Ngoài các mối quan hệ gia đình ra thì người xưa rất coi trọng mối quan hệ bạn bè. Bởi vì ai ai cũng không thể sống cả đời không có bạn, và bạn bè dù ít hay nhiều cũng đều sẽ ảnh hưởng đến sự nghiệp và cuộc sống của một người. Vậy người như thế nào mới có thể trở thành một người bạn thực sự đáng giá kết giao?
Triết học gia Vương Dương Minh thời nhà Minh đã nói trong cuốn sách “Truyện tập lục” rằng: “Nói chung, bằng hữu nên có ít lời khuyên răn, nhắc nhở, chỉ trích và khiển trách, biện pháp đúng là nên dìu dắt, khen ngợi, khuyên giải và thuyết phục nhiều hơn”. Người bạn là người biết lắng nghe những lời bạn nói, cổ vũ nhiều hơn và ít chỉ trích, trách móc hơn. Trong tiếng Hán, chữ “bằng” (朋) trong “bằng hữu” (bạn bè) gồm hai chữ “nguyệt” (月), ý nói giữa bạn bè là bình đẳng ngang hàng. Hai người phải giúp đỡ lẫn nhau, không nên có tâm đặt mình cao hơn đối phương.
Bằng hữu thời xưa ngoài việc giúp đỡ lẫn nhau, còn có trường hợp cảm mến tài năng của nhau. Khi Lý Bạch và Đỗ Phủ gặp nhau ở Lạc Dương, “thi tiên” và “thi thánh” hơn kém nhau 11 tuổi đã vì tài thơ, vừa gặp mà tựa như đã quen, đã kết bái tương giao. Tình bạn giữa họ trở thành một trong những tình bạn kỳ lạ nhất trong lịch sử. Họ đã cùng nhau du ngoạn đất Lương, đất Tống, lên chơi Xuy Đài, Cầm Đài, cùng nhau vượt qua Hoàng Hà, dạo chơi núi Vương Ốc. Các ghi chép trong sách cổ đều tường thuật về rất nhiều chuyến du ngoạn của Lý Bạch và Đỗ Phủ, đồng thời giữa họ cũng có nhiều bài thơ thể hiện sự nhớ nhung lẫn nhau. Cuộc hội ngộ giữa họ đã trở thành giấc mơ tinh thần làm say mê biết bao văn nhân mặc khách.
Bạn bè khi gần nhau thì cảm mến, vậy khi xa nhau thì sẽ thế nào? Dù bị khoảng cách xa xôi ngăn trở, dù rất lâu không gặp nhau nhưng vẫn không có sự lạnh nhạt. Vương Bột, thi nhân thời kỳ đầu nhà Đường đã viết: “Hải nội tồn tri kỷ, thiên nhai nhược bỉ lân” (Trong bốn biển vẫn có người tri kỷ, cho nên có ở chân trời góc biển vẫn coi như là bên cạnh). Tương tự như vậy, câu nói “Tương tri vô viễn cận, vạn lí thượng vi lân” (Biết nhau dù ở xa nhưng vẫn gần như là hàng xóm) của Trương Cửu Linh đã trở thành tuyệt xướng.
Khi nói đến “bằng hữu”, người xưa coi trọng những người bạn tốt có mối quan hệ thân thiết và hiểu biết sâu sắc về nhau, gọi là: tri kỷ, tri giao, tri tâm, tri âm,… Ngoài ra, để nhấn mạnh hơn mối quan hệ giữa bạn bè, họ có thể “kết nghĩa”. Tình anh em kết nghĩa được biết đến rộng rãi nhất là giữa Lưu Bị, Quan Vũ và Trương Phi. Ba người họ thề nguyện “Không thể sinh cùng một ngày nhưng nguyện chết cùng một ngày”.
Thời xưa, anh em kết nghĩa hay chị em kết nghĩa không chỉ làm sâu sắc hơn tình cảm giữa bạn bè mà còn có tác dụng về mặt pháp luật. Nếu một người phạm tội thì anh em kết nghĩa của người đó cũng có thể dùng thân phận là người thân để biện hộ cho họ. Nếu một người nam và một người nữ kết nghĩa anh chị em thì không được kết hôn với nhau, nếu không sẽ là phạm pháp. Ví dụ điển hình nhất cho điều này là Trương Sinh và Thôi Oanh Oanh trong “Tây Sương Ký”. Gia đình họ Thôi có quyền thế, làm quan lớn trong triều. Gia đình Trương Sinh là gia đình bình thường. Mẹ của Thôi Oanh Oanh không muốn gả con gái cho Trương Sinh. Nhưng về sau gia đình họ Thôi gặp nạn, mẹ của Thôi Oanh Oanh đề xuất rằng ai có thể cứu được Thôi gia thì sẽ gả con gái cho người đó. Sau khi Trương Sinh giải cứu thành công gia đình họ Thôi, mẹ của Thôi Oanh Oanh lại muốn họ xem nhau là anh em. Trương Sinh không đồng ý bởi vì một khi anh ta đã gọi Thôi Oanh Oanh là em kết nghĩa thì hai người họ sẽ không thể kết hôn với nhau được nữa.
Giữa những người bạn đã hiểu nhau một cách sâu sắc, người xưa có cách nói: “Quân tử chi giao đạm nhược thủy”, tình bạn giữa những người quân tử đạm nhạt như nước. Ý tứ của câu nói này là sự kết giao giữa cả hai là thuần khiết cao thượng, không vì lợi ích. Tình cảm giữa họ không phải được đong đo bởi số lượng hay sự quý giá của cải vật chất mà là ở tấm lòng trân trọng nhau.
Lục Khải thời Nam Bắc triều từng dẫn quân chinh phạt Mai Lĩnh ở phía Nam. Khi ông leo lên Mai Lĩnh thì gặp đúng lúc hoa mận đang nở rộ. Lục Khải đứng giữa rừng hoa mận, mắt nhìn về phía Bắc, nhớ đến người bạn Phạm Diệp của mình. Đúng lúc ấy, ông gặp sứ giả đi đến phía Bắc nên đã bẻ một cành hoa mận và làm một bài thơ gửi về tặng bạn. Sự đơn giản thể hiện ra một tình bạn chân thành, sự bình thản thể hiện ra ý cảnh cao nhã. Lục Khải gửi tặng bạn hoa mận, loài hoa là biểu tượng của mùa Xuân, báo trước cho con người một mùa xuân tươi đẹp đang đến, hy vọng những lời chúc tốt đẹp đến mọi người sẽ thành hiện thực. Phạm Diệp cảm động trước sự thuần khiết, tấm lòng chân thành của Lục Khải nên khi nhận được hoa của bạn đã bật khóc.
Ngày nay, một tình bạn cao đẹp và trong sáng giống như người xưa có lẽ rất khó gặp được ở ngoài đời, nhưng những câu chuyện về tình bạn của người xưa thực sự đáng để người thời nay ngưỡng mộ và học theo.
Theo Vision Times tiếng Trung
Tác giả: Trương Thành
An Hòa biên tập
Xem thêm:
Mời xem video:
Các quan chức và nhà ngoại giao châu Âu cho biết các nước châu Âu…
Phi công của các hãng hàng không phải đối mặt với nhiều tình huống bất…
Một nhà hàng ở huyện Hàm Thuận Nam (tỉnh Bình Thuận) bị phát hiện đang…
Bộ Y tế CHDC Congo thông báo, một căn bệnh chưa từng được xác định…
Hôm thứ Tư (18/12), Thống đốc Đảng Dân chủ Gavin Newsom của tiểu bang California,…
7 bị can trong nhóm tội phạm lừa đảo chuyên nghiệp để chiếm đoạt tài…