Góc tự học: Quan tâm
- Nguyễn Thị Bích Ngà
- •
Có khi nào bạn nhận được lời nói, hành động của người khác mà họ gọi đó là quan tâm nhưng bạn lại cảm thấy rất khó chịu trong lòng không? Mình có. Rất thường xuyên. Ngày nhỏ, mình đã luôn thắc mắc tại sao lại như vậy? Tuy khó chịu nhưng mình không dám, không thể phản ứng. Mình thấy rất nhiều người xung quanh cũng khó chịu như mình và họ phản ứng, nhưng sự phản ứng của họ thường không có tác dụng gì ngoài tạo ra một trận cãi vã, giận hờn, trách móc, đổ vỡ.
Mình nhìn thấy mình và hầu hết người xung quanh phần lớn đành chấp nhận chịu đựng sau nhiều lần phản ứng không thành công. Lạ một điều là tuy nhận cảm giác không vui vẻ gì, phải chấp nhận chịu đựng nhưng rồi đa phần lại lặp lại lời nói, hành động mà họ gọi là quan tâm ấy lên người khác. Ai cũng nói bản thân rất quan tâm người, vật, việc nào đó mà họ yêu quý nhưng nhìn sâu vào mối quan hệ giữa người đó và đối phương thì thấy rất nhiều bất ổn. Vợ nói chồng không quan tâm mình. Chồng nói chồng quan tâm theo cách của chồng, do vợ không tinh tế nên không cảm nhận được. Chồng nói vợ không quan tâm mình. Vợ nói đã hi sinh rất nhiều cho gia đình mà lại gặp người chồng vô ơn. Cha mẹ nói rất quan tâm con cái. Con cái thì sợ hãi sự quan tâm đó của cha mẹ và luôn cảm thấy trống rỗng, thiếu vắng tình thương, tìm cách bù đắp khác.
Chúng ta tạo ra những khái niệm mới cho những trường hợp đó: “Quan tâm không đúng cách.” “Quan tâm thái quá.” “Quan tâm chưa đủ.” “Không biết cách thể hiện sự quan tâm.”
“Không đúng cách, thái quá, chưa đủ, không biết cách thể hiện” nhưng vẫn là quan tâm, nghĩa là vẫn cho rằng sự quan tâm có hiện diện, dù nó có gây khó chịu đến đâu.
Sau quá nhiều lần chịu đựng đủ loại cái gọi là “quan tâm không đúng cách, quan tâm thái quá, quan tâm chưa đủ, không biết cách thể hiện sự quan tâm” của những người khác thì mình nhận ra tất cả những cái mà người khác gọi là quan tâm thực chất chỉ là sự can thiệp, kiểm soát, quản lý.
Sự can thiệp, kiểm soát, quản lý nhân danh, khoác áo quan tâm, kể cả có kèm cái đuôi “không đúng cách, thái quá, chưa đủ, không biết cách thể hiện…” thì vẫn làm cho đối tượng bị can thiệp, kiểm soát, quản lý dễ chấp nhận hơn về mặt tâm lý. Một cú lừa ngoạn mục mà ở đó người lừa và bị lừa đều không hề ý thức.
Thật khó lòng chấp nhận rằng mình không hề được mảy may quan tâm nào và càng khó chấp nhận hơn rằng mình không hề quan tâm bất cứ ai bất cứ cái gì. Đó là một cú sốc điện cực đại. Thế nên mỗi người thường chấp nhận nó như một lẽ thường. Cái giả trở thành cái thật.
Nếu một người có lời nói, thái độ can thiệp, kiểm soát, quản lý mà mình nói cho họ biết đó là can thiệp, kiểm soát, quản lý thì họ lập tức phản ứng, chối bỏ, bảo rằng đó là quan tâm. Nếu mình nói quan tâm thì lời nói, thái độ là vầy vầy, thì họ sẽ nói “mỗi người có cách quan tâm khác nhau.” Nếu mình hỏi tại sao quan tâm mà lại làm người nhận khó chịu, thì họ trả lời do người kia không biết cảm nhận. Khi mình hỏi nếu nói vậy tại sao anh, chị vẫn khó chịu khi nhận lời nói, thái độ y hệt như anh, chị từ người kia, thì họ bảo người kia không có quan tâm. Vòng vòng. Không chấp nhận được sự thật nên chúng ta tạo ra một lô khái niệm để che đậy, chối bỏ để rồi chính mình rơi vào lẫn lộn, truyền dạy sự lẫn lộn đó cho người khác, trẻ thơ.
Mọi đứa trẻ đều cảm nhận đúng y chang điều mà chúng nhận từ người khác. Kiểm soát nó, nó cảm nhận ngay sự kiểm soát, nó khó chịu, phản ứng. Can thiệp vào trải nghiệm, vào sự sống của nó, nó cảm nhận đúng sự can thiệp, nó khó chịu, phản ứng. Quản lý nó, nó cảm nhận chính xác sự quản lý, nó khó chịu, phản ứng. Quan tâm nó, nó cảm nhận rõ sự quan tâm, nó dễ chịu, thư giãn. Nhưng khi người lớn can thiệp, kiểm soát, quản lý gây ra cảm giác khó chịu cho trẻ mà lại luôn miệng gọi đó là quan tâm và bắt trẻ phải chấp nhận thì ngày một ngày hai năm này tháng nọ trẻ dần quen và thế là khái niệm bị đánh tráo. Khi đứa trẻ trưởng thành, nó vẫn khó chịu khi bị can thiệp, quản lý, kiểm soát nhưng khả năng chịu đựng đã cao do được rèn luyện, lại không dám phủ nhận, nên chấp nhận và vô thức can thiệp, kiểm soát, quản lý người khác vì tưởng đó là quan tâm. Vòng lặp bệnh lý xoay vòng vòng thế hệ này sang thế hệ khác.
Để hiểu quan tâm là gì, một người cần tự lắng nghe lời nói, thái độ, cảm giác của bản thân rồi suy ngẫm để phủ nhận toàn bộ những cái không phải là quan tâm. Từ đó mỗi người tự làm rõ định nghĩa của các khái niệm, nhận diện chính xác lời nói, thái độ, hành vi của mình và người, để không lầm lẫn đánh tráo chúng với nhau. Tự giải phóng bản thân khỏi sự lừa dối của tâm trí.
Bạn có lời nói, hành động can thiệp lên người, việc, vật khác. Hãy gọi đúng tên, thừa nhận tôi đang can thiệp. Bạn có lời nói, hành động kiểm soát, quản lý người, việc, vật khác. Hãy gọi đúng tên, thừa nhận tôi đang kiểm soát, quản lý. Khoan nói can thiệp, kiểm soát, quản lý là đúng hay sai, cần hay không cần, nên hay không nên, lý do gì. Gọi đúng tên và nhận diện cảm giác trước đã, chỉ có vậy mới thoát khỏi cái bẫy tự lừa trong tâm trí. Khi phân tích đúng sai, nên không nên, cần không cần, lý do lý lẽ… thì bạn lại đang bao biện cho việc can thiệp, kiểm soát, quản lý của bạn và cho nó cơ hội để tiếp tục đội lốt, dối lừa.
Khi và chỉ khi một người không tự dối lừa, nhận diện chính xác lời nói, thái độ, cảm xúc, cảm giác của bản thân, cũng là của người, thì đó chính là sự quan tâm. Tự khắc họ có lời nói, thái độ quan tâm đến người, việc, vật khác một cách tự nhiên, không lầm lẫn.
Nguyễn Thị Bích Ngà
Theo facebook Nguyễn Thị Bích Ngà
Đăng dưới sự cho phép của tác giả
- Xem thêm cùng tác giả loạt bài “Nền tảng giáo dục gia đình” tại đây.
- Xem thêm cùng tác giả loạt bài “Thói xấu người Việt” tại đây.
- Xem thêm cùng tác giả loạt bài “Góc tự học” tại đây.
Xem thêm:
Mời xem video:
Từ khóa Nguyễn Thị Bích Ngà góc tự học