Huỳnh Đức: Vị tướng quân được ví là “Quan Vũ của phương nam”

Nguyễn Huỳnh Đức là vị tướng quân luôn theo sát chúa Nguyễn những lúc lâm nguy chạy trốn quân Tây Sơn, dù bị bắt vẫn một lòng tìm về với Chúa, chẳng khác gì Quan Vũ thời Tam Quốc dù phải theo Tào Tháo nhưng vẫn tìm cách trở về với Lưu Bị.

Dòng dõi con nhà tướng

Vào thời chúa Nguyễn ở Đàng Trong, có cha con ông Huỳnh Châu, Huỳnh Lương đều theo phò chúa Nguyễn và được giữ chức Cai đội.

Năm 1731, hai cha con cùng tham gia đánh dẹp được quân Prea Sot của Cao Miên. Vua Cao Miên hoảng sợ, vội dâng Peam Mesar (Mỹ Tho) và Longhôr (Vĩnh Long) cho chúa Nguyễn Phúc Chu. Chúa cho lập nơi đây thành châu Định Viễn, dựng dinh Long Hồ, sắp đặt bộ máy quan lại và di dân đến đây khai phá.

Gia đình cha con Huỳnh Châu và Huỳnh Lương cũng đến nơi đây lập nghiệp sinh sống. Năm 1748 thì Huỳnh Lương có được con trai và đặt tên là Huỳnh Tường Đức. Thuở nhỏ Tường Đức có dung mạo khôi ngô, sức khỏe hơn người, có tư chất trở thành hổ tướng.

Tranh thờ Nguyễn Huỳnh Đức. (Ảnh: Wikipedia, Public Domain)

Bảo vệ chúa Nguyễn

Lúc này Đàng Trong nhiều biến động, quyền thần Trương Phúc Loan thao túng khiến muôn dân oán thoán, anh em nhà Tây Sơn nhân cơ hội này khởi binh lợi dụng khẩu hiệu diệt Trương Phúc Loan phò chúa Nguyễn, nhưng sau đó lại truy sát chúa Nguyễn, chỉ có Nguyễn Phúc Ánh thoát được.

Tháng 1/1780, Nguyễn Phúc Ánh xưng Vương, các nhà sử học gọi ông là Nguyễn Vương. Năm 1781, Huỳnh Tường Đức gia nhập quân của Nguyễn Vương, năm 1782 được phong làm Tiền quân.

Cũng năm 1782 anh em Nguyễn nhạc và Nguyễn Huệ đưa hơn 100 chiến thuyền đánh Gia Định. Nguyễn Vương cùng hơn 3 vạn quân thủy bộ chặn quân Tây Sơn ở cửa biển Cần Giờ. Quân Nguyễn bị đán cho tan tác, các chiến thuyền lớn nhỏ bị đánh chìm. Hơn 3 vạn quân được xây dựng sau mấy năm bị đánh tan.

Quân Tây Sơn truy đuổi, Nguyễn Vương cùng tàn quân phải chạy vào trong rừng. Đến Định Tường thì quân Tây Sơn đuổi đến nơi, quân Nguyễn chạy tứ tán cả, chỉ còn lại một người là Huỳnh Tường Đức theo sát bảo vệ Nguyễn Vương.

Đến trời tối thì quân Tây Sơn đuổi kịp khiến Nguyễn Vương cùng đường, nhưng Huỳnh Tường Đức không bỏ chủ mà chạy. Ông một mình hộ giá Nguyễn Vương lớn tiếng thách thức quân Tây Sơn đến. Tiếng ông vang động cả rừng, quân Tây Sơn cho rằng có quân mai phục nên rút lui.

Sau này sách “Đại Nam liệt truyện chính biên” có chép rằng:

“Một đêm Đức theo hầu Vua đi đường sông. Người lái thuyền nói rằng thuyền giặc ở phía trước, buồm căng lên nhiều lắm. Vua muốn lội lên bờ để tránh, nhưng Đức nghĩ rằng sông ấy có nhiều cá sấu rất nguy hiểm, nên cố xin Vua hãy bình tĩnh để xem hư thực thế nào. Sau nhìn kĩ mới biết, đó chẳng qua là đàn cò trắng đang đậu trên cây dọc bờ sông. Vua ở trong thuyền, mỏi quá, liền gối đầu vào đùi của Đức mà nằm, Đức cứ thế xua muỗi suốt đêm không ngủ. Vua khen Đức là người có lòng trung quân”.

Cảm động trước lòng trung của ông, Nguyễn Vương xem ông như người thân, ban cho ông quốc tính họ Nguyễn, ghép với họ Huỳnh của ông, từ đó ông có tên mới là Nguyễn Huỳnh Đức.

Chẳng khác nào Quan Vũ thời Tam quốc

Năm 1783, Huỳnh Đức giao tranh với quân Tây Sơn ở trận Đông Tuyên, quân Tây Sơn nhờ có tượng binh hùng hậu nên chiến thắng, Huỳnh Đức cùng 500 quân bị bắt.

Nguyễn Huệ muốn thu dùng Huỳnh Đức nhưng ông cương quyết từ chối. Đại Nam chính biên liệt truyện chép rằng:

“Năm Quý Mão, Đức đánh nhau với giặc ở Đông Tuyên. nhưng bị thua, bị bắt cùng với 500 tên thuộc hạ. Huệ thấy Đức khỏe mạnh, ý cũng muốn thu dùng, còn Đức thì cũng muốn trốn về nhưng lại chưa thể, nên trong lòng thường phẫn uất. Một đêm, trong trại quân của Huệ, đang lúc mơ ngủ, Đức quát mắng Huệ rất to. Tướng của Huệ giận, muốn nhân đó đem giết đi, nhưng Huệ cho là lời trong giấc ngủ, không nỡ bắt tội, lại còn cho nhiều châu ngọc, ý muốn tỏ sự hậu đãi để lôi kéo, nhưng Đức vẫn không vui”.

Cuối cùng Huỳnh Đức đồng ý để Nguyễn Huệ thu dụng nhưng với điều kiện là giúp Tây Sơn đánh Trịnh chứ không đánh Nguyễn, không phản bội lại Nguyễn Vương.

Trong lịch sử, các nhà nghiên cứu thường ví Nguyễn Phúc Ánh như Lưu Bị thời Tam quốc. Lưu Bị là hậu duệ nhà Hán, cầm quân chống Tào quyết khôi phục lại Hán Thất. Nguyễn Phúc Ánh cũng tượng tự, là hậu duệ còn sót lại của nhà Nguyễn, quyết khôi phục lại nhà Nguyễn. Nguyễn Huỳnh Đức được ví giống như Quan Vũ thời Tam quốc. Quan Vũ thua trận Hạ Phì, trong hoàn cảnh bị lạc mất Lưu Bị nên bất đắc dĩ phải hàng Tào để bảo vệ phu nhân của Lưu Bị . Ông theo Tào Tháo nhưng với điều kiện nếu tìm thấy Lưu Bị thì sẽ lại theo về. Tào Tháo xem Quan Vũ như thượng khách ban thưởng rất nhiều, nhưng Quan Vũ vẫn không thay đổi, khi biết tung tích của Lưu Bị Quan Vũ đã thực hiện theo giao ước từ trước bỏ Tào Tháo về với Lưu Bị.

Huỳnh Đức cũng giống Quan Vũ. Năm 1786 ông theo Nguyễn Huệ ra bắc đánh Trịnh, lập nhiều công lao. Đến năm 1787 thì nhà Tây Sơn diệt được chúa Trịnh, Huỳnh Đức được cử làm phó tướng cho Nguyễn Văn Duệ ( một tâm phúc của Nguyễn Nhạc) trấn giữ Nghệ An.

Sau đó anh em Nguyễn Nhạc và Nguyễn Huệ mâu thuẫn đánh lẫn nhau. Số là Nguyễn Huệ đánh Bắc hà, vào phủ chúa Trịnh trở về mang theo rất nhiều của cải lấy được. Nguyễn Nhạc vốn trước đây là chủ sòng bạc nên rất xem trọng của cải, yêu cầu Nguyễn Huệ nộp lại số vàng bạc đã lấy từ kho chúa Trịnh, nhưng Nguyễn Huệ không đồng ý. Anh em Tây Sơn mâu thuẫn dẫn đến giao chiến đánh nhau kịch liệt.

Biết Duệ muốn về với Nguyễn Nhạc, Huỳnh Đức liền bày cho Duệ nên theo đường tắt về Quy Nhơn với Nguyễn Nhạc. Ý định của Huỳnh Đức là có thể nhân đó mà trốn về với Nguyễn Vương.

Năm 1787, Nguyễn Văn Duệ cho quân đi lối tắt theo đường thượng đạo trong rừng về Quy Nhơn, lại sai Huỳnh Đức đi trước. Huỳnh Đức đi trước, sau đó cho người mang thư báo cho Duệ biết rõ ý định của mình, rồi đến Xiêm La tìm Nguyễn Vương.

Lúc đó Nguyễn Phúc Ánh đã rời Xiêm La về Gia Định, vua Xiêm muốn Huỳnh Đức ở lại theo mình nhưng ông kiên quyết từ chối mà trở về Gia Định.

Trung thần bậc nhất

Sau khi về với Nguyễn Vương, Huỳnh Đức cầm quân giao chiến với quân Tây Sơn, sau đó được giao trấn thủ vùng đất Định Tường. Năm 1802, Nguyễn Phúc Ánh đánh bại nhà Tây Sơn thống nhất đất nước, lên ngôi Vua hiệu là Gia Long, Nguyễn Huỳnh Đức được phong làm Quận công.

Năm 1810, ông được làm Tổng trấn Bắc thành kiêm Khâm sai Chưởng tiền quân. Ông được cử vào nam làm Tổng trấn Gia Định vào năm 1816.

Nguyễn Huỳnh Đức mất năm 1819, thọ 71 tuổi, ông là một trong những trung thần bậc nhất của nhà Nguyễn. Vua vô cùng thương tiếc, lệnh để tang ông 3 ngày. Sau này vua Minh Mạng đưa ông vào thờ tự tại miếu Trung hưng công thần.

Nguyễn Huỳnh Đức một lòng trung thành với nhà Nguyễn, dân gian ví ông với Quan Công, vì thế mà có câu rằng:

Phương bắc, Lưu Bị có Quan Công
Phương nam, Nguyễn Ánh có Huỳnh Đức

Trần Hưng

Xem thêm:

Mời xem video “Bốn việc cần cân nhắc kỹ trước khi giúp đỡ người khác”:

Trần Hưng

Published by
Trần Hưng

Recent Posts

Đội hình Phalanx huyền thoại chinh phục khắp thế giới

Đội hình Phalanx gắn liền với những cuộc chinh phục của Alexander Đại Đế.

7 phút ago

Maria Zakharova: ‘Cánh NATO cực đoan’ thúc đẩy chiến tranh với Nga

Phát biểu của bà Zakharova vào thứ Năm (21/11) mô tả Estonia và các quốc…

9 phút ago

5 kiểu phụ nữ dù không xinh đẹp xuất chúng vẫn khiến người khác dễ chịu

Xinh đẹp là một loại phúc báo, nhưng nhan sắc là yếu tố bên ngoài…

17 phút ago

Nhà Hậu Trần – P5: Giằng co cản bước quân Minh nam tiến

Nhà Hậu Trần giằng co cản bước quân Minh nam tiến sau khi Trương Phụ…

27 phút ago

Chút tản mạn về tên ba vị đồ đệ trong Tây Du Ký

Ba vị đồ đệ trong Tây Du Ký có pháp danh lần lượt là Tôn…

37 phút ago

Có cách nào cải thiện tình trạng quần áo bị xù lông?

Các sợi lông lỏng lẻo trên bề mặt vải có thể dễ dàng được loại…

44 phút ago