Họ Lê Lương Giang: Dòng họ trung thần (P1)
- Trần Hưng
- •
Hiếm có dòng họ nào tận trung như dòng họ Lê gốc Lương Giang, nhiều đời trung thành với nhà Lê, lập nhiều công lao bảo vệ Giang Sơn Xã Tắc.
Họ Lê ở Lương Giang
Ở huyện Lương Giang (nay là huyện Ngọc Lặc) tỉnh Thanh Hóa có gia đình họ Lê nối đời làm chức Phụ đạo trong vùng. Đến thời nhà Trần, người giữ chức Phụ đạo là Lê Kiều, sinh được hai người con trai Lê Lạn và Lê Lai.
Thế sự xoay vần, năm 1400, Hồ Quý Ly cướp ngôi nhà Trần, lập ra nhà Hồ. Tuy nhiên nhà Hồ không chống được ngoại xâm, năm 1407 quân Minh đánh bại nhà Hồ và bắt được cha con Hồ Quý Ly. Quân Minh bóc lột dân chúng rất tàn nhẫn, các cuộc khởi nghĩa nổ ra khắp nơi.
Năm 1416, Phụ đạo vùng Lam Sơn (Thanh Hóa) là Lê Lợi quyết định dựng cờ nghĩa đánh đuổi quân Minh. Lê Lợi tập hợp các thủ hạ trung thành và những người cùng chí hướng theo mình vào buổi đầu. Anh em Lê Lạn và Lê Lai cũng đi theo Lê Lợi cùng khởi nghĩa quyết đánh đuổi quân Minh giành lại độc lập cho dân tộc.
Lời thề ở Lũng Nhai
Năm 1416, Lê Lợi cùng 18 người cùng chí hướng đến Lũng Nhai lập hội thề đồng tâm đánh giặc, sống chết có nhau: “Mùa đông, năm Bính Thân (1416) vua Thái Tổ cùng 18 vị tướng thân cận của nhà vua, liên danh hội thề nguyện sống chết có nhau” (Đại Việt thông sử).
Nhà nghiên cứu Hoàng Xuân Hãn đã tìm được từ bản gia phả của các dòng họ Lê Sát và dòng họ Đỗ về “Hội thề Lũng Nhai”. Từ hai bản này ông ghi chép lại nội dung lời thề ở Hội thề Lũng Nhai như sau:
Năm đầu niên hiệu Thiên khánh, quá ngày sóc tại nước A-NAM, lộ Khả Lam, tôi là phụ đạo Lê Lợi đứng đầu, với Lê Lai, Lê Thận, Lê Văn Linh, Lê Văn An, Trịnh Khả, Trương Lôi, Lê Liễu, Bùi Quốc Hưng, Lê Nanh, Lê Kiểm, Vũ Uy, Nguyễn Trãi, Lưu Nhân Chú, Trịnh Vô, Phạm Lôi, Lê Lý, Đinh Lan, Trương Chiến,
Chúng tôi kính cẩn đem lễ vật, sanh huyết mà thành khẩn dâng lời tâu, cáo cùng Vua Trời, Hậu Đất và các thần linh bậc thượng, trung, hạ coi các cảnh đẹp sông núi tại các xứ ta. Chúng tôi cúi xin rộng rủ lòng thương, soi xét để chứng cho việc nầy. Rằng có bạn từ xa tới kết tình vui vẻ và rất tin nhau, cho nên phải làm lễ tâu cáo.
Nay ở nước tôi, tôi phụ đạo Lê Lợi đứng đầu với 18 người từ Lê Lai đến Trương Chiến, tuy sinh khác họ, quê quán xa cách nhưng kết nghĩa cùng nhau, xem nhau như cành liền chung một tổ. Tuy phần vinh hiển có khác nhau, nhưng nguyện đem tình đối xử với nhau như người không khác họ.
Nếu có bè đảng, vì muốn xâm tiếm, tỏ vẻ xem chừng sắp vượt cửa vào để làm hại, thì:
Ví bằng chúng tôi đây, Lê Lợi với 18 người từ Lê Lai đến Trương Chiến, có đều hiệp lực đồng tâm chống giữ địa phương để làng xóm được yên; nếu chúng tôi sống chết cùng nhau không quên lời thề ước, thì chúng tôi cúi xin Trời, Đất và các vị Thần linh chứng giám cho, ban xuống trăm điều lành, cho từ thân đến nhà, dòng dõi, con cháu đều được yên lành để đời đời hưởng lộc Trời.
Ví bằng Lê Lợi với 18 người từ Lê Lai đến Trương Chiến lại ra ý đổi đường, tìm sướng hiện thời, mập mờ sao lãng, không chịu đồng tâm, bỏ quên lời thề ước, thì chúng tôi cúi xin Trời, Đất và các vị Thần linh phát xuống trăm tai, cho từ thân đến nhà, dòng dõi, con cháu đều chịu giết sạch, đúng với luật Trời.
Kính cẩn tâu trình.
Sau hội thề, Lê Lợi cùng 18 người theo mình chiêu binh mãi mã chuẩn bị khởi nghĩa. Lê Lai được ban tước Quan nội hầu, phủ Đô tổng quản.
Lê Lai được Lê Quý Đôn đánh giá trong cuốn Đại Việt thông sử là “tính cương trực, dung mạo khác thường, chí khí cao cả lẫm liệt, lo việc hậu cần cho Lê Lợi rất chu đáo”.
Mặc áo Chúa, Lê Lai vì nghĩa hy sinh
Năm 1418, khởi nghĩa Lam Sơn chính thức nổ ra. Quân Minh thấy nghĩa quân Lam Sơn mới chưa mạnh nên quyết định tấn công nhằm tiêu diệt ngay từ trong trứng nước. Mỗi khi túng thế nghĩa quân phải chạy vào núi Chí Linh ẩn náu.
Một lần nghĩa quân phải ẩn náu trong núi Chí Linh, quân Minh cho vây chặt nhằm chặn hết nguồn lương thực. Hết lương, nghĩa quân đành phải thịt cả ngựa để làm thức ăn. Thế rồi ngựa cũng hết mà quân Minh không có dấu hiệu rút đi. Tình thế vô cùng nguy nan.
Biết quân Minh vây chặtlà để bắt mình, Lê Lợi ứa nước mắt nói với các tướng: “Ai dám đổi áo thay ta đem quân ra đánh giặc, xưng danh hiệu của ta, bắt chước như Kỷ Tín đời Hán, để ta có thể giấu tiếng, nghỉ binh, tập hợp tướng sĩ, mưu tính cuộc nổi dậy về sau?” (Đại Việt thông sử).
Mọi người ngồi yên không ai dám thưa, chỉ có Lê Lai đứng dậy tình nguyện giả chủ tướng để giải vây cho nghĩa quân.
Lê Lợi cảm động đổi áo với Lê Lai. Lê Lai dẫn theo 500 quân mở đường máu đánh ra ngoài phá vây. Quân Minh tưởng Lê Lợi cầm quân đánh thoát ra ngoài thì tập trung quân đánh, Lê Lai nhanh chóng bị quân Minh bắt và xử tử. Quân Minh tưởng đã giết được chủ tướng Lê Lợi, diệt xong cuộc khởi nghĩa Lam Sơn rồi nên rút đi. Lê Lợi cùng nghĩa quân Lam Sơn vậy là được cứu.
Dòng họ trung thần
Đến năm 1425, anh trai Lê Lai là Lê Lạn cũng hy sinh khi đánh ải Khả Lưu.
Lê Lai có 3 người con trai được Lê Lợi xem như con đẻ. Trong đó có hai người hy sinh trong cuộc chiến chống quân Minh:
- Lê Lư hy sinh khi vây thành Nghệ An năm 1425.
- Lê Lộ lập nhiều công lao, năm 1424 được phong làm Thái bảo. Tháng 10/1424, ông trúng tên và hy sinh trên chiến trường.
Năm 1428, khi khởi nghĩa Lam Sơn đi đến thành công, Lê Lợi lên ngôi Vua hiệu là Lê Thái Tổ. Nhà Vua mở hội phong thưởng cho các tướng sĩ theo mình. Không quên Lê Lai cùng các con, Vua cho Lê Lai là công thần bậc nhất, truy phong chức Thái úy, tước Trung Túc Vương. Lê Lư được tặng hàm Thiếu úy, đến đời vua Lê Thánh tông tặng tước Kiến tiết hầu, về sau gia tặng Kiến quận công. Lê Lộ được tặng hàm Thái úy, đến đời vua Lê Thánh Tông tặng là Chiêu Công hầu, sau gia tặng Chiêu quận công.
Trong những người con của Lê Lai chỉ có Lê Lâm còn sống sau cuộc chiến chống quân Minh, được phong làm Thứ thử quân Thiết Đột, chỉ huy đội quân tinh nhuệ nhất của quân Lam Sơn. Ông cũng được phong là Trung Lượng đại phu, Câu kiềm vệ tướng quân, tước Thượng trí tự Suy trung đồng đức Hiệp mưu bảo chính công thần.
Năm 1430, theo lệnh vua, Lê Lâm đem quân đánh đuổi quân Ai Lao quấy phá. Ông đuổi quân Ai Lao đến động Hồng Di thì bị trúng chông độc rồi chết.
Năm 1433, vua Lê Thái Tổ ốm nặng, trước khi mất Vua dặn dò mình mất ngày nào thì phải làm giỗ Lê Lai trước đó một ngày. Từ đó khi làm giỗ thì ngày 21 làm giỗ Lê Lai trước, đến ngày 22 thì giỗ Lê Lợi, tưởng nhớ con người trung nghĩa đã hy sinh quên mình trong buổi đầu đầy khó khăn của nghĩa quân.
- Xem phần 2
Trần Hưng
Xem thêm:
- Lâm vào tử địa buộc phải đánh cảm tử, nghĩa quân Lam Sơn lập kỳ tích
- Một trận đánh của nghĩa quân Lam Sơn với quân Lan Xang
Mời xem video:
Từ khóa lịch sử Việt Nam Lê Lợi khởi nghĩa Lam Sơn Lê Lai