Sau cuộc chiến chống quân Minh thắng lợi, gia đình Lê Lai cùng các con đều đã hy sinh, chỉ còn lại Lê Lâm là sống sót. Nhưng khi truy kích quân Ai Lao, Lê Lâm lại tử trận, được tặng hàm Thái úy Trung Quốc Công và phong làm Phúc Thần. Họ Lê Lương Giang đời này quả thật là dòng họ trung thần. Đến thời nhà Lê thịnh thì dòng họ này lại có một công thần nức tiếng, đó là Lê Niệm.
Con trai của Lê Lâm là Lê Niệm, “từ nhỏ đã thông minh, văn võ đều giỏi, chí khí hơn người” (Đại Việt thông sử). Chính sử không thấy có ghi chép về con đường khoa bảng của Lê Niệm, “Đại Việt thông sử” có chép rằng: “Ông có học vấn, giỏi thơ. Vua Thánh Tông mỗi khi có thơ đề vịnh thường bảo ông họa lại”.
Năm 1439 đời vua Lê Thái Tông, Lê Niệm bắt đầu làm quan cho Triều đình, được phong chức Cận thị cục chánh chưởng.
Năm 1441, vua Lê Nhân Tông lên ngôi nhưng còn nhỏ, Thái hậu Nguyễn Thị Anh nhiếp chính. Từ năm 1444, Vua Chiêm Thành là Bí Cai liên tục cho quân tiến đánh vùng biên giới Đại Việt, cướp thành Châu Hóa, bắt dân.
Năm 1446, Thái hậu Nguyễn Thị Anh sai các tướng lĩnh cùng 60 vạn quân tiến đánh Chiêm Thành. Đại Việt Sử ký Toàn thư chép rằng: “Thái hậu Nguyễn Thị Anh thấy quốc vương Chiêm Thành là Bí Cai nhiều lần dốc quân cả nước vào cướp, cho nên ngày 22, cùng tháng sai Lê Thụ, Lê Khả, Lê Khắc Phục đem hơn 60 vạn quân đi đánh Chiêm Thành”.
Lê Niệm được phong làm Thiêm tri nội viên viện sự theo Lê Thụ đi đánh Chiêm Thành. Đại Việt thắng lớn, bắt được Vua Chiêm cùng các phi tần, Lê Niệm cũng được thăng chức làm Đồng tri. Đến năm 1449 thì Lê Niệm được thăng làm An phủ phó sứ Tây đạo, sau thăng làm An bang trấn Tuyên úy đại sứ.
Tháng 10/1459, con trưởng của vua Thái Tông (anh của vua Nhân Tông) là Lê Nghi Dân đang đêm cho quân bắc thang vào thành giết chết vua Lê Nhân Tông cùng Thái hậu Nguyễn Thị Anh để cướp ngôi.
Tháng 5/1460, Tể tướng Đỗ Bí cùng Lê Thụ làm cuộc binh biến nhằm lật đổ Lê Nghi Dân nhưng không thành, tất cả đều bị giết.
Tháng 6/1460, Lê Niệm cùng với các đại thần Nguyễn Xí, Đinh Liệt, Lê Lăng làm cuộc binh biến lật đổ Lê Nghi Dân, lập Lê Tư Thành lên ngôi tức vua Lê Thánh Tông.
Do lập được công lao, Lê Niệm được phong là Suy trung Bảo chính công thần, Tân An trấn thủ quân thượng tướng quân Sùng tiến Nhập nội tư mã, được tham dự triều chính, tri ngự tiền các quân, ban túi Kim ngư, Ngân phù (ấn bạc) tước Đình Thượng hầu.
Vua Lê Thánh Tông phong cho Lê Niệm làm Á tướng chỉ huy Cấm vệ quân, được phong tước Nguyên hầu, sau được phong làm Thái bảo, tước Kỳ Sơn hầu. Sau này khi vua Thánh Tông đã yên vị, luận công lao Lê Niệm rất lớn nên phong cho ông là Kỳ Quận công cùng 200 mẫu ruộng.
Năm 1462, Lê Niệm được phong làm Nhập nội đô đốc Bình chương sự tri kiêm sung Quốc Tử Giám tế tử. Năm 1463, ông được sung chức Đề điệu thi Hội, nhằm tìm kiếm chọn lọc nhân tài cho nước nhà.
Năm 1460, vua Chiêm là Trà Duyệt mất, em là Trà Toàn lên ngôi. Đại Việt sử ký toàn thư của Đại Việt mô tả Trà Toàn là “hung bạo làm càn, dối thần ngược dân, ngạo mạn kiêu căng”. Trà Toàn lăng nhục cả sứ thần Đại Việt do vua Lê gửi đến, cho quân gây hấn biên giới với Đại Việt rồi sai người tâu với vua nhà Minh rằng Đại Việt xâm lấn và cầu viện binh giúp đỡ.
Tháng 8 âm lịch năm 1470, Trà Toàn cho 10 vạn quân tiến đánh Đại Việt, sự kiện này Đại Việt sử ký toàn thư ghi chép như sau:
“Tháng 8, quốc vương Chiêm Thành Bàn La Trà Toàn thân hành đem hơn 10 vạn quân thuỷ bộ cùng voi ngựa đánh úp châu Hoá. Tướng trấn giữ biên thuỳ ở châu Hoá là bọn Phạm Văn Hiển đánh không nổi, phải dồn cả dân vào thành, rồi cho chạy thư cáo cấp”.
Nhận được tin báo, vua Lê Thánh Tông chuẩn bị 26 vạn quân tiến đánh Chiêm Thành. Lê Niệm được cử làm Chinh lỗ phó tướng quân, Đầu năm 1471, quân Đại Việt chiếm được Kinh thành Đồ Bàn, bắt vua Trà Toàn. Trở về Lê Niệm được phong Bình khấu tướng quân, ban thực ấp 300 hộ.
Sau đó em của Trà Toàn là Trà Toại tập hợp quân quấy nhiễu vùng biên giới. Lê Niệm cùng Công Lộ đưa 3 vạn quân đi đánh bắt được Trà Toại.
Thời vua Lê Nhân Tông, Bồn Man xin được nội thuộc Đại Việt, Vua cho sáp nhập vào châu Quy Hợp, nhưng vẫn cho họ Lư Cầm đời đời làm phụ đạo cai quản vùng này. Nhưng năm 1478, thủ lĩnh Bồn Man là Lư Cầm Công liên kết với Lan Xang (Lào ngày nay) đem binh quấy nhiễu châu Quy Hợp.
Năm 1479, Lê Niệm nhận lệnh cầm quân đánh vào Bồn Man, Đại Việt Sử ký Toàn thư chép rằng: “Sai tướng quân Kỳ quận công Lê Niệm đeo ấn tướng quân, mang 30 vạn quân đánh Bồn Man, vì có thư báo thắng trận của Chinh Tây quân doanh đánh nước Lão Qua bị giặc Bồn đón chặn làm mất.”
Quân Đại Việt thắng lớn, truy đuổi Cầm Công đến tận sông Trường Sa giáp với Miến Điện mới rút về. Vua Lê Thánh Tông cho sáp nhập lãnh thổ Bồn Man vào Đại Việt gọi là Trấn Ninh.
Với công lao này Lê Niệm được phong là Suy trung Bảo chính Minh nghĩa Hồng đức Thuần Tín công thần khai phủ Thái phó Tĩnh quốc công. Vua Lê Thánh Tông đã ban bài chế khen rằng: “Lê Niệm là người khí độ trầm hùng, vốn thông minh sáng suốt. Dòng dõi công huân, đáng nòi trung nghĩa”.
Ngày nay ở huyện Yên Mô có đê đá lớn, tương truyền con đê lớn này do vua Lê Thánh Tông truyền làm để ngăn nước mặn, gọi là đê Hồng Đức. Người chỉ huy cuộc đắp đê lịch sử này chính là Lê Niệm.
Lê Niệm bắt đầu đắp đê vào năm 1472, đê dài 50 km nối từ vị trí cửa Thần Phù tới cửa Muôn Hải (sông Hồng), đi qua các huyện Yên Mô, Yên Khánh của Ninh Bình và Nghĩa Hưng, Hải Hậu của Nam Định ngày nay. Đê Hồng Đức có ý nghĩa quan trọng trong kĩnh vực kinh tế, chính trị, quân sự của đất nước thời Lê sơ đến mãi về sau này.
Năm 1482, vua gia phong Lê Niệm làm Suy trung Bảo chính Minh nghĩa Hồng Đức Thuần Tín công thần khai phủ Thái phó Tĩnh quốc công.
Năm 1385, Lê Niệm mất, được truy tặng hàm Thái úy, thụy là Trinh Ý. Lê Huy Chú đã đánh giá về ông trong “Lịch triều hiến chương loại chí” rằng: “Kể đến người văn võ đều giỏi, công danh toàn vẹn thì không ai bằng Lê Niệm”. Đời sau phong ông là Phúc Thần, nhiều nơi thờ, các triều đại đều có sắc phong là “Thượng, thượng đẳng, tối linh, đại vương”.
Trong số các con của Lê Niệm có 3 người được phong tước hầu, 2 người tước bá, 2 người làm tả Đô đốc, 1 người làm Thượng thư, 1 người là hoàng hậu, 1 là cung tần.
Con thứ 4 của Lê Niệm là Lê Khủng có công trong việc giữ yên vùng biên giới. Năm 1490 Lê Khủng đánh Chiêm Thành lập công lớn nhưng không may bị thương nặng và tử trận, được truy tặng Thái Bảo, tước Thuần Quận Công.
Những người con khác của Lê Niệm cũng lập công lớn, như con trai thứ hai là Lê Chí, trong cuộc tiến đánh Chiêm Thành, Lê Chí là người xông lên phía trước bắt được chúa Trà Toại, khi trở về được phong Bình Lương bá.
Dòng dõi Lê Lai, nhiều đời trung thành với nhà Lê, lập nhiều công lao to lớn, vua Lê Thánh Tông đã có bài văn chế tặng Lê Niệm, trong đó có câu: “Dòng dõi công huân, đáng nòi trung nghĩa. Rực rỡ bấy cánh hoa vườn quý, thơm ngát hương danh… Toàn gia trung hiếu…, tiếng tốt mấy đời”. Nhà vua cũng khẳng định quan hệ vua tôi là mối nhân duyên: “Có vua ấy, có tôi ấy, nhân duyên kia ắt bởi trời xui?”.
Trong tác phẩm “Việt chế ngự sử tổng vịnh” vua Tự Đức có làm bài thơ về Lê Niệm như sau:
Ba đời danh tiếng một nhà xưa
Dẹp giặc viễn chinh báo đáp vua
Quên tục, Đào Chu noi chí thích
Đầy hiên đạm bạc thiếp đề thơ.
(Bản dịch của Nguyễn Văn Dũng)
(Hết)
Trần Hưng
Xem thêm:
Mời xem video “Nhận rõ chính mình là một loại trí tuệ”:
Cảnh sát Nhật Bản cho biết đã nộp đơn xin lệnh bắt giữ một thiếu…
Các đại biểu đồng thuận cho rằng máy điều hòa không phải mặt hàng xa…
Tối 20/11 một vụ đâm chém người đã xảy ra tại ký túc xá của…
Bộ Tài chính đang đề nghị xây dựng dự án nghị quyết của Quốc hội…
Trước bước tiến vững chắc của quân Nga, BBC chỉ ra trong một bài phân…
Gần 150 bộ hài cốt được phát hiện khi công nhân thi công cải tạo…