Hậu duệ Hưng Đạo Vương: 9 đời Công, Hầu thời Lê Trung Hưng (P5)
- Trần Hưng
- •
Hồ Quý Ly tìm diệt tôn thất nhà Trần khi cướp ngôi, khiến hoàng tộc nhà Trần ly tán khắp nơi. Trải qua nhiều sóng gió, hậu duệ của Hưng Đạo Vương vẫn có được 9 đời liên tiếp là Công, Hầu thời Lê Trung Hưng.
- Tiếp theo phần 4
Phủ Chúa có biến, họ Đặng gặp nạn

Gia tộc họ Đặng đời thứ 6 nhiều người được phong Công, Hầu, trong đó nổi bật là Đông Lĩnh hầu Đặng Tiến Đông. Đặng Tiến Đông sinh năm 1738, cháu nội của Yên Quận công Đặng Tiến Thự.
Năm 1747 khi ông 9 tuổi thì đi học với thầy Doãn Xá tại chùa Thủy Lâm (còn có tên là chùa Lương Xá) ở quê nhà. Năm 1749 khi 11 tuổi thì ông mồ côi cha, 10 năm sau thì mồ côi mẹ.
Năm 1763, Đặng Tiến Đông tham dự khoa thi võ và đỗ “tạo sĩ” – tương đương với đỗ tiến sĩ kỳ thi khoa bảng. Là người giỏi cả văn lẫn võ, ông làm quan võ dưới thời vua Lê Cảnh Hưng và chúa Trịnh Sâm, lập nhiều chiến công, về sau được phong Vệ quốc Thượng tướng quân, Đô đốc Đông Lĩnh hầu Trấn thủ Thanh Hoa (sau này là Thanh Hóa) và Nghệ An.
Trong các đời chúa Trịnh thì thời cực thịnh là chúa Trịnh Cương. Khi chúa Trịnh Cương mất, Trịnh Giang lên nối ngôi bị thái giám chi phối, Chúa nghe theo thái giám ăn chơi trụy lạc khiến họ Trịnh ngày càng suy yếu.
Năm 1782, chúa Trịnh Sâm mất, Triều đình có biến khiến gia tộc họ Đặng cũng bị cuốn theo liên lụy. Đặng Thị Huệ và Huy quận công Hoàng Đình Bảo lập Trịnh Cán lên ngôi Chúa lúc mới chỉ 5 tuổi. Lính kiêu binh từ trước ủng hộ Trịnh Tông liền tổ chức cuộc đảo chính, giết chết Quận Huy rồi đưa Trịnh Tông lên ngôi.
Anh em của Đặng Tiến Đông có 30 người họ Đặng phò tá Tuyên phi Đặng Thị Huệ bỏ trốn, quân kiêu kinh truy đuổi và bắt được thì đem giết cả. Để tránh bị liên lụy, Đặng Tiến Đông phải bỏ quan đi trốn.
Thời buổi loạn lạc, đổi tên để theo Tây Sơn
Là người có tài vào thời đó, Đặng Tiến Đông đứng giữa ngã ba đường không biết theo ai.
Ở Đàng Ngoài họ Trịnh hoàn toàn suy yếu, đám kiêu binh mặc sức hoành hoành, tự ý chọn đưa Chúa lên ngôi, gây sức ép để được tự do thu thuế chợ, thuế đò, thầu ao đầm quanh khu vực Thăng Long. Sau đó đám kiêu binh lại ép Chúa lập Lê Chiêu Thống làm Tháo tử rồi lên ngôi Vua. Có công đưa cả Vua lẫn Chúa lên ngôi, đám kiêu binh hoàn toàn thao túng Đàng Ngoài, không coi ai ra gì.
Ở Đàng Trong thì Trương Phúc Loan nắm toàn quyền, thâu tóm hết của cải khiến quốc khố trống rỗng, dân chúng đói khổ oán thán.
Chẳng có ai để theo, nhưng không muốn ngồi không chẳng làm gì, Đặng Tiến Đông đành phải theo nhà Tây Sơn khi quân Tây Sơn tiến ra bắc.
Nhưng quân Tây Sơn bấy giờ được ví là “giặc cỏ”, khởi nghĩa ban đầu là phò chúa Nguyễn diệt Trương Phúc Loan để lấy lòng dân, nhưng thực tế lại truy sát cả tộc chúa Nguyễn. Vì không còn ai khác để phò tá nên khi Đặng Tiến Đông theo Tây Sơn, ông biết rằng gia tộc sẽ bị liên lụy vì mang tiếng trong họ có kẻ theo “giặc cỏ”, nên trong gia phả họ Đặng viết rằng: “Đô đốc Đông mất đầu năm 1787”. Đồng thời ông lấy tên khác là Đặng Tiến Giản, từ đó trong gia phả không còn nhắc đến tên Đặng Tiến Đông nữa.
Giữa năm 1787, ông vào Quảng Nam ra mắt Nguyễn Huệ. Lúc này Nguyễn Huệ đã nghe danh và biết Tiến Giản là ai liền thu nhận và xem là thượng khách. Nguyễn Huệ vừa có cuộc chiến xung đột lớn với anh mình là Nguyễn Nhạc, cuối cùng Nguyễn Nhạc phải phong cho Nguyễn Huệ làm Bắc Bình vương cai quan vùng đất từ đèo Hải Vân ra bắc. Để cai trị vùng đất của mình, Nguyễn Huệ rất cần người có tài, nên phong cho Đặng Tiến Giản làm Đô đốc Đồng tri, Đông Lĩnh hầu, Trấn thủ Thanh Hoa.
Diệt Nguyễn Hữu Chỉnh
Lúc này Nguyễn Huệ cử Nguyễn Hữu Chỉnh trấn thủ Thăng Long, nhưng Chỉnh thấy anh em Tây Sơn bất hòa nên có ý xây dựng lực lượng riêng như chúa Trịnh trước đây, giúp vua Lê Chiêu Thống thoát khỏi Tây Sơn. Nguyễn Huệ cử Vũ Văn Nhậm ra Thăng Long trừng trị Chỉnh. Vì Đặng Tiến Giản vốn là quan võ nên được phong chỉ huy quân tiên phong đánh Chỉnh.
Đầu năm 1788, Đô đốc Đặng Tiến Giản cầm quân tiên phong đánh bại quân của Hữu Chỉnh rồi tiến vào Thăng Long. Nguyễn Hữu Chỉnh phải bỏ chạy về Hải Dương và bị quân Tây Sơn bắt được. Sau đấy Đặng Tiến Giản được cho làng quê Lương Xá làm thực ấp vĩnh viễn.
Tiến đánh quân Thanh, làm quan thời Tây Sơn
Sau khi Nguyễn Huệ lên ngôi Vua, hiệu là Quang Trung thì chia quân làm 5 đạo tiến đánh Thăng Long.
Theo giáo sư Đặng Huy Lê thì Đặng Tiến Giản có tham gia cuộc tiến quân vào Thăng Long. Từ núi Tam Điệp, ông đưa quân đến Nho Quan, Ninh Bình, rồi đến quê nhà huyện Chương Mỹ, đến làng Nhân Mục rồi tiến đến Thăng Long, mờ sáng mùng 5 tết kỷ dậu thì đến Khương Thượng. Ông cho quân tiến đánh quân Thanh do Sầm Nghi Đống chỉ huy, trận đánh diễn ra rất nhanh, quân Tây Sơn chiến thắng, Sầm Nghi Đống phải tự thắt cổ.
Sau đó ông cho quân đánh Nam Đồng rồi tiến đến cửa tây thành Thăng Long. Lúc này các cánh quân Tây Sơn cũng kéo đến, Tôn Sĩ Nghị hay tin thì lên ngựa bỏ chạy.
Dưới thời vua Quang Trung, Đặng Tiến Giản giữ chức Vệ Quốc Thượng tướng Quân, Trấn thủ hai xứ Thanh Hoa và Nghệ An. Đến thời vua Cảnh Thịnh thì ông giữ chức Đại tướng Thống Vũ Thắng Vệ Thiên Hùng Hiệu
Trấn thủ Thanh Hoa và Nghệ An, ông chiêu dân khai khẩn đất đai, mở rộng thôn xóm, tu bổ các chùa chiền ở quê nhà Lương Xá.
Thời gian rảnh ông soạn bộ “Đặng gia phả hệ toàn chính thực lục” gồm 6 quyển ghi chép lại nguồn gốc cũng như gia phả của dòng họ.
Khi mất ông được dựng bia tưởng niệm ở trước chùa Thủy Lâm làng Lương Xá quê nhà, trong đó có một phần ghi chép như sau:
“Kim triều đại tướng thống Vũ Thắng đạo Thiên Hùng đô đốc Đông Lĩnh hầu Đặng Tiến Đông (hay Giản) hệ xuất lệnh tộc giáp nhất chi, Yên quận công chi tôn, Dận quận công chi tử (mất một chữ) thì, Hoàng triều Thái tổ Vũ Hoàng đế nghĩa thanh chấn bạc quy trú Quảng Nam, công nhất kiến quân môn, mật mông tri ngộ, sủng ban ấn kiếm, ủy thống nhung huy. Ngưỡng lại thiên uy, nhất cử đảng định. Mậu thân (2 chữ bị đục) sơ, bắc binh nam mục, công phụng chiếu tiên phong đạo, tiến chiến nhi bắc binh hội. Công đơn kỵ đương tiên, túc thanh cung cấm. Vũ Hoàng giá lâm Thăng Long, sách hành thưởng đặc tứ bản quán Lương Xá xã vĩnh vi thực ấp”
Dịch nghĩa:
“Vị Đại tướng triều ta là Đô đốc Đông Lĩnh hầu Đặng Tiến Đông (hay Giản) thống lĩnh về Thiên Hùng trong đạo Vũ Thắng, xuất thân từ chi thứ nhất một họ lớn, cháu cụ Yên quận công, con cụ Dận quận công… Bấy giờ tiếng tăm nghĩa khí của Thái tổ Vũ Hoàng đế (tức vua Quang Trung) lừng lẫy khắp nơi, ngài đang đóng quân ở Quảng Nam. Ông một lần vào ra mắt trước cửa quân, nhờ ơn tri ngộ, yêu ban ấn kiếm, giao cho cầm quân. Ngửa nhờ oai trời, một lần cất quân là quét sách giặc giã. Năm Mậu Thân…quân Bắc nhòm ngó phương Nam, ông vâng chiếu lãnh đạo tiên phong tiến đánh quân Bắc tan rã. Ông một mình một ngựa đi trước vào dẹp yên cung cấm. Vũ Hoàng đế đến Thăng Long xét công phong thưởng, đặc biệt ban cho ông làng quê Lương Xá làm thực ấp vĩnh viễn”
(Còn nữa)
Trần Hưng
Xem thêm:
- Chiến thuật kinh điển của Tam Quốc Diễn Nghĩa tái hiện trong sử Việt
- Nhà Tây Sơn và nhà Nguyễn: Lòng người hướng về ai?
Mời xem video:
Từ khóa lịch sử Việt Nam dòng họ Việt Nam
