Nhà tôi là tiệm bán đồ xe gắn máy Honda và xe đạp vào hạng lớn ở quận Hòa Tân (Gò Công). Sau 30/4, nhà tôi phải dẹp tiệm. Má tôi giao nhà ở chợ lại cho chị tôi, rồi má về quê trông coi mấy mẫu ruộng đất.
Chính sách “cải tạo” rầm rộ sau năm 1975 (qua ba đợt) đã gây khốn đốn khắp thành thị cho đến nông thôn. Chỉ qua một đêm, có nhiều người trắng tay hoàn toàn. Các nhà sản xuất dẹp tiệm, công việc bị đình trệ. Nền kinh tế miền Nam, một thời là mơ ước của các nước Đông Nam Á, trượt dài xuống tận đáy.
Nông thôn miền Nam không dữ dội như ở thành phố mà nó âm ỉ kéo dài, đến nỗi người dân ở vựa lúa lớn nhất Việt Nam đã phải từ ăn cơm chuyển qua ăn độn khoai, độn bo bo,… trong suốt mấy năm trời. Thật là thê thảm.
Ở đây tôi chỉ đề cập đến chuyện nhà tôi dẹp tiệm thế nào thôi.
Năm 74-75, hàng tháng má tôi vẫn còn đi Sài Gòn bổ đồ về bán. Tiền tử tuất của anh Sáu tôi cộng với tiền bán lúa mỗi năm mấy trăm giạ, má tôi đều đổ vào tiệm. Buôn bán có đồng ra đồng vô, và cũng để cho con cái có việc làm. Lúc đó tôi mới 11-12 tuổi, ngoài việc đi học tôi còn vá xe đạp tại tiệm để kiếm tiền ăn hàng, tiêu vặt mỗi ngày. Vả lại tôi còn có học bổng của chính phủ, cộng thêm phần thưởng sách vở cuối năm nên việc đi học của tôi chẳng phải hao tốn gì hết.
Do thời cuộc chiến tranh, chuyện buôn bán nhà tôi có hơi xuống nhưng vẫn duy trì tốt. Đến đầu năm 75 thì tuột dốc hẳn. Nếu thiếu chút ít gì thì mấy anh chị xách chiếc Honda 67 chạy cái vèo lên chợ Gò Công là có ngay. Đồ đạc vơi dần trong khi chiến cuộc ngày càng biến động mạnh. Không ai còn tâm trí gì nghĩ đến chuyện làm ăn. Chúng tôi cũng học vội vội vàng vàng cho xong năm học.
Khi những chiếc xe jeep, xe nhà binh kéo cờ trắng chạy ra phía bờ biển là lúc vùng quê tôi mọi công việc làm ăn đều ngưng trệ hẳn.
Rồi tin kiểm kê, đánh tư sản mại bản từ thành phố dội về nông thôn như một trận cuồng phong cuốn đi tất cả những gì trên đường nó đi qua. Nhà tôi dọn dẹp những đồ phụ tùng xe đắt tiền. Ba tôi vào chùa ở với ông nội tôi, mang theo một số món phụ tùng xe honda, đem cất trong chùa.
Ngày ban Quân quản tới kiểm kê, đồ phụ tùng mới không còn bao nhiêu. Nhưng mọi việc không đơn giàn và không dừng lại đó. Những đồ phụ tùng hư nhưng chưa kịp dẹp bỏ cũng bị… kiểm kê từng món.
Ngày nhà tôi nhận giấy báo đóng thuế là một ngày thê thảm. Có bán hết cũng không đủ đóng cho chính quyền vì thuế đánh vào cả những món đồ hư chưa kip quẳng đi! Má tôi phải bán số lúa để dành cho mùa tới mới giải quyết xong vụ này.
Má tôi kêu chị tôi báo chính quyền là đóng cửa tiệm ngay, vì nếu còn mở cửa sẽ không có đủ tiền đóng thuế nữa. Chị tôi ở lại, cùng mấy đứa con giữ nhà, còn má tôi ở hẳn trên quê lo việc ruộng nương. Tôi học xong cấp 2 trường Hòa Tân, chuyển lên Gò Công để học tiếp. Bấy giờ tôi về quê ở với má để đi học cho gần, cũng là để phụ má tôi trong mọi công việc đồng áng và ruộng vườn.
Sau 75, thời cuộc thay đổi đã đưa gia đình tôi đi vào ngả rẽ. Trận cuồng phong “cải tạo” đã cuốn trôi mơ ước của má tôi về tương lai của các con, đẩy đám trẻ chúng tôi vào vòng xoáy bị kỳ thị và phân biệt vô lý…
Đăng lại từ Facebook Kieu Duong
Xem thêm:
Ông Trần Quân (John Chen) bị kết án vì cùng đồng phạm hỗ trợ ĐCSTQ…
Các cuộc biểu tình tại Trung Quốc trong quý 3 năm nay đã tăng 27%…
Ngoại trưởng Andrey Sibiga cho biết Ukraine sẽ không chấp thuận nhượng bất kỳ lãnh…
Trong cuốn sách "Dũng tràng tiểu phẩm" của tác giả Chu Quốc Trinh đời nhà…
Đâu đó và ngay đây, vẫn có những người với người vẫn tin và thương…
Đề xuất của Bộ Tư pháp Mỹ yêu cầu Google phải bán trình duyệt Chrome…