Ngồi nhà ngày mưa, bần thần giở “Hà Nội trong cơn lốc”, tập phóng sự của nhà văn Vũ Bằng ra đọc. Theo như lời giới thiệu ở đầu cuốn sách thì “Đây là những sáng tác của một nhà văn Hà Nội, nhưng lại được công bố ở một tờ báo ở Sài Gòn vào những năm 1953-1954, đó là báo mới do Phạm Văn Tươi làm giám đốc”. Các tác phẩm này được NXB Phụ Nữ in lại năm 2010.
Vài dòng ngắn ngủi nhưng gợi cho tôi rất nhiều suy ngẫm. Số phận của nhà văn Vũ Bằng cũng có thể gọi là long đong, lận đận. Người ta cứ bảo ông ở bên này bên kia nhưng trong văn chương, tôi biết ông chỉ thuộc về một phe là “phe nước mắt”.
Nhân chuyện khẩu trang tăng giá, tôi chú tâm vào đọc những đoạn ông viết về nghề thuốc, thầy thuốc ở Hà Nội những năm 1953-1954 và chép ra đây hầu bạn đọc.
Trong bài “Lo ốm, lo bệnh”, nhà văn Vũ Bằng có kể chuyện về một anh bạn chạy chữa cho con qua ba ông thầy thuốc. Ngòi bút ông phác họa về ba ông thầy thuốc ấy thế này:
“Ông thầy thứ nhứt, một buổi sáng, khám bệnh cho hơn một trăm đứa trẻ, chỉ có vừa vặn ba phút để khám bệnh và tiêm thuốc cho con anh, ông còn thì giờ đâu để mà nghe anh kể bệnh của con và trả lời những câu anh hỏi về thuốc và cách giữ gìn, ăn uống cho đứa trẻ?”
“Anh chán, chạy đến ông thầy thứ hai thì ông thầy nầy chưa khám bệnh cho đứa bé đã giao hẹn: ‘Bây giờ tăng giá, mỗi lần khám bệnh một trăm bạc đấy’ rồi nghe, tiêm thuốc một tí, kê một cái đơn thuốc giá ngót hai trăm đồng để tiêm, uống rồi thụt và kết cục không khỏi bịnh”.
“Đến ông thầy thứ ba thì có lương tâm hơn một chút: ông bảo anh phải cho con nằm bệnh viện của ông mới chữa được, mỗi ngày một trăm rưỡi đồng bạc, không kể tiền mua thuốc. Thế rồi mỗi ngày ông đảo qua phòng đứa bé một lần, cầm tay xem mạch một lần rồi đi lên gác thượng để ngồi chơi với bạn và với vợ. Một buổi tối kia, đứa bé nổi bạo bệnh, co rúm cả chân tay lại. Anh bạn tôi cuống cuồng chạy tìm người gác thì người gác ngăn anh lại và để cho hắn tự lên lầu thượng mời ông đốc hộ. Năm phút, mười phút, hai mươi phút. Ông đốc vẫn không xuống. Anh bạn tôi sốt ruột, gạt phăng người gác ra trèo thang lên thì thấy ông đốc đang ngồi soa mạt chược. Thấy anh lên, ông nhăn mặt không bằng lòng, nhưng bất đắc dĩ cũng phải xuống vì ông nhiều lương tâm quá. Ông xuống xem cho đứa bé vài ba phút, tặc lưỡi: ‘Chả làm sao cả!’ rồi lại lên tiếp tục… ván bài mạc chược đang bỏ dở. Và bệnh con bạn anh tôi cứ như thế mà mỗi ngày trầm trọng hơn lên.”
Theo nhà văn thì ở Hà Nội có hai hạng người dùng thuốc. Một hạng là lam lũ, nghèo đói nay đau, mai ốm không tiền nên vớ gì uống nấy. Một hạng khác là “Bọn người có tiền khác hẳn”. Những người mà “Họ chỉ ăn thuốc (độc) những khi nào vỡ nợ, thua bạc hay bị đau đớn vì tình. Còn đau ốm vì bệnh thì họ uống thuốc, uống cẩn thận, uống ra dáng, uống chí tử, hết bao nhiêu cũng không cần…”
Hậu quả là “Thành thử ra để bù vào những người không có tiền uống thuốc, phải dùng thuốc độc để kết liễu cuộc đời, bao giờ cũng có một hạng người như lão Ác Giăng (tục gọi là Nũng Công) bịa ra bệnh để mà ốm, để mà nằm viện, để mà mua thuốc, dù thuốc đó đắt như vàng. Thế là vô tình người ta đã nuôi một bọn thầy lang và bán thuốc vô tội vạ, làm cho họ sinh ra hỗng, quen tính ‘phết’ chí tử những con bệnh nhờ họ chữa. Rồi cứ đà ấy mà tiến mãi, họ không thể tha thứ được những người có bệnh mà ít tiền, họ quan niệm có bệnh mà không có tiền thì thà chết đi cho rảnh còn hơn, và hậu quả đã đo đó mà phát sinh, là có một hạng lang ‘trông mặt mà chữa bệnh’. Nghĩa là con bệnh mà đến nhờ họ chữa thì việc trước nhất họ nhìn xem con bệnh có tiền không đã. Chúa là sợ cái hạng người ‘trây’, xem bệnh rồi, cho đơn rồi, ì ra đấy không trả tiền hay phủ phục xuống lạy mà ‘xin’: ghét không để đâu cho hết!”
Nhà văn mô tả biện pháp đối phó của các thầy lang thế này:
“…muốn chắc chắn, có một số thầy thuốc trông mặt con bệnh rồi mới quyết định có nên chữa hay không. Có một số giao hẹn trước ‘Này, mỗi lần khám bây giờ tăng lên một trăm đấy, bà có thỏa thuận chăng, không có chốc nữa lại kỳ kèo bớt sớ thì phiền lắm đấy!’. Và lại có một số nữa chắc hơn hết, thi hành một chính sách ‘không chê’ được là vào phòng khám bệnh, xin cứ xỉa tiền ra ngay để ở trên bàn… ông lang bỏ vào túi cẩn thận mới bắt đầu khám xét. Đố có ‘trệu’ vào đâu được.”
Vũ Bằng đánh giá:
“Âu đó cũng là một cách kiến thiết kinh tế tài tình vậy. Các ông lang chính cống, ông lang thang, lang vườn, các ông lang sài, ‘lang sói’ đã đành là kiếm được tiền xu, mà tiền ở trong túi con bệnh cũng nhân đó mà có dịp lưu thông nữa. Thực, y tế và kinh tế chưa được phối hợp với nhau tốt đẹp như thế bao giờ. 1953 là ngày trời tháng bụt của các ông thầy đó!”
“Bởi vì thuốc tăng giá, bởi vì thuốc tăng giá mà có những người hàng ngày vẫn có thể vứt ra hàng chục, hàng trăm để uống một liều thuốc bổ, để tiêm một phát thuốc trường sinh, có những người không tiếp cận với dân chúng luôn luôn quên bẵng mất rằng dân ta đương khổ, lắm khi ăn còn chả có, còn lấy đâu ra mà lo thầy, chạy thuốc.
Mặc. Đời sống bây giờ đắt đỏ, các ông, các bà không có tiền thì xin bằng lòng vậy, chứ ‘quan thầy’ không thể tính người này một giá, người kia một giá, sau người ta biết người ta ganh tị. Vì thế, tôi đã thấy có những ông thầy bắt con bệnh trước khi khám bệnh phải xỉa tiền ra trả trước: tiêm hay không tiêm cũng cứ phải đúng một trăm. Có ông công khai thương mại hóa việc thăm bệnh: người ốm trả tiền, vợ ông thầy ngồi đếm giấy bạc, thấy đủ rồi và giấy không rách, cho người ốm một cái tích kê, và ông thầy thấy tích kê có chữ kí của bà vợ mới để máy lên ngực, lên bụng con bệnh để nghe, để khám.”
Vũ Bằng mô tả lý luận của các ông thầy thuốc này khi bị chất vất lương tâm thế này:
“Nói cho thực ra thì mình có muốn đâu những chuyện tệ rạc, ti tiện thế. Bố mẹ nuôi cho con ăn đi học, đỗ hết bằng này đến bằng khác để cứu thế độ nhân, mà bây giờ đến cái nỗi đi mè nheo mấy đồng bạc với con bệnh, mình cũng thấy là nhục chứ có phải không đâu. Nhưng chết một nỗi là mình có vợ. Vợ tôi mà thấy tôi chữa cho ai không lấy tiền thì nó kỳ kèo rức xương ra, mà lấy ít tiền, hay bớt cho người ta một ít, nó cũng làm cho đến khổ.”
Hóa ra là do vợ!
Nhà văn Vũ Bằng bình:
“Thì ra trong khi mình đi tiêm thuốc và chữa chạy cho bệnh nhân thì chính vợ mình ở nhà cũng mắc bệnh mà mình không biết. Mắc cái bệnh thích tiền, chậm tiêm vi-ta-min T một tí thì nó cứ sôi lên sùng sục”.
Tuy nhiên, trong cuốn sách, nhà văn Vũ Bằng trong khi mổ xẻ ngang dọc làng thầy thuốc ở Hà Nội vẫn tìm thấy những người thầy mà ông gọi là “lương tâm chưa chết” như “bác sĩ B” chữa bệnh nhiều lần miễn phí cho những gia đình nghèo không có khả năng trả tiền thuốc, những bác sĩ mỗi tuần chữa bệnh lại dành “một ngày chữa bệnh không lấy tiền” hay ông bác sĩ “hồi cư” được mô tả trong bài “một tuần một ngày chữa bệnh không lấy tiền”.
Nhà văn nhận xét về những người thầy thuốc đó như thế này:
“Không. Lương tâm chưa chết. Trong khi hầu hết các ông thầy thi đua làm tiền để chạy mau tới đích nhà lầu, ô tô, vợ đẹp và chó bẹc-giê khôn, trong làng ‘dao cầu thuyền tán’ nước ta vẫn còn có những người làm thuốc, chữa thuốc với cái mục đích rất mèng là ‘cứu thế độ nhân’, có tiền đã đành là hay, nhưng không có cũng chả làm sao hết”.
Lẽ ra những thầy thuốc trên phải được đồng nghiệp kính trọng nhưng nhà văn Vũ Bằng lại mô tả một hiện thực đáng buồn. Họ bị đồng nghiệp nghi ngờ, soi mói và nói xấu sau lưng. Nhà văn ghi lại những lời đồng nghiệp nhận xét về họ thế này:
“- Ối chao, bịp đấy, con ông cụ ạ. Cái gì ăn học mất bao nhiêu là công là của mà bây giờ đi chữa bệnh không lấy tiền của bệnh nhân?
– Có lẽ lão ta chữa bệnh cho người không lấy tiền (hay lấy ít tiền) như thế là để làm chính trị… Có cái đòn gì đây!
– Trời, ở vào cái thời này, không biết thế nào mà anh ta cứ cơm nhà việc người như thế… có ẩn tình gì đây…”
Bấy nhiêu mô tả thôi nhưng chắc hẳn bạn đọc sẽ có thật nhiều liên tưởng!
Nguyễn Quốc Vương
Theo Facebook Tác giả, dịch giả Nguyễn Quốc Vương
Tìm mua sách “Hà Nội trong cơn lốc” qua Nhà sách Vương gia
Xem thêm cùng tác giả, dịch giả:
Mời xem video:
Ông Trần Quân (John Chen) bị kết án vì cùng đồng phạm hỗ trợ ĐCSTQ…
Các cuộc biểu tình tại Trung Quốc trong quý 3 năm nay đã tăng 27%…
Ngoại trưởng Andrey Sibiga cho biết Ukraine sẽ không chấp thuận nhượng bất kỳ lãnh…
Trong cuốn sách "Dũng tràng tiểu phẩm" của tác giả Chu Quốc Trinh đời nhà…
Đâu đó và ngay đây, vẫn có những người với người vẫn tin và thương…
Đề xuất của Bộ Tư pháp Mỹ yêu cầu Google phải bán trình duyệt Chrome…