Văn Hóa

Kẻ Nưa: Ngôi làng cổ có 9 người đỗ đại khoa

Làng Kẻ Nưa (nay là trấn Nưa) nằm ở dưới chân núi Nưa, cách trung tâm thành phố Thanh Hoá gần 20 km. Nếu người nơi khác đến nơi đây sẽ thấy ngôn ngữ rất đặc biệt, mang theo âm cổ.

Núi Nưa xưa kia được gọi là núi Nứa vì có nhiều cây nứa, người dân thường lên núi lấy nứa rồi bán khắp nơi, nên dân chúng hay gọi đây là núi Nứa. Người nơi khác đến gọi nơi đây là Kẻ Nứa, tên gọi này có từ trước thời Triệu Đà.

Núi Nưa ở Kẻ Nưa. (Ảnh: Báo Giáo dục & Thời đại)

Đến thời Bắc Thuộc, chữ Hán được truyền vào, núi Nứa được gọi là “Na Sơn”, gọi tên Nôm là núi Nưa. Tương tự làng Kẻ Nứa được gọi thành Kẻ Nưa.

Kẻ Nưa thuở mới lập đã nổi tiếng với những hoạt động buôn bán sầm uất, có nghề sơn tràng (tức khai thác lâm sản trong rừng núi).

Làng cổ có 9 người đỗ đại khoa

Trong suốt chiều dài lịch sử dân tộc, Kẻ Nưa đã có 9 người đỗ đại khoa, là một trong những ngôi làng khoa bảng tiêu biểu của cả nước.

Người đỗ khai khoa cho cả làng là Lê Thân, sinh năm 1253 trong gia đình nhà Nho. Năm lên 10 ông đã thuộc làu kinh sử, lên 18 thì đỗ đầu kỳ thi Hương. Khoa thi năm 1275, Lê Thân 22 tuổi tham gia và đỗ ngay Bảng nhãn.

Không chỉ đỗ khai khoa cho làng Kẻ Nưa, Lê Thân còn là người đầu tiên của huyện Nông Cống đỗ cao hàng Tam khôi, nên trở thành niềm tự hào của cả huyện.

Thi đỗ, Lê Thân được bổ dụng làm Hàn lâm học sĩ, sau thăng làm Ngự sử trung thừa, rồi Nhập nội hành khiển, Khu mật viện đô trị sử, Thái phó Luật quốc công.

Lê Thân luôn răn dạy con cháu cần phải lấy tu thân làm gốc, lấy nhân nghĩa làm nền tảng để phát triển tài năng.

Nơi thờ tự Bảng nhãn Lê Thân. (Ảnh: Báo Giáo dục & Thời đại)

Sau Lê Thân, đến lượt họ Doãn của làng có nhiều người đỗ đạt, trở thành dòng họ khoa bảng của làng. Khoa thi năm 1304, Doãn Bang Hiến thi đỗ tiến sĩ, được bổ nhiệm làm Hàn lâm hiệu lý.

Năm 1312, ông được bổ nhiệm làm Tả thị lang bộ Hình, đến thời vua Trần Minh Tông được thăng làm Thượng thư bộ Hình hàm Thiếu bảo. Năm 1322, ông được cử làm Chánh sứ sang nhà Nguyên tranh luận về biên giới.

Việc đi sứ được “Khâm định Việt sử thông giám cương mục” ghi chép lại rằng:

“Mùa hạ, sai Doãn Bang Hiến sang bên Nguyên biện luận về việc cương giới. Bấy giờ, người nhà Nguyên tranh lấn bờ cõi nơi biên giới, nên nhà vua sai Hình bộ Thượng thư là Doãn Bang Hiến sang nhà Nguyên để cùng nhau biện luận về biên giới. Bang Hiến sau đó qua đời ở dọc đường, nhà vua rất lấy làm thương tiếc”.

Tuy nhiên gia phả dòng họ lại ghi khác, Doãn Bang Hiến không chết trên đường đi sứ. Khi trở về ông còn được Vua thưởng, sắc phong Thiếu phó Hương đình hầu, ban cho 100 mẫu ruộng ở huyện Đông Ngàn.

Con trai của Doãn Bang Hiến là Doãn Định làm quan đến chức Giám sát ngự sử. Con cháu là Doãn Nỗ sau này tham gia khởi nghĩa Lam Sơn và trở thành công thần thời nhà Lê.

Con cháu họ Doãn có nhiều người đỗ đại khoa và làm quan trụ cột cho Triều đình: Doãn Hoàng Tuấn thi đỗ tiến sĩ khoa thi năm 1478, được cử làm Thượng thư bộ Lễ; Doãn Mậu Khôi đỗ Tiến sĩ khoa thi năm 1502, làm Thượng thư kiêm Chưởng Hàn lâm viện; Doãn Văn Hiệu đỗ Tiến sĩ khoa thi năm 1541; Doãn Đình Đống đỗ Tiến sĩ khoa thi năm 1571; Doãn Mậu Đàm đỗ Tiến sĩ khoa Bính Tuất 1586; Doãn Tuấn đỗ Tiến sĩ khoa thi năm 1626.

Đến thời nhà Lê, làng Kẻ Nưa có Lê Bật Tứ mồ côi cả cha mẹ khi còn nhỏ, phải chăn trâu kiến kế sinh nhai, nhưng được anh tìm thầy dạy dỗ. Đến khoa thi năm 1598, Lê Bật Tứ vào dến kỳ thi cuối cùng là thi Đình và đỗ cao thứ ba. Đến năm 1606 được cử làm Chánh sứ sang nhà Minh.

Lê Bật Tứ nhiều lần dâng sớ lên Chúa các biện pháp trị quốc, được Chúa cử làm Tham tụng (tương đương Tể tướng), tước Thiếu bảo điều hành đất nước.

Kẻ Nưa ngày nay

Từ xưa người dân Kẻ Nưa vẫn dùng tiếng nói cổ khác hẳn các nơi khác, đây là tiếng cổ mà chỉ người làng mới hiểu được. Đến nay khi người có tuổi trong làng nói chuyện vẫn dùng tiếng cổ này.

Làng Kẻ Nưa có nhiều nhà cổ làm bằng gỗ, nhiều người muốn mua lại số nhà gỗ này vì làm bằng gỗ quý, nhưng người dân không muốn bán hay làm nhà mới vì muốn giữ kỷ vật mà tổ tiên truyền lại.

Tuy nhiên đến gần đây nhiều nhà cổ bị hư hại khiến người dân phải xây lại mới. Theo thống kê ở trấn Nưa năm 2002 có khoảng 80 ngôi nhà cổ, đến năm 2013 con số đó giảm còn 44 và đến nay chỉ còn 25 ngôi nhà.

Trần Hưng

Xem thêm:

Mời xem video:

Trần Hưng

Published by
Trần Hưng

Recent Posts

[VIDEO] Thủ tướng Canada gọi thuế quan của Mỹ là “vô lý, không có cơ sở” và “sai lầm”

Thủ tướng Canada Mark Carney đã phê phán chính sách thuế mới của Mỹ, bao…

25 phút ago

Bộ Ngoại giao Việt Nam lên tiếng về việc Mỹ áp thuế đối ứng 46%

Việt Nam lấy làm tiếc trước việc Mỹ công bố quyết định áp mức thuế…

45 phút ago

Tổng thống Trump khen quảng cáo của Ford nói về lắp ráp hầu hết ô tô tại Hoa Kỳ

Hôm thứ Năm (3/4), Tổng thống Donald Trump đã hoan nghênh "quảng cáo tuyệt vời"…

1 giờ ago

Thái Nguyên: Phát hiện 18 cây chè cổ 200 tuổi trên núi Tam Đảo

18 cây chè cổ thụ được phát hiện trên núi Tam Đảo có vanh gốc…

2 giờ ago

Nhờ thuế ô tô của TT Trump, General Motors sẽ mở rộng sản xuất tại nhà máy Indiana

General Motors (GM) có kế hoạch mở rộng sản xuất tại một trong những nhà…

2 giờ ago

Tại sao Tổng thống Donald Trump muốn áp thuế đối ứng khắp thế giới?

Tổng thống Trump đã công bố mức thuế quan mới trong một buổi lễ tại…

3 giờ ago