Bằng tài năng của mình, Lưu Văn Lang cứu nhiều công trình khi mà các kỹ sư Pháp cũng chịu, khiến người Pháp ở chính quốc thán phục.
Lưu Văn Lang dùng tài năng của mình mà cứu nhiều cây cầu. Ví như Cầu Khánh Hội được xây xong vào năm 1904, hồi đó được gọi là cầu Quay, do cầu có thiết kế độc đáo ở nhịp giữa có thể quay ngang để tàu thuyền đi lại dễ dàng. Tuy nhiên sau đó cầu có hiện tượng rung rinh, các kỹ sư Pháp có sửa thế nào cũng không được. Người Pháp phải nhờ đến Bác Vật Lang. Ông bảo các kỹ sư làm kiềng treo trên cầu. Từ đó cầu trở nên chắc chắn không rung rinh nữa.
Cầu An Hữu (thuộc Tiền Giang) do kỹ sư người Pháp thiết kế xây dựng, nhưng chân và móng cầu cứ bị sụt lún mãi, dù đã sửa nhưng không hết được. Người Pháp phải mời Bác Vật Lang đến xem giúp, ông đã chỉnh sửa khiến chân và móng cầu vững chắc đến tận ngày nay.
Một lần khác Lưu Văn Lang ngồi xe hơi đi từ Châu Đốc đến Long Xuyên, khi đến mương Khai Lấp (thuộc Châu Phú, An Giang) thì ông đột nhiên bảo tài xế dừng xe. Ông xuống xe dùng gậy gõ gõ vào mặt đường rồi đánh dấu lại, sau đó lại lên xe đi tiếp.
Đến Long Xuyên ông dùng điện thoại gọi điện cho Trưởng ty Công chánh Châu Đốc báo phải đến mương Khai Lấp tìm chỗ ông đã đánh dấu rồi đào lấy một vật lớn ở dưới đường lên, nếu không nguyên khúc đường nơi đây sẽ bị sụp. Sau khi người ta đào lên thì thấy có thân cây dầu cổ thụ rất lớn.
Nhà văn Võ Hương An, tác giả của nhiều tác phẩm biên khảo sử học và văn hóa đã kể lại rằng chính cha của mình là Võ Văn Lang giữ chức Nhất đẳng thị vệ cho nhà Nguyễn kể lại cho ông rằng:
Cầu sắt Hàm Rồng bắc qua sông Mã là cây cầu một nhịp tức không có trụ móng ở giữa cầu trên quốc lộ 1. Cầu được các kỹ sư Pháp thiết kế và xây dựng năm 1904 (cầu này sau đó bị phía Việt Minh phá sập năm 1946 tức không phải cầu Hàm Rồng sau này), cầu được sử dụng cho cả đường bộ và đường sắt.
Khi cầu hoàn tất và đi vào hoạt động thì cầu bị rung. Các kỹ sư Pháp xem xét kỹ lại tất cả hồ sơ thiết kế và xây dựng, thử các cách để sữa chữa nhưng không được, cũng không rõ nguyên nhân tại sao cầu bị rung, cuối cùng phải nhờ Bác Vật Lang ra bắc để xem giúp.
Bác Vật Lang xem xét rồi chỉ đạo việc chỉnh sửa, sau đó cầu hết rung. Từ đấy các kỹ sư và chính quyền Pháp rất nể trọng Bạc Vật Lang.
Một lần Bác Vật Lang về quê nhà ở Đồng Tháp, khi đi ngang qua mũi Cần Dố (nơi Bến tàu lục tỉnh ngày xưa, nay thuộc phường 3 thành phố Sa Đéc), ông quan sát rồi nhìn dòng chảy của sông Tiền Giang liền nói tương lai sau này nơi đây sẽ bị sạt lở sâu vào cả chục công đất. Nhiều người nghe xong thì bán tín bán nghi. Đến khoảng năm 1950 quả nhiên mũi Cần Dố bị sụp.
Lần khác Lưu Văn Lang đi công tác ở Châu Đốc (An Giang), lúc về có ghé qua dinh quận rồi đi thăm chợ Tân Châu, đây là ngôi chợ có tiếng nằm bên bờ hữu ngạn sông Tiền, nơi đây cách biên giới với Campuchia chỉ 15 km. Hàng hóa ở Campuchia về đây rất nhiều nên chợ rất sầm uất, dân chúng ở đây rất giàu có. Bác Vật Lang đi quanh ngôi chợ rồi nói lại với viên quận trưởng rằng bây giờ nhìn thế thôi chứ tương lai sau này chợ sẽ sụp xuống sông hết. Đến năm 1974 thì đất bị sụp lở, các dãy phố đều xuống sông hết. Dân nơi đây phải dời đi nơi khác để xây chợ mới.
Khi làm ở Sở công chánh, Bác Vật Lang xem xét các công trình kỹ lưỡng, yêu cầu các nhà thầu phải lấy hết bùn và đất sét trước khi đổ đá nhằm đảm bảo công trình vững chắc. Khi nghiệm thu các cây cầu, ông yêu cầu các nhà thầu phải bỏ đi lớp đất xấu ở hai bên dốc cầu, thay bằng cát.
Các con của Lưu Văn Lang có nhiều người thành tài. Năm 1930, Chính phủ Pháp ủy nhiệm Bộ Lao động thưởng huy chương bạc cho phu nhân của kỹ sư Lưu Văn Lang vì bà đã giáo dục 9 người con thành tài. Nhân sự kiện này các tờ báo ở Sài Gòn thời đó có nhiều bài nói về gia đình cùng tài đức của Bác Vật Lang.
Đến năm 1940 thì Bác Vật Lang nghỉ hưu, trong suốt thời gian làm việc ông đã hoàn thành những công trình mà chính người Pháp ở chính quốc cũng thán phục.
Khi Pháp tái chiếm miền nam, Lưu Văn Lang cũng như các trí thức miền nam thời đấy đều bất hợp tác với Pháp. Từ năm 1947 đến 1950, ông yêu cầu Pháp ngừng bắn và trả lại nền độc lập cho dân tộc theo trào lưu trao trả độc lập không đổ máu của nhiều quốc gia trên thế giới lúc đó.
Năm 1954, đất nước bị chia đôi, ông yêu cầu hai phía thực hiện theo Hiệp định Geneve đã ký kết chứ không thôn tính lẫn nhau gây đau thương cho dân tộc. Ông thường lấy ví dụ về Đông Đức – Tây Đức, Nam Hàn – Bắc Hàn. Ông muốn để dân Việt Nam quyết định đất nước bằng phổ thông đầu phiếu có quốc tế giám sát.
Sau đó Bác Vật Lang tham gia sáng lập phong trào Hòa Bình với mong muốn các bên thực hiện theo Hiệp định Geneve, thực hiện Tổng tuyển cử thống nhất đất nước, ông được cử làm Chủ tịch danh dự của phong trào này.
Đến năm 1969, Bác Vật Lang mất ở Sài Gòn, thọ 89 tuổi. Bác Vật Lưu Văn Lang được đánh giá là nhân tài uyên bác ở Nam bộ, nhiều câu chuyện về ông vẫn được dân gian lưu giữ và kể lại đến tận ngày nay.
(Hết)
Trần Hưng
Xem thêm:
Mời xem video “Trái đất còn bao nhiêu dầu mỏ và than đá?”:
Đội hình Phalanx gắn liền với những cuộc chinh phục của Alexander Đại Đế.
Phát biểu của bà Zakharova vào thứ Năm (21/11) mô tả Estonia và các quốc…
Xinh đẹp là một loại phúc báo, nhưng nhan sắc là yếu tố bên ngoài…
Nhà Hậu Trần giằng co cản bước quân Minh nam tiến sau khi Trương Phụ…
Ba vị đồ đệ trong Tây Du Ký có pháp danh lần lượt là Tôn…
Các sợi lông lỏng lẻo trên bề mặt vải có thể dễ dàng được loại…