Thành Tây Đô, dân gian gọi là thành nhà Hồ, được Hồ Quý Ly xây dựng thành Kinh đô mới nhằm chuẩn bị cướp ngôi nhà Trần và chống quân Minh đang lăm le xâm lược. Có rất nhiều lời bàn về địa thế cũng như phong thủy của thành Tây Đô, cho rằng nó là một trong những điều ảnh hưởng đến sự bại vong của nhà Hồ.
Năm 1397, Hồ Quý Ly nắm mọi quyền hành trong tay, dự định dời Kinh đô về Thanh Hóa nhằm chuẩn bị cho việc lên ngôi Vua, nhiều người phản đối đều bị diệt đi. Hồ Quý Ly cho xây thành ở Thanh Hoá, đặt tên là thành Tây Đô, để phân biệt với Đông Đô (tức Thăng Long).
Về vị trí Tây Đô, Hồ Quý Ly nhận thấy ở xã Vĩnh Long, huyện Vĩnh Lộc, tỉnh Thanh Hóa có vị trí tốt “sơn phong bát diện, lưỡng thủy hội đường”, tức bốn phía có núi non bao bọc, có 2 dòng nước tụ lại phía trước làm minh đường. Phía đông nam là núi Đốn Sơn làm tiền án, phía tây bắc lại có núi Song Tượng chầu vào, phía tây – tây nam có 6 ngọn núi đá ở khu động An Tôn. Hồ Quý Ly cho rằng đây là đất “long xà tương ngộ, thạch bàn tác ấn” có thể trụ được 60 năm. Thế nhưng thực tế khi thành Tây Đô hoàn tất năm 1401 đến khi nhà Hồ bị diệt năm 1407 thì chỉ được 6 năm.
Xem xét vị trí thành Tây Đô, long mạch đổ xuống Vân Nam, qua Sơn La thì chạy dọc theo sông Mã đến núi Tượng là dừng. Sông mã chạy uốn khúc trước khi hội với sông Bưởi, hai con sông khép lại tạo khí mạch cho thành Tây Đô. Hồ Quý Ly vì thế mà quyết định chọn nơi đây xây thành. Thế nhưng long mạch khi xuống đồng bằng lại phân tán, các sống núi chia thành các nhánh hướng thẳng vào thành, trong phong thủy gọi đây là “kiếp long”, tức hung địa.
Tại vị trí xây thành Tây Đô, các dãy núi 2 bên thành chạy thẳng xuống, xuyên vào trung tâm thành tạo nên sát khí. Nên thành xây tại đây chỉ hợp cho chiến tranh phòng thủ chứ không thể định đô lâu dài.
Khi Hồ Quy Ly chọn nơi đây xây thành, Khu mật chủ sự Nguyễn Nhữ Thuyết đã viết thư can rằng:
Ngày xưa, nhà Chu, nhà Ngụy dời kinh đô đều gặp điều chẳng lành. Nay đất Thăng Long có núi tản viên, có sông Lô nhị, núi cao sông sâu, đất bằng phẳng rộng rãi. Từ xưa các bậc đế vương mở nền dựng nước, không đời nào không lấy đất ấy làm nơi sâu gốc bền rễ. Nay xin hãy noi theo việc trước, như quân Nguyên bị giết, như giặc Chiêm phải nạp đầu… Xin nghĩ lại điều đó, để làm thế vững vàng cho nước nhà. An Tôn dất đai chật hẹp, hẻo lánh, ở nơi đầu non cuối nước, hợp với loạn mà không hợp với trị. Cho dù dựa thế hiểm trở thì đời xưa đã có câu: “Cốt ở đức chứ không cốt ở hiểm”.
Đại Việt Sử ký Toàn thư
Nguyễn Nhữ Thuyết trong thư đã nói rõ, vị trí xây thành ở An Tôn là chỉ “hợp với loạn mà không hợp với trị”, cuối cùng ông nhắn nhủ với Hồ Quý Ly rằng: “Cốt ở đức chứ không cốt ở hiểm”, tức chống giặc cần dựa vào “đức” làm gốc chứ không phải chỉ dựa vào nơi hiểm yếu. Tuy nhiên Hồ Quý Ly không nghe theo mà còn khép tội Nguyễn Nhữ Thuyết.
Hồ Hán Thương thì cho rằng đây là vùng đất “rồng chầu rắn cuộn” nhưng đất còn non nên chỉ là Long Xà ẩm thủy – Lục niên ký chủ (tức chỉ ở được 6 năm thôi). Tuy nhiên do Hồ Quý Ly đã quyết, mặt khác việc xây thành cần gấp rút để chuẩn bị chống quân Minh sau này nên không thể chậm trễ.
Hai bên thành trong phong thủy gọi là tả thanh long, hữu bạch hổ, hai bên Tây Đô có nhiều núi nhưng không tạo thành thế tay long tay hổ bao bọc cho thành, như vậy là long hổ không chầu.
Khi xây thành Hồ Quý Ly chọn núi Đốn sơn, hay Cung sơn (địa phương gọi là núi Đún) làm án, núi này ở chính diện cửa chính ngọ môn, cách ngọ môn 2,5 km. Hồ Quý Ly lại cho đắp một con đường từ núi này chạy thẳng qua cửa ngọ môn, con đường này tạo thành sát khí rất mạnh.
Người hiến kế cho Hồ Quý Ly làm con đường này là Trần Khát Chân. Vị tướng nhà Trần này biết rõ Hồ Quý làm thành Tây Đô, dời Kinh đô về đây chính là để cướp ngôi nhà Trần, nên ông đã khuyên:
“Chọn đất vàng để xây thành hay lắm, phía trước có Cung Sơn làm án. Thiết tưởng cung mà không có tên thì cũng như vua không có uy, theo ý thần nên đắp một con đường từ Cung Sơn chạy đến trước cửa thành Tây Đô như một mũi tên. Có cung, có tên mới đủ vẻ hùng tráng của đức Thiên tử. Đường ấy thần sẽ đặt tên là Tiễn Lộ.”
Hồ Quý Ly nghe lời nên cho làm đường, đắp đá Hoa Cương gọi là Hoa Nhai (Tiễn Lộ). Nhiều người cho rằng chính con đường này khiến nhà Hồ bị diệt nhanh chóng.
Vị trí xây thành Tây Đô là nơi hợp lưu của hai con sông Mã và sông Bưởi. Sông mã bắt nguồn từ hệ thống chi lưu Vân Nam, hợp lưu với các con suối ở xã Mường Lói (nơi biên giới Lào – Việt, thuộc Điện Biên, tỉnh Sơn La). Sông Bưởi bắt nguồn từ phía nam hồ Hòa Bình, hai con sông này đến Thanh Hóa có khí lực rất mạnh tạo nên vùng đồng bằng nơi đây.
Trong phong thủy, khí gặp thủy thì dừng. Hồ Quý Ly cho rằng xây thành ở nơi hai con sông này hợp lưu, khí mạch ắt tụ lại, chọn nơi ấy xây thành là hợp cách.
Tuy nhiên nếu xét kỹ thì thấy sông Mã khí mạch rất mạnh và hung hãn với nhiều vực sâu thác lớn. Khi đến vị trí xây thành có 2 lần uốn khúc: Lần thứ nhất là trên núi voi, nhưng vì khí lực rất mạnh vẫn chưa dừng, chảy xuống đến thị trấn Vĩnh Lộc ngày nay tức dưới chân thành thì uốn khúc lần hai, khí vẫn chưa dừng mà vẫn còn đang chạy tiếp đến khu vực thành phố Thanh Hóa ngày nay mới dừng, nên vị trí xây thành là nơi kỵ long, không ổn định, không nên định đô.
Sông Bưởi là con sông nhỏ, chạy từ Hòa bình đến, bản thân nó cũng chỉ là chi lưu cuối của sông Mã. Vì thế mà Nguyễn Như Thuyết và Hồ Hán Thương đều là những người biết phong thủy cho rằng đây là nơi “đầu non cuối nước” không phải nơi thịnh vượng.
Các tài liệu cho rằng thành xây theo đúng hướng, tức “tọa tý hướng ngọ” nghĩa là phía sau là hướng chính bắc (tý), phía trước là hướng chính nam (ngọ), như thế cửa chính nằm đúng ở ngọ môn. Nhưng ngày nay dùng phương vị la bàn đo đạc thì thấy phía trước nằm ở hướng giữa 149 và 150 độ, tức là tọa hợi hướng tỵ, phía sau là hướng tây bắc, còn cửa chính phía trước ngọ môn lại ở hướng tỵ.
Cửa chính ngọ môn ở cung chính tỵ cũng là nơi nước chảy thẳng qua, trong phong thủy gọi là nước vô tình, xét về cục thì là bại địa.
Xét theo “Huyền không phi tinh”, thành xây xong vào vận 4. Tọa tinh phạm phải phục ngâm, tam mộc bích đáo hướng, đây đều là hung bại tinh nên không tốt.
*
Thành xây ở vị trí không phải nơi khí dừng, núi ở hai bên long long hổ không chầu, nước “vô tình” không dừng mà chảy mãi. Vì thế mà Đỗ Tĩnh là người phụ trách kiến trúc xây dựng, cũng như chọn đất định vị thế xây thành, tính trước thành nhà Hồ không thể bền vững, nhưng cũng đành than thở rằng:
Rồng ở vực sâu khó bay cao?
Sông phù, núi khuyết biết làm sao?
Sông cứ hướng đông mà chảy mãi
Núi ngoảnh về sau tỏ phụ phàng
Không duyên khó gặp Thiên địa hội
Trời đã biểu vậy, biết làm sao.
Trần Hưng tổng hợp
Xem thêm:
Mời xem video:
HĐGSNN vừa công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh giáo sư, phó giáo sư năm…
Ông Vương Đình Huệ có sai phạm trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; vi…
Ông Musk và ông Ramaswamy đã cùng chấp bút một bài xã luận đăng trên…
Quân đội Ukraine thông báo trong sáng Thứ Năm Nga đã tiến hành không kích…
Hai nước Việt Nam-Malaysia vừa nâng cấp quan hệ lên Đối tác Chiến lược toàn diện,…
UBND TP.HCM vừa đề xuất dùng ngân sách địa phương để xử lý nợ quá…