Vào thời Đông Hán có hai vị hoàng hậu nổi tiếng, một người là Mã hoàng hậu, một người là Đặng hoàng hậu. Cả hai đều khiêm tốn, thận trọng, cần kiệm và chất phác, đều được hậu thế khen ngợi.
Cha của Mã hoàng hậu là Mã Viện, một danh tướng thời Đông Hán. Mặc dù đối với người Việt, Mã Viện là tướng xâm lược, nhưng đối với người Hán bấy giờ thì công nghiệp của ông rất lớn. Khi 13 tuổi, Mã hoàng hậu được tuyển vào cung, tận tâm trông nom phụng dưỡng thái hậu, lại lễ nghĩa chu toàn. Sau khi Hán Minh Đế Lưu Trang kế thừa ngôi vị, Mã hoàng hậu dùng đức quản hậu cung.
Mã hoàng hậu bẩm sinh tính tình nhân hậu, khiêm cung tiết kiệm, bình dị dễ gần, không thích ăn chơi nhàn nhã. Thường ngày bà mặc áo vải thô sơ, trừ khi có đại lễ quốc gia, còn lại bà không hề ăn vận mặc quần áo lụa đắt giá. Phi tần trong hậu cung rất khâm phục Mã hoàng hậu.
Mã hoàng hậu không can dự triều chính, nhưng đối với thế sự bà vô cùng thông tỏ. Mã hoàng hậu thường phân tích sự tình thấu đáo, có ngọn có ngành. Hán Minh Đế vì vậy thường xuyên hỏi bà và đều đối đãi rất trịnh trọng với kiến giải của bà.
Mã hoàng hậu không có con nên Minh Đế để nàng nuôi dưỡng Lưu Đát, con của Minh Đế và phi tần họ Giả. Mã hoàng hậu tận tâm nuôi nấng và dưỡng dục, quan tâm chu đáo tới Lưu Đát, mọi việc đều dốc sức tận tâm như người thân, tới nỗi thân thể mệt nhọc, tiều tụy.
Sau khi Hán Minh đế qua đời, Lưu Đát lên ngôi tức Hán Chương Đế, Mã hoàng hậu trở thành thái hậu. Hán Chương Đế cảm động trước ân nghĩa của mẫu hậu và muốn phong tặng cho ba người cậu. Mã thái hậu đều kiên quyết từ chối. Bà cũng nghiêm khắc với người trong gia tộc: ai phạm pháp sẽ cắt đứt quan hệ, đưa về quê làm ruộng. Vì vậy người nhà họ Mã lại càng thận trọng hơn trước.
Vài năm sau, Chương đế thấy rằng thiên hạ thái bình và nhất quyết muốn phong hầu tước cho cậu mình. Sau khi Mã thái hậu biết được liền viết thư cho em trai: “Khi còn trẻ, ta ngưỡng mộ cổ nhân lập ngôn lập đức, tên tuổi đi vào sử sách. Bây giờ già rồi, ta vẫn thận trọng tự trọng như ngày xưa, không tham hư danh. Ta mong cậu một lòng một dạ trước sau như một, để ta một khi nhắm mắt thì không còn điều gì phải hối hận.” Sau khi xem xong thư, các em trai bà cũng kiên quyết từ chối việc thăng hầu tước và cuối cùng chỉ nhận tước danh dự là Quan nội hầu. Không lâu sau, Mã thái hậu qua đời trong thanh thản bởi vì các anh trai, em trai không làm bà mất mặt.
Hơn 30 năm sau khi Mã hoàng hậu qua đời, Đặng hoàng hậu xuất hiện.
Đặng hoàng hậu từ nhỏ đã thích đọc các tác phẩm kinh điển của Nho gia và có tu dưỡng cao. Bà trước sau vẫn luôn khiêm nhường, thường ngồi đóng cửa một mình, đến cả hoàng đế cũng không gặp.
Âm hoàng hậu – hoàng hậu đầu tiên của Hán Hòa đế – thường ghen tị với Đặng quý nhân, có lúc còn phao tin đồn rằng muốn giết cả nhà họ Đặng. Sau đó, Âm hoàng hậu bị phế truất, Hán Hòa Đế nhất quyết muốn phong Đặng quý nhân làm hoàng hậu. Bà đã từ chối bảy, tám lần trước khi chấp nhận lời đề nghị, nhưng bà không muốn bất kỳ đãi ngộ vật chất nào.
Mỗi khi nghe nói nhà họ Đặng muốn thăng chức, Đặng hoàng hậu đều không cho phép. Vì vậy, anh trai bà là Đặng Chất chưa từng được thăng chức trong thời đại của Hòa đế.
Sau khi Hán Hòa đế qua đời, con trai sơ sinh Lưu Long kế vị ngai vàng, Đặng thái hậu buông rèm nhiếp chính. Bà muốn anh em nhà họ Đặng vào cung làm đại thần giúp đỡ, nhưng hoàn toàn không có tham vọng quyền lực. Không ngờ Lưu Long lại qua đời khi mới khoảng 1 tuổi, sử sách gọi ông là Thương Đế, tức là hoàng đế sơ sinh chết yểu.
Đặng thái hậu bèn đón cháu trai Lưu Hỗ 14 tuổi của Hòa Đế vào cung kế thừa hoàng vị và bà tiếp tục nhiếp chính.
Đặng thái hậu rất khâm phục Mã thái hậu. Bà cũng không khoan nhượng chút nào đối với những người họ hàng phạm tội và thường xử phạt nặng hơn. Anh em nhà họ Đặng cũng biết rõ điều này, nhiều lần thành khẩn xin rời khỏi triều. Đặng thái hậu rất tán đồng cách làm này và đồng ý.
Đặng Thái hậu kế thừa phong thái của Mã Thái hậu và rất coi trọng tính tiết kiệm. Bà hạ lệnh giảm bớt chi tiêu của hoàng thất, ngoại trừ việc cúng tế ở lăng mộ và đền thờ ra thì người trong cung không được lựa chọn lương thực đắt đỏ. Buổi sáng và tối chỉ được ăn một món ăn mặn giống nhau. Bà cho cắt giảm hơn một nửa lượng cống phẩm từ các nơi, kho chứa của cung điện và biệt quán không được bổ sung thêm. Những nữ phạm nhân trong cung đều được thả về nhà, tất cả chim ưng của Thượng Lâm uyển cũng đều được bán hết.
Đặng Thái hậu rất coi trọng việc giáo dục văn hóa của hoàng thất. Bà đã tuyển dụng các Nho sinh có học vấn đạo đức tốt dạy dỗ con em và cận vệ của hoàng tộc. Bà cũng cho hơn 70 người thân của nhà họ Lưu và họ Đặng tập trung học tại trường tư thục, 5 tuổi học lớp vỡ lòng, học kinh thư và đích thân giám sát các kỳ thi hàng năm. Bà viết cho anh họ Đặng Báo rằng: “Khi gia đình công hầu suy tàn, họ ăn mặc đẹp đẽ, no đủ, xe tứ mã, uy phong lẫm liệt; nhưng khi nói đến văn học, thì họ lại giống như kẻ quanh năm bị nhốt trong nhà. Họ không hiểu sử sách và con người, không biết thị phi trái phải. Đây chính là nguyên nhân dẫn đến tai họa”.
Một lần vào mùa hè, dân chúng gặp hạn hán nghiêm trọng, vô cùng khốn khổ. Đặng Thái hậu nghĩ: “Trời giáng hạn hán nghiêm trọng, có thể nhân gian có đại oan”. Sau đó bà đến thăm nhà tù Lạc Dương và đích thân thẩm vấn các tù nhân. Có một tù nhân vốn vô tội nhưng không chịu nổi sự tra tấn và bị buộc tội giết người, khắp thân thể đầy vết sẹo, không thể đi lại và được đưa đến gặp thái hậu bằng cáng tre. Người tù nhân sợ viên cai ngục bên cạnh và không dám lên tiếng. Đến khi ông bị đưa đi, đầu của ông mới dám ngẩng lên một chút, miệng mấp máy như muốn nói điều gì đó. Đặng Thái hậu liền hiểu chuyện và yêu cầu đưa ông ta quay lại để tự mình thẩm vấn. Cuối cùng sau khi làm rõ những oan uổng, bà lập tức hạ lệnh bỏ tù quan huyện Lạc Dương. Đúng lúc trước khi thái hậu trở về cung, mưa lớn như trút nước từ trên trời xuống, người dân ai nấy đều mừng rỡ.
Đặng thái hậu nhiếp chính được 15 năm, đó cũng là 15 năm an ổn. Dù có nhiều người trong họ tộc bà được phong tước làm quan nhưng không ai muốn lật đổ nhà Hán, lập hoàng đế khác cho nhà họ Đặng.
Tuy nhiên, khi Hán An Đế lớn lên và mong muốn tự mình quản triều chính, Đặng thái hậu nhận thấy An đế chưa thực sự trưởng thành, sợ xảy ra chuyện lớn, thà để bản thân bận rộn. Điều này cuối cùng đã để lại hậu họa cho họ Đặng. Khi Đặng Thái hậu qua đời, An đế bị các gian thần xúi giục và bắt giam nhiều người nhà họ Đặng vào tù. Một số bị trục xuất về quê, một số bị bắt tự sát. Trung thần và bách tính chỉ biết âm thầm thở dài, rơi nước mắt.
Sau khi thực sự nắm quyền trong tay, Hán An Đế thực sự đã biểu hiện là hoàng đế bất tài, thiếu đức, chỉ lo hưởng thụ, không để tâm triều chính, quyền hành đều rơi vào tay các hoạn quan. Nỗi lo của Đặng thái hậu trở thành hiện thực.
Mã thái hậu và Đặng thái hậu có phẩm cách giống nhau, mặc dù kết quả cuối cùng là khác nhau, nhưng trong lịch sử, cả hai vẫn được kính trọng và khen ngợi như hình mẫu cho hoàng hậu và thái hậu chốn cung đình.
Theo “Du du cổ phong: Hai tấm gương mẫu mực của nữ chủ nhân chốn cung đình“
Đăng trên ChanhKien.org
Tác giả: Trình Thực
Xem thêm:
Mời xem video:
Quan hệ Mỹ-Nga phảng phất có quan hệ với tai nạn hàng không. 10 năm…
Công an cho biết đã khởi tố thêm 5 bị can ở Phú Thọ và…
Năm 2024, tội về tham nhũng tăng 16,4% so với năm 2023, trong đó nhiều…
Năm nay đã có hơn 14.000 công ty chip Trung Quốc đóng cửa và khó…
Dường như Ukraine đã bị loại khỏi ngân sách quốc phòng kỷ lục mới nhất…
Thượng nghị sĩ Utah Mike Lee đưa ra ý tưởng rằng ông Donald Trump "nên…