Mạn đàm vài câu chuyện trong sử Việt về minh quân bỏ rượu

Sử Việt ghi nhận những vị minh quân thường dùng rượu không quá chén, thậm chí có người bỏ hẳn rượu, trong khi đó các hôn quân lại thường chím đắm trong men rượu. Ở một phương diện nào đó, có thể nói rượu là một trong những yếu tố để nhìn ra minh quân và hôn quân.

Có lẽ quân vương của triều đại nào cũng đều dùng rượu, nhưng không có vị minh quân nào suốt ngày rượu chè cả. Ngược lại những vị hôn quân như Trần Dụ Tông, Lê Uy Mục, Mạc Mậu Hợp, v.v. thì đều ngập trong rượu và sắc.

Vua Trần Dụ Tông được đánh giá là thông minh, nhưng khi lên ngôi lại ham mê rượu chè, đàn đúm với những kẻ mê rượu, ăn chơi sa đọa, xây cung điện, đánh sưu cao thuế nặng khiến dân chúng ca thán. Sử sách còn chép rằng vua Dụ Tông thường rủ các quan cùng uống thi, ai thắng thì được thăng chức. Từ thời vua Dụ Tông, nhà Trần suy sụp rất nhanh rồi sau này rơi vào tay Hồ Quý Ly.

Ngược lại, trong sử Việt cũng ghi nhận những trường hợp vua bỏ rượu mà thành minh quân.

Vua Trần Anh Tông suýt mất ngôi vì rượu

Sau khi nhường ngôi cho con là Trần Anh Tông, vua Trần Nhân Tông lên làm Thượng Hoàng. Dù thường xuyên chuyên tâm tu Phật, nhưng Thượng Hoàng vẫn để ý giáo dục vua con.

Vua Anh Tông bấy giờ cũng không để ý đến phương diện rượu chè. Một lần, ông uống rượu Xương Bồ từ hôm trước mà say đến tận chiều hôm sau. Không may sáng hôm đó, Thượng Hoàng Trần Nhân Tông bất ngờ từ Thiên Trường đến Thăng Long, không một ai biết trước. Thượng Hoàng không thấy Vua đâu bèn hỏi Thái giám, vị Thái giám sau đó tìm thấy Vua con đang say mèm không sao dậy nổi.

Thượng Hoàng giận quá bỏ về, lệnh cho các quan đến Thiên Trường họp bàn việc phế truất vua Anh Tông.

Đến chiều vua Anh Tông tỉnh rượu biết chuyện thì sợ hãi, vơ vội quần áo lên ngựa ra ngoài. May rủi thế nào trên đường đi lại đụng phải thư sinh Đoàn Nhữ Hài, nhờ Đoàn Nhữ Hài làm bài biểu tạ tội. Nhờ bài biểu tạ tội mấy ngàn chữ này mà Thượng Hoàng Trần Nhân Tông nguôi giận. Thượng Hoàng dặn dò Vua con rằng: “Trẫm còn có con khác, cũng có thể nối ngôi được. Trẫm đang sống mà ngươi còn như thế, huống chi sau này?”

Kể từ đó vua Anh Tông bỏ hẳn rượu, tránh xa và hạn chế dùng những kẻ nghiện ngập. Thậm chí có lần Thượng Hoàng gợi ý chọn Nguyễn Quốc Phụ làm Hành khiển, vua Anh Tông đã đáp rằng: “Nếu lấy ngôi thứ mà bàn, thì Quốc Phụ được rồi, chỉ hiềm hắn nghiện rượu thôi!”

Lịch sử ghi nhận vua Anh Tông là vị minh quân giúp Đại Việt tiếp tục thời kỳ toàn thịnh. Một phần công lao có lẽ là nhờ bỏ rượu chăng?

Vua Gia Long chừa rượu lập nghiệp lớn

Vua Gia Long là người đặc biệt không dùng rượu, bữa ăn cũng thanh đạm đơn giản, không có sơn hào hải vị tốn kém, nhiều khi ăn cùng với binh sĩ. Kỳ thực thời trẻ, Vua cũng uống nhiều rượu, nhưng khi bắt đầu mang trên vai trọng trách thì ông không dám uống dù chỉ một giọt.

Lăng Gia Long. (Ảnh: Mohammed Moses, Shutterstock)

Linh mục người Pháp Lelabrousse trong bức thư đề ngày 1/5/1800 có viết rằng:

“Thuở còn trẻ tuổi, Ngài có tật nghiện rượu, nhưng đến khi phải điều hành các việc chính trị, binh cơ, trách nhiệm nhà nước nhất nhất quan hệ ở mình, thì Ngài quyết chừa rượu ngay, chừa một cách quyết liệt, đến nỗi từ đó về sau không nhấp một giọt rượu nào vào môi nữa.

Chính Ngài thường nói: Tôi nghĩ ở đời không có thứ gì làm mất phẩm giá người ta nhiều bằng cái tật quá chén; không có thứ gì tai hại cho bằng rượu, nó khiến người ta hư hèn vô lực đủ đường; không có thứ gì tệ cho bằng rượu, nó khiến sinh ra lắm sự lỗi lầm, lắm cảnh khốn đốn. Một kẻ rượu chè say sưa chẳng nên cai quản, sai khiến ai bao giờ. Con người ta, đến bản thân còn chẳng tự trị nổi thì mong trị thiên hạ làm sao được?”.

Cuốn “Đại Nam thực lục” có ghi chép rằng trong giai đoạn giao chiến với quân Tây Sơn, vua Gia Long có ra 32 điều quân lệnh trong đó có điều cấm uống rượu: “Trong quân không được đánh bạc uống rượu. Như đánh bạc ở đồn sở thì không kể quan hay dân, đều trị 100 roi, tiền mặt bắt được trong sòng thì thưởng cho người tố cáo. Uống rượu thì quan bị xử nặng, lính cũng trị 100 roi và sung làm đầu bếp. Ra trận thì đều chém đầu để răn bảo mọi người.”

Nhà du hành người Anh John Barrow trong cuốn “A voyage to Cochinchina in the year 1792 – 1793” (Một chuyến du hành đến xứ Nam Hà trong năm 1792 – 1793) có viết giờ giấc sinh hoạt trong ngày của vua Gia Long khi còn là Nguyễn Vương ở Nam Bộ như sau:

“Để ông có thể tham gia tốt hơn vào những công việc của chính quyền cai trị, lối sống của ông đã được điều chỉnh theo một kế hoạch cố định. Lúc 6 giờ sáng, vua trở dậy, đi tắm nước lạnh; tới 7 giờ, vua tiếp các quan, tất cả những thư từ tấu biểu nhận được của ngày hôm trước đều được tuyên đọc, những mệnh lệnh của vua về các tấu biểu này được ghi chép tỉ mỉ. Sau đó ông đi đến các xưởng quân dụng hải quân, xem xét những công việc.”

“Vào khoảng 12 giờ trưa hoặc một giờ chiều, ông dùng bữa ngay ở xưởng đóng tàu, gồm có một ít cơm ăn với cá khô. Lúc 2 giờ chiều, vua lui về phòng mình và ngủ cho tới lúc 5 giờ. Khi đó vua lại trở dậy, hội kiến với các sĩ quan quân đội và hải quân, người cầm đầu các tòa án hay các công sở.”

John Barrow cũng mô tả rằng: “Ông không dùng rượu Tàu hay bất kỳ loại đồ uống có chất cồn nào, ăn rất ít thịt; một ít cá, cơm, rau, hoa quả, nước trà và bánh bột nhẹ là những đồ ăn uống chính hàng ngày.”

Một số loại thuyền đi biển của nhà Nguyễn trong tư liệu nước ngoài. (Tài liệu Viện Sử học, Public Domain)

Cuốn “Việt sử giai thoại” bình luận việc vua Gia Long không dùng rượu như sau:

“Nội một việc ấy, đủ tỏ ra vua Gia Long có đức tính tự cường hiếm hoi. Tuy chừa rượu không phải là một việc trọng đại cho bằng ý chí sửa đổi một nước, nhưng chẳng phải ai muốn cũng làm được, huống chi lại là vua chúa.

Ở thời đại quân chủ độc tôn, một người phú quý đến thế bỗng dưng gác chén đập be, cả quyết chừa rượu cho đến một giọt cũng không để thấm môi, thiết tưởng ai cũng phải cho là một sự ít thấy trong lịch sử đế vương, và nếu không có chí tự cường đáo để, chắc không làm nổi.”

Cuốn Việt Nam sử lược thì bình luận rằng:

“Vua Thể Tổ là ông vua có tài trí, rất khôn ngoan, trong 25 năm trời, chống nhau với Tây Sơn, trải bao nhiêu lần hoạn nạn, thế mà không bao giờ ngã lòng, cứ một niềm lo sợ khôi phục.

Ngài lại có cái đức tính rất tốt của những kẻ lập nghiệp lớn, là cái đức tính biết chọn người mà dùng, khiến cho những kẻ hào kiệt ai cũng nức lòng mà theo giúp. Bởi vậy cho nên không những là ngài khôi phục được nghiệp cũ, mà lại thống nhất được sơn hà, và sửa sang được mọi việc, làm cho nước ta lúc bấy giờ thành một nước cường đại, từ xưa đến nay, chưa bao giờ từng thấy.”

Trần Hưng

Xem thêm:

Mời xem video:

Trần Hưng

Published by
Trần Hưng

Recent Posts

Hungary sẽ triển khai hệ thống phòng không gần biên giới của Ukraine

Trước tình hình căng thẳng, Hungary đang lên kế hoạch triển khai hệ thống phòng…

12 phút ago

Quân đội Mỹ sẵn sàng sử dụng vũ khí hạt nhân nếu cần

Chuẩn Đô đốc Thomas Buchanan tuyên bố rằng Mỹ sẵn sàng sử dụng vũ khí…

19 phút ago

Nga bắn tên lửa tầm trung, không phải ICBM — Tổng thống Putin

Putin: Nếu Mỹ muốn chiến thì Nga cũng phải theo, và tên lửa bắn vào…

2 giờ ago

Một ứng viên xin rút công nhận chức danh phó giáo sư năm 2024

HĐGSNN vừa công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh giáo sư, phó giáo sư năm…

8 giờ ago

Ông Vương Đình Huệ bị kỷ luật cảnh cáo

Ông Vương Đình Huệ có sai phạm trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; vi…

9 giờ ago

Ông Musk và ông Ramaswamy viết bài xã luận trên WSJ vạch ra tầm nhìn về DOGE

Ông Musk và ông Ramaswamy đã cùng chấp bút một bài xã luận đăng trên…

9 giờ ago