Tề Hoàn Công là vị bá chủ chư hầu đầu tiên thời Xuân Thu. Ông từng chín lần hội họp chư hầu, khiến cho quốc lực của nước Tề trở nên cường thịnh, thiên hạ quy về. Thành tựu của ông có thể nói phần lớn là nhờ đạo trị quốc của Quản Trọng.
Quản Trọng tên thật là Di Ngô, người đất Dĩnh Thượng. Khi đảm nhận chức Tể tướng, Quản Trọng thấy nước Tề là một vùng đất nhỏ hẹp, lại gần biển nên ông rất coi trọng việc thông thương buôn bán, tích lũy tài phú khiến cho đất nước giàu có, quân đội cường mạnh, đồng thời nương theo nguyện vọng của dân chúng mà cai trị.
Quản Trọng cho rằng: “Chỉ khi trong kho dồi dào lương thực thì dân chúng mới có thể coi trọng lễ tiết. Chỉ khi dân chúng được cơm no áo ấm họ mới biết được vinh nhục. Người bên trên phải tuân thủ lễ độ thì thân quyến mới có thể đoàn kết. Nếu không giảng lễ nghĩa liêm sỉ thì quốc gia tất sẽ diệt vong. Chính lệnh từ trên phát xuống giống như nguồn nước chảy vậy, nhất định phải khiến nó thuận theo lòng dân, hợp với lòng dân.” (Sử ký – Tư Mã Thiên).
Lời bàn của Quản Trọng tuy thông tục mà lại dễ dàng thực thi. Những điều dân cần thì phải cố gắng đáp ứng cho họ, những điều dân không cần thì nên xóa bỏ đi. Đó thực sự là lấy dân làm gốc, làm ít mà công to, khiến dân chúng khâm phục và tôn kính.
Khi Quản Trọng phò tá Tề Hoàn Công, ông biết khéo biến chuyện xấu thành chuyện tốt, đem thất bại chuyển hóa thành thành công. Hơn nữa, khi xử lý sự tình ông còn chú ý nặng nhẹ, cẩn thận cân nhắc cái lợi cái hại, cái được cái mất đối với dân chúng.
Trong sách “Quản Tử” thiên “Trị quốc”, Quản Trọng bàn rằng: “Trì quốc chi đạo, tất tiên phú dân. Dân phú tắc dịch trì dã, dân bần tắc nan trì dã”, ý nói đạo trị quốc trước tiên là làm cho dân giàu, dân giàu ắt sẽ dễ trị, dân nghèo ắt sẽ khó trị.
Dân mà giàu có thì sẽ an cư lạc nghiệp tại quê hương, trân quý và xem trọng sản nghiệp của gia đình mình. Khi dân đã an cư lạc nghiệp, xem trọng sản nghiệp của bản thân rồi thì sẽ cung kính với quan lại bên trên và tránh việc phạm tội. Khi dân đã kính trên và sợ phạm tội thì sẽ dễ dàng trị vì.
Còn khi quốc gia để dân chúng nghèo khó thì bách tính sẽ không thể an cư lạc nghiệp. Vậy nên họ coi nhẹ sản nghiệp gia đình. Khi dân chúng đã bất an, coi nhẹ sản nghiệp của gia đình thì sẽ dám mạo phạm thượng cấp và không sợ vi phạm pháp lệnh, như vậy sẽ rất khó cai trị.
Vậy nên một đất nước được trị vì tốt thường là giàu có, còn một đất nước rối loạn thường sẽ nghèo khó. Bởi vậy, trách nhiệm của bậc minh quân là làm cho dân chúng giàu có, an ổn.
Quản Trọng cũng đề xướng rằng: “Dĩ quy củ vi phương viên, tắc thành; dĩ pháp giáo trì dân, tắc an”, dùng phép tắc làm tiêu chuẩn thì ắt sẽ thành, dùng pháp luật trị dân thì ắt sẽ an. Ông còn nói: “Thiện nhân giả, nhân diệc thiện chi”, đối tốt với người, người đối tốt lại, “Thiện khí nghênh nhân, thân như huynh đệ; ác khí nghênh nhân, hại vu qua binh”, dùng thiện ý đối với người thì sẽ thân như anh em, dùng ác ý đối với người thì sẽ hại như việc binh đao. Đây đều là những lời vàng ngọc trong đạo làm người, xử thế, trị quốc của Quản Trọng, đáng giá để hậu nhân học tập.
Theo Epoch Times tiếng Trung
An Hòa biên tập
Xem thêm:
Mời xem video:
HĐGSNN vừa công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh giáo sư, phó giáo sư năm…
Ông Vương Đình Huệ có sai phạm trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; vi…
Ông Musk và ông Ramaswamy đã cùng chấp bút một bài xã luận đăng trên…
Quân đội Ukraine thông báo trong sáng Thứ Năm Nga đã tiến hành không kích…
Hai nước Việt Nam-Malaysia vừa nâng cấp quan hệ lên Đối tác Chiến lược toàn diện,…
UBND TP.HCM vừa đề xuất dùng ngân sách địa phương để xử lý nợ quá…