Huế có từ khi mô

Đôi khi cái vỗ vai bất chợt cũng rất cần thiết, vì nó giúp cho ta tỉnh giấc lơ mơ. Mới đây, một anh bạn cũng đã vỗ vai tôi như thế, và hỏi: Này, cái tên Huế có từ khi mô? “Huế” do mô mà ra? Nghe hỏi, chợt ngớ người ra. Mình là Huế thổ sinh, cái tên “Huế” hiện hữu từ thuở lọt lòng, tự nhiên như thở khí trời, nên có bao giờ thắc mắc làm chi, cho tới khi gặp cái vỗ vai. Muốn trả lời hai câu hỏi này chắc phải đi tìm tới tổ sư Huế học là cụ Cadìere [1] mà hỏi mới được.

(Ảnh: WichitS, Shutterstock)

Huế có từ khi mô? Thực ra, đề tài chẳng mới mẻ chi, vì đã được nhiều người đề cập, tuy nhiên, câu trả lời vẫn đang còn bỏ ngỏ.

Sự hình thành của Thuận Hóa, Phú Xuân

Không thể nói tới Huế mà không nói tới Thuận Hóa hay Phú Xuân. Cả ba cái tên này gắn bó với nhau như một thực thể bất phân ly, nên trước khi đi vào phần thảo luận, thiết tưởng cũng cần có đôi dòng về sự thành hình của Thuận Hóa và Phú Xuân để nắm vững rằng ta đang nói về cái gì và tại thời điểm nào.

Năm 1306, Công chúa Huyền Trân về làm vợ vua Chiêm là Chế Mân, đổi lấy hai châu Ô và Rý làm sính lễ.

Năm 1307, vua Trần Anh Tông sai Đoàn Nhữ Hài vào tiếp thu vùng đất mới, và đổi tên làm châu Thuận và châu Hóa.

Việc gom hai châu này làm một, dưới cái tên phủ Thuận Hóa, được thực hiện dưới thời nội thuộc Nhà Minh. Đến đời Nhà Hậu Lê, dù có khi gọi là thừa tuyên, hay xứ hoặc trấn, Thuận Hóa bao giờ cũng là một đơn vị hành chánh cấp tỉnh. Thuận Hóa, từ thời Nhà Hậu Lê, cho tới khi Nguyễn Hoàng vào trấn thủ năm 1558 là vùng đất trải dài từ phía nam đèo Ngang cho đến bắc Quảng Nam ngày nay, gồm hai phủ Tân Bình (Quảng Bình và bắc Quảng Trị) và Triệu Phong (nam Quảng Trị đến bắc Quảng Nam). Năm 1604, Nguyễn Hoàng đã cắt huyện Điện Bàn thuộc trấn Thuận Hóa, nâng lên thành phủ, sáp nhập vào trấn Quảng Nam. Như vậy, có thể nói gọn lại rằng Thuận Hóa dưới thời các chúa Nguyễn, nghĩa là trong hai thế kỷ 17 và 18, chính là vùng đất trải dài từ phía nam đèo Ngang cho tới đèo Hải Vân.

Năm 1558, Đoan Quận Công Nguyễn Hoàng (tục gọi Chúa Tiên), được anh rể là Trịnh Kiểm tiến cử vào trấn thủ Thuận Hóa. Ông lập dinh tại làng Ái Tử, huyện Đăng Xương (thuộc huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị bây giờ).

Năm 1570, Nguyễn Hoàng dời dinh vào làng Trà Bát, phía nam của Ái Tử (vẫn thuộc Triệu Phong), gọi là Dinh Cát.

Năm 1626, để chuẩn bị cho việc chống lại họ Trịnh ở phía bắc, Chúa Sãi Nguyễn Phúc Nguyên dời dinh xa hơn về phía nam, đến làng Phước Yên (Phúc An) thuộc huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên bây giờ, và đổi Dinh làm Phủ.

Năm 1636, Chúa Thượng Nguyễn Phúc Lan chọn làng Kim Long, thuộc huyện Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên, làm nơi đặt Phủ mới.

Năm 1687, Chúa Ngãi Nguyễn Phúc Trăn, dời Phủ chúa về làng Phú Xuân, cũng thuộc huyện Hương-Trà – tức khu vực đông nam của Kinh thành Huế hiện nay

Năm 1712, chúa Minh Nguyễn Phúc Chu lại dời phủ về phía bắc, thuộc làng Bác Vọng, huyện Quảng Điền, Thừa Thiên.

Đến khi Võ Vương Nguyễn Phúc Khoát lên cầm quyền năm 1738 thì phủ chúa mới trở về lại vị trí Phú Xuân, hơi dịch về phía trái một chút, và yên vị từ đó cho đến ngày thất thủ (1774) về tay quân họ Trịnh do Hoàng Ngũ Phúc chỉ huy.

Năm 1802, sau khi thống nhất đất nước, vua Gia Long đã “đóng đô ở Phú Xuân, mới gọi là Kinh sư” (Đại Nam Nhất Thống Chí, Kinh sư).

“Huế”, theo Thái Văn Kiểm

Học giả Thái Văn Kiểm, một nhà Huế học nổi tiếng từ lâu, trong bài viết Rồng chầu ngoài Huế, với tiểu mục Nguyên ủy chữ Huế (THÁI VĂN KIỂM, Việt Nam Gấm Hoa, Làng Văn, Canada, 1997, tr. 147-149), đã đưa ra những kiến giải sau:

1) Chữ Huế bắt nguồn từ chữ Hóa trong địa danh Thuận Hóa. Hóa biến thành Huế có thể là do việc kiêng tên của một nhân vật quan trọng nào đó (tổ tiên, thành hoàng), có thể là tên ông Nguyễn Nạp Hóa, cháu 6 đời của ông Nguyễn Bặc – công thần của Nhà Đinh – tổ của Nhà Nguyễn.

2) Có thể chữ Huế đã xuất hiện trong thời kỳ Nam Bắc phân tranh, căn cứ trên những dữ kiện về ngôn ngữ và tự điển. Chẳng hạn:

-Trên bản đồ Việt Nam in trong tự điển Dictionarii Latino-Annamitici (tome II) của Taberd, in năm 1838 tại Ấn Độ, thấy có tên Huế.

-Trong tự điển Dictionarium Annamitico-Latinum của Pigneau de Béhaine và J.L. Taberd có giải thích, Huế: provincia regia Cocincinae.

– Trong hồi ký Souvenirs de Huế xuất bản năm 1867 tại Paris của Michel Đức Chaingeau – con trai của Jean Baptiste Chaigneuau, tức Đức Thắng Hầu Nguyễn Văn Thắng, một trong những người Pháp theo giúp vua Gia Long, có công, làm quan tại triều đình Huế – cái tên Huế nhiều kỷ niệm về Huế hồi đầu thế kỷ 19 đã được ghi lại một cách rõ ràng.

3) Tác giả cũng dẫn thêm rằng có thể do kiêng tên bà Hồ Thị Hoa, chánh cung của vua Minh Mạng (1820-1841), thân mẫu của vua Thiệu Trị (1841-1847) – vì Hoa và Hóa đọc na ná – nên Hóa phải đổi thành Huế. Bằng cớ là người Huế tránh nói chữ “hoa”, nên gọi hoa là bông, ba, hay huê, tỉnh Thanh Hoa đổi làm tỉnh Thanh Hóa.

Tất cả những ý kiến trên của học giả Thái Văn Kiểm, theo thiển ý, cần được xét lại.

Thật vậy, về ý kiến cho rằng chữ Huế là do đọc trại từ chữ Hóa mà ra, vì lý do kiêng húy của một nhân vật quan trọng nào đó, chẳng hạn, có thể là húy ông tổ sáu đời của Nhà Nguyễn là Nguyễn Nạp Hóa, hoặc húy của bà Hồ Thị Hoa, chánh cung của vua Minh Mạng, thì nghe ra không hợp lý, vì hai lẽ:

– Trong tộc phổ họ Nguyễn, không thấy tên Nguyễn Nạp Hóa là cháu sáu đời của ông tổ Nguyễn Bặc (TÔN THẤT HÂN, Genéalogie des Nguyễn avant Gia Long, BAVH, No3, 1930.) Mặt khác, nếu nói như vậy thì tôi cũng có thể đưa ra một bằng cớ khác, có vẻ rõ ràng hơn, đó là việc chúa Thượng có một người vợ mà ông rất cưng quí, người Quảng Nam, họ Đoàn (về sau được truy tôn là Thần Tông Hiếu Chiêu Hoàng Hậu), có mẹ tên là Vũ Thuận Hóa (QUỐC SỬ QUÁN, Đại Nam Liệt Truyện, Tập 1,Viện Sử học, NXB Thuận Hóa, Huế,1997, tr. 25). Có phải vì vậy mà đọc trại thành Thuận Huế, rồi thành Huế chăng? Chúng tôi không tin như thế.

– Nói rằng vì kiêng tên bà Hồ Thị Hoa – tức Tá Thiên Nhơn Hoàng Hậu, chánh cung của vua Minh Mạng (1820-1841) – nên Hóa trở thành Huế, cũng là suy diễn quá đà, vì bà Hoa mất năm 1807, mới 17 tuổi, sau khi sinh vua Thiệu Trị được 13 ngày, khi vua Minh Mạng đang còn là một ông Hoàng; còn cái tên Huế thì xuất hiện hơn thế kỷ trước. Người ta không thể đi ngược thời gian để sửa đổi quá khứ. Vả chăng, cũng vì cái húy đó mà tỉnh Thanh Hoa đổi làm Thanh Hóa kể từ đời Thiệu Trị (1841-1847); không lẽ lại còn phải bắt Hóa thành Huế mới phải phép chăng?

– Thật ra, không cần thiết phải dẫn những sách vở hay họa đồ của đầu thế kỷ XIX, như nhiều người đã làm, để chứng minh sự hiện diện của Huế, vì ngay từ nửa sau thế kỷ XVIII – nghĩa là ngay cả trước khi hồi ký về Huế của Đức Chaigneau ra đời vào năm 1867, hay tự điển của Taberd xuất bản năm 1838 – thì cái tên Huế đã chễm chệ có mặt hẳn hoi rồi.

Chẳng hạn, trong hồi ký của Pierre Poivre, một thương nhân Pháp đến Phú Xuân vào năm 1749, cái tên Huế xuất hiện nhiều lần dưới dạng hoàn chỉnh là Hué (BAVH., No.4, 1918, tr.285; BAVH., No.1, 1922, tr. 53.)

Chẳng hạn, năm 1787, Le Floch de la Carrière đã vẽ bản đồ duyên hải Đàng Trong (cho Bộ Hải Quân Pháp) từ cù lao Chàm-Hội An cho đến Huế, theo dữ kiện thu thập được trong các năm 1755-1756, trong đó bản đồ đô thành Huế được vẽ một cách khá rõ và cái tên Huế đã được ghi, như cách người Pháp thường viết về sau: HUÉ (BOUDET & MASSON, Iconographie Historique de l’Indochine Française, Paris, 1931, Pl. XVI, xem hình).

Một ví dụ khác: ngay khi Huế đang còn trong tay Tây Sơn, trong một lá thư viết tại Sàigòn ngày 15/7/1789 của Olivvier de Puynamel gởi cho Létodal ở Macao, hai lần cái tên Huế (Hué) được nhắc đến khi nói về tình hình nơi này (CADIÈRE, Les Français au service de Gia Long, XII. Correspondance, BAVH., No.4, 1929, tr. 364 )

“Huế”, theo L. Cadière, và “Huế”, theo Nguyễn Hy Vọng

Thời họ Nguyễn lập nghiệp ở miền Nam thì người Tây Phương cũng bắt đầu tới lui Đàng Trong ngày một nhiều, sớm nhất là người Bồ Đào Nha. Khai thác nguồn tài liệu hồi ký và bút lục của các nhà truyền giáo, các sĩ quan hàng hải, các nhà ngoại giao Tây phương đã từng đến Đàng Trong, L. Cadière và các hội viên khác đã viết một loạt bài đăng rải rác trên nhiều số BAVH, lấy tên chung là Les Européens qui ont vu le Vieux-Hué (Những người Âu châu đến Huế-Xưa), mỗi số giới thiệu một người, khởi đi từ khi Huế chưa thành hình, với Cristoforo Borri – đến Thuận Hóa trong khoảng 1618-1621 – cho đến Dutreuil de Rhins, đến Huế năm 1876, là chấm dứt chuyện Huế-Xưa.

Theo đó, Cadière đã chia sự thành hình của Huế qua những thời kỳ khác nhau:

– Tiền-Huế (pré-Hué), nghĩa là Huế của thời chưa được các chúa Nguyển chọn làm thủ phủ, Huế trước 1636.

– Huế-Kim Long, là Huế kể từ lúc chúa Thượng Nguyễn Phúc Lan dời phủ từ Phước Yên vô Kim Long vào năm 1636;

– Huế-Phú Xuân, là Huế kể từ khi chúa Nghĩa Nguyễn Phúc Trăn lập phủ ở làng Phú Xuân năm 1687;

– Và Cuối cùng là Huế -Gia Long, Minh Mạng, kể từ năm 1802 (CADIÈRE, Les Européens qui ont vu le Vieux-Hué, BAVH., No.3, 1915, tr. 231.)

Chính qua bài giới thiệu về linh mục Alexandre de Rhodes mà ta có thể thấy được kiến giải của Cadière về “Huế”.

Linh mục A. de Rhodes (1591-1660), người Pháp, là giáo sĩ dòng Tên, đã đến Đàng Trong và Đàng Ngoài nhiều lần. Ông để lại nhiều công trình biên khảo, trong đó, liên quan tới đề tài này là cuốn tự điển Việt-Bồ-La (Dictionarium Annamiticum Lusitanum et Latinum, xuất bản tại La Mã năm 1651) và cuốn hồì ký Voyages et Missions du P.A. de Rhodes (xuất bản lần đầu năm 1653, Paris; lần thứ hai 1884). Khi viết về A. de Rhodes, Cadière đã căn cứ phần lớn vào ấn bản 1884.

Từ Macao, A. de Rhodes đã đến Đàng Trong lần đầu vào khỏang đầu năm 1625 và ở lại cho đến tháng 7 năm 1626 thì được lệnh ra Đàng Ngoài. Trong năm đó, ông đã cùng linh mục de Pina đi từ Quảng Nam ra Quảng Trị để gặp chúa Sãi, vì bấy giờ Chính Dinh vẫn còn đặt tại Trà Bát. Họ đi bằng đường bộ và lộ trình bắt buộc phải đi ngang qua Huế (sau này) mà A. de Rhodes gọi là province de Hoâ (tỉnh Hoâ) (CADIÈRE, bài đã dẫn,bđd., tr.242.). Năm 1626, chúa Sãi dời dinh từ Trà Bát vô làng Phước Yên (tức Phúc An, thuộc huyện Quảng Điền, Thừa Thiên), và đổi Dinh làm Phủ. Không rõ A. de Rhodes có biết việc này trước khi rời Đàng Trong hay không, vì không nghe nói tới.

Lần thứ hai, A. de Rhodes đến Huế là trong khỏang 1640-1645. Bấy giờ là thời của chúa Thượng Nguyễn Phúc Lan (1635-1648). Khi đó thì phủ chúa đã dời vô làng Kim Long (Hương Trà, Thừa Thiên), bên bờ sông Hương, được bốn năm. A. de Rhodes đã có dịp đến phủ chúa ở “cái thành phố mà chúa lập dinh gọi là Kẻ Huế” (“… la ville òu le Roi fait son séjour s’apple Kehue.” – CADIÈRE, bđd., tr.242.) vì ông có một con chiên rất ngoan đạo là Minh Đức Vương Thái Phi (tên Thánh là Maria Madalena), vợ thứ của chúa Tiên Nguyễn Hoàng, nhờ vậy ông có thể ghi lại những điều mắt thấy tai nghe về Huế-Kim Long lúc bấy giờ. Đại khái đó là một đô thị đang được xây dựng, có nhiều đường sá, nhà cửa đông đúc, phủ chúa tuy không nguy nga đồ sộ nhưng đẹp đẽ và tiện nghi. Ông cũng có cơ hội tham dự một cuộc tiếp khách ngọai quốc tại phủ chúa, dự kiến một cuộc thao diễn thủy quân trên sông Hương do chúa Thượng chỉ huy, và một cuộc thao diễn trên bộ, phối hợp bộ binh và kỵ binh.

Trong tự điển Việt-Bồ-La, A. de Rhodes đã giải thích chữ “hóa” như sau:

Bản dịch của BS Nguyễn Hy Vọng (Từ-Điền Nguồn Gốc Tiếng Việt, ấn bản điện tử CD, mục giải thích chữ Huế):

hǒá, kẻ hǒá, thŏân hŏá:

-corte de Cochinchina que os portugueses chamao Sinua”

“triều đình của xứ Cochinchina [xứ Đàng Trong] mà người Bồ đào nha gọi là Sinua”

-regia Cocincinensis à lusitanis dicta Sinua. kẻ hóe, idem.

“triều đình của xứ Cocincinensis mà người Bồ đào nha gọi là Sinùa, kẻ hóe. cũng thế.

Căn cứ vào cách viết của A, de Rhodes về các chữ “hóa”, “hòa” ( ngày nay) trong tự điển, Cadière cho rằng mấy chữ (province de) Hoâ và Kehue mà A. de Rhodes ghi lại trong hồi ký chính là các chữ hǒá và kẻ hóe trong tự điển, chứ không có gì khác. L. Cadière đã có nhận định như sau (CADIÈRE, bđd., tr.243):

– Vào thời của A. de Rhodes, dạng viết Huế như ngày nay chưa có, vì nếu có thì đã được de Rhodes ghi lại rồi

– Cái tên Huế vào thời A. de Rhodes là Hóa, với dạng Hoé mà ngày nay không còn nữa, còn cái tên Huế thì chưa thông dụng.

Nếu kết luận như Cadière thì cái tên mà A. de Rhodes đã ghi lại trong hồi ký, như Kehue, chỉ là một cách ghi âm không chính xác. Huế đã bắt đầu có từ thời Huế-Kim Long (1636) với cái tên là Hóa, còn Hóa biến thành Huế khi nào và vì sao thì không thấy đề cập. Chúng tôi sẽ trở lại ý kiến này ở phần sau.

Cùng một nguồn tài liệu đã dẫn ở trên, BS. Nguyễn hy Vọng lại có một nhận định khác hẳn. Sau khi trích dẫn tự điển Việt-Bồ-La của de Rhodes, tác giả của Từ Điển Nguồn Gốc Tiếng Việt (ấn bản điện tử dưới dạng CD), khẳng định:

“Như vậy là hóa, huế, hai âm này đã có, đã nói, đã gọi như thế, đã viết khác và đọc khác từ trước, đương nhiên là trước cả năm 1651 nữa.”

Ông cũng trích dẫn câu văn có chữ Kehue để làm mạnh thêm cái lý của mình, và ông cũng nhận định rằng “… các từ điển về sau, sau đó 187 năm, bắt chước cách viết hue của ông cố đạo A. de Rhodes” [đó là các từ điển của Taberd, 1838; Pingeau de Béhaine, 1838; Hùynh Tịnh Của, 1895.]

Khẳng định đó của Nguyễn hy Vọng cho ta hiểu rằng, Huế đã có tên riêng là Huế ngay từ trước 1651 (năm xuất bản tự điển Việt-Bồ-La), chứ chẳng dính gì đến Hóa của châu Hóa hay Thuận Hóa.

Nghiêm Đức Thảo và “thóc Huế”

Trong Đặc san Quảng Trị, Xuân Tân Tỵ 2001 (Virginia, USA), tác giả Nghiêm Đức Thảo, trong bài viết Qua truông Nhà Hồ đã có một kiến giải rất mới về nguồn gốc của Huế. Theo đó, vua Lê Thánh Tông (1442-1497) có lẽ là người đầu tiên nói đến địa danh Huế.

Trong bài văn nôm Thập giới cô hồn quốc ngữ văn, Lê Thánh Tông đã viết một câu trong đó có tên Huế rất rõ ràng: “Hương kỳ nam, vảy đồi mồi, búi an tức, bì hồ tiêu, thau Lào, thóc Huế, thuyền tám tầm chở đã vạy then. (Thơ Văn Lê Thánh Tông, Viện Nghiên Cứu Hán-Nôm, Khoa Học Xã Hội, Hà Nội, 1981, tr. 134.)

Theo ông, “Bài thơ này được trích lại từ tập Minh Lương Cẩm Tú, sáng tác trong năm Tân Mão, 1471, lúc nhà vua vượt đèo Ngang vào đánh Chiêm Thành…”

“Rõ ràng câu văn của Lê Thánh Tông đã có một căn bản địa lý lịch sử. Vậy thì tại sao cứ phải gọi Huế là do Hóa trong Thuận Hóa nói trại ra. Chẳng lẽ một nhà văn một nhà thơ nổi tiếng như vua Lê Thánh Tông, không đủ cho chúng ta tin, để cứ phải tin vào văn liệu các nhà ký sự Tây phương viết ra sau đó 156 năm. Có lẽ nào vua Lê Thánh Tông đã lầm khi viết Huế là một địa danh bên cạnh địa danh Lào? “ (tr.140-141)

Sau khi dẫn chứng và lập luận để củng cố kiến giải, ông đi đến kết luận:

“Cũng vậy, phải nói địa danh Huế có trước khi vua Lê Thánh Tông ghé đến, ít ra là trước năm 1497. Xóa khai sinh của một địa danh khi chưa cố gắng tìm ra chứng liệu khả tín trong kho tàng lịch sử dân tộc; nhận những dòng ký sự Tây phương như chứng liệu duy nhất, đó là một việc làm thiếu thận trọng.” (tr.142)

Trong việc tìm về cội nguồn của mình, tôi cũng rất muốn tin và nghĩ như Nghiêm Đức Thảo nhưng sao vẫn có nhiều nghi vấn ám ảnh như áng mây mờ.

Hãy nói về hai chữ thóc Huế trong bài văn của Lê Thánh Tông. Xin hãy lưu ý một điều: chữ Hóa trong Thuận Hóa là chữ Hán, còn chữ Huế là chữ Nôm. Cả hai chữ Hóa và Huế khi viết trên giấy trắng mực đen đều có một lối ký tự giống nhau là 化, và tùy ngữ cảnh (context) mà đọc Hóa hay Huế.

Vậy thì sao lại chỉ có thể đọc là thóc Huế mà không đọc thóc Hóa? Dẫu có đọc thóc Hóa thì nghĩa câu thơ cũng không có gì thay đổi.

Mặt khác, đọc là thóc Hóa thì mới đúng với điều kiện sản xuất tại địa phương hơn. Vì sao? Vì ngay cả Huế bây giờ (2004), rộng lớn và đông dân hơn thời Huế-Lê-Thánh-Tông (?) gấp bội cũng chưa phải là một nơi sản xuất lúa dồi dào để có tiếng là thóc Huế, mà phải là cả vùng Thuận Hóa hay châu Hóa, thì mới đủ sức làm ra thóc Hóa được.

Cho nên tôi vẫn chưa tin rằng Huế có từ trước thời Lê Thánh Tông.

“Huế” có từ khi mô?

Ý kiến của học giả Thái Văn Kiểm cho rằng cái tên Huế đã xuất hiện trong thời Trịnh Nguyễn phân tranh không mấu thuẩn với nhận định của linh mục Cadière. Tuy nhiên, khi cho rằng “Huế” thành hình kể từ Huế-Kim Long (1636 trở đi) thì thời điểm của Cadière tương đối xác thực hơn. Tôi hòan toàn tán thành quan điểm của Cadière.

Khi tới Huế lần thứ hai (1640-1645), được mục kích Huế-Kim Long, A. de Rhode đã rất ngạc nhiên về sự quần tụ đông đảo của dân chúng, và ông đã dùng những chữ như grande ville (đô thị lớn), grande foule de peuple (đám đông dân chúng) để diễn tả, và chính điều này đã khiến Cadière nghĩ rằng Huế-Kim Long lúc đó không phải chỉ đơn giản có làng Kim Long mà thôi mà còn phải kể đến các làng chung quanh như Xuân Hòa, Vạn Xuân, An Ninh[2] và Phú Xuân nữa. Chỉ nội với một đòan quân đông đảo hơn 6,000 người cùng với gia đình của họ, thêm vào đó là quan lại và gia đình, chưa kể dân chúng, thì số người tụ hội sinh sống không nhỏ, một mình Kim Long không thể dung chứa đủ. Việc kể thêm các làng chung quanh vào Huế-Kim Long lúc bấy giờ là hợp lý. Điều này cũng dễ hiểu như về sau này mọi người đều chấp nhận rằng Huế không phải chỉ gói trọn trong Kinh thành mà còn phải tính đến cả vùng chung quanh, kéo dài đến Bao Vinh, lên đến Thiên Mụ và vùng các lăng tẩm, xuống đến Vỹ Dạ, Cửa Thuận, mặc dầu những vùng này, trước 1975, không thuộc khu vực hành chánh của Huế.

Với uy thế chính trị mới, với sự quần tụ đông đảo của dân chúng, cái tên Huế nếu có bắt đầu xuất hiện cũng là điều hợp lý. Khi nói bắt đầu xuất hiện, nên hiểu theo hai nghĩa: thứ nhất, có thể là nó chưa có, bây giờ mới được đặt tên; thứ hai, nó đã có sẵn rồi, nhưng bây giờ, do ở trong một điều kiện khác, mới được người ta lưu ý và công nhận. Tôi chọn nghĩa thứ hai, lý do như sẽ trình bày phần tiếp đây.

“Huế” từ mô ra?

Trong khi đi tìm giải đáp cho câu hỏi: Huế” từ mô ra? tôi nhận thấy có mấy điểm đặc biệt sau đây, mà hầu như chưa có ai quan tâm đề cập:

1)Thứ nhất, trong nguồn sử liệu Việt Nam, không thấy có tài liệu nào nói tới chữ “Huế”. Tại sao?

Ngoại trừ Quốc Triều Chính Biên Tóat Yếu (QTCB., ấn bản điện tử, honosoft.com). Tất cả, khi nói tới Huế, đều dùng cái tên Phú Xuân hoặc Kinh đô, hoặc Kinh, chứ không dùng cái tên Huế bao giờ. Trong QTCB, Huế được nhắc đến nhiều lần trong các trang172,199,215,216,217 nhân khi nói về mối quan hệ với Pháp. Sách này do Tổng tài Quốc Sử Quán Cao Xuân Dục soạn năm1908 – nghĩa là lúc nền bảo hộ của Pháp đã hết sức vững vàng – sau đó vua Khải Định (1916-1925) truyền dịch ra quốc ngữ để phổ biến các trường, năm 1925. Lúc đó thì ảnh hưởng của Pháp đã hết sức lớn lao, quan lại Việt Nam bắt chước người Pháp-đô-hộ gọi Kinh đô Phú Xuân là Huế, là chuyện đương nhiên. Bộ Việt Nam Sử Lược của Trần Trọng Kim ( tập I và II, Institut de l’Asie du Sud-Est, Paris, 1987,) cũng đi theo hướng đó. Đây là bộ sử đầu tiên của Việt Nam viết bằng chữ quốc ngữ, và trong khi viết, ngoài nguồn sử liệu truyền thống, tác giả đã sử dụng nguồn sử liệu của phương Tây, và thế là cái tên Huế bỗng nương theo đó, không kèn không trống, xuất hiện một cách rất tự nhiên (từ trang 254 trở đi của tập II mới có, khi nói về những sự kiện liên quan đến Pháp).

Hai tài liệu mà tôi đặt hy vọng nhiều nhất là Ô Chậu Cận Lục (bản dịch của Bùi Lương, Văn Hóa Á Châu, Sàigòn, 1961) và Phủ Biên Tạp Lục của Lê Quí Đôn (2 tập, bản dịch của Lê Xuân Giáo, Phủ Quốc Vụ Khanh Đặc Trách Văn Hóa, Sàigòn, 1973), nhất là cuốn sau, nhưng cũng không có một manh mối nào cả, mặc dù trong đó tác giả đã mô tả Phú Xuân rất tỉ mỉ, và Phan Khoang đã tận dụng để viết Việt Sử Xứ Đàng Trong.

Tại sao? Theo ý tôi: Một địa phương Việt Nam thường có hai tên, một tên chính thức bằng chữ Hán, và một tên Nôm do dân chúng đặt. Ví dụ làng Lại Ân và làng Sình ở Huế là một. Trong trường hợp như thế, sử sách Nhà Nguyễn có khuynh hướng chỉ ghi tên chính thức, tên “chữ” (Hán) và thường bỏ qua cái tên thông tục. Đại Nam Nhất Thống Chí (Kinh sư-Thừa Thiên Phủ) không biết tới cửa Thượng Tứ, cửa Đông Ba, và cửa Ngăn; còn dân Huế thì không quan tâm tới cửa Đông Nam, cửa Chính Đông và cửa Thể Nhơn, mà chỉ quen thuộc với cửa Thượng Từ, cửa Đông Ba và cửa Ngăn mà thôi. Đó là sự khác nhau giữa sách vở và thực tế. Và đó là lý do cái tên Huế không có trong sử liệu Nhà Nguyễn, mặc dầu nó vẫn hiện hữu.

2) Thứ hai, hầu như chỉ có thể tìm thấy dấu vết của Huế trong tài liệu của Tây Phương. Tại sao?

Thật vậy, tại Đàng Trong, trong hai thế kỷ XVII và XVIII, có ba địa điểm quan trọng mà Tây phương biết đến nhiều, là: Huế, Hội An, và Đà Nẵng; trong đó, Huế là trung tâm quyền lực, Hội An là trung tâm thương mãi, và Đà Nẵng là cửa ngõ hàng hải.

Trong khi sử sách và giấy tờ của Việt Nam, cho tới nửa sau thế kỷ XIX, chỉ gọi ba nơi này bằng ba cái tên chính thức là Phú Xuân, Đà Nẵng, và Hội An, thì người Tây phương lại chỉ gọi theo cách riêng của họ, tùy nước và tùy thời kỳ. Xin tạm xem xét bản đối chiếu sau đây (ghi một số tượng trưng):

Việt Nam gọi Phú Xuân Hội An Đà Nẵng
Tây phương gọi Kehue Hai-pho Kéan
kẻ hŏé Phai-pho Cuhan
kẻ hóa Turaon
hŏá Turon
Hoâ Touron
Định hình Hué (Huế) Faifo Tourane

Rõ ràng cả ba địa điểm này đều có một đặc điểm giống nhau, ấy là cùng một địa phương nhưng ông nói gà bà nói vịt, nghĩa là sử liệu Việt Nam không hề đả động tới những cái tên như Huế, Faifo, và Tourane thì tài liệu Tây phương cũng hầu như không bao giờ nói tới Phú Xuân, Hội An và Đà Nẵng, mặc dầu cả hai bên cùng nói về một địa phương và biết rất rõ về địa phương đó

Và điều này đáng cho ta đặt ra câu hỏi tại sao.

Theo thiển ý, nguyên nhân là thế này: buổi đầu, khi mới đặt chân lên một địa phương lạ, người Tây phương, trước nhất là các nhà truyền giáo, thường hỏi dân địa phương để biết nơi đó gọi là gì. Câu trả lời của dân sở tại thường là cái tên thông tục, chứ ít khi là cái tên chính thức của nhà nước. Người Tây phương sẽ ghi lại theo cách nghe, cách hiểu và cách viết của nước họ. Những cái tên ban đầu ấy sẽ phát triển dần dần theo cách riêng cho đến khi định hình hẳn. Bản đối chiếu mà tôi cung cấp tạm thời ở trên về ba địa danh Huế, Faifo, Tourane là một ví dụ.

3) Thứ quốc ngữ thời A. de Rhodes là loại quốc ngữ chưa định hình.

Điều này là một sự thật hiển nhiên khi đọc những tác phẩm viết bằng quốc ngữ của A. de Rhode. Khi viết, dĩ nhiên phải dựa trên một nguyên tắc nào đó mới viết được, nhưng nguyên tắc này vào buổi sơ khai, khá lỏng lẻo, khá du di. Điều này dẫn đến sự bất nhất trong cách viết của cùng một chữ; ví dụ cách viết các địa danh trên bản đồ và trong tự điển, có khi không giống nhau, dù cùng một tay của A. de Rhodes mà ra. Trong bản đồ Đàng Trong và Đàng Ngoài xuất bản năm 1653. cái tên Thuận Hóa được ghi là Thoanoa, trong khi tự điển ghi là thŏân hŏá; hoặc bản đồ ghi Haifo nhưng tự điển ghi là hǒài phố, faifo,v.v. Do đó, kết luận của Cadière, như đã dẫn ở trên, không lấy chi làm thuyết phục lắm.

Những suy nghĩ tại các điểm 1); 2); và 3) nêu trên dẫn tôi đi đến chỗ

4) Tôi nghĩ rằng Kehue là Kẻ Huế. Huế là từ Kẻ Huế/Kẻ Hóa mà ra.

Từ cầu Bạch Hổ đi lên chợ Kim Long là vùng đất của hai xã Vạn Xuân và Kim Long. Con sông đào – trên đó cầu Bạch Hổ vắt qua để dẫn đến Vạn Xuân, Kim Long – nối liền sông Hương ở phía nam và Hộ Thành hà ở phía bắc, có tục danh là sông Kẻ Vạn [3] Từ cửa Hũu đi ra, băng qua đường An Hòa (tức một đoạn của QL1 cũ), khách sẽ qua bến đò Kẻ Vạn, chợ Kẻ Vạn, rồi nhà thờ Kẻ Vạn.

Khi đã có Kẻ Vạn ở Vạn Xuân, tại sao lại chối bỏ Kẻ Huế ở Kim Long, khi A. de Rhode đã ghi rõ ràng rằng “cái thành phố mà chúa lập dinh gọi là Kẻ Huế “?

Tác giả Nguyễn hy Vọng đã ghi nhận, “Như vậy là hóa, huế, hai âm này đã có, đã nói, đã gọi như thế, đã viết khác và đọc khác từ trước, đương nhiên là trước cả năm 1651 nữa.”

Sự hiện hữu của hai âm hóa, huế về cùng một địa phương và có giá trị như nhau cho phép ta nghĩ rằng vào thời bấy giờ Kim Long còn có một tên khác là Kẻ Huế hay Kẻ Hóa (kiểu như Vạn Xuân với Kẻ Vạn vậy), tùy theo cách gọi của dân chúng.

Vì là cái tên thông tục nên sử sách chẳng ghi nhận làm gì, nhưng với người ngoại quốc, nhất là các nhà truyền giáo thì khác. Vùng này thì hẳn A. de Rhodes không lạ lùng gì, vì là đất của bổn đạo. Khi trở lại Đàng Trong lần thứ hai, mặc dầu đã đến nơi và biết rõ chúa Nguyễn lập phủ ở Kim Long nhưng A.de Rhodes lại không đã động gì tới cái tên Kim Long, chỉ ghi nhận cái địa danh Kẻ Huế. Vì sao? Vì Kim Long là cái tên chính thức, xa lạ, còn Kẻ Huế mới là cái tên quen thuộc, là nơi trước kia bổn đạo của ông đã ở nhưng nay phải thiên di chỗ khác cho chúa lập phủ. Đó là nguyên nhân khiến Kẻ Huế hay Kẻ Hóa không còn tồn tại như Kẻ Vạn, nhưng tồn tại trong lòng con chiên, và tồn tại trong hồi ký của A, de Rhodes.

Những cái tên Kehue hay Kehǒá ban đầu đó tiếp tục xuất hiện dưới nhiều dạng khác nhau theo cách nghe và cách viết của mỗi người (Tây phương), cho đến khi định hình hẳn, từ nửa sau thế kỷ XVIII, theo cách của Pháp, là Hué.

Trong khi cái tên này ngày càng phổ biến trong giới người Âu thì Việt Nam theo tiến trình ngược lại. Lúc chúa Nguyễn chưa lập phủ thì nó là Kẻ Huế/Kẻ Hóa, khi lập phủ thì cái tên dân dã này mất đi, sử sách chỉ biết có Kim Long. Sau đó thì qua giai đọan Phú Xuân. Cái tên Phú Xuân được chính thức công nhận nhưng người Âu không cần biết tới, vì Phú Xuân và Kẻ Huế/Kẻ Hóa ở gần nhau, họ đã quen tên cũ, vậy thì cứ thế mà dùng, không cần phân biệt.

Cho tới nửa sau thế kỷ XIX, khi chủ quyền dần dần mất đi, ảnh hưởng của kẻ mạnh ngày càng lấn tới, để rồi Phú Xuân, Kinh đô, cùng theo chân như kiểu Hội An, Đà Nẵng, dần dần bị nhạt nhòa, quên lãng, nhường chỗ cho Huế, Faifo, Tourane, trở thành hiện thực, xuất hiện hàng ngày trên lời nói, trên giấy tờ, trên sử sách, một cách quen thuộc và được chấp nhận một cách tự nhiên.

Dẫu cho con đường của “Huế’ đi có quanh co, gián đọan, nhưng “Huế” vẫn từ Huế mà ra, và đã trở về vĩnh viễn với Huế.

Võ Hương An
Đăng lại từ trang Văn Nghệ Huế (vannghehue.vn)

Chú thích:

[1] Léopold Cadìere (1869-1955), giáo sĩ thuộc Hội Truyền giáo Ngọai quốc Paris (Misssions Etrangères de Paris), đến VN năm 1892, cha xứ họ đạo Di Loan, Quảng Trị, tục gọi là Cha Cả. Năm 1913, ông lập Association des Amis de Vieux Huế (thường gọi là Hội Đô thành Hiếu cổ), và là người chủ trương tập san BAVH (Bulletin des Amis du Vieux Hue) từ khi ra đời cho đến khi đình bản (1914-1944). BAVH là một gia tài văn-sử-địa quí hiếm của Huế nói riêng và VN nói chung.

[2] An Ninh là chánh quán của người viết bài này, trước 1975 thuộc xã Hương Long, huyện Hương Trà, nay thuộc thành phố Huế.

[3] Tôi chỉ nhắc con sông đào này để nói cái tên Kẻ Vạn, chứ thật ra đời các chúa Nguyễn chưa có sông này. Tiền thân của nó là một chi lưu nhỏ của sông Hương, đã bị nắn giòng khi xây kinh thành Huế.

Xem thêm:

Mời xem video:

Võ Hương An

Published by
Võ Hương An

Recent Posts

Đội hình Phalanx huyền thoại chinh phục khắp thế giới

Đội hình Phalanx gắn liền với những cuộc chinh phục của Alexander Đại Đế.

3 phút ago

Maria Zakharova: ‘Cánh NATO cực đoan’ thúc đẩy chiến tranh với Nga

Phát biểu của bà Zakharova vào thứ Năm (21/11) mô tả Estonia và các quốc…

5 phút ago

5 kiểu phụ nữ dù không xinh đẹp xuất chúng vẫn khiến người khác dễ chịu

Xinh đẹp là một loại phúc báo, nhưng nhan sắc là yếu tố bên ngoài…

13 phút ago

Nhà Hậu Trần – P5: Giằng co cản bước quân Minh nam tiến

Nhà Hậu Trần giằng co cản bước quân Minh nam tiến sau khi Trương Phụ…

23 phút ago

Chút tản mạn về tên ba vị đồ đệ trong Tây Du Ký

Ba vị đồ đệ trong Tây Du Ký có pháp danh lần lượt là Tôn…

33 phút ago

Có cách nào cải thiện tình trạng quần áo bị xù lông?

Các sợi lông lỏng lẻo trên bề mặt vải có thể dễ dàng được loại…

40 phút ago