Văn Hóa

“Nhắn nó vào lớp để tao cho điểm”

Tôi dốt tiếng Pháp. Có lý do để đổ thừa cho sự tệ hại này. Khi học lớp 10, sinh ngữ 2 của tôi là tiếng Đức. Lớp ít người, nên năm sau dẹp lớp. Ai muốn tiếp tục phải chuyển sang Pétrus Ký học. Trường này xa nhà, nên tôi chọn tiếng Pháp thay thế để khỏi đi xa. Dốt tiếng Pháp vì học lỡ cỡ là nguyên nhân gần. Lười biếng là nguyên nhân xa.

Vì là sinh ngữ 2, nên môn tiếng Pháp chỉ chiếm hệ số 1, thua xa các môn khác có hệ số cao hơn nhiều, nhất là Toán -Lý- Hóa, chỉ cần làm một câu trong đề thi là dư sức bù điểm môn tiếng Pháp, miễn là tiếng Pháp đừng bị điểm liệt.

Sách giáo khoa tiếng Pháp là bộ Cours de Langue et de Civilisation Francaises của G. Mauger. Trong 3 năm đệ II cấp, học sinh phải “nuốt” xong quyển I, còn các bạn chọn tiếng Pháp là sinh ngữ 1 thì tôi không biết phải học đến quyển mấy.

Trốn học năm thi? Có chứ, nhưng tùy môn. Giờ Sử Địa, Triết và Công Dân tất ít cúp vì nghe giảng, đỡ phải về nhà học bài. Môn Toán-Lý-Hóa hơi “chăm chỉ” cúp. Còn tích cực “chăm chỉ” lặn là giờ sinh ngữ, cả 1 lẫn 2. Môn Toán-Lý-Hóa thì cúp cua cho ra vẻ vậy thôi, chứ tối về nhà nằm cày mệt nghỉ với sách bài tập đủ loại. Dĩ nhiên thỉnh thoảng cũng phải vào lớp các môn cần “chăm chỉ” để có điểm trong năm học.

Năm lớp 12, tôi học với ông thầy Pháp văn, chỉ ngoài 30, mới đổi từ trường tỉnh về Sài Gòn, hình như đâu đó ở miền Trung vì ông trọ trẹ giọng Huế. Kiểm tra cho điểm bằng cách yêu cầu học sinh đứng lên đọc bài text trong sách, và dịch sang tiếng Việt. Phát âm tiếng Pháp của tôi quá khủng, nói đâu sai đó. Ban đầu ổng còn sửa, và bắt lập lại. Khi không còn kiên nhẫn được nữa, ông nổi cáu, mày nói tiếng Pháp nhấn âm như bọn Ăng Lê, để tao coi điểm tiếng Anh mày mà không cao thì chết với tao. Thế là ông le te đi nhanh từ cửa lớp đến bàn viết. Ổng cao cỡ mét rưỡi, đi như chạy thì chân đi trước, đầu theo sau. Hai vai đong đưa trước sau như quả lắc đồng hồ với trọng lực nằm ngang. Tra sổ điểm xong, ổng lừ mắt nhìn tôi, dịch tiếp đi. Từ đó ổng không sửa phát âm tiếng Pháp cho tôi nữa. Vốn ngữ vựng tiếng Pháp của tôi rất yếu, nhưng nhiều từ tiếng Pháp na ná tiếng Anh, nên tôi có thể đoán mò, khi dịch không câu nệ bám chữ khiến văn dịch ngô nghê. Bởi thế, tôi dịch Pháp -Việt rất phong lưu tiêu sái, thoát chữ và có khi… phóng luôn. Dịch chưa quá nửa bài, tôi đã bị bắt tẩy. Ông thầy ngắt lời, mày nói chữ này nghĩa là gì. Tôi gãi đầu…

Chia động từ bất quy tắc tiếng Pháp mới là cái điều tệ hại nhất của tôi, chỉ sau thuộc lòng danh từ, tính từ giống đực, giống cái. Lần sau, ông thầy gọi tôi lên bảng chia động từ. Tôi chia tới đâu, trật tới đó. Bực quá, ổng bước tới bảng đen, nhảy lên cú đầu tôi. Tôi đứng trên bục, ổng dưới bục. Tôi cao 1,73, còn ổng trên dưới 1,5. Ổng cú vào khoảng không – “Mày cúi đầu xuống”. Tôi tuân lệnh, ổng nhảy lên nhưng vẫn không tới – “Cúi thấp nữa tao mới cú được”. Tôi tự hỏi, sao ổng không leo lên bục, hay nói tôi xuống bục để ổng dễ hành động, mà lại chọn kiểu thao tác tiện nghi cho ổng như thế. Sau này tôi nghe nói, ổng là dân hướng đạo thuộc hàng soái ca chứ không phải vừa, có thể tháo vát mưu sinh thoát hiểm trong nhiều tình huống. Ổng thao tác như thế để tạo không khí hài hước trong lớp học.

Quả thiệt tôi cũng ái ngại cho kiểu thao tác “hình phạt”, khá vất vả cho ổng, nên sẵn trớn tôi “lặn” luôn giờ Pháp Văn.

Vài tuần thấy vắng tôi vắng mặt, ổng nói với lớp, đứa nào gặp thằng Thành, nhắn nó vào lớp để tao cho điểm. Không có điểm cuối năm là không đủ điều kiện dự thi Tú tài.

Tôi vác mặt vào lớp. Cũng bị gọi lên bục chia động từ. Lần này ổng nhỏ nhẹ hơn. Tôi coi sổ điểm hết các môn học của em rồi, dư sức đậu. Về Pháp Văn, phần analyse và dịch Pháp Việt chắc đủ để em gỡ điểm. Đề thi hay ra động từ bất quy tắc. Nhớ được bao nhiêu thêm điểm bấy nhiêu. Đậu cao có nhiều cơ hội hơn.

Nhắc lại chút kỷ niệm thời đi học để thấy, mối quan hệ thầy trò ở thế hệ tôi có lẽ gần gũi hơn so hơn với thế hệ trước, nhất là khi chiến tranh ở mức cao điểm, khi cả thầy và trò (dĩ nhiên là phái nam) đều đối diện với lệnh tổng động viên. Thầy, vào lính, nếu may mắn thì được biệt phái về đi dạy tiếp. Trò, nếu may mắn đủ tuổi thì tiếp tục học, nhưng rớt Tú tài thì đi lính. Lên đại học cũng vậy, rớt năm nào thì ngay sau đó có giấy mời nhập ngũ. Đi lính thì coi như “…Trả lại em yêu”.

Ở những lớp đi thi, thầy dễ dãi hơn với trò (nam). Có những bạn học hành đàng hoàng, vào lớp ngồi bàn trên, sách vở sạch sẽ, chăm chỉ học bài để có điểm hàng tháng cao. Cũng có những thằng hoang đàng (như tôi), thích thì vào lớp, không thích thì chuồn. Các thầy biết thừa, năm thi là năm sanh tử, tụi nó phải tự lo, phải đi học luyện thi thêm, hay về nhà “cày” bài chết bỏ. Thi đậu là mục tiêu chứ không phải chăm chỉ hay điểm cao trong lớp. Bởi thế, các thầy thường thông cảm, thân thiện gần gũi với trò hơn là nghiêm khắc kỷ luật, giáo huấn. Ông thầy Pháp văn của tôi nằm trong tình huống những người thầy “thông cảm” này.

Sự thông cảm có khi kín đáo, bao quát hơn, như giáo sư Nguyễn Văn Lục (dạy Triết) kể lại trong hồi ức đi chấm thi Tú tài của ông: “… Điểm của tôi là điểm của thời chiến, điểm của thời kỳ bom đạn. Thay vì những viên đạn, tôi cho điểm rộng, với hy vọng có một người khỏi chết vì bom đạn…”.

Những chuyện buồn vui thời đi học mà tôi vừa kể chỉ là những gì tôi chứng kiến, chứ không có tính phổ biến ở thời đó. Tùy nơi, tùy trường, tùy lớp. Có điều lớp không đi thi, chắc chắn bị siết kỷ luật nháng lửa, nhất là ở các trường công lập. Các bạn đồng môn sau tôi vài lớp ắt phải nếm mùi “nháng lửa” với thầy N (hiệu trưởng) và nhất là thầy Tổng (giám thị) “bốt-đờ-sô”.

Dù quan hệ thầy trò thân thiện, gần gũi, nhưng bọn tôi chưa bao giờ vượt quá giới hạn, tỏ vẻ bất kính với thầy cô. Sau này, tôi nghe nói học sinh báo cáo thầy, phê bình, kiểm điểm thầy trong các buổi họp Đoàn gì đó, hay phụ huynh vào trường mắng chửi thầy cô. Tôi chỉ biết lắc đầu. Có lẽ thế hệ tôi lạc hậu, không theo kịp thời thế, mà cũng chẳng muốn bắt kịp.

Năm đó thi Tú tài, điểm Pháp văn tôi được 10/20, vượt xa chỉ tiêu không bị điểm liệt. Không biết thành tích này có phần đóng góp của “chia động từ” không. Sau này đi làm, tôi phải tự học hết Cours de Langue quyển I, đủ để đọc tài liệu, vì đa phần sách khảo cứu khoa học hồi đó là tiếng Pháp, chỉ một số ít là tiếng Anh. Có điều trình độ phát âm và chia động từ tiếng Pháp của tôi vẫn “khủng” như xưa.

Cách đây chừng 5 năm, các bạn đồng môn học sau tôi vài lớp, mời tôi đến tham dự họp mặt, có cả các thầy cô cũ. Chẳng còn là bao, có thầy cô nhận ra tôi, có người không. Chợt nhớ ông thầy Pháp văn “Nhắn nó vào lớp”, tôi hỏi thăm. Một bạn trả lời, Thầy Q. mất rồi!

Vũ Thế Thành

Đăng lại từ Facebook Vũ Thế Thành

Mời bạn đọc tìm mua các tác phẩm của tác giả Vũ Thế Thành:

Xem thêm:

Vũ Thế Thành

Published by
Vũ Thế Thành

Recent Posts

Tòa án Mỹ cho phép chính quyền Tổng thống Trump giải thể USAID

Thẩm phán liên bang Mỹ Carl Nichols đã cho phép chính quyền Tổng thống Donald…

1 giờ ago

Venezuela tiếp nhận gần 200 người hồi hương từ nước Mỹ

Cơ quan Thực thi Di trú và Hải quan Mỹ (ICE) và Bộ An ninh…

2 giờ ago

Viện Vũ Hán, Trung Quốc phát hiện loại virus mới giống COVID-19

Dịch COVID-19 năm 2020 đã gây ra thảm họa lớn trên toàn cầu, gây tổn…

5 giờ ago

Hà Nội dự kiến chi hơn 1.400 tỷ đồng làm hầm chui 6 làn xe

Sở GTVT Hà Nội vừa đề xuất đầu tư xây dựng hầm chui đường Hoàng…

6 giờ ago

Bi kịch lớn nhất của một gia đình là sai thứ tự trong giáo dục

Khi nhân cách không được coi trọng, thành tích cao đến đâu cũng vô nghĩa.

6 giờ ago

Apple gỡ chức năng bảo mật theo yêu cầu mà Anh muốn xem số liệu của người dùng

Apple tuân thủ theo yêu cầu của chính phủ Anh, cung cấp khả năng chính…

8 giờ ago