Trong suốt chiều dài lịch sử, khái niệm về cái đẹp đã thay đổi cùng với những sự kiện quan trọng. Chiến tranh, thành tựu kỹ thuật, những cuộc giải phóng và đàn áp, đều đã ảnh hưởng đến những gì nhân loại đang tìm kiếm trong nghệ thuật.
Xuyên suốt nhiều thập kỷ tái sinh sau chiến tranh, sự chạy thoát khỏi quá khứ đã từng trở thành một yếu tố minh hiển trong nghệ thuật. Nhưng hôm nay, xã hội dường như đang một lần nữa đặt ra câu hỏi: “Cái đẹp của nghệ thuật nằm ở đâu?“
Câu hỏi này chưa có câu trả lời tuyệt đối. Hằng ngày, có những nghệ sĩ vẫn luôn tự đặt ra câu hỏi này, với hy vọng rằng sự chiêm nghiệm của bản thân sẽ sâu sắc hơn thông qua việc thực hành tự vấn.
Hãy cùng bước vào cuộc hành trình đến với Hy Lạp cổ đại. Tác phẩm Phaedrus tuyệt vời của Plato đã ảnh hưởng đến Marsilio Ficino và giúp khơi mào thời kỳ Phục Hưng của nước Ý.
Trong tác phẩm Phaedrus, Plato kể một câu chuyện về người thầy Socrates của mình. Theo đó, Socrates đã đi cùng Phaedrus đến vùng ngoại ô để nghe Phaedrus thuật lại bài diễn thuyết về tình yêu mà Phaedrus được nghe từ một người bạn chung của họ, Lysias. Hầu hết nội dung kể về sức mạnh của thuật hùng biện. Tuy nhiên, phần thú vị nhất là khi một nguồn cảm hứng bỗng nhiên chiếm lấy Socrates.
Socrates bắt đầu nói về các vị Thần và Thiên đường. Ông kể rằng trên Thiên đường, Thần Zeus và mười một nhóm các vị Thần và Á Thần cưỡi trên những cỗ xe. Trên đường đi, họ đã chứng kiến những cảnh tượng ngoạn mục. Các linh hồn đi theo họ tới tận cùng của Thiên đường, và ở nơi ấy các vị Thần chứng kiến những điều cao tuyệt khỏi vũ trụ này và nuôi dưỡng bản thân bằng những chân lý họ tìm được. Tuy nhiên, một số linh hồn không đủ kiên cường để vượt qua cuộc hành trình và rơi xuống trái đất, trú ngụ trong cơ thể con người.
Cái đẹp trên trái đất đã gợi cho một số linh hồn nhớ về Thiên đường. Bởi vì cái đẹp nơi trần thế này bắt nguồn từ Thiên thượng, và được tạo ra để khơi dậy nguồn cảm hứng hướng về cội nguồn của các linh hồn đó. Linh hồn muốn quay trở về Thiên đường khi nhìn thấy cái đẹp trên trái đất này.
Socrates tiếp tục và mô tả linh hồn gồm có ba phần, được ví như một người điều khiển xe ngựa và hai con ngựa. Một con ngựa rất đẹp, khiêm nhường, sạch sẽ và cao quý. Con ngựa còn lại thì xấu xí, tự phụ và ngạo mạn. Khi con người nhìn thấy cái đẹp, người điều khiển xe ngựa và con ngựa tốt mang trong lòng sự tôn trọng và cung kính, còn con ngựa ngạo mạn thì lao về phía trước với ham muốn không thể kiểm soát. Thông qua việc tu dưỡng và đạt được sự hài hoà giữa những lực lượng đối nghịch này, linh hồn có thể có lại đôi cánh để bay trở về với Thiên đường.
Khi nghĩ về cái đẹp, câu chuyện trên là một nguồn cảm hứng tuyệt vời.
Nền nghệ thuật Hy Lạp cho thấy người Hy Lạp mang trong mình một “thứ gì đó vượt khỏi tự nhiên; những vẻ đẹp lý tưởng, những hình ảnh sinh ra từ tiềm thức”, Johann Winckelmann, nhà sử học và khảo cổ học nghệ thuật người Đức của thế kỷ thứ 18 nhận xét.
Ngày nay, không phải ai cũng tin vào Thần, vào truyện Thần thoại, vào truyện cổ tích hay vào một “Đấng cao hơn” tạo ra cái đẹp. Liệu còn cách nào không, để những sản phẩm của con người hiện đại chúng ta hướng đến một cái đẹp truyền cảm hứng và ban cho chúng ta đôi cánh? “Đấng cao hơn” đã truyền cảm hứng cho người Hy Lạp là ai hay là điều gì?
Một cách mô tả về sự mất kiểm soát của hai con ngựa trong câu chuyện trên là bức vẽ “Cái chết của con trai Thần Mặt trời” (Fall of Phaeton) của họa sĩ Peter Paul Rubens.
Câu chuyện về “Cái chết của con trai Thần Mặt trời” diễn ra như sau. Phaeton, con trai Thần Mặt trời Helios, bị chúng bạn nghi ngờ về nguồn gốc. Vì vậy, Phaeton đã yêu cầu cha chứng minh dòng máu của mình. Khi Thần Helios đồng ý thực hiện bất cứ điều ước nào của Phaeton, chàng trai đã yêu cầu được điều khiển cỗ xe mặt trời. Dù biết hậu quả dành cho con trai, nhưng Helios không thể thuyết phục Phaeton thay đổi ý định, và lời hứa của một vị Thần phải được thực hiện.
Phaeton bắt đầu cuộc hành trình của mình nhưng lại không thể điều khiển được những con ngựa. Anh bay quá gần trái đất và khiến mặt đất cháy rụi. Thần Zeus đã phải can thiệp và phóng tia sét vào cỗ xe để ngăn chặn nó gây ra thêm bất cứ thiệt hại nào. Phaeton đã rơi khỏi cỗ xe mặt trời xuống trái đất và chết.
Họa sĩ Rubens đã mô tả về bi kịch của Phaeton trong tác phẩm của mình. Thời điểm trong tranh hẳn là sau khi Thần Zeus phóng tia sét, Phaeton cùng với cỗ xe và các nhân vật khác rơi xuống trái đất.
Rubens đã tăng độ kịch tính của cảnh tượng bằng việc gợi ra sự chuyển động thông qua bố cục đường chéo. Mặc dù các nhân vật rơi theo đường chéo nhưng vẫn được sắp xếp theo tổng thể hình elip. Sự sắp xếp tổng thể này cũng củng cố cho sự chuyển động trong tranh. Sự kịch tính còn được tăng cường thông qua việc sử dụng ánh sáng. Các nhân vật rơi từ góc trên bên phải xuống góc dưới bên trái và những tia sáng từ phía trên bên phải càng tô điểm thêm cho chuyển động này. Độ tương phản cao, giảm theo đường chéo và sự sắp xếp theo hình elip tạo nên cảm xúc ấn tượng.
Phiên bản Phaeton được khắc họa bởi Rubens là sự hiện thực hóa những phẩm chất của con ngựa ngạo mạn mà Socartes mô tả. Nó đại diện cho những linh hồn không đủ mạnh mẽ để chịu đựng chuyến đi của các vị Thần. Các linh hồn có thể kiên định trong hành trình ấy là những linh hồn có thể kiểm soát được con ngựa ôn hòa và con ngựa ngạo mạn. Phaeton, một đứa trẻ vô tội chỉ mong muốn người cha của mình chứng minh tình yêu của ông, đã không thể hòa hợp hai chú ngựa của cỗ xe và rơi xuống trái đất.
Thế kỷ 20 đầy rẫy chiến tranh và bạo lực. Nhiều nghệ sĩ, như những nghệ sĩ thuộc phong trào Dada, tin rằng họ có thể bù đắp lại một thế kỷ ngập trong sự tàn phá bằng cách khai thác sự ngây thơ và trẻ con. Tôi cũng thường thấy câu nói nổi tiếng của Picasso: “Mỗi đứa trẻ đều là một nghệ sĩ. Vấn đề là làm thế nào để vẫn là người nghệ sĩ đó khi chúng ta lớn lên.” Ở đây, quan niệm truyền thống về cái đẹp vốn gắn liền với lý tính đã bị loại bỏ và thay thế bởi hình ảnh ngây thơ. Nhưng sự ngây thơ của trẻ con khi đối diện với sức ép nghẹt thở từ ảnh hưởng của văn hoá xã hội hiện đại sẽ dẫn đến một tình trạng rất nguy hiểm.
Vẻ đẹp mà thiếu cảm xúc thì mất đi sự hồn nhiên và trở nên lạnh lùng, còn sự ngây thơ thiếu lý trí sẽ đưa đến tình trạng cảm xúc cực đoan, cuối cùng dẫn đến sự biến dạng và hủy hoại.
Trong nỗ lực tìm kiếm cái đẹp, Goya đã viết: “Giấc ngủ của lý trí sinh ra quái vật”. Khi từ bỏ lý tính, người nghệ sĩ sẽ bị dẫn dắt bởi sự ngạo mạn và bóng tối.
Con người có Phật tính và ma tính, thuần hóa con ngựa xấu xí, tự phụ và ngạo mạn, rũ bỏ ma tính, thì con người mới tìm lại được đôi cánh của Thiên thượng. Thời gian đã chín muồi để tái hợp lý trí và sự ngây thơ, hòa hợp chúng để con người có thể bay trên những đôi cánh và tìm đến cái đẹp được nuôi dưỡng bởi chân lý.
Biên dịch có chỉnh sửa từ Tạp chí nghệ thuật CANVAS (canvas.nma.art)
Bài gốc: “An Artist’s Search For Beauty”
Tác giả: Eric Bess
Minh Nhật biên tập
Xem thêm:
Mời xem video:
Ông Trần Quân (John Chen) bị kết án vì cùng đồng phạm hỗ trợ ĐCSTQ…
Các cuộc biểu tình tại Trung Quốc trong quý 3 năm nay đã tăng 27%…
Ngoại trưởng Andrey Sibiga cho biết Ukraine sẽ không chấp thuận nhượng bất kỳ lãnh…
Trong cuốn sách "Dũng tràng tiểu phẩm" của tác giả Chu Quốc Trinh đời nhà…
Đâu đó và ngay đây, vẫn có những người với người vẫn tin và thương…
Đề xuất của Bộ Tư pháp Mỹ yêu cầu Google phải bán trình duyệt Chrome…