10 nhạc khúc nổi tiếng Trung Hoa cổ đại – Kỳ I: Cao sơn lưu thủy
- Quang Minh
- •
Cổ nhạc Trung Hoa bao gồm những nhạc khúc cổ, tiêu biểu của nền văn hóa truyền thống, gắn liền với những điển tích, điển cố khác nhau. Đằng sau mỗi nhạc khúc đều là các giai thoại thú vị. Nghe nhạc khúc mà không biết câu chuyện đằng sau, thì tất yếu không thể đi đến tận cùng cái đẹp của khúc ý, cũng không thể thưởng thức được trọn vẹn cái hay của khúc nhạc.
- Xem loạt bài tại đây
Trung Hoa cổ đại có lưu truyền “Thập đại danh khúc“, chính là 10 khúc nhạc nổi tiếng nhất thời bấy giờ, bao gồm:
- Cao sơn lưu thuỷ
- Thập diện mai phục
- Bình sa lạc nhạn
- Mai hoa tam lộng
- Quảng lăng tán
- Tịch dương tiêu cổ
- Ngư tiều vấn đáp
- Hồ già thập bát phách
- Hán cung thu nguyệt
- Dương xuân bạch tuyết.
Trong kỳ này, hãy cùng tìm hiểu về “Cao sơn lưu thủy” cùng hai điển cố đằng sau khúc nhạc này. Điển cố thứ nhất là về tình tri âm của Bá Nha và Tử Kỳ, còn điển cố thứ hai là sự tích về cây đàn Dao cầm.
Tình tri âm của Bá Nha và Tử Kỳ
Câu chuyện Bá Nha gặp Tử Kỳ bắt đầu khi ông đang trên thuyền ở cửa sông Hán Dương, sau khi phụng chỉ vua Tấn đi sứ nước Sở trở về. Nhân lúc đêm Trung Thu trăng sáng, phong cảnh hữu tình, Bá Nha đặt hết tâm hồn đàn một khúc nhạc trầm bổng réo rắt. Tuy nhiên, khúc nhạc chưa dứt thì bỗng đàn đứt dây. Bá Nha giật mình tự nghĩ, hẳn là có người nào đang nghe lén tiếng đàn, bèn chuẩn bị cho quân lính lên bờ tìm hiểu.
Lúc này, trên bờ mới vọng lên tiếng nói của một gã tiều phu trấn an và ngợi ca tiếng đàn của người trên thuyền. Đó chính là Tử Kỳ. Đôi bên đối đáp không lâu thì Bá Nha nhận ra, Tử Kỳ tuy thân phận thấp hèn, nhưng lại có thể hiểu thấu tiếng đàn của ông. Bá Nha sinh lòng kính phục, mời Tử Kỳ lên thuyền đàm đạo.
Ngồi đàm đạo không lâu, Bá Nha lại thử tài Tử Kỳ một lần nữa. Ông nối lại dây đàn, tập trung đến chốn non cao, đánh lên một khúc, Tử Kỳ khen rằng: “Thiện tại hồ cổ cầm, nguy nguy hồ nhược Thái Sơn” (Nghĩa là: Đánh đàn hay thay, vời vợi tựa Thái Sơn). Bá Nha ngưng thần, ý tại lưu thủy, khảy lên một khúc nữa, Tử Kỳ lại khen rằng “Đăng đăng hồ nhược lưu thủy” (Nghĩa là: Cuồn cuộn như nước chảy). Sung sướng vì tìm được tri âm, Bá Nha sai người bày tiệc đối ẩm, rồi sau đó lại kết nghĩa anh em với Tử Kỳ. Cả hai hẹn ước vào ngày Trung thu năm sau sẽ lại gặp nhau ở ghềnh đá chân núi Mã Yên…
Tuy nhiên, trời không chiều lòng người, Tử Kỳ qua đời trước dịp hẹn ước. Tuy nhiên, ông chưa bao giờ quên lời hứa với người anh em kết nghĩa của mình. Tử Kỳ di ngôn lại rằng xin được mai táng ở chân núi Mã Yên để hoàn thành lời hẹn ước với Bá Nha.
Ngày hẹn ước, Bá Nha tìm đến nơi thì nghe được tin dữ. Ông đau lòng đến viếng Tử Kỳ, và sau đó sai người mang cây Dao cầm tới, dốc hết tâm lực đàn khúc “Thiên thu trường hận“. Tấu xong khúc nhạc, Bá Nha vái cây Dao cầm một vái, đoạn tay nâng đàn lên cao, đập mạnh vào phiến đá trước mộ Tử Kỳ. Dao cầm vỡ tan, trục ngọc phím đồng rơi lả tả.
Sau đó Bá Nha ngâm bốn câu thơ nói rằng:
Dao cầm đập nát đau lòng phượng,
Ðàn vắng Tử Kỳ, đàn với ai?
Gió Xuân khắp mặt bao bè bạn,
Muốn kiếm tri âm, ôi khó thay!
Thời Tiên Tần là giai đoạn bách gia tranh minh, nhân tài rất nhiều. Rất nhiều kẻ sĩ thời đó quan niệm rất đơn giản, hoàn toàn không nhất thiết phải trung thành với nước chư hầu mình sinh sống. Việc lưu động kẻ sĩ giữa các nước nhiều không kể xiết, họ luôn mong ngóng tìm được sự tri ngộ, tri âm. Đó cũng chính là mơ ước chung suốt mấy ngàn năm của người đọc sách. Nhưng mà có thế đạt được mục tiêu ấy có mấy người? Khúc “Cao sơn lưu thủy” được người đời sau coi trọng như vậy, là vì đằng sau nó còn ẩn chứa cả một câu chuyện về cuộc gặp gỡ kỳ diệu và cảm động giữa hai con người tri kỷ, Bá Nha và Tử Kỳ.
Sự tích về cây Dao cầm
Nói về khúc “Cao sơn lưu thủy” thì không thể không nhắc tới cây Dao cầm. Tương truyền khi xưa, vua Phục Hy thấy tinh hoa của năm vì sao rơi xuống cây ngô đồng, chim phượng hoàng liền đến đậu. Vua Phục Hy biết ngô đồng là gỗ quí, hấp thụ tinh hoa Trời Ðất, có thể làm đồ nhã nhạc, liền sai người đốn cây ngô đồng xuống, cắt làm ba đoạn để phân Thiên, Ðịa, Nhân. Ðoạn ngọn thì tiếng quá trong mà nhẹ, đoạn gốc thì tiếng quá đục mà nặng, duy đoạn giữa thì tiếng vừa trong vừa đục, có thể dùng được, liền đem ra giữa dòng sông nước chảy ngâm 72 ngày đêm, rồi lấy lên phơi khô, chọn ngày tốt, thợ khéo Lưu Tử Kỳ chế làm nhạc khí, bắt chước nhạc Cung Dao Trì, đặt tên là Dao cầm.
Dao cầm nầy dài 3 thước 6 tấc, án theo 360 độ chu Thiên , phía trước rộng 8 tấc án theo Bát tiết, sau rộng 4 tấc án theo Tứ Tượng, dầy 2 tấc án theo Lưỡng Nghi, đầu như Kim đồng, lưng như Ngọc Nữ, trên chạm Long Phụng, gắn phím vàng trục ngọc. Ðàn ấy có 12 phím tượng trưng 12 tháng, lại thêm một phím giữa tượng trưng tháng nhuận, trên mắc 5 dây, ngoài tượng Ngũ Hành, trong tượng Ngũ Âm: Cung, Thương, Giốc, Chủy, Vũ.
Vua Thuấn khảy Dao cầm, ca bài Nam phong, thiên hạ đại trị. Vua Văn vương bị Trụ vương giam cầm nơi Dũ Lý, con trưởng Bá Ấp Khảo thương nhớ không nguôi, nên thêm một dây nữa gọi là dây Văn (Văn huyền), đàn nghe thêm ai oán.
Võ vương đem quân phạt Trụ, thêm vào Dao cầm một dây phấn khích gọi là dây Võ (Võ huyền).
Như thế, Dao cầm lúc đầu có 5 dây, sau thêm 2 dây Văn và Võ nữa thành 7 dây, gọi là Thất huyền cầm.
Ðàn ấy có Sáu kỵ, Bảy không, Tám tuyệt:
- Sáu Kỵ là: Rét lớn, nắng lớn, gió lớn, mưa lớn, sét lớn, tuyết rơi nhiều.
- Bảy Không là: Nghe tiếng bi ai và đám tang thì không đàn, lòng nhiễu loạn thì không đàn, việc bận rộn thì không đàn, thân thể không sạch thì không đàn, y quan không tề chỉnh thì không đàn, không đốt lò hương thì không đàn, không gặp tri âm thì không đàn.
- Tám Tuyệt là: Thanh cao, kỳ diệu, u uất, nhàn nhã, bi đát, hùng tráng, xa vời, dằng dặc.
Ðàn ấy đạt đến tận thiện tận mỹ, hổ nghe không kêu, vượn nghe không hú, một thứ nhã nhạc tuyệt vời. Chính vì vậy, cây Dao cầm là một báu vật của trời đất. Bá Nha vì Tử Kỳ có thể không tiếc cây Dao Cầm, cũng là tận tình tri kỷ. Giống như Nhạc Phi từng nói trong Tiểu trùng san: “Người tri âm thực ít, đàn không đứt thì biết lấy ai nghe“…
Nhạc khúc “Cao sơn lưu thủy“
Bản “Cao sơn lưu thủy” lưu truyền ngày nay chủ yếu là bản do Xuyên Phái đời Thanh gia công và phát triển, được Đường Di Minh đời nhà Thanh ghi lại trong “Thiên văn các cầm phổ” (năm 1876). Ông đã hết sức phát huy các thủ pháp cổn, phất, xước, chú, khiến hình tượng núi cao, nước chảy thêm rạng rỡ, nên mới có danh xưng “Thất thập nhị cổn phất lưu thủy“.
Khúc nhạc này được phân thành 9 đoạn và một vĩ thanh, cụ thể là 4 bộ phận lớn: khởi, thừa, chuyển và hợp (gần giống như bố cục một bài thơ Đường Luật). Qua tìm hiểu, tính chất và ý nghĩa các đoạn được nhiều người nhận định như sau:
- Phần khởi (đoạn 1 đến đoạn 3), thông qua giai điệu thâm trầm, hồn hậu, uyển chuyển và âm bội sáng rõ, đã biểu hiện được những cảnh tượng kì diệu của núi cao trùng điệp, suối chảy khe sâu một cách rõ ràng, tươi sáng.
- Phần thừa (4 và 5), dàn trải không dứt, giai điệu đậm màu sắc ca hát, giống như những giọt nước chảy trong khe suối tập hợp thành dòng nước mạnh.
- Phần chuyển (6 và 7), nhờ vào khúc điệu có thứ tự bội âm đi xuống và âm giới của 5 thanh đi lên, âm hóa với xung động mạnh, kết hợp với các thủ pháp cổn, phất, như một dòng thác chảy ào ạt xuống, dồn vào sông biển cuộn trào sóng lớn.
- Phần hợp (đoạn 8 và vĩ thanh), vận dụng một phần âm điệu của phần thừa và phần chuyển tạo thành hiệu quả hô ứng, tạo nên dư âm như sóng trào trên sông biển, khiến người nghe có thể cảm nhận dư vị hết sức ngỡ ngàng, thú vị.
Thời nhà Đường, “Cao sơn lưu thủy” phân ra thành hai khúc, không phân đoạn. Đến thời Tống lại phân cao sơn thành 4 đoạn, lưu thủy thành 8 đoạn, thiên về lưu thủy, khiến cho người nghe có cảm giác biển lớn đang vỗ sóng bên tai, âm vang mãi không thôi.
Mời các bạn thưởng thức khúc “Cao sơn lưu thủy”:
(Còn nữa)
Quang Minh biên tập
Xem thêm:
Mời xem video:
Từ khóa thập đại danh khúc Âm nhạc