Lưu Văn Lang là kỹ sư tốt nghiệp bằng Kỹ sư Bá Nghệ của Pháp (Ingénieur des Arts et Manufactures de L’École centrale de Paris) đầu tiên ở Đông Dương, nằm trong top 10 sinh viên ưu tú nhất của École Centrale de Paris, ngôi trường danh tiếng ở Pháp.

Top 10 sinh viên ưu tú nhất

Vào cuối thế kỷ 19 ở Sa Đéc, Đồng Tháp có người thợ rèn là Lưu Văn Cúng, dù là thợ khéo nhưng gia cảnh nghèo. Ông Cúng vốn xuất thân là gia đình có truyền thống Nho học, nhưng sống vào thời Pháp thuộc, chữ Nho và truyền thống Nho gia không còn được xem trọng như trước kia.

Ông Cúng có người con trai là Lưu Văn Lang. Dù nhà nghèo nhưng từ nhỏ Lưu Văn Lang được ăn học đầy đủ, học cả tiếng Pháp, chữ quốc ngữ, lẫn chữ Nho. Cậu bé Lưu Văn Lang thông minh lại chăm chỉ nên học tập xuất sắc, được học bổng đặc cách học tại trường Chasseloup-Laubat Sài Gòn.

Năm 17 tuổi, Lưu Văn Lang đậu tú tài xuất sắc, nhận được học bổng tại trường École Centrale de Paris của Pháp, thời đấy gọi là Trường Bá nghệ trung ương Pháp quốc, nơi tạo ra những kỹ sư giỏi nhất của Pháp lúc bấy giờ.

Năm 1904, Lưu Văn Lang vinh dự tốt nghiệp trường École Centrale de Paris loại ưu, nằm trong top 10 sinh viên ưu tú nhất, trở thành kỹ sư đầu tiên ở Đông Dương.

“Quan Bác Vật Lang”

Sau khi Văn Lang vinh quy bái tổ, đích thân Toàn quyền Đông Dương Paul Doumer về tận làng đọc diễn văn khai mạc. Tại buổi lễ, Văn Lang được bổ nhiệm chức vụ “giám lý công chánh lục lộ” ở sở Công chánh Đông Dương.

Sau đó ông được cử sang Vân Nam (Trung Quốc) tham gia thiết kế xây dựng tuyến đường sắt nối liền Hải Phòng với Côn Minh (Vân Nam).

Năm 1909 khi tuyến đường sắt gần như hoàn thành, ông trở về Sài Gòn giữ chức vụ quan trọng ở Sở Công chánh Đông Dương. Ông thường đến Bạc Liêu theo dõi các công trình xây dựng.

Dân chúng Nam bộ rất kính trọng gọi Lưu Văn Lang là “Quan Bác Vật Lang”. “Bác Vật” là từ Nam bộ thời đấy dùng để chỉ người thông thái một lĩnh vực nào đó, tương tự như bác học. Lưu Văn Lang rất giỏi về lĩnh vực của mình khiến nhiều người Pháp cũng kính nể.

Thời gian này Bác Vật Lang không chỉ giám sát các công trình làm đường ở Nam bộ, ông còn đi khắp Đông Dương để giám sát các công trình về giao thông. Những công trình nổi tiếng do ông giám sát có thể kể đến như: cầu Monivong, tuyến đường xe lửa Phnom Penh – Battambang (Campuchia); cầu Long Biên, v.v…

Chuyện dân gian

Người Nam bộ lưu truyền rất nhiều câu chuyện về Bác Vật Lang, có nhiều câu chuyện được ghi chép lại. Như lần đi kiểm tra cây cầu Long Thạnh ở Bạc Liêu, ông dùng búa gõ vào thành cầu, lắng nghe tiếng kêu rồi thông báo lên Tỉnh trưởng Bạc Liêu là 1 tháng nữa cây cầu sẽ sập. Viên tỉnh trưởng rất bất ngờ bởi câu cầu này do kỹ sư Pháp thiết kế và thi công, hoàn thành mới chỉ hơn 1 năm.

Viên tỉnh tưởng không thể tin nên hỏi lại, Bác Vật Lang liền đưa ra thời hạn sửa chữa cây cầu. Viên tỉnh trưởng chỉ bật cười, không tin vì cây cầu này do kỹ sư Pháp xây dựng, hoạt động mới chỉ hơn 1 năm thì làm sao sập được.

Thế nhưng chỉ 3 tuần sau, cây cầu này bỗng sập thật. Từ đó cây cầu này có tên là cầu Sập. Viên tỉnh tưởng phải xin lỗi Bác Vật Lang, còn ông thì yêu cầu được kiểm tra tất cả các cây cầu khác trong tỉnh, tránh bị sập bất ngờ ảnh hưởng đến người dân.

Nể trọng tài năng của Bác Vật Lang, viên tỉnh trưởng đối đãi rất hậu hĩnh. Đáp lại tấm ân tình này, ông đã xậy tặng viên quan đồng hồ Thái Dương, đặt trước sân dinh tỉnh trưởng (ngày nay nằm ở đường 30/4, thành phố Bạc Liêu).

dong ho thai duong
Đồng hồ Thái Dương do bác vật Lưu Văn Lang xây dựng tại Bạc Liêu. (Ảnh: Duy Khôi, Báo điện tử Cần Thơ)

Đồng hồ này được xây bằng đá, nên dân chúng quen gọi là đồng hồ đá. Đồng hồ được xây cao 1mét, rộng 0,8 mét quay về hướng bắc. Đồng hồ được vạch các số la mã. Khi ánh nắng mặt trời chiếu vào gờ cao sẽ chia đồng hồ thành hai mảng sáng tối rõ rệt, lằn ranh giữa sáng và tối chính là giờ đồng hồ.

Đồng hồ ban đầu chạy rất chính xác, nhưng sau này do di dời chỗ đặt nên đo giờ không còn chính xác như xưa. Hiện nay khi đo giờ rồi so sánh thì đồng hồ chạy nhanh hơn 5 phút so với đồng hồ chuẩn.

Loại đồng hồ đá xem giờ bằng ánh nắng này trước đây có nhiều, nhưng hiện trên thế giới chỉ còn lưu giữ lại hai cái, một cái ở Anh và một cái ở Bạc Liêu (Việt Nam).

Mặt đồng hồ hướng ra đường, nên thời ấy người dân đi ngang qua đều nhìn về phía đồng hồ để biết giờ. Ngày nay đồng hồ Thái Dương hay đồng hồ đá này được đặt tại khu di tích văn hóa của tỉnh. Do không được bảo quản tốt nên các con số la mã bị mờ nhiều, còn lại thì vẫn hoạt động tốt.

Tham gia thành lập ngân hàng đầu tiên của Việt Nam

Đầu thế kỷ 20, các công ty quan trọng ảnh hưởng đến nền kinh tế Nam kỳ đều là của Pháp và người Hoa. Chính vì thế tiếng nói của người Việt trong Hội đồng thành phố yếu hơn cộng đồng người Pháp và người Hoa.

Những người Việt có tinh thần dân tộc xác định rằng người Việt cần có ảnh hưởng kinh tế, từ đó mới có tiếng nói trong Hội đồng thành phố.

Tháng 11/1926, một số doanh nhân, nhà báo, điền chủ và trí thức đã họp tại trụ sở của Hội kỹ nghệ và doanh nhân An Nam tại số 76 rue La Grandière (nay là đường Lý Tự Trọng Sài Gòn) để thành lập Công ty Tín dụng An Nam (còn có tên khác là: Việt Nam ngân hàng).

Từ cậu bé ở đợ đến hào phú giàu có bậc nhất Nam kỳ Lục tỉnh (P2)
Quảng cáo của Việt Nam Ngân hàng trên báo Sài Gòn, 26/2/1935. (Ảnh tư liệu)

Việt Nam ngân hàng trở thành ngân hàng đầu tiên của Việt Nam. Bác Vật Lang là người có uy tín và tầm ảnh hưởng nên được bầu vào “Ban trị sự danh dự và cố vấn”, người góp nhiều tiền nhất và giữ chức Hội đồng quản trị là ông Trần Minh Trạch (hay được gọi là Hội Đồng Trạch). (Xem thêm bài: Từ cậu bé ở đợ đến hào phú giàu có bậc nhất Nam kỳ Lục tỉnh)

Ngoài ra, ông còn tham gia thành lập Hội Khai Trí Việt Đức ở Hà Nội và Hội SAMIPIC ở Sài Gòn, giúp nhiều sinh viên nghèo học giỏi được đi du học và trở thành nhà trí thức quan trọng.

Trần Hưng

Xem thêm:

Mời xem video “Giữ gìn sự khiêm nhường và quay về với sự cao quý của bản thân”: