Người xưa kết giao: Nghĩa khí tương đầu, nguyện chết vì nhau

Người xưa kết giao rất trọng nghĩa khí. Có những người vốn không quen biết, chỉ tình cờ gặp mặt, nghĩa khí tương đầu, kết làm huynh đệ. Ấy vậy mà khi gặp nguy hiểm, hai người đều nguyện bản thân chết để đối phương được sống, sự khảng khái đó khiến trời đất và hậu thế cảm động. Trong thư tịch cổ có một câu chuyện tên là “Dương Tả chi giao”, nói về tình bạn sinh tử hoạn nạn có nhau thì không thể không nhắc tới điển cố này.

(Tranh minh họa: Họa sĩ Đường Đại và Đinh Quan Bằng thời Thanh, Public Domain)

Trong “Liệt Sĩ truyện” của Lưu Hướng thời Hán và “Dụ thế minh ngôn” của Phùng Mộng Long thời Minh đều có ghi chép về tình bạn giữa Dương Giác Ai và Tả Bá Đào, hai nhân vật sống vào thời Xuân Thu.

Bấy giờ, Sở Vương sùng Nho trọng Đạo, chiêu hiền nạp sĩ. Thiên hạ nghe tin quy phục, nhiều không đếm được. Ở núi Tích Thạch ở Tây Khương, có một người đọc sách họ Tả tên là Bá Đào, từ nhỏ đã mồ côi cha mẹ, vừa mưu sinh vừa chăm chỉ đọc sách, thành tựu tài năng. Bấy giờ Tả Bá Đào tuổi đã gần tứ tuần, bởi các nước chư hầu thôn tính lẫn nhau, kẻ nhân nghĩa thì ít mà cậy sức mạnh thì nhiều, nên ông vẫn chưa theo đuổi công danh. Khi nghe nói Sở Vương trọng nhân nghĩa, hiện đang cầu kẻ sĩ hiền năng khắp các nơi, ông bèn thu xếp sách vở hành lý, cáo biệt bạn bè láng giềng, lên đường đi gặp Sở Vương.

Tả Bá Đào đi liên tục đến địa phận Úng Châu, đúng lúc thời tiết giá lạnh, mưa to gió lớn, ông đội mưa đi được một ngày, áo quần đều ướt cả. Nhìn xem thấy trời đã tối, bèn đến thôn xóm gần đó tìm chỗ trú. Từ xa xa thấy trong rừng trúc có ánh đèn xuyên qua khung cửa sổ, liền đi thẳng đến đó, thấy một bờ rào thấp thấp, bao quanh một gian nhà tranh.

Tả Bá Đào đi thẳng đến gõ nhẹ cửa, có một người mở cửa đi ra. Tả Bá Đào vội vàng thi lễ nói: “Tiểu sinh là người ở Tây Khương, họ Tả, tên là Bá Đào. Muốn đến nước Sở, không ngờ giữa đường gặp mưa, không chỗ nào tìm được quán trọ. Muốn nương nhờ tá túc một đêm, sớm mai sẽ đi ngay, không biết ông có thu nhận?” Người kia nghe nói vậy, vội vàng đáp lễ, mời ông vào trong nhà.

Bá Đào thấy trong phòng chỉ có một cái sạp, trên sạp chất đầy sách, ngoài đó ra thì không có vật nào khác. Biết người kia cũng là người đọc sách, ông bèn muốn hỏi thăm. Người kia nói: “Tạm hãy khoan nói chuyện lễ số, trước tiên lấy lửa hong khô quần áo rồi hãy nói chuyện.”

Đêm đó người kia dùng trúc khô nhóm lửa, cùng Bá Đào hong khô quần áo. Lại chuẩn bị rượu và đồ ăn cho Bá Đào dùng, khoản đãi ân cần chu đáo. Bá Đào hỏi tên họ người kia. Người ấy nói: “Tiểu sinh họ Dương, tên là Giác Ai, từ nhỏ mồ côi cha mẹ, sống một mình chỗ này. Bởi vì thích đọc sách quá, việc ruộng vườn đều bỏ hoang hết cả. Hôm nay hạnh ngộ người hiền sĩ từ xa đến đây, nhưng chỉ hận gia cảnh bần hàn, không có gì để khoản đãi ra trò, còn phải xin được lượng thứ nhiều!” Bá Đào nói: “Trong mưa gió, lại được thu nhận, khiến tôi không phải chịu cái khổ mưa hàn, nhờ ơn ông lấy đồ ăn thức uống khoản đãi, tấm lòng cảm kích mãi không quên!”

Đêm đó, hai người không ngủ, bàn luận học vấn của mình, suốt cả đêm không ngừng.

Đến ngày hôm sau, thấy bên ngoài vẫn mưa không ngừng, Giác Ai bèn giữ Bá Đào ở lại, lấy mọi thứ khoản đãi. Hai người kết làm huynh đệ, Bá Đào nhiều hơn Giác Ai 5 tuổi, Giác Ai bái Bá Đào làm huynh trưởng.

Ở lại suốt 3 ngày, mưa tạnh đường khô. Bá Đào nói: “Hiền đệ có tài năng giúp vua, kinh luân đầy mình, mà lại cam lòng ẩn cư ở nơi núi rừng suối biếc, thực là quá đáng tiếc.” Giác Ai nói: “Đệ không phải là không muốn ra làm quan, chỉ là chưa có cơ hội thích hợp thôi.” Bá Đào nói: “Nay Sở Vương khiêm tốn cầu sĩ, hiền đệ lại có lòng như vậy, sao không cùng ta đi?” Giác Ai nói: “Nguyện nghe theo lời của huynh trưởng.” Thế là chuẩn bị lộ phí lương khô, bỏ lại nhà tranh, hai người cùng nhau đi về phương Nam.

Đi được chưa đến hai ngày, lại gặp phải mưa to, buộc phải ở lại quán trọ, lộ phí dọc đường dùng hết, chỉ còn lại một bao lương khô. Hai người thay nhau vác, đội mưa đi về phía trước. Mưa vẫn không ngớt, lại nổi gió lớn, tuyết lớn rơi như lông thiên nga bay khắp trời.

Hai người đi qua Kỳ Dương, đến Lương Sơn, hỏi đường người tiều phu, thì đều nói rằng: “Từ đây đi trong vòng hơn trăm dặm, không có bóng người, chỉ toàn là núi non hoang dã, lang hổ thành bầy, tốt nhất đừng đi.” Bá Đào hỏi Giác Ai: “Hiền đệ định thế nào?” Giác Ai nói: “Từ xưa sinh tử hữu mệnh. Đã đến bước này, chỉ cần đi tiếp, không nên có ý bỏ cuộc.” Lại đi được một ngày, đêm trú ở cổ mộ, y phục đơn mỏng, gió lạnh thấu xương.

Ngày hôm sau, tuyết lại càng rơi nặng hơn, trong núi hồ như dày hơn một thước. Bá Đào không chịu được lạnh, nói:

“Ta nghĩ từ đây đi hơn trăm dặm, không người nhà cửa; lương khô chúng ta không đủ, lại y phục đơn mỏng. Nếu như một người đi một mình, thì có thể đến nước Sở; hai người cùng đi, thì dù cho không chết rét, cũng sẽ chết đói giữa đường, cùng nhau chết mục với cỏ cây, vậy nào có ích chi đây? Ta lấy quần áo trên người cởi đưa cho hiền đệ mặc, hiền đệ có thể một mình mang theo lương khô, tận lực gắng gỏi đi về trước. Ta thực sự không đi nổi nữa, thà chết ở đây. Đợi hiền đệ gặp Sở Vương rồi, nhất định sẽ được trọng dụng, lúc bấy giờ lại quay lại an táng ta chưa muộn.”

Giác Ai nói: “Nào có cái đạo lý đó?! Hai chúng ta mặc dù không phải cùng một cha mẹ sinh ra, nhưng nghĩa tiết nặng quá cốt nhục. Đệ sao có thể yên tâm bỏ lại huynh trưởng mà một mình đi cầu công danh chứ?” Giác Ai kiên quyết không chấp nhận, dìu Bá Đào đi tiếp.

Đi chưa đến 10 dặm, Bá Đào nói: “Gió tuyết càng ngày càng mạnh, đi sao nổi? Tạm hãy tìm chỗ ven đường nghỉ một lát đã.” Nhìn thấy một cây dâu khô, vừa hay có thể tránh gió tuyết. Dưới cây dâu chỉ có thể chứa một người, Giác Ai liền dìu Bá Đào đến ngồi xuống. Bá Đào bảo Giác Ai lấy đá đánh lửa, đốt chút cành khô để chống cự gió rét.

Đợi Giác Ai đi kiếm củi trở về, chỉ thấy Bá Đào cởi trần truồng, y phục trên mình đều vứt đống ở đó. Giác Ai kêu lớn: “Huynh trưởng sao phải như vậy?” Bá Đào nói: “Ta nghĩ tới nghĩ lui, không có biện pháp nào tốt hơn. Hiền đệ hết sức chớ có bỏ lỡ, mau chóng mặc quần áo vào, vác lương khô đi tiếp, ta đành chết tại chỗ này thôi.” Giác Ai ôm lấy Bá Đào khóc rống lên: “Hai chúng ta sống chết có nhau, làm sao có thể chia lìa?” Bá Đào nói: “Nếu đều chết đói cả, thì ai an táng chúng ta đây?” Giác Ai nói: “Nếu như vậy, tiểu đệ tình nguyện cởi bỏ quần áo đưa cho huynh trưởng mặc, huynh trưởng có thể tự mang lương khô đi tiếp, tiểu đệ thà chết ở chỗ này.”

Bá Đào nói: “Ta đã thân mang nhiều bệnh, hiền đệ còn trẻ tuổi cường tráng, lại học vấn đầy mình, ta không bì kịp. Nếu gặp được Sở Vương, ắt sẽ hiển quý. Ta chết không đáng kể! Hiện đệ đừng ở lại lâu quá, hãy đi tiếp đường còn xa.” Giác Ai nói: “Nay huynh trưởng chết đói, đệ một mình đi cầu công danh, đây là đại bất nghĩa, đệ sẽ không làm vậy.” Bá Đào nói: “Từ khi ta rời khỏi Tích Thạch Sơn, gặp được đệ, vừa gặp như đã quen. Biết được đệ có chí hướng bất phàm, bởi vậy mới khuyên hiền đệ đi cầu tiến công danh. Chẳng may bị gió tuyết cản trở, đây là số mệnh ta đã tận. Nếu khiến cho hiền đệ cũng phải chết ở đây, thì ta có tội lớn vậy.”

Nói xong, Bá Đào bèn nhảy vào khe suối phía trước tìm cái chết. Giác Ai ôm lấy ông khóc khổ sở, dùng y phục cuốn lấy, rồi dìu xuống dưới cây dâu. Bá Đào đẩy quần áo ra, Giác Ai lại muốn khuyên giải, nhưng thấy Bá Đào thần sắc đã biến, tứ chi lạnh toát, miệng không nói được, chỉ lấy tay ra hiệu Giác Ai hãy đi mau. Giác Ai nghĩ: “Nếu mình lưu luyến lâu chỗ này, thì cũng bị chết cóng, lúc ấy ai sẽ an táng cho huynh trưởng đây?” Thế là ở dưới tuyết bái lạy Bá Đào, khóc nói: “Đệ không tốt đi đây, nhờ huynh trưởng ở dưới u minh tương trợ, một khi được công danh, nhất định sẽ đến đây hậu táng huynh trưởng.” Bá Đào gật đầu đáp ứng. Giác Ai lấy quần áo, lương khô, rớt nước mắt mà đi. Bá Đào chết dưới cây dâu.

Giác Ai chịu giá rét, nửa đói nửa no đến được nước Sở, tìm quán trọ nghỉ ngơi. Ngày hôm sau đi vào trong thành, hỏi thăm dân chúng: “Sở Vương chiêu nạp hiền sĩ, đi bái kiến thế nào?” Có người trả lời: “Ngoài cửa cung có dựng một quán khách, để thượng đại phu Bùi Trung tiếp kiến nhân sĩ trong thiên hạ.” Giác Ai bèn đi thẳng đến trước quán khách, đúng lúc thượng đại phu xuống xe. Giác Ai hướng đến trước vái chào.

Bùi Trung thấy Giác Ai mặc dù quần áo lam lũ, nhưng khí vũ bất phàm, vội vàng đáp lễ, hỏi rằng: “Hiền sĩ là từ đâu tới?” Giác Ai trả lời: “Tiểu sinh họ Dương, tên là Giác Ai, người Ung Châu. Nghe nói quý quốc chiêu nạp hiền sĩ, nên nay đến quy phục.” Bùi Trung mời Giác Ai đến quán khách, chuẩn bị rượu và đồ ăn thiết đãi, lưu lại ở trong quán.

Ngày hôm sau, Bùi Trung đến quán hỏi thăm, đem những nghị đề hỏi Giác Ai, để thử học vấn của ông ra sao. Giác Ai đều trả lời được hết, đàm luận trôi chảy. Bùi Trung mừng lắm, vào tấu với Sở Vương. Sở Vương lập tức cho triệu kiến, hỏi về đạo làm cho nước giàu binh mạnh. Giác Ai hiến mười sách lược, phân tích hay dở. Sở Vương mừng lắm, thiết ngự yến khoản đãi, và phong cho làm Trung Đại Phu, ban cho trăm lượng vàng, trăm khố vải.

Giác Ai bái tạ Sở Vương, khóc lóc chảy nước mắt. Sở Vương kinh ngạc, hỏi: “Khanh vì sao mà đau lòng như vậy?” Giác Ai bèn đem chuyện Tả Bá Đào nhường y phục, lương khô, kể lại chi tiết cho Sở Vương. Sở Vương nghe xong, cũng cảm thương sâu sắc. Chư đại thần cũng không ai không đau buồn. Sở Vương nói: “Hiện giờ khanh định tính làm thế nào?” Giác Ai nói: “Thần xin được nghỉ, ra ngoài an táng Bá Đào xong xuôi, rồi lại trở lại phụng sự Đại Vương.” Sau đó Sở Vương truy phong Bá Đào làm Trung đại phu, và ban cho chi phí an táng rất hậu, sai người theo Giác Ai ngồi xe cùng đi.

Giác Ai cáo từ Sở Vương, vội đi đến địa phận Lương Sơn, tìm chỗ cây dâu khô lúc trước, thấy thi thể Bá Đào vẫn còn đó, sắc mặt vẫn trông như lúc còn sống. Sau đó Giác Ai khóc lạy hồi lâu. Lệnh cho tùy tùng chiêu tập phụ lão địa phương, tìm được một miếng đất quý phong thủy tốt phía trước trông ra suối lớn, phía sau dựa vào núi cao, hai bên trái phải bao quanh bởi núi cao, dùng nước thơm tắm gội thi thể Bá Đào, rồi mặc cho y quan của Trung đại phu, nội quan ngoại quách, an táng xong, dựng rào trúc trồng cây bốn phía xung quanh, cách phần mộ 30 bước dựng một từ đường, đắp tượng Bá Đào, lập văn biểu, trên cột dựng bài ngạch, bên tường lợp bằng ngói nung, sai người trông coi. Dựng xong, tế tự trong từ đường, tiếng khóc bi thiết cảm động. Phụ lão trong làng và những người đi theo, thấy vậy không ai không rơi lệ.

Trong “Liệt Sĩ truyện”, Lưu Hướng chép lại như vậy:

“Thời lục quốc, Dương Giác Ai và Tả Bá Đào làm bạn, nghe tin Sở Vương cầu hiền, đều cùng đi đến làm sĩ, đến Lương Sơn, gió tuyết, lương khô cạn, không thể toàn vẹn hai người, cuối cùng chỉ còn lương khô và Giác Ai. Giác Ai đến nước Sở, Sở dùng và phong làm khanh, sau đó an táng Bá Đào.”

Đôi dòng đơn giản, nhưng nghĩa khí và tình bạn sinh tử đằng sau một khi đã nghe đầy đủ câu chuyện rồi thì lại không thể quên.

Theo “Câu chuyện kết giao của Dương Giác Ai và Tả Bá Đào
Đăng trên Minghui.org

Xem thêm:

Mời xem video:

Minghui

Published by
Minghui

Recent Posts

Hồi ký cựu Tổng thống Hàn Quốc: Ghế ngồi Thủ tướng

Cựu Tổng thống Hàn Quốc Lee Myung-Bak chia sẻ một kinh nghiệm khó quên của…

2 phút ago

Hàng trăm công nhân ở Thượng Hải chặn đường đòi lương, cảnh sát bắt người [VIDEO]

Hàng trăm công nhân của Công ty TNHH Trang trí Da ô tô Quốc Lợi…

3 phút ago

Đề cử cố vấn an ninh quốc gia của ông Trump tiết lộ tầm nhìn hòa bình Ukraine

Ông Mike Waltz, đề cử Cố vấn An ninh Quốc gia của Tổng thống đắc…

8 phút ago

Sài Gòn, cà phê và nhạc sến

Dĩ vãng vay mượn cà phê...

12 phút ago

Quan chức Mỹ: Tin tặc Trung Quốc đang chuẩn bị cho cuộc xung đột với Mỹ

Tin tặc Trung Quốc đang xâm nhập vào mạng các cơ sở hạ tầng quan…

22 phút ago

10 nhạc khúc nổi tiếng Trung Hoa cổ đại – Kỳ III: Bình sa lạc nhạn

Nói đến “Bình sa lạc nhạn” thì không thể không nói đến Vương Chiêu Quân.

22 phút ago