Tìm hiểu tên địa danh Đà Lạt qua tư liệu Hán Nôm

Trong những năm gần đây, vấn đề nghiên cứu địa danh học của các địa phương được nhiều nhà khoa học quan tâm. Đà Lạt, Lâm Đồng, Lâm Viên là những tên gọi tưởng chừng như rất quen thuộc. Tuy nhiên, vấn đề nguồn gốc, trích dẫn trên di tích, hay trên những văn bản cổ vẫn chưa được nhiều người biết đến. Đặc biệt, địa danh tên gọi Đà Lạt được triều đình nhà Nguyễn và nhân dân ghi như thế nào? Cái tên Đà Lạt chỉ thực sự được các nhà nghiên cứu quan tâm trên cơ sở tiếng Pháp và tiếng của người dân tộc bản địa trước đây. Mặc dù vậy, sự thiếu thống nhất trong việc sử dụng chữ Hán để ghi chép địa danh Đà Lạt cũng gây nhiều khó khăn cho các nhà nghiên cứu.

Theo bài viết “Về nguồn gốc địa danh Đà Lạt” của tác giả Thân Trọng Sơn: “Có ý kiến cho là Đà Lạt là cách đọc trại của Đa Lạc, nhiều niềm vui, viện dẫn địa danh của nhiều thôn xóm, khu phố của thành phố này như Đa Lợi, Đa Lộc, Đa Thành, Đa Thiện… Xem ra đây chỉ là một lý giải dễ dãi, hời hợt, thiếu chứng cứ, ít thuyết phục”. Tuy nhiên, khi nghiên cứu về mặt ý nghĩa của những địa danh này, chúng tôi nhận thấy tất cả tên gọi trên đều mang ý nghĩa rất sâu sắc. Về ý nghĩa của những địa danh này, chúng tôi sẽ giải thích ở phần sau. Để có căn cứ xác đáng, chúng tôi tập trung đi vào nghiên cứu chữ ghi trên di tích, hoành phi câu đối của một ngôi đình mang tên Đà Lạt, đình này được xây dựng năm Bảo Đại thứ 11.

Ảnh tài liệu Lâm Viên hành trình nhật ký có chữ Đa Lạc.

Từ ghi chép trong câu đối, hoành phi trên di tích

Có một ngôi đình mang tên địa danh Đà Lạt, đó là đình mà người dân quen gọi là đình Đà Lạt. Trên bức hoành phi treo trên gian chính giữa của ngôi đình ghi là “多樂亭” Đa Lạc đình (Đình Đa Lạc) người dân quen gọi là đình Đà Lạt. Ý nghĩa của ba chữ Hán trên nghĩa là nhiều niềm vui (Đa Lạc).

Ngoài hoành phi ra, thì hai cột chính của đình có cặp câu đối để ca ngợi sự nổi tiếng của Đà Lạt được lưu danh trong vũ trụ.

多樂大名垂宇宙 Đa Lạc đại danh thùy vũ trụ,
亭祠終古掛江山 Đình từ chung cổ quải giang sơn.

Dịch là:

Tiếng tăm lớn lao Đà Lạt lưu truyền trong vũ trụ,
Đình, nhà thờ từ xưa đến nay sông núi còn mãi khắc ghi.

Đến ghi chép trong chính sử và nhật ký

Trong Lâm Viên hành trình nhật ký của Đoàn Đình Duyệt có ghi chép về địa danh Đà Lạt. Trong văn bản này, Đoàn Đình Duyệt đã tám lần nhắc đến địa danh Đà Lạt nhưng chỉ dùng hai chữ (多洛). Đa là nhiều, Lạc là tên của con sông Lạc Thủy. Nếu giải thích như vậy, e rằng hai chữ Hán này chẳng ăn nhập gì với ý nghĩa của tên địa danh. Nên có thể tạm hiểu là ông Đoàn Đình Duyệt chỉ mượn âm đọc để ghi tên địa danh mà thôi.

Bản sách bằng chữ Hán Đại Nam thực lục chính biên đệ lục kỷ phụ biên thời vua Duy Tân thứ 10 (1916) có một đoạn nói về Đà Lạt như sau: “Tháng 3 thiết lập thị xã Lâm Viên. Lúc đầu vì địa thế Lâm Viên rộng rãi, khí hậu mát mẻ, tương lai có thể thành nơi đô hội đông đúc, đã đặt riêng làm một tỉnh. Lúc ấy nghĩ đặt thêm ở xứ Đà Lạt một thị xã và dinh thự nhà cửa…”. Hai chữ Đà Lạt ở đoạn này lại sử dụng hai chữ Hán là Đồ Lịch.

Tiếp sau bộ đệ lục kỷ thì đến bộ sách Đại Nam thực lục chính biên đệ thất kỷ cũng nhiều lần nhắc đến địa danh Đà Lạt: “Tòa Khâm sứ hội thương nói Công sứ Đà Lạt xin cấp quan phòng bằng gỗ (trong khắc Lâm Viên quan phòng)…”. Hai chữ Đà Lạt cũng được ghi là Đa Lạc.

Tuy nhiên, cũng trong sách này ở mục 0207, khi ghi chép về đường đi từ Ninh Chữ đi Đà Lạt lại được ghi chữ Hán là Đà Lặc. Mục 0398 lại sử dụng hai chữ Đa Lạc. Khi so sánh khí hậu Bà Nà sách này chép: “chỗ ấy khí hậu mát mẻ không kém Đà Lạt”. Hai chữ Đà Lạt ở đây cũng được phiên từ Đa Lạc. Đặc biệt, mục 0600 sách này dành hẳn một đoạn dài để ghi chép lời vua Khải Định khi vua nói chuyện với các bề tôi rằng: “Toàn quyền đại thần nghĩ muốn kinh lý đất Đà Lạt để xây dựng một thị xã lớn lệ vào Trung Kỳ mà không thuộc quyền quản trị của Công sứ Lâm Viên, lại nghĩ xây dựng một tuyến đường xe lửa để tiện thông hành. Trẫm cho rằng nếu kinh lý đất ấy thành công thì sẽ rất có ích. Vả lại trẫm từng nghe người phương Tây nói đất Đà Lạt khí hậu rất tốt, hơn hẳn Luzon”… Ngoài ra mục 0760 và 0998 cũng nhắc đến địa danh Đà Lạt và sử dụng cùng chữ Đa Lạc.

Tóm lại, hai bộ sách lớn của triều Nguyễn là Đại Nam thực lục chính biên đệ lục kỷ phụ biên và Đại Nam thực lục chính biên đệ thất kỷ dùng sáu chữ Hán khác nhau để phiên âm cho từ Đà Lạt. Đó là hai chữ Đồ Lịch, hai chữ Đà Lặc và hai chữ Đa Lạc.

Tổng kết từ di tích đến thư tịch chữ Hán của triều Nguyễn, chúng tôi nhận thấy sự khác nhau trong việc sử dụng các chữ Hán để phiên âm cho địa danh Đà Lạt. Ngay cả trong văn bản của triều Nguyễn cũng ghi chép không thống nhất, Đa Lạc, Đồ Lịch, Đà Lặc.

Như vậy, xét về cách phiên âm đã có sự khác nhau không hề nhỏ. Nguyên nhân vì sao lại có sự khác nhau này? Trước hết, ở đây người viết đã dùng hai chữ Hán có âm đọc gần giống với từ Đà Lạt khi đọc cho thuận. Thứ hai, vì chưa có một sự chuẩn hóa từ cho địa danh này nên không có một chữ chuẩn để sử dụng.

Trở lại những địa danh như Đa Lợi, Đa Lộc, Đa Thành, Đa Thiện… tất cả chữ đầu đều là chữ Đa (có nghĩa là nhiều), ví như Đa Lợi (nhiều lợi), Đa Lộc (nhiều lộc), Đa Thành (nhiều thành ý), Đa Thiện (nhiều điều thiện)… có lẽ những địa danh này bắt nguồn từ chữ Đa trong từ Đa Lạc là hợp lý hơn cả. Những địa danh trên đều mang ý nghĩa sâu sắc mà các vị tiền bối đã gửi gắm vào chữ nghĩa, ngưỡng vọng những điều tốt đẹp cho con cháu mai sau. Đà Lạt, dù có được sử dụng nhiều chữ Hán khác nhau để phiên âm đọc, nhưng thành phố có nhiều niềm vui, giống như lời tiên đoán của vua Duy Tân “đất ấy tương lai có thể thành nơi đô hội đông đúc”, và ngày nay, Đà Lạt thực sự đã trở thành nơi hội tụ đông đúc, là thành phố được sánh như một tiểu Paris, được lưu danh cùng với sông núi, trường tồn cũng vũ trụ. Vậy, có tên nào đẹp hơn nữa khi Đa Lạc, Đồ Lịch, Đà Lặc cuối cũng cũng chỉ để ghi tên Đà Lạt – Thành phố có nhiều niềm vui.

Nguyễn Huy Khuyến
Đăng trên Báo Lâm Đồng

Xem thêm:

Mời xem video:

Nguyễn Huy Khuyến

Published by
Nguyễn Huy Khuyến
Tags: Đà Lạt

Recent Posts

Hungary sẽ triển khai hệ thống phòng không gần biên giới của Ukraine

Trước tình hình căng thẳng, Hungary đang lên kế hoạch triển khai hệ thống phòng…

17 phút ago

Quân đội Mỹ sẵn sàng sử dụng vũ khí hạt nhân nếu cần

Chuẩn Đô đốc Thomas Buchanan tuyên bố rằng Mỹ sẵn sàng sử dụng vũ khí…

24 phút ago

Nga bắn tên lửa tầm trung, không phải ICBM — Tổng thống Putin

Putin: Nếu Mỹ muốn chiến thì Nga cũng phải theo, và tên lửa bắn vào…

2 giờ ago

Một ứng viên xin rút công nhận chức danh phó giáo sư năm 2024

HĐGSNN vừa công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh giáo sư, phó giáo sư năm…

8 giờ ago

Ông Vương Đình Huệ bị kỷ luật cảnh cáo

Ông Vương Đình Huệ có sai phạm trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; vi…

9 giờ ago

Ông Musk và ông Ramaswamy viết bài xã luận trên WSJ vạch ra tầm nhìn về DOGE

Ông Musk và ông Ramaswamy đã cùng chấp bút một bài xã luận đăng trên…

9 giờ ago