Thế chiến lần thứ nhất (1914 – 1918) là cuộc chiến khốc liệt và quy mô to lớn bậc nhất lịch sử nhân loại với 19 triệu người chết, chỉ đứng sau thế chiến lần thứ 2. Tháng 11 hàng năm, người ta kỷ niệm ngày kết thúc Thế chiến và nhớ tới nỗi đau của chiến tranh, còn tháng 12, người ta lại nhớ tới một sự kiện Giáng sinh lịch sử trong Thế chiến…
Thế chiến lần thứ nhất kết thúc mà không có một nước nào thật sự chiến thắng, tất cả đều tổn thất nặng nề về người và của. Sau chiến tranh, châu Âu lâm vào thời kỳ khủng hoảng.
Thế chiến lần thứ nhất nổ ra vào năm 1914 khi quân Đức mở mặt trận phía tây đánh chiếm Luxembourg, Bỉ rồi tiến đánh các thành phố công nghiệp lớn của Pháp.
Đến tháng 9/1914, liên quân Anh Pháp chặn đứng quân Đức ở sông Marne bên ngoài thủ đô Paris, quân Đức buộc phải rút lui và củng cố vị trí phòng thủ.
Liên quân Anh – Pháp – Bỉ tấn công vào các phòng tuyến quân Đức, cuộc chiến diễn ra vô cùng ác liệt trên từng tấc đất, hai bên đào những chiến hào vững chắc nhằm củng cố vị trí mà mình chiếm được. Những chiến hào của hai bên kéo dài từ biển Bắc Hải đến biên giới Pháp – Bỉ – Thụy Sĩ.
Ngày 7/12/1914, Giáo Hoàng cùng một số nước trung lập nỗ lực kêu gọi các bên tham chiến ngừng bắn vào dịp Giáng Sinh: “Hãy làm im tiếng súng để các thiên sứ hát vang trong đêm ấy”, nhưng đã bị khước từ.
Gần đến ngày lễ Giáng Sinh, 101 người phụ nữ Anh gửi thiệp mừng Giáng Sinh đến Đức và Áo với thông điệp hòa bình.
Vào dịp Giáng Sinh, vũ khí, đạn dược cung cấp ra chiến trường cũng ít hơn; thay vào đó là quà, thiệp Giáng sinh, đồ ăn và thức uống được chuyển đến.
Tại chiến hào ở Ypres, Saint-Yvon (Bỉ) nơi diễn ra cuộc chiến giữa quân Anh và quân Đức. Ngay trước ngày Giáng Sinh năm 1914, lính Đức đã trang hoàng mừng Giáng Sinh thật đẹp ngay trên chiến hào của mình. Những người lính Đức thắp nến trong chiến hào và treo trên cây thông Noel.
Bên chiến hào của mình, những người lính Anh thấy chiến hào quân Đức phát sáng thì rất cảnh giác tưởng như quân Đức sắp tấn công. Thế rồi họ nghe thấy âm thanh vang lên: “Stille Natch! Heilige Natch!” đấy chính là bài hát “Đêm thánh vô cùng” (Silent Night) của người Đức. Một người lính Anh hét to lên rằng: “Họ đang hát đấy, chúng ta nên hát theo đi!”, thế là bên chiến hào của mình những người lính anh cũng hát vang bài ca Giáng Sinh của mình.
Đây là giây phút khó quên nhất của những người lính, những bài Thánh ca đã thay thế tiếng súng tàn khốc trên chiến trường. Họ đã hát vang những bài Giáng Sinh như chưa từng được hát.
Những tiếng chào hỏi, chúc mừng Giáng Sinh vang lên trên các chiến hào của hai bên. Họ ra khỏi chiến hào của mình để sang chiến hào bên kia tặng nhau thức ăn, thuốc lá, rượu, nước uống; chia sẻ những kỷ vật về gia đình và người yêu. Giây phút ấy khái niệm “quân ta”, “quân địch” không còn nữa.
Ở một nơi chiến hào khác, đến ngày Giáng Sinh, lính Đức đã kêu gọi ngừng bắn. Trong khi các sĩ quan quân Anh chưa có phản ứng gì, một người lính Anh đã liều lĩnh đứng lên ló đầu ra khỏi công sự. Rồi cứ thế những người lính cả hai phía theo nhau ra khỏi chiến hào, cùng chạy đến bắt tay và chia sẻ với nhau từng điếu thuốc.
Một người lính Anh viết thư cho mẹ mình kể rằng:
“Con viết từ chiến hào. Bây giờ là 11 giờ sáng. Cạnh con là lò sưởi than, đối diện với con là hầm trú ẩn ẩm ướt có chứa rơm. Mặt đất trơn trợt trong giao thông hào, bên ngoài là băng giá. Con đang ngậm tẩu. Trong tẩu có thuốc. Dĩ nhiên, mẹ sẽ nói thế. Nhưng đừng vội. Trong tẩu là thuốc lá Đức. Ha ha, mẹ sẽ nói, là của một tù binh hoăc con tìm thấy trong một chiến hào chiếm được. Ồ không! Đó là quà của một người lính Đức. Vâng, một lính Đức còn sống đến từ chiến hào của anh ấy. Hôm qua lính Anh và Đức gặp và bắt tay nhau trên mặt trận giữa những chiến hào, và trao đổi vật kỷ niệm, và bắt tay nhau. Vâng, suốt ngày lễ Giáng sinh, và như con viết. Thật tuyệt vời!”.
Đại úy Robert Patrick Miles thuộc Trung đoàn Bộ binh “King’s Shropshire” của quân Anh thuật lại trong một bức thư được đăng trên tờ Daily Mail:
“Thứ Sáu chúng tôi có một lễ Giáng Sinh quá sức tưởng tượng. Một cuộc hưu chiến không chuẩn bị trước cũng không được cho phép nhưng hai bên đều thấu hiểu giá trị của nó và hết lòng tuân giữ đã xảy ra giữa chúng tôi và những người bạn trên mặt trận… Mọi việc bắt đầu từ đêm qua – một đêm sương giá lạnh buốt – ngay khi trời chập tối người Đức kêu chúng tôi, ‘Này, người Anh, chúc mừng Giáng sinh’. Dĩ nhiên chúng tôi cũng hét lớn đáp lễ, rồi nhiều người từ hai phía rời chiến hào của mình, bỏ lại vũ khí, gặp nhau trên khu trận địa giữa hai chiến tuyến. Một thỏa thuận được thiết lập, sẽ không bắn nhau cho đến nửa đêm. Những người lính giao lưu với nhau ở khu trung lập (chúng tôi không cho họ đến quá gần phòng tuyến), trao đổi thuốc lá rất thân thiện. Đêm đó không có tiếng súng nổ.”
Dọc theo chiến tuyến, cuộc đình chiến lan ra khắp nơi. Tại Ypres (Bỉ) binh lính Anh và Đức rời khỏi chiến hào tiến tới bắt tay nhau mừng Giáng Sinh, chia sẻ hình ảnh và kể cho nhau câu chuyện về gia đình. Bỗng một quả bóng bay lên từ phía người Đức, thế là binh lính Anh và Đức cùng lao đến quả bóng hồn nhiên như những đứa trẻ. Lập tức binh lính hai bên tự làm gôn rồi cùng đá bóng, kết quả trận cầu đẹp mắt đáng nhớ nhất trong cuộc đời người lính này, người Đức đã giành chiến thắng 3 – 2.
Nhưng đây không phải là trận đấu bóng duy nhất, theo hồi tướng của các binh sĩ thì có hàng chục trận bóng như thế dọc theo các chiến tuyến trong cuộc ngừng chiến Giáng Sinh lịch sử này.
Ngay sau lễ Giáng Sinh, binh sĩ hai bên lại được lệnh phải chấm dứt ngừng bắn, ai không tuân lệnh sẽ bị nghiêm trị, và cuộc chiến khốc liệt lại bắt đầu.
Sau này rất nhiều bài báo, tạp chí cũng như truyền hình đăng lại bài hồi tưởng của các binh sĩ tham gia cuộc ngừng chiến này, đối với họ đây là một kỷ niệm đẹp khó tin, một thời khắc yên ả hòa bình hiếm hoi trong cuộc chiến tàn khốc.
Ngày 21/11/2005, người cựu binh cuối cùng có mặt trong cuộc ngừng chiến Giáng Sinh lịch sử năm 1914 là Alfred Anderson qua đời ở Scotland thọ 109 tuổi.
Từ năm 2011, Liên đoàn bóng đá Anh và Ban tổ chức giải Ngoại hạng Anh hợp tác cho ra đời giải đấu Thỏa thuận ngừng bắn Giáng sinh (Christmas Truce Tournament), giải được tổ chức thường niên tại Ypres (Bỉ), ngay chính nơi xảy ra trận bóng vào ngày Giáng Sinh năm 1914.
Song song với giải đấu là những hoạt động cho thấy sự khốc liệt đáng sợ của chiến tranh, từ đó mà nhân loại có thể thấy được sự vô giá của hòa bình.
Trần Hưng
Xem thêm:
Mời xem video:
Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm thứ Năm (21/11) tuyên bố Moskva có quyền tấn…
Tổng thống đắc cử Donald Trump vào tối thứ Năm (21/11) đã công bố rằng…
Việc hiệu trưởng trường THCS Lê Văn Tám (xã Ia Piơr, huyện Chư Prông, tỉnh…
Một tiệm vàng ở huyện Yên Thành (tỉnh Nghệ An) huy động tiền gửi tiết…
Ông Trần Quân (John Chen) bị kết án vì cùng đồng phạm hỗ trợ ĐCSTQ…
Các cuộc biểu tình tại Trung Quốc trong quý 3 năm nay đã tăng 27%…