Phố Hà Nội – Những chữ Hàng gắn với ẩm thực

Hà Nội tức Kinh Kỳ – Kẻ Chợ có tuổi gần nghìn và nổi tiếng về nhiều thứ, có lẽ có chuyện ăn uống. Chả thế mà với gần 80 phố có chữ Hàng (như Hàng Đào, Hàng Ngang…) thì đã có hơn 20 chữ có chữ Hàng ấy liên quan đến vấn đề sinh tử của loài người: Ăn uống.

Từ những phố mang tên đồ dùng phục vụ cho ăn uống: Hàng Chĩnh đến Hàng Đũa, Hàng Bát… đều có cả, mà còn phân biệt Bát Sứ và Bát Đàn nữa chứ. Hàng Đũa thì đã lặn vào tịch mịch đổi thay, thành ra phố Ngô Sĩ Liên, tên nhà sử học. Hàng Bát Sứ và Bát Đàn có hàng phở ngon, có cửa hàng cà phê của nghệ sĩ Như Quỳnh chỉ là một phố nhỏ, không hơn một cái ngách bao nhiêu, nên ít người chú ý.

Phố Hàng Đào thời xưa.

Lạ một điều, cơm là món ăn hàng ngày, mà không có phố Hàng Cơm, nhưng lại có phố Hàng Cháo (vẫn còn ở gần Văn Miếu). Hàng Bột nay là phố Tôn Đức Thắng, một nẻo thông ra hướng Tây Nam, có thể đi đến tỉnh Đơ (Hà Đông) rồi lên xứ Đoài, thăm thủy điện sông Đà.

Gừng cay muối mặn, một đời người phải ăn bao nhiêu muối mặn và dân tộc ta biết chế biến ra bao nhiêu loại mắm, vì thế mà Hà Nội không thể thiếu phố Hàng Mắm, phố Hàng Muối.

Có những phố đã mất tên xưa cũ, chỉ còn vấn vương niềm nuối tiếc dư âm. Trăm năm nữa, ai quên, ai nhớ? Giống như lớp trung niên ngày nay có lẽ không ai còn biết phố Hàng Giò ở đâu. Xin thưa đó là quãng đầu phố Bà Triệu ngày nay, cùng với Hàng Khay, Tràng Thi mà thời còn tàu điện, anh soát vé bao giờ cũng hô to câu “Hàng Giò đây, có ai xuống không” khi tàu đỗ lại bên con tháp Hoà Phong tuy nhỏ bé nhưng lại cổ kính, thầm nói trăm nghìn điều cần nhớ của người Hà Nội.

Hàng Giò ấy có liên quan gì với nghề làm giò chả ước Lễ không? Không biết. Hay là có dính dáng đến câu “giò Chèm nem Vẽ” không? Cũng không còn ai chứng minh, giải thích. Chỉ biết rằng tàu điện đã không còn, tên phố xưa càng mất hút, và những hồn Hà Nội bao thời chắc chỉ còn thẩn thơ cùng hơn 40 cây liễu xoã tóc những chiều thu bên gương nước soi vào kim cổ đoạn trường như thơ Bà Huyện Thanh Quan…

Cùng chung số phận với phố ấy, cũng không còn ai biết phố Hàng Cau và phố Hàng Chè lẩn khuất hay hiện diện chốn nào? Hàng Cau chính là đầu phố Hàng Bè, nơi gần bến sông, nơi thuyền bè tấp nập bốc hàng lên bến. Khoảng những năm 30- 40, vợ nhà văn Nhất Linh còn có cửa hàng buôn cau ở số nhà 15 Hàng Cau. Cho đến năm 1954, mới thay đổi chủ vì họ Nguyễn Tường đi vào miền Nam hết. Còn phố Hàng Chè, chè để uống chứ không phải chè ngọt nấu bằng đường, thì chính là đoạn cuối phố Cầu Gỗ, quãng đầu phố Đinh Liệt, nơi còn thông thẳng ra bờ hồ Gươm, có hiệu sách Nam Ký và toà báo Đông Tây. Nay tòa nhà “Hàm cá mập” đã sừng sững chắn ngang, đè lên góc phố này, và Hàng Chè ấy cũng không còn tăm tích.

Hàng Cá vẫn còn, ăn từ phố Nguyễn Siêu sang, qua ngã tư Hàng Đường, Hàng Ngang. Hàng xóm của phố Hàng Cá là phố Hàng Sơn, một phố khá đặc biệt, làm ra một nét rất riêng Hà Nội. Hàng Sơn đã bị (hay đã được) đổi tên thành phố Chả Cá vì có món ngon tuyệt vời, món độc đáo Hà Thành mà ta còn tra cứu được tác giả là nhà họ Đoàn, ở số nhà 14, nay đang còn hàng chả cá Lã Vọng nơi tao nhân mặc khách hẹn hò nhau những khi trời đất đìu hiu thu muộn, để nhâm nhi miếng chả cá lăng, ngọn rau thìa là, chút mắm tôm chanh thơm lựng, ngụm rượu làng Vân tê tê bay bổng. Dù rằng ông Lã Vọng ngàn xưa ngồi câu cá mà dây câu không có lưỡi câu, ông câu thời thế và danh vọng chứ không mong câu lấy cá, không như biểu tượng của hàng chả cá là chiếc cầu câu có con cá mắc lưỡi câu. Cũng là nói vui, chứ không “hại gì cho hoà bình thế giới” vì một con cá đã mấy nghìn năm.

Có Hàng Khoai đi cùng Hàng Đậu, đương nhiên không thể thiếu phố Hàng Gạo, đầu tiên ở trước cửa chợ Đồng Xuân, sau chuyển ra gần bờ sông, thành phố Chợ Gạo, có nhà tắm công cộng duy nhất, nay lên cao tầng, thành trụ sở một ngân hàng.

Phố Hàng Đường thời xưa.

Có cay đắng mặn mòi, thì có thể thiếu được ngọt ngào chăng? Hàng Đường còn kia, từng là phố buôn bán đủ thứ bánh kẹo, nhất là tết Nguyên đán có mứt bí, mứt sen, tết Trung thu có bánh nướng, bánh dẻo, cả người Việt Nam và người Hoa kiều sản xuất. Có nhiều thời gian, đi qua đây là thơm nức đến ngạt ngào hương của va ni, của hoa bưởi, của bột khảo, của thảo quả và bao nhiêu món ngon lành chờ đợi cái lưỡi con người, dù không phải là bích quy hay ga tô, không phải xúc cù là hay kẹo sữa, kẹo rượu nho… mà chỉ là bánh kẹo ngọt ngào thuần Việt.

Con người phát sinh ra lửa có lẽ là phát minh vĩ đại nhất, vĩ đại muôn đời. Ngọn lửa cho ta thành người vì ta có món ăn thức uống, khác hẳn mọi loài cầm thú hoang dại. Hà Nội có một phố Hàng Than còn có con dốc vượt lên triền đê sông Hồng, từng là bến Đông Bộ Đầu, nơi Yết Kiêu cắm sào chờ Hưng Đạo Đại Vương khi triều đình phải rút khỏi kinh thành, chống giặc. Đó là nơi bán, nơi buôn, nơi dỡ từ thuyền lên những bao, những giỏ, những gánh than hoa, than kíp lê… cho lồng ấp chân công chúa, thiếu phụ giàu sang, cho chiếc bàn là như tàu thuỷ, cho lò đun nước pha trà buổi sớm… Và đó cũng là than dưới gầm giường sưởi đủ trăm ngày cho sản phụ và than kíp lê cho lò rèn, thợ rào ở những phố Hàng Sắt, Hàng Bừa, Cổng Đục kia và bao ngả gần xa khác làm ra chiếc liềm, chiếc lưỡi cầy, bộ răng bừa, con dao bổ cau, dao phay thái phở… Hàng Than nay có nhà bánh cốm Nguyên Ninh của cụ Tuất lừng danh Nam Bắc, nơi sinh ra nhạc sĩ Duy Quang, và bánh cốm Nguyên Ninh là ngòi pháo châm cho nổ tung hàng ba bốn chục nhà làm bánh cốm khác khắp phố Hàng Than hiện đại.

Hàng Điếu nối Hàng Cót với Hàng Da, không còn ai bán điếu, từ điếu bát điếu cày đến điếu ống hoặc cái nõ điếu bán riêng, mà đã là phố bán mứt hạt sen và trà Thái, trà Phú Thọ được mệnh danh là trà Tân Cương Thái Nguyên tuốt tuột. Tiền nào của nấy, người tiêu dùng, cụ thể người uống trà biết lắm chứ, nhưng tranh luận hơn thua làm gì cho mệt.

Hà Nội không có món rươi tươi thơm lừng vị vỏ quýt thìa là vào mùa thu, cụ thể là “tháng Chín đôi mươi, tháng Mười mùng năm”, rươi từ Hải Phòng về cho nhà nhà thơm nức, cho đồ đệ lưu linh ngất ngưởng say sưa…nhưng vẫn có một phố Hàng Rươi cạnh ngõ Chè Chai, đầu phố Hàng Lược, nơi thành chợ hoa lừng danh mỗi dịp xuân về. Nay phố này hầu như không còn ai buôn rươi nữa, mà rươi đã bán rong mỗi mùa, với tiếng rao đúng giai điệu, tiết tấu, ngôn từ, ngàn người như một, trăm năm vẫn thế, kỳ tài thay là tiếng rao kẻ chợ ấy, Hàng Rươi nhỉ?

Hà Nội từng có hai phố Hàng Gà cơ đấy. Một nối với Hàng Cót, còn một là ở phía Nam, gọi là dốc Hàng Gà, đi qua cái chợ chỉ họp về chiều, nay là chợ Hôm Đức Viên, và Hàng Gà này cũng phải thay tên thành phố Huế, còn cái chợ chuyên bán gà hay con tôm con tép, quả mướp mớ rau ấy thì bị đồ xuống chợ Đuổi, đúng hơn là bị Đuổi, nên chợ kia mới mang tên chợ Đuổi, nay còn dư âm tên phố cũ…

Phố Hàng Gà thời Pháp thuộc.

Có hai thuyết về mấy con ngõ nhỏ: Ngõ Hàng Thịt. Tại sao lại thế, trong khi có Hàng Cá, Hàng Bột, Hàng Gạo, Hàng Khoai, có cả Hàng Dầu để cho người ăn chay và để thắp đèn những khi trời tối, mà Hàng Thịt với một trong những nhu yếu phẩm hàng ngày lại bị coi thường? Phải chăng vì dân ta quen với rau dưa, nên mới có cụm từ “con cá lá rau” mà không phải là “con cá mớ thịt”? Có người cho rằng ngõ Hàng Thịt là ngõ Hai Bà Trưng, gần phố cửa Nam, người khác cho rằng ngõ Hàng Thịt là tên ngõ Đông Thái, đầu Hàng Buồm ngày nay. Xin tồn nghi, hạ hồi các nhà nghiên cứu sẽ phân giải tỏ tường. Còn như ta biết, ngày nay Hà Nội đâu có thể thiếu thịt hằng ngày. Các chợ lớn, chợ xanh, chợ cóc, các mẹt thúng bán rong, bán cho từng nhà quen không cần rao bán thành tiếng… đâu chả có, nhà ai chả cần.

Có một phố hơi lạ. Đó là phố Hàng Chuối. Phố này mang tên ấy nhưng chưa hề là cái chợ bán chuối, dù bán buôn hay bán lẻ. Nguyên khu đất này là bãi hoang, chỉ trồng chuối để lấy quả, thân cây cho voi ngựa của nhà vua, phủ chúa ăn mà thôi, đến những thập niên đầu thế kỷ XX, nhà cửa mới mọc lên và cái tên cũ bỗng thành tên chính thức.

Phố Hàng Chuối đầu thế kỷ 20.

Như vậy, ta thấy có đến 24 phố có chữ Hàng có liên quan đến chuyện ăn uống hàng ngày, vừa thiêng liêng vừa trần tục, vừa thanh tao văn hoá vừa tầm tã mồ hôi…

Có tên phố mất đi, có tên phố mới sinh ra hoặc được thay thế. Đó cũng là qui luật tất yếu của cuộc đời. Chỉ mong sao, mỗi đổi thay đều nên cân nhắc kỹ càng để đời sau không trách cứ là chúng ta đã phá vỡ mất những điều quí báu (như Hàng Đũa chẳng hạn). Trước khi kết thúc bài này, có lẽ xin mời bạn ghé thăm một ngõ nhỏ chi chít hàng cà phê, đông nghịt khách nhâm nhi. Đó là ngõ Hàng Hành, từ Bờ Hồ Gươm ăn thông sang Hàng Trống qua ngõ Bảo Khánh, có các món ăn uống nhiều không kém phố ẩm thực Tống Duy Tân và ngõ Hàng Bông Lờ…

Nhà văn Băng Sơn
Ảnh tư liệu

Xem thêm:

Mời xem video:

Băng Sơn

Published by
Băng Sơn

Recent Posts

Kiev: Nga dùng tên lửa đạn đạo xuyên lục địa tấn công Ukraine

Theo thông báo từ quân đội Ukraine, trong khoảng thời gian từ 5:00 đến 7:00…

7 phút ago

Việt Nam và Malaysia nâng cấp quan hệ lên Đối tác Chiến lược toàn diện

Hai nước Việt Nam-Malaysia vừa nâng cấp quan hệ lên Đối tác Chiến lược toàn diện,…

2 giờ ago

TP.HCM đề xuất xóa nợ quá hạn, khó thu hồi cho người nghèo

UBND TP.HCM vừa đề xuất dùng ngân sách địa phương để xử lý nợ quá…

2 giờ ago

Ông Trump chọn tỷ phú Howard Lutnick làm Bộ trưởng Thương mại

Tổng thống đắc cử Donald Trump đã chọn ông Howard Lutnick, giám đốc điều hành…

4 giờ ago

Các nhóm nhân quyền phương Tây chỉ trích ông Biden về mìn sát thương ở Ukraine

Các tổ chức nhân quyền phương Tây đã lên án Tổng thống Hoa Kỳ Joe…

5 giờ ago

Tổng thống Nicaragua Ortega tìm cách mở rộng quyền lực của tổng thống

Tổng thống Nicaragua Daniel Ortega đã đề xuất cải cách hiến pháp nhằm mở rộng…

5 giờ ago