Ấn vàng “Hoàng Đế chi bảo” được đúc xong vào năm 1823, trải qua bao chìm nổi lưu lạc nơi xứ người, chiếc ấn này đã được trở về Việt Nam vào tháng 12 vừa qua, nhưng số tiền đưa ấn vàng về được xem là bí mật.
Năm 1820, vua Minh Mạng lên ngôi, nhà Vua đã có những thay đổi cải cách hầu hết các mặt trong xã hội như hành chính, quân đội, chế độ thuế. Vua Minh Mạng được lịch sử đánh giá là vị Vua có nhiều thành tích nhất dưới thời nhà Nguyễn, đây cũng là thời kỳ hùng mạnh cuối cùng của chế độ quân chủ ở Việt Nam. Để thể hiện sức mạnh vương triều của mình, Vua đã cho đúc các bảo tỷ.
Sách “Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ” cho biết vua Minh Mạng cho đúc 6 chiếc ấn bảo tỷ bằng ngọc, 6 chiếc ấn tôn tàng bảo tỷ, 14 ấn bảo tỷ bằng vàng. Trong các bảo tỷ bằng vàng thì ấn “Hoàng Đế chi bảo” là quan trọng nhất, biểu tượng cho vương triều, được đúc xong vào năm 1823. Ấn vuông 3 tấc 2 phân, dày 5 phân, bằng vàng mười tuổi (vàng tinh khiết 99,99%), nặng 280 lạng 9 đồng 2 phân tức tương đương 10,7 kg.
Cuốn “Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ” có ghi chép về trường hợp sử dụng ấn này: “Gặp khánh tiết ban ơn, đại xá thiên hạ, cáo dụ thân huân, đi tuần thú các nơi để xem xét các địa phương, mọi diễn lễ long trọng và ban sắc thư cho ngoại quốc”.
Ấn vàng “Hoàng Đế chi bảo” tượng trưng cho uy quyền của nhà Nguyễn, thường đi cùng thanh bảo kiếm, ấn và kiếm đi với nhau tượng trưng cho quyền lực tối thượng của nhà Vua. Đây cũng là chiếc ấn vàng lớn và đẹp nhất của nhà Nguyễn. Ấn hình vuông, quai ấn là hình con rồng uốn khúc, đỉnh đầu rồng có khắc chữ “vương”. Mặt dưới của ấn khắc 4 chữ triện “Hoàng đế chi bảo”.
Cũng như các Triều đại khác, nhà Nguyễn sau thời gian thịnh trị, đến thời vua Tự Đức thì suy không thể chống nổi quân Pháp, đến thời vua Bảo Đại thì khí số đã tận.
Năm 1945, trước sức ép của Việt Nam Độc lập Đồng minh, vua Bảo Đại phải thoái vị và ấn “Hoàng Đế chi bảo” cùng kiếm báu lọt vào tay của Việt Nam Độc lập Đồng minh.
Năm 1946, người Pháp muốn tái lập chính quyền ở Đông Dương nên đưa quân đến Sài Gòn và tiến ra bắc. Việt Nam Độc lập Đồng minh phải rút đến tây bắc cho cuộc chiến lâu dài. Theo các ghi chép cùng tài liệu để lại thì do cuộc rút lui khẩn trương nên ấn “Hoàng Đế chi bảo” được đem giấu ở Hà Nội.
Ngày 28/2/1952, người Pháp tìm thấy ấn “Hoàng Đế chi bảo” và kiếm báu ở ngôi nhà cũ của Hà Đô. Ấn vẫn còn nguyên, nhưng kiếm báu đã bị gãy đôi. Trong báo cáo mật ngày 19 tháng 4 năm 1952 của Văn phòng Phủ Thủ Hiến Bắc Việt có viết: “Hà Đô là em rể của Đặng Xuân Khu [tên thật của Trường Chinh] và Đặng Xuân Thiều. Ông Khu hoặc ông Thiều đã mang những bảo vật này về dấu tại nhà của ông Hà Đô”.
Ngay sau khi có được báu vật của nhà Nguyễn, chỉ 1 tuần sau, người Pháp thông báo trao trả lại báu vật này cho cựu hoàng Bảo Đại lúc này đang là Quốc trưởng quốc gia Việt Nam. Người Pháp trao lại ấn và kiếm cho Bảo Đại ngụ ý “Vua đi rồi lại về”, vua Bảo Đại vẫn là Quốc trưởng và là Vua với cặp ấn kiếm tượng trưng cho quyền lực như xưa, nhằm vỗ yên dân chúng.
Tuy nhiên lúc này Bảo Đại đang ở Pháp không thể trực tiếp nhận lại báu vật, thứ phi Mộng Điệp cùng bà Từ Cung (Thái hậu cuối cùng của nhà Nguyễn) đã đại diện nhận lại báu vật ấn và kiếm ngày 8/3/1952 ở Đà Lạt.
Sau khi nhận được ấn và kiếm, Thứ phi Mộng Điệp cho người đi hàn kiếm lại và mài nhẵn để che chỗ hàn.
Năm 1953 ở Việt Nam cuộc chiến vẫn ác liệt, không biết được mất thế nào, Bảo Đại nhắn Thứ phi Mộng Điệp mang bộ ấn kiếm cùng các báu vật khác của nhà Nguyễn sang Pháp trao cho Nam Phương hoàng hậu và Thái tử Bảo Long cất giữ.
Năm 1963, Hoàng hậu Nam Phương qua đời, Thái tử Bảo Long thừa hưởng số bảo vật Hoàng gia mà bà Nam Phương giữ. Để giữ số báu vật này Thái tử đã mang bộ ấn kiếm cùng các bảo vật khác gửi trong tủ sắt của Union des Banques Européennes (Liên hiệp Ngân hàng Âu châu).
Năm 1980, Bảo Đại xuất bản cuốn hồi ký “Con rồng An Nam”, nên nói Bảo Long đưa mình quốc ấn “Hoàng Đế chi bảo” để đóng vào bìa cuốn sách. Tuy nhiên Thái tử Bảo Long đã kiên quyết không đồng ý, lấy lý do rằng trước đây mẹ dặn là cặp quốc ấn và kiếm báu không được để tách ra mà phải để đi đôi với nhau.
Quá tức giận, 2 năm sau Bảo Đại kiện con ra tòa để đòi lại quốc ấn và kiếm. Tòa xử cho Bảo Đại được giữ quốc ấn, còn Bảo Long được giữ thanh kiếm báu. Từ đó hai cha con mâu thuẫn không gặp mặt nhau.
Năm 1982, Bảo Đại lấy bà Monique Baudot, bà này là người Zair (thuộc Trung Phi) kém Bảo Đại hơn 30 tuổi. Sau khi cưới, với tư cách là vợ của cựu hoàng, bà tự xưng là Hoàng phi Vĩnh Thụy. Hai người sống với nhau nhưng không có con chung.
Năm 1997, Bảo Đại mất, thọ 83 tuổi, trước đó ông đã di chúc trao lại ấn vàng “Hoàng Đế chi bảo” cho bà Monique Baudot.
Năm 2021 bà Monique Baudot mất. Chỉ một năm sau vào ngày 20/10/2022, hãng đấu giá Millon ra thông báo đấu giá ấn vàng “Hoàng Đế chi bảo” và bát vàng của vua Khải Định, trong đó ấn vàng có mức giá khởi điểm dự kiến là 2 – 3 triệu euro, phiên đấu giá chính thức dự kiến ban đầu là vào ngày 31/10/2022.
Ngay sau khi biết thông tin này, Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch đã khẳng định đây chính là chiếc ấn vàng “Hoàng Đế chi bảo” của nhà Nguyễn nên đã gửi công văn đến Bộ Ngoại giao, đồng thời thông tin đến Đại sứ quán Việt Nam tại Pháp và Trung tâm Văn hóa Việt Nam tại Paris làm việc với Hãng Millon để xác minh thêm thông tin. Phía Việt Nam muốn đàm phán tác động để Hãng Millon hủy bỏ đấu giá và phía Việt Nam sẽ mua lại.
Ngày 31/10, Hội đồng Nguyễn Phước Tộc Việt Nam đã có văn bản gửi Tổng thống Pháp Emmanuel Macron can thiệp để phía Việt Nam được mua lại bảo vật của dòng họ mình.
Trong văn bản này có đoạn:
“Thưa Tổng thống, chúng tôi được biết và rất trân trọng thái độ dấn thân có hiệu quả của ngài, vì quyền tự do của các dân tộc, vì sự bình đẳng của các công dân và tình huynh đệ giữa các quốc gia trên thế giới. Chúng tôi hiểu rằng ngài có thể ưu tiên cho lợi ích quốc gia (nhà đấu giá Millon nằm trên đất Pháp), nhưng với tư cách là công dân của lục địa châu Âu hùng mạnh và là công dân của thế giới, liệu ngài có thể không quan tâm đến lời kêu cứu của chúng tôi, những người đang tận cùng tuyệt vọng”?
Dưới sự tác động của phía Việt Nam, hãng Millon đã dời phiên đấu giá từ ngày 31/10 đến ngày 10/11, sau đó lại tiếp tục dời dến ngày 18/11. Phía Việt Nam cũng kêu gọi các đơn vị kinh tế trong nước cùng đàm phán và mua lại bảo vật.
Trong khi ấn vàng “Hoàng Đế chi bảo” được dời lại hoãn đấu giá, thì bát vàng của vua Khải Định lại không được may mắn như thế. Bảo vật này được đem đấu giá vào ngày 31/10 với giá khởi điểm 15.000 euro. Chỉ sau 12 phút với 68 lần nâng giá, bảo vật này được bán với giá 680.000 euro.
Sau những nỗ lực của phía Việt Nam, Hãng Millon đã đồng ý bán lại ấn “Hoàng Đế chi bảo” cho Việt Nam, đến đầu tháng 12 thì ấn vàng “Hoàng Đế chi bảo” đã về đến Việt Nam, tuy nhiên số tiền để đưa được bảo vật này về nước được xem là bí mật không được phép công bố.
Trần Hưng
Xem thêm:
Mời xem video:
Việc hiệu trưởng trường THCS Lê Văn Tám (xã Ia Piơr, huyện Chư Prông, tỉnh…
Một tiệm vàng ở huyện Yên Thành (tỉnh Nghệ An) huy động tiền gửi tiết…
Ông Trần Quân (John Chen) bị kết án vì cùng đồng phạm hỗ trợ ĐCSTQ…
Các cuộc biểu tình tại Trung Quốc trong quý 3 năm nay đã tăng 27%…
Ngoại trưởng Andrey Sibiga cho biết Ukraine sẽ không chấp thuận nhượng bất kỳ lãnh…
Trong cuốn sách "Dũng tràng tiểu phẩm" của tác giả Chu Quốc Trinh đời nhà…