra, đây cũng là làng nông nghiệp, cung cấp nhiều khoai lang, vì thế mà có câu: “Gạo làng Mọc, thóc làng Khoang, khoai lang Triều Khúc, bánh đúc Đơ Bùi”. Sau này làng cũng phát triển một số nghề thủ công.
Vào thời vua Lê Hiển Tông, có vị quan là Vũ Đức Úy được cử đi làm phó sứ sang Trung Quốc. Trên đường đi qua các địa phương ở Trung Quốc, ông đã tìm hiểu và học được nhiều loại nghề thủ công. Khi về nước, ông truyền các nghề thủ công lại cho dân chúng. Đến làng Triều Khúc, ông truyền lại 6 nghề: làm chổi lông gà, hoa lông vịt, tóc độn, chân chỉ y môn, dây đàn bằng tơ tằm và quai thao cho nón thúng, nón ba tầm.
Dân làng Triều Khúc vốn đã có nghề dệt, các phế liệu tơ tằm từ dệt được lọc ra rồi chuốt lại thành những con tơ, đem dệt thành vải để làm quai nón. Đây là loại nón to tròn làm bằng lá cọ, không có chóp nên còn được gọi là nón dẹt.
Chiếc nón dẹt, từ khi có quai thao bằng tơ tằm trở nên mềm mại và duyên dáng hơn. Nón quai thao nơi đây có mặt ở khắp nơi, đi vào cuộc sống, nhiều ca dao nói về nón quai thao. Trước đây nón được gọi là nón thượng, khi làng Triều Khúc làm cho nón chiếc quai thì được gọi là nón quai thao.
“Ai làm ra nón quai thao
Để cho anh thấy cô nào cũng xinh”
Từ đó làng Triều Khúc ngoài có tên là Kẻ Đơ còn được gọi là Đơ Thao – chỉ nón quai thao nổi tiếng nơi đây.
Nhờ có nghề làm nón quai thao mà đời sống dân làng ổn định và khấm khá hơn các làng khác. Khi Vũ Đức Úy mất, dân làng thờ tổ nghề ngay tại gian lớn ở Đình làng. Năm 1925, làng đã xây nhà thờ tổ nghề bên cạnh chùa Hương Vân.
Ở đồng Miễu của làng là ngôi mộ của cụ tổ nghề Vũ Đức Úy, phía sau có các chữ Hán: “Tổ thụ hoàng ân” (nghĩa là chịu ơn lớn của Tổ) và chữ “Vũ sứ thần chi mộ” (mộ sứ thần họ Vũ). Phía trước mộ là tấm bia đá ghi lại sự tích tổ nghề.
Ngoài ra làng còn rất nhiều các nghề thủ công khác. Năm 1915, một người làng là ông Giáo Hồng đã sáng tác ra bài ca Nôm với 36 câu đã phác họa nên 34 sản phẩm thủ công của làng.
Không chỉ nổi tiếng về nghề thủ công, Triều Khúc còn có dòng họ Nguyễn Gia nổi tiếng về khoa bảng, đóng góp 3 vị tiến sĩ trực hệ là Nguyễn Trung, Nguyễn Nghiễm và Nguyễn Gia Du. Ngoài ra còn có 12 vị liệt tổ của dòng họ đỗ đạt cao được gọi là “danh khoa thế mỹ”, sử thần Ngô Sĩ Liên đánh giá là “điều hiếm có trong lịch sử”.
Nguyễn Trung đỗ Đệ tam giáp đồng tiến sĩ xuất thân khoa thi năm 1472 thời vua Lê Thánh Tông. Năm 1483, ông được cử đi sứ nhà Minh. Ông làm quan đến chức Lễ bộ Thượng thư, nhập thị Kinh diên, kiêm trưởng Hàn lâm viện Sự.
Con trai Nguyễn Trung là Nguyễn Nghiễm mới 22 tuổi đã đỗ Đệ tam giáp đồng tiến sĩ xuất thân khoa thi năm 1493, làm quan đến chức Thừa tướng.
Con của Nguyễn Nghiễm là Nguyễn Gia Du là thiếu niên đăng khoa đỗ Đệ Tam Giáp đồng Tiến sỹ xuất thân khoa thi năm 1505 thời vua Lê Uy Mục, làm quan đến Phủ doãn phủ Phụng Thiên. Tuy nhiên vua Lê Uy Mục chỉ lo ăn chơi mà không quan tâm đến Xã Tắc, Nguyễn Gia Du từ quan làm nghề dạy học, lại đi khắp nơi bốc thuốc chữa bệnh cho trăm họ.
Trong “Nguyễn Gia phả ký” ghi chép về 12 vị liệt tổ của dòng họ đều đỗ đạt cao, làm nên sự nghiệp lớn qua các triều đại khác nhau.
Ngày nay dân làng phát huy truyền thống từ xưa như: Họ Hoàng Đình chuyên làm băng hiệu, tua cờ và mũ phục vụ lễ hội; họ Nguyễn Hữu lại chuyên về dệt thảm, trang trí nội thất v.v…
Hiện nay làng Triều Khúc có một Hợp tác xã công nghiệp dệt với sự tham gia của 20 doanh nghiệp tư nhân, tạo ra hơm 100 mặt hàng thủ công các loại.
Nhà thờ tổ nghề nón quai thao đến nay vẫn được bảo tồn nguyên vẹn, bện trong có bức tượng tổ nghề Vũ Đức Úy to lớn như người thật cùng đôi câu đối ca ngợi công đức:
“Lục nghệ thần thông, tứ dân hoài đức
Song tinh nội chiếu, ngũ phúc kiêm toàn”
Nghĩa là:
“Sáu nghề tinh thông, muôn dân nhớ đức
Hai sao chiếu sáng, năm phúc vẹn toàn”.
Ngày 20 tháng 2 âm lịch hàng năm là lễ hội truyền thống làng nghề với những điệu múa dân gian và không thể thiếu nón quai thao.
Trần Hưng
Xem thêm:
Mời xem video:
Bạc Qua Qua, con trai của cựu Ủy viên Bộ Chính trị Bạc Hy Lai,…
Bão Man-Yi ở vùng biển phía Đông miền Trung Philippines đã mạnh lên thành siêu…
Cục Công nghiệp sẽ nghiên cứu hợp tác với phía Trung Quốc trong các lĩnh…
Mặc dù chứng tự kỷ thường được chẩn đoán ở trẻ em, nhưng căn bệnh…
Artyom Dmitruk nói Volodymyr Zelensky có thể sẽ không giữ được ghế Tổng thống Ukraine…
Sở Công an tỉnh Hắc Long Giang đã lên kế hoạch cử người tới Hoa…