Nghề cổ Đất Việt – Kỳ 1: Gốm Bát Tràng – Hồn của đất

Nghề truyền thống gắn liền với lịch sử phát triển văn hóa của đất nước. Qua các thời kỳ, người làm nghề hun đúc và tập hợp kinh nghiệm để làm nên bí quyết gia truyền lưu lại cho các thế hệ sau. Thừa kế những tinh hoa của các thế hệ đi trước, hậu nhân sẽ tiếp tục bảo tồn và phát huy hơn nữa những giá trị trân quý của nghề.

Đồ gốm đã xuất hiện trên lãnh thổ nước ta từ hơn 10 ngàn năm về trước. Người ta tìm thấy các mảnh gốm đơn giản tại những di chỉ thuộc văn hóa Hòa Bình, văn hóa Bắc Sơn, văn hóa Hạ Long. Nhưng nếu nói về sự lưu truyền không gián đoạn, thì gốm cổ truyền của người Việt xuất hiện đầu tiên trong những di chỉ thuộc hậu kỳ đồ đá mới Phùng Nguyên, giai đoạn Đồng Đậu, giai đoạn Gò Mun… Đồ gốm cổ truyền nước ta đã có những bước phát triển cao và hết sức phong phú.

Cảnh đồng quê cổ việt xưa chụp tại làng Bát Tràng (Ảnh: trithucvn.org)

Trong truyền thuyết, đồ gốm cũng xuất hiện như một điều bí ẩn, linh thiêng:

“Đồ gốm, sứ là loại chất bột nằm sâu trong lòng đất, ở những nơi linh thiêng có ma quỷ canh giữ. Muốn khai thác được phải chọn ngày lành tháng tốt. Lên tới mặt đất, nhờ ánh sáng chói lọi của mặt trời soi rọi chất bột đó mới biến thành gốm, sứ…”

Trích sách “Nghề cổ Đất Việt”, NXB Văn Hóa Thông Tin 2007

Kỹ nghệ gốm giai đoạn Phùng Nguyên cách đây gần 4.000 năm đã phát triển mạnh. Người Việt buổi đầu đó đã biết nghĩ ra bàn xoay và chế tạo ra thứ men để phủ ngoài, tăng thêm vẻ đẹp kỳ diệu của đồ gốm thời kỳ Văn Lang. Cho tới thời Âu Lạc, kỹ nghệ gốm đã phát triển mạnh lắm. Nghề nung gạch, làm ngói cũng đã có từ thời này. Sau đó gốm tiếp tục phát triển và đạt đến  đỉnh cao vào thời  nhà  Lý – Trần thế kỷ XI – XIV.

Lọ gốm chụp tại làng Bát Tràng (Ảnh: trithucvn.org)

Ngày nay rất nhiều làng nghề gốm vẫn còn tồn tại, tiêu biểu  là làng gốm cổ truyền Bát Tràng Hà Nội, gốm Thổ Hà Phù Lãng, Gốm Hương Canh Vĩnh Phúc, gốm Quế Quyển Hà Nam, gốm lò Chum Thanh Hóa, v.v. Mỗi vùng quê lại lưu giữ những kỹ nghệ và bí quyết truyền thống riêng biệt. Trong kỳ này, chúng ta sẽ tìm hiểu về gốm Bát Tràng.

Nói tới gốm Bát Tràng là nhắc tới một địa chỉ thân quen của khách du lịch trong và ngoài nước khi đến với mảnh đất Thăng Long, để tìm hiểu những vẻ đẹp tiềm ẩn của thủ đô Hà Nội ngàn năm văn hiến. Gốm Bát Tràng luôn hấp dẫn du khách bởi vẻ đẹp mộc mạc, giản dị, mang theo hồn dân tộc qua sự phong phú về số lượng và chủng loại. Nhiều sản phẩm mang những nét đẹp riêng và đặc sắc không giống bất cứ nơi nào.

Lịch sử làng gốm Bát Tràng

Nói đến lịch sử của làng nghề Bát Tràng phải kể tới câu chuyện đi sứ thời Lý – Trần của ba người đỗ Thái học sinh bao gồm: Hứa Vĩnh Kiều, người làng Bồ Bát Thanh Hóa; Đào Trí Tiến, người làng Thổ Hà Hà Bắc; Lưu Phong Tú, người làng Kẻ Sặt Hải Dương. Cả ba ông khi đi sứ nhà Tống đã học được những nét tinh hoa của nghề gốm sứ mang về.

Khi về nước, ba ông chọn ngày lành tháng tốt lập đàn ở bên sông Hồng làm lễ truyền nghề cho dân làng. Sau đó ông Kiều về Bồ Bát, ông Tiến về Thổ Hà, ông Tú về Phù Lãng, mỗi người mang theo một nét riêng về nghề gốm mà mình học được. Làng Bồ Bát chuyên chế các hàng gốm sắc trắng. Làng Thổ Hà chuyên chế các hàng gốm sắc đỏ. Làng Phù Lãng chuyên chế các hàng gốm sắc vàng, thẫm.

Bộ ảnh bát, đĩa, ấm chén tại làng Bát Tràng (Ảnh: trithucvn.org)

Ngoài việc truyền nghề cho dân làng, nửa năm sau, ba ông còn nghiên cứu chế tạo những tinh phẩm để dâng Vua. Nhà Vua xem thấy sản vật đẹp, liền khen thưởng các quan sứ thần bốn chữ “Trung ái quán thế” và phong cho ba ông danh “Khởi nghệ tiên triết”. Tục truyền, dịp này, dân làng ở ba nơi đều tế lễ sầm uất và linh đình. Sau khi ba ông mất, dân chúng ba nơi đều tôn ba ông là “Tổ sư”, tức “Tổ nghề”.

Phường gốm Bồ Bát sau này rời ra ngoài Bắc. Dọc theo con sông Hồng, tới một bãi sông có đất thó trắng, họ dừng lại lập lò gốm ở đó, với tên gọi Bạch Phường thổ, sau này đổi là Bát Tràng phường. Và ngày nay, ta quen gọi là Bát Tràng.

Các kỹ thuật chế tác gốm

Chế tác gốm nhìn chung thì có 5 bước cơ bản là: Chọn và xử lý đất; tạo dáng cho sản phẩm; trang trí hoa văn; tráng men; và cuối cùng là nung.

Chọn và xử lý đất: Đất sét dùng để làm gốm phải có độ dẻo cao, hạt mịn, độ co ngót khi khô bé và có khả năng chịu lửa theo yêu cầu của mỗi loại sản phẩm gốm.

Chọn đất (Ảnh: qua gomsuchinhha.vn)

Tạo dáng: Là khâu đặc biệt quan trọng trong quy trình sản xuất. Từ những mảng đất đã được xử lý, người thợ bắt đầu truyền cho mỗi sản phẩm một hình dáng riêng biệt.

Tạo dáng (Ảnh: qua battrang24h.com)

Trang trí hoa văn: Để nâng cao tính nghệ thuật cho tác phẩm gốm, người thợ gốm dùng bút lông vẽ màu lên sản phẩm với đủ loại hoa văn. Đôi khi họ cũng dùng các hình thức trang trí khác như đánh chỉ hay bôi men chảy lên miệng sản phẩm để khi nung men chảy tỏa xuống tạo nên những đường nét màu sắc tự nhiên hài hòa.

Trang trí hoa văn (Ảnh: qua hiephoigomsu.vn)

Tráng men: Khi sản phẩm mộc đã hoàn chỉnh, người thợ gốm có thể nung sơ bộ sản phẩm ở nhiệt độ không cao rồi sau đó mới đem tráng men hoặc dùng ngay sản phẩm mộc hoàn chỉnh đó trực tiếp tráng men lên rồi mới nung. Đối với các sản phẩm lớn người ta hay dùng phương pháp dội men hay phun men, còn các sản phẩm bé thì dùng phương pháp nhúng men.

Tráng men sản phẩm gốm (Ảnh sưu tầm)

Quá trình nung: Các sản phẩm mộc thường được nung trong các loại lò ếch, lò đàn, lò bầu và gần đây là lò hộp. Nhiên liệu đun là củi, than cám hoặc ga. Tuỳ theo mỗi loại lò và mỗi dạng gốm cụ thể mà thời gian nung và nhiệt độ nung cũng khác nhau.

Nung gốm (Ảnh sưu tầm)

Năm bước chế tác sản phẩm này quyết định sự thành công của sản phẩm ra lò có được như ý muốn và có đảm bảo yêu cầu hay không. Có thể nói đây cũng là những kỹ năng và những kinh nghiệm được vận dụng sáng tạo vào sản phẩm, đòi hỏi quá trình kiên trì, bền bỉ và lao động nghiêm túc. Mỗi một sản phẩm ra đời cũng mang theo tâm huyết và dấu ấn của người thợ, nó cũng phần nào nói lên tính cách của người làm nghề.

Hầu hết sản phẩm của làng gốm Bát Tràng làm bằng thủ công; thể hiện tài năng sáng tạo và kinh nghiệm của những nghệ nhân, thợ gốm được lưu truyền qua rất nhiều thế hệ. Đấy chính là nét đặc sắc và cũng là thế mạnh của làng nghề truyền thống Bát Tràng. Do tính chất của nguyên liệu làm gốm và việc tạo dáng đều làm trên bàn xoay cùng với việc sử dụng các loại men khai thác từ truyền thống, nên đồ gốm Bát Tràng cũng có bản sắc riêng.

Gốm Bát Tràng tinh xảo trên từng nét vẽ. Lớp men phủ bởi bàn tay tài hoa của người thợ, nên cốt dầy, chắc. Lớp men trắng thường ngả màu ngà đục. Cũng chính vì làm thủ công, nên gốm Bát Tràng rất phong phú về chủng loại từ đồ gia dụng đến đồ thờ cúng, trang trí. Sản phẩm của làng gốm Bát Tràng là sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa phương pháp thủ công tinh xảo với sự sáng tạo nghệ thuật.

Nét văn hóa đặc trưng của gốm Bát Tràng

Trải qua bao thăng trầm của thời gian, giữa cuộc sống đương đại nhiều sôi động, làng gốm sứ Bát Tràng vẫn giữ nguyên được nét đẹp, nét tinh hoa vốn có. Những sản phẩm ấy được sinh ra và phát triển trên lãnh thổ Việt Nam, được thổi vào đó tâm hồn của dân tộc Việt. Chúng là một nét đẹp về truyền thống văn hóa, là tinh hoa của dân tộc đã lưu truyền từ đời ông cha gửi gắm đến ngày nay.

Sản phẩm tại làng nghề Bát Tràng (Ảnh: trithucvn.org)

Sản phẩm gốm sứ Bát Tràng gắn liền với đời sống của người dân làng quê trên cả nước. Các sản phẩm rất thân thuộc với đời sống như bát, đĩa , ấm, chén, bình hoa, lọ lộc bình, v.v. Gốm sứ không chỉ được dùng làm đồ vật sinh hoạt mà còn dùng làm vật trang trí hết sức đẹp mắt, tạo nên nét thân quen của văn hóa Việt.

Tranh dân gian trên các sản phẩm gốm (Ảnh sưu tầm)

Gốm Bát Tràng còn là tập hợp những bức tranh dân gian thể hiện được đầy đủ và sống động những phong tục tập quán, đời sống sinh hoạt của người dân xưa và nay: các bức tranh Đông Hồ; cảnh chú bé thổi sáo chăn trâu; cây đa, bến nước, sân đình… Qua bàn tay khéo léo của người nghệ nhân, những cảnh đồng quê, sơn thủy hữu tình, đều được thể hiện lên từng sản phẩm.

Có thể nói gốm Bát Tràng là một trong những nét văn hóa độc đáo của nghề Việt. Mỗi sản phẩm đều hàm chứa sự yêu nghề, lòng say mê miệt mài tìm hiểu, chắt lọc tinh hoa, tạo nên bản sắc gốm mang hồn dân tộc.

Thanh Phong

Xem thêm:

Thanh Phong

Published by
Thanh Phong

Recent Posts

Nhật Bản phát lệnh bắt cậu bé 14 tuổi người Trung Quốc vẽ bậy tại Đền Yasukuni

Cảnh sát Nhật Bản cho biết đã nộp đơn xin lệnh bắt giữ một thiếu…

51 phút ago

ĐBQH: ‘Không nên áp thuế tiêu thụ đặc biệt với điều hòa’

Các đại biểu đồng thuận cho rằng máy điều hòa không phải mặt hàng xa…

58 phút ago

Chém người trong ký túc xá một trường đại học ở Hàng Châu

Tối 20/11 một vụ đâm chém người đã xảy ra tại ký túc xá của…

1 giờ ago

Đề xuất tiếp tục giảm 2% thuế giá trị gia tăng trong 6 tháng đầu năm 2025

Bộ Tài chính đang đề nghị xây dựng dự án nghị quyết của Quốc hội…

2 giờ ago

BBC: Chuyên gia cảnh báo chiến tuyến Ukraine có thể sụp đổ

Trước bước tiến vững chắc của quân Nga, BBC chỉ ra trong một bài phân…

3 giờ ago

Hà Nội: 150 bộ hài cốt được phát hiện khi cải tạo hệ thống thoát nước

Gần 150 bộ hài cốt được phát hiện khi công nhân thi công cải tạo…

3 giờ ago