Văn Hóa

Ngẫm về hai chuyện chấm thi kỳ lạ thời xưa

Người xưa nói rằng trong cõi u minh tự có định số, ý rằng có rất nhiều việc vốn chúng ta cảm thấy không thể xảy ra, nhưng lại có một điều kỳ lạ nào đó thúc đẩy mà không tự chủ được, dẫn đến kết quả bất ngờ. Trong sách cổ không thiếu những ghi chép kỳ lạ như vậy, và dưới đây là câu chuyện chấm thi kỳ lạ được học giả Viên Mai thời Thanh kể trong cuốn “Tử Bất Ngữ”.

(Tranh: Public Domain)

Ở Giang Tây có một sĩ tử tên là Chu Lực Đường tham gia kỳ thi Hương năm Ung Chính thứ nhất (1723). Đề thi khoa này là “Học nhi ưu tắc sĩ” (Học giỏi thì làm quan). Bài văn của Chu Lực Đường viết rất uyên bác, quan chấm thi sơ khảo họ Trương đọc không hiểu, giận dữ dùng bút đỏ phê chữa rồi xếp vào chồng bài loại.

Đến tối, các quan chấm thi đều về nghỉ ngơi. Vị quan họ Trương đang ngủ bỗng nằm mơ nói sảng, tự tát vào mặt mình nói: “Bài văn hay như thế mà ngươi lại không hiểu, còn làm quan chấm thi sơ khảo!” Người nhà tưởng ông ta bị trúng gió, vội vàng nói cho các quan chấm thi khác.

Các vị quan nghe chuyện bèn xem xét những bài mà vị quan họ Trương đã phê. Đến bài của Chu Lực Đường, họ xem cảm thấy không hiểu lắm, bèn nói: “Thử đưa bài này lên xem sao?” Mọi người đều đồng ý.

Chủ khảo là Lễ bộ Thị lang Nhậm Lan Chi, sau khi xem bài này đã kinh ngạc thốt lên: “Đây thực là một bài văn kỳ lạ, trong tất cả các bài thi không có bài nào hay hơn, có thể định là đệ nhất”.

Lúc đó, phó chủ khảo Đức Công xem văn mệt mỏi, gục xuống bàn ngủ gà gật. Nhậm Lan Chi đợi ông ta tỉnh dậy, kể cho ông ta nghe về bài văn này. Đức Công hỏi số báo danh, Nhậm Lan Chi nói là số 3 bảng Nam. Đức Công nói: “Không cần xem nữa, cứ định là đệ nhất đi”. Nhậm Lan Chi hỏi nguyên do, ông ta nói: “Ta vừa ngủ say, bỗng thấy có Thần mặc áo giáp vàng đến chúc mừng ta rằng: ‘Con trai thứ ba của ngươi đã đỗ đầu.’ Nay lại được số 3 bảng Nam, chẳng phải là ứng nghiệm sao?” Nói xong, xem lại bài của Chu Lực Đường, ông ta cũng hết lời khen ngợi, bèn định là đệ nhất.

Về sau, Chu Lực Đường làm quan đến chức Phúc Kiến Tuần phủ, Nam Hà Tổng đốc. Ông trị lý tốt đẹp, mang đến nhiều lợi ích cho người dân.

Cuốn “Tử Bất Ngữ” còn kể lại một chuyện chấm thi kỳ lạ khác.

Năm Ung Chính thứ tư (1726), kỳ thi hương ở Giang Nam, có một người tên là Trương Lũy, đỗ tiến sĩ đã lâu, rất kính trọng Thần linh. Mỗi tối, ông đều thắp hương khấn rằng: “Con là Trương Lũy tuổi đã cao, học vấn kém cỏi, e rằng không đảm đương nổi việc khảo thí. Nếu trong bài thi có bài văn hay, hoặc tổ tiên người đó có tích đức, xin Thần minh ngầm nhắc nhở con”.

Các quan chấm thi khác trong đợt này đều trẻ tuổi, thầm cười nhạo Trương Lũy, bèn kiếm cách trêu chọc ông. Họ bẻ một cây trúc nhỏ, đợi khi Trương Lũy soi đèn chấm bài, lúc ông đặt một bài không trúng tuyển sang bên cạnh, liền dùng cây trúc xuyên qua giấy cửa sổ, nhẹ nhàng khều mũ của ông. Khều ba lần như vậy, Trương Lũy vô cùng kinh ngạc, cho rằng quả nhiên là Thần hiển linh, bèn chỉnh tề áo mũ, khấn rằng: “Bài thi này văn chương quả thực không hay, nhưng Thần minh nhắc nhở, nghĩ rằng thí sinh này nhất định có tích đức. Nếu đúng như vậy, xin thần minh lại hiển thị cho con một lần nữa”.

Mấy vị quan chấm thi kia nghe vậy, trong lòng càng thêm chế nhạo. Đợi khi Trương Lũy lại đặt bài thi đó sang bên cạnh, họ lại dùng cây trúc khều mũ ông ta. Lần này, Trương Lũy không xem bài nữa, mà tự thân nộp lên phúc khảo, nhưng hai vị chủ khảo đã nghỉ ngơi rồi. Thế là Trương Lũy đến gõ cửa phòng họ, nói rằng vì đêm khuya Thần minh nhắc nhở, nên đến tìm chủ khảo để thẩm định. Chủ khảo Thẩm Cận Tư đọc bài thi đó, nói: “Bài văn này viết rất hay, hoàn toàn có thể trúng tuyển, sao ông lại mượn cớ Thần minh chỉ dạy?” Mấy người trêu chọc Trương Lũy nghe thấy vậy, đều im lặng không dám nói gì nữa.

Đến khi kết quả được công bố, thấy bài thi đó cũng trúng tuyển, mọi người đều ồn ào cười nói với Trương Lũy: “Đây là chúng tôi trêu chọc ông đấy”. Trương Lũy nghiêm mặt nói: “Đây không phải là tôi bị các vị trêu chọc, mà là các vị bị quỷ thần trêu chọc!” Mọi người nghe xong, cảm thấy không khỏi giật mình.

Viên Mai đặt tên cuốn sách của ông là “Tử Bất Ngữ”, nghĩa là những điều Khổng Tử không nói đến, hoặc “tránh” không nói đến. Đây là bởi vì Khổng Tử có một câu nói khá nổi tiếng trong sách “Luận Ngữ”: “Vụ dân chi nghĩa, kính quỷ thần nhi viễn chi, khả vị tri hĩ”, nghĩa là làm việc nghĩa, có ích cho dân, tuy phải kính trọng quỷ thần nhưng nên tránh xa quỷ thần, đó là trí. Bởi vậy có rất nhiều học giả Nho học tránh nói đến vấn đề quỷ thần, tránh đề cập hoặc giải thích các sự việc vốn thật sự xảy ra hết sức thực tại. Viên Mai mặc dù là văn nhân và là người làm quan, nhưng lại không thích thái độ này, ông mong muốn tìm hiểu thâm sâu hơn về vấn đề mà các nhà Nho thời đó tránh đề cập (Tử Bất Ngữ), nên ông mới tập hợp điều có trong dân gian hoặc mắt thấy tai nghe thành sách.

Nho gia vốn là một gia phái lớn trong tam giáo, sánh ngang Phật và Đạo gia. Kinh điển của Nho gia phần lớn chú trọng vào việc tu dưỡng đạo đức và thiết lập trật tự xã hội, ít liên quan đến khía cạnh tín ngưỡng. Khổng Tử nói ra câu của ông với hàm ý: điều ông truyền chú trọng vào việc xây dựng đạo đức xã hội, tạo phúc cho mọi người trong xã hội, không phải là những hiểu biết về Thần linh. Nhưng sau này có không ít nhà Nho vì câu nói ấy mà bài xích các giá trị phổ quát trong Phật và Đạo giáo.

Tuy nhiên thực tế thì không hoàn toàn như vậy.

Trong Tứ Thư Ngũ Kinh của Nho gia thì Kinh Dịch là cuốn sách đứng đầu, là cuốn sách khó hiểu nhất, và là cuốn sách mà cuối đời Khổng Tử nghiên cứu thâm sâu – “Nếu cho ta sống thêm vài năm nữa, thì cho dù 50 tuổi học Dịch cũng không phải là sai lầm” (Luận Ngữ – Tử Hãn). Kinh Dịch bao hàm các phương diện văn hóa cực kỳ toàn diện, từ tu tâm dưỡng tính, luân lý đạo đức, văn sử, đến đạo pháp… Cuốn sách này tựa như đánh thông một con đường xâu chuỗi các khía cạnh của nền văn minh tiền sử, và cho thấy bóng dáng của những điều cao thâm hơn. Và trong Kinh Dịch thể hiện đầy đủ cách nhìn về vận mệnh, rất gần gũi với kinh sách của Đạo gia. Bản thân Khổng Tử cũng có những lần đề cập đến một số vấn đề liên quan đến Thần (“Khổng Tử thế gia” – Sử ký), cho thấy kiến thức uyên bác của ông về phương diện này, và trong Nho giáo cũng có rất nhiều phần lễ nghĩa để thờ cúng Thần.

Qua ngàn năm nay, có rất nhiều người vẫn dùng những điều trong Kinh Dịch để bói mệnh, đoán mệnh, xác thực một số việc hết sức thần kỳ, cho thấy trong cõi u minh tự có định số, tự có một lực lượng vô hình an bài vận mệnh. Thời xưa, khi những người học Dịch, các vị quan có tài hoặc các vị quan thiên văn đoán mệnh chính xác, thì sự kiện đó còn được ghi chép cẩn thận trong các tư liệu lịch sử chính thống (chính sử), “Nhị thập tứ sử” có ghi chép không ít chuyện như vậy. Do đó đây là điều đã được thực chứng từ lâu.

Có lẽ vào thời Viên Mai, vì Nho gia qua lưu truyền ngàn năm đã mai một, ngày càng nhiều người bỏ qua những giá trị thâm sâu hơn của tam giáo, nên ông mới ghi chép “Tử Bất Ngữ”. Hai câu chuyện trích dẫn trong sách đã để lại cho hậu thế câu hỏi: Việc đỗ hay trượt của một người phải chăng đã được định đoạt từ trước? Và suy rộng ra, các sự việc lớn trong đời người phải chăng là đều có sự an bài?

Vào thời hiện đại, lại càng có nhiều người không còn tin vào những điều này nữa, lại càng không tin đến việc tích đức, mà nói đến “phấn đấu”, “đấu tranh”. Chỉ cần có thể đạt được tiền tài danh lợi, họ sẽ dám lừa dối, tranh đoạt, tham ô, hối lộ, thậm chí nghĩ đến việc giết người, hại người. Nhiều người bài xích việc hành thiện tích đức là mê tín.

Tuy nhiên trong suốt chiều dài lịch sử văn minh nhân loại, hỏi có nền văn hóa nào không coi trọng Thần linh, hỏi có nền văn hóa nào không coi trọng đạo đức? Chỉ là hôm nay người hiện đại đã không còn tin vào những câu chuyện “thiện ác hữu báo” nữa, khi tai họa đến cũng lại coi thành chuyện ngẫu nhiên mà không nhận ra đó đều do nhân quả báo ứng tạo thành.

Hy vọng hai câu chuyện trong “Tử Bất Ngữ” sẽ mang lại cho quý độc giả một góc nhìn khác về sự việc và cũng là gợi nhớ về các giá trị phổ quát của nhân loại, đồng thời nhắc nhở chúng ta hãy sống thiện lương hơn.

Theo Vision Times
Tác giả: Doanh Thiện
Lý Ngọc biên tập

Xem thêm:

Mời xem video:

Lý Ngọc

Published by
Lý Ngọc
Tags: Nhân quả

Recent Posts

Bạn có thường mơ thấy ngôi nhà? Nhà tâm lý học phân tích ý nghĩa

Nhiều người có thể đã nhiều lần mơ thấy ngôi nhà, nhưng họ không biết…

16 phút ago

Quảng Ngãi chi 81,9 tỷ đồng hỗ trợ 62 cán bộ nghỉ hưu trước tuổi

UBND tỉnh Quảng Ngãi phê duyệt 81,9 tỷ đồng từ nguồn cải cách tiền lương…

3 giờ ago

Tướng Kellogg: Ukraine đồng ý ‘từ bỏ đất đai’ Nga nắm giữ để đổi lấy hòa bình

Ukraine đã đồng ý sẽ “trên thực tế” nhường lại đất đai do Nga nắm…

5 giờ ago

Liên đoàn Bóng đá Anh cấm nam giới tham gia bóng đá nữ

Hôm thứ Năm (1/5), Liên đoàn Bóng đá Anh (FA) thông báo rằng kể từ…

5 giờ ago

Ngoại trưởng Rubio: Thỏa thuận khoáng sản là ‘bước quan trọng để chấm dứt chiến tranh’

Thỏa thuận về tài nguyên thiên nhiên được ký kết giữa Washington và Kiev là…

5 giờ ago

Mỡ bò có tốt hơn dầu thực vật không? Sự thật làm thay đổi nhận thức của bạn

Từ trước đến nay, dầu thực vật luôn được xem là thực phẩm lành mạnh,…

5 giờ ago