Trong cuộc sống, chúng ta vẫn thường thấy có người khi bị mất đi một thứ gì đó quý giá sẽ cảm thấy nuối tiếc và đau khổ mãi không nguôi, nhưng có người lại cảm thấy rất bình thản. Vì sao lại như vậy? Đó là bởi vì cảnh giới và tâm lượng của mỗi người là khác nhau.
Trong “Khổng Tử gia ngữ” có ghi lại câu chuyện sau:
Thời Xuân Thu, vị vua thứ 26 của nước Sở, chư hầu nhà Chu trong lịch sử Trung Quốc là Sở Cộng Vương rất yêu thích săn bắn thú rừng. Ông thường xuyên đi dẫn đám tùy tùng vào rừng săn bắn.
Có một lần, Sở Cộng Vương đang cưỡi ngựa đi săn thì phát hiện thấy một vài con thú rừng đang chạy, ông liền liều mạng phi ngựa đuổi theo. Ông phi ngựa qua một đoạn đường rất dài và khi sắp đuổi kịp những con thú này thì muốn dùng cung tên đeo bên hông để bắn chúng.
Ông vừa phi ngựa vừa đưa tay về bên hông để tìm nhưng chẳng biết cung tên đã rơi mất từ khi nào. Nguyên lai là bởi vì ông cưỡi ngựa chạy quá nhanh nên cung tên kia đã rơi mất mà ông không hay biết.
Đây là bộ cung tên quý giá, được chế tác rất tinh xảo và đẹp vô cùng, hiếm có trong thiên hạ. Đám tùy tùng theo hầu Sở Cộng Vương, ai nấy đều thở dài tiếc nuối.
Cuối cùng, không muốn mất bộ cung ấy, họ đồng thanh tâu với Sở Cộng Vương: “Xin Bệ hạ cho chúng thần quay lại để tìm kiếm bộ cung tên ấy!”
Sở Cộng Vương lập tức ngăn cản và nói: “Không cần tìm. Ta là người nước Sở, cung tên này hãy để người nước Sở nhặt đi. Dù sao thì cũng vẫn nằm trong tay người nước Sở mà! Sở nhân thất, Sở nhân đắc (Một người nước Sở mất cung, một người nước Sở khác nhặt được), sao phải đi tìm làm gì?”
Khổng Tử sau khi nghe được câu chuyện này liền nói: “Từ lời nói của Sở Cộng Vương có thể thấy ông là người rất có ý chí, nhưng ông vẫn chưa đủ quảng đại, rộng lượng. Hẳn là nên nói rằng: Nhân thất chi, nhân đắc chi (Một người bị mất cung, một người khác nhặt được). Vì cái gì mà cứ nhất định phải là người nước Sở đây?”
Đạo giáo sau này có lưu truyền một lời bình luận khác về chuyện này: “Bỏ chữ ‘nhân’ ấy đi cũng được!” Ý của người theo Đạo là ngay cả chữ “nhân” cũng không nhất thiết phải khăng khăng giữ làm gì, chỉ cần nói: “Thất chi, đắc chi” (Mất cung, được cung) là được rồi!
Từ câu chuyện “lọt sàng xuống nia” này, Sở Cộng Vương, Khổng Tử, và Đạo giáo đều có những suy nghĩ, lập trường khác nhau về được và mất.
Sở Cộng Vương là người có tấm lòng quảng đại nhưng vẫn chỉ ở trong phạm vi đất nước mình, người trong nước mình mà thôi. Khổng Tử lại có tấm lòng quảng đại hơn, có thể nghĩ đến tất cả mọi người, nghĩ đến toàn nhân loại. Nhưng Đạo giáo thì hướng về tự nhiên và vạn vật, nghĩ đến cả vũ trụ bao la này chứ không chỉ độc con người mà thôi.
Cũng có người bình luận rằng, đám tùy tùng tiếc nuối là bởi vì trong lòng họ chỉ một mực phục tùng Sở Cộng Vương. Sở Cộng Vương sở dĩ có thể thản nhiên là bởi vì trong lòng ông chứa đất nước, chứa bách tính của nước Sở. Nhưng nếu người nhặt được không phải người nước Sở, liệu ông có thể còn thản nhiên? Khổng Tử có thể thản nhiên là bởi vì trong lòng ông chứa muôn dân trăm họ, không phân biệt người nước nào. Nhưng nếu cung không được ai nhặt, liệu Khổng Tử có nuối tiếc? Chân nhân có thể thản nhiên là bởi vì trong lòng có Đạo, có thể chứa vạn vật. Bởi vậy, vô luận là chiếc cung ấy ra sao, ông cũng bất động tâm, hiểu rằng được mất nơi thế gian vốn là vô thường. Người như vậy, sẽ không có gì khiến họ đau khổ, phiền muộn được.
Kỳ thực, trong cuộc sống cũng vậy, mất đi một thứ nào đó cũng là một loại cơ hội tu dưỡng. Khi bị mất đi thứ gì, thay vì thống khổ tiếc nuối, chúng ta hãy mở rộng tấm lòng mình, chúng ta có thể nhận thấy cảnh giới tinh thần của bản thân sẽ trở nên phong phú hơn, mọi nuối tiếc thống khổ sẽ nhẹ nhàng hơn, thậm chí không còn nữa.
Theo Vision Times tiếng Trung
An Hòa biên tập
Xem thêm:
Mời xem video:
Mỹ sẽ xem xét việc điều chỉnh chiến lược răn đe hạt nhân của nước…
Thượng nghị sĩ Lindsey Graham cho biết Ukraine có khoáng sản đất hiếm trị giá…
Quỹ Bảo tồn di sản văn hóa được thành lập để tiếp nhận nguồn viện…
Chứng khoán có dấu hiệu hồi phục nhưng thanh khoản vẫn duy trì ở mức…
Bắc Kinh đang chuẩn bị trở thành nước nhập khẩu nhiên liệu hạt nhân uranium…
Vì đại diện và biện hộ cho nhiều người tập Pháp Luân Công, ông Vương…