Những làn điệu quan họ đượm tình, những ngôi chùa, những lễ hội, những làng nghề truyền thống, và con sông Cầu đã làm nên một xứ Kinh Bắc rất nên thơ. Bắc Ninh là thế…
Nói đến Bắc Ninh không thể không nói tới Luy Lâu, một thủ phủ nổi tiếng của đất Việt thời cổ. Ngày nay, vết tích của Luy Lâu chỉ còn một đoạn tường thành nhỏ còn sót lại tại xã Thanh Khương, Thuận Thành, Bắc Ninh. Nhưng xưa kia đây từng là trung tâm văn hóa của cả một khu vực rộng lớn.
Luy Lâu là lỵ sở địa phương của quận Giao Chỉ, và cũng là thủ phủ của cả Giao Châu, một châu phủ bao trùm vùng đất miền Bắc Việt Nam ngày nay mà một phần nhỏ phía Nam Trung Quốc. Luy Lâu thời Bắc thuộc không chỉ là trung tâm chính trị, mà còn là trung tâm kinh tế – thương mại, trung tâm văn hóa – tôn giáo lớn và cổ xưa nhất của nước Việt.
Luy Lâu nằm ở khu vực giao nhau giữa sông Dâu và sông Đuống, giữa trung tâm đồng bằng châu thổ Bắc Bộ. Trong đó, Sông Dâu giữ vai trò trục không gian kiến trúc chính. Các công trình của đô thị chủ yếu dựng đặt, xây cất bên bờ Sông Dâu. Trung tâm đô thị xưa kia là tòa thành Luy Lâu. Ngoài thành, ở hai phía Nam – Bắc chủ yếu là nhà ở, dinh thự, lầu gác của quan lại, quý tộc mà ngày nay vẫn còn những dấu tích khảo cổ và địa danh Văn Quan, Phương Quan, Mã Quan, Cánh Sở…
Theo các nguồn sử liệu, thời bấy giờ, các nước phương Tây và phương Nam muốn buôn bán, giao thiệp với Trung Hoa đều phải theo con đường Giao Chỉ. Từ trước Công Nguyên, và nhất là từ thế kỷ 2-3. trở đi, ngày càng có nhiều thương nhân nước ngoài đến buôn bán ở Giao Châu và thuyền buôn của họ thường xuyên có mặt ở Luy Lâu. Những chứng tích vật chất và các nguồn tài liệu ở Luy Lâu đã khẳng định Luy Lâu thực sự là trung tâm thương mại lớn, một đô thị cảng mang tính quốc tế của nước ta thời xưa.
Tại đây, đạo Nho và văn hoá Hán Đường đã được truyền bá liên tục vào nước ta, mở đầu là nhờ Sĩ Nhiếp. Ngoài ra Luy Lâu còn là trung tâm Phật giáo lớn và cổ xưa nhất của người Việt. Hệ thống di tích, chùa tháp quần tụ dày đặc ở đây với trung tâm là chùa Dâu, để lại nhiều nguồn di vật, tài liệu như tượng pháp, bia ký, bản khắc…
Văn hoá Việt Nam cổ kết tinh với văn hoá Phật – Ấn ở Nam Á; văn hoá Nho giáo, Đạo giáo ở Đông Á để rồi hình thành bản sắc văn hoá Kinh Việt.
Vào buổi đầu Công Nguyên, các tăng sỹ Ấn Độ đã tới đây truyền bá đạo Phật. Sau đó, chùa Dâu trở thành trung tâm của Phật giáo, nơi tập trung của nhiều cao tăng đến để nghiên cứu, biên soạn, phiên dịch kinh Phật.
Chùa Dâu được xây dựng lại vào năm 1313 và trùng tu nhiều lần qua các thế kỷ tiếp theo. Vua Trần Anh Tông đã sai trạng nguyên Mạc Đĩnh Chi về kiến thiết lại chùa Dâu thành chùa trăm gian, tháp chín tầng, cầu chín nhịp. Hiện nay, ở tòa thượng điện, chỉ còn sót lại vài mảng chạm khắc thời nhà Trần và thời nhà Lê.
Cũng như nhiều chùa chiền trên đất Việt, kiến trúc chùa được xây dựng theo kiểu “nội công ngoại quốc”. Bố cục mặt bằng chùa có dạng phía trong hình chữ Công (工), còn phía ngoài có khung bao quanh như chữ khẩu (口) hay như ở chữ Quốc (國). Chùa bao gồm: tiền đường, thiêu hương và thượng điện, hậu đường.
Giữa sân của chùa trải rộng là tháp Hòa Phong. Tháp xây bằng loại gạch cỡ lớn ngày xưa, được nung thủ công tới độ có màu sẫm già của vại sành. Thời gian đã lấy đi sáu tầng trên của tháp, nay chỉ còn ba tầng dưới, cao khoảng 17 m nhưng vẫn uy nghi, vững chãi thế đứng. Mặt trước tầng 2 có gắn bảng đá khắc chữ “Hòa Phong tháp”. Chân tháp vuông, mỗi cạnh gần 7 m. Tầng dưới có 4 cửa vòm. Trong tháp treo một quả chuông đồng đúc năm 1793 và một chiếc khánh đúc năm 1817.
Đến với chùa Dâu dân gian vẫn lưu truyền bài thơ, như một lời nhắc nhở:
“Dù ai buôn bán trăm nghề,
Nhớ ngày mồng tám thì về hội Dâu”
Dân ca quan họ là một trong những làn điệu dân ca tiêu biểu của vùng châu thổ sông Hồng ở miền Bắc Việt Nam. Nó được hình thành và phát triển ở vùng văn hóa Kinh Bắc xưa, đặc biệt là khu vực ranh giới hai tỉnh Bắc Giang và Bắc Ninh ngày nay. Nơi ranh giới này được ngăn cách bởi sông Cầu, còn được mệnh danh là “dòng sông quan họ”. Dân ca quan họ đã trở thành tài sản văn hoá chung của dân tộc Việt, tiêu biểu cho loại hình dân ca trữ tình Bắc Bộ.
Quan họ truyền thống không có nhạc đệm và chủ yếu hát đôi giữa liền anh và liền chị vào dịp lễ hội xuân thu nhị kỳ ở các làng quê. Đôi liền anh đối đáp với đôi liền chị được gọi là hát hội, hát canh; hát cả nhóm liền anh đối đáp cùng cả nhóm liền chị được gọi là hát chúc, hát mừng.
Văn hóa trong hát quan họ là cách ứng xử thật khéo léo, tế nhị, kín đáo và mang đầy ý nghĩa như các làn điệu mời nước, mời trầu thật chân tình, nồng thắm. Người hát quan họ uống chén rượu vui bầu, vui bạn, rồi ca xướng cho tàn đêm rạng ngày, rồi hát các làn điệu chia tay giã bạn đầy quyến luyến. Giã hội rồi mà quan họ vẫn còn ngậm ngùi tiếc nhớ “Người về tôi vẫn ngậm ngùi, để thương, để nhớ…”. Để rồi kết thúc bằng những lời hứa hẹn tha thiết trong mùa hội tới. Ngày nay, hát quan họ đã cách tân hơn, có âm nhạc đệm, tiêu chuẩn cũng không còn khắt khe như trước.
Nói đến quan họ thì cũng không thể không nhắc đến hội Lim. Đây là một lễ hội dân gian được tổ chức tại trấn Lim, Tiên Du, Bắc Ninh. Nổi bật nhất trong hội Lim là màn thi hát quan họ. Hội thi hát này diễn ra khoảng gần trưa, được tổ chức theo hình thức du thuyền hát quan họ. Tại một hồ nước nhỏ sát bên cánh đồng làng Lim, chiếc thuyền hình rồng được sơn son thiếp vàng rời bến trong những câu hát đậm đà nghĩa tình.
Bắc Ninh có nhiều làng nghề, như gỗ Đồng Kỵ, tranh Đông Hồ, v.v.. Nói về làng tranh Đông Hồ, người làng vẫn truyền lại mấy câu ca rằng:
“Hỡi cô thắt áo lưng xanh
Có về làng Mái với anh thì về
Làng Mái có lịch có lề
Có sông tắm mát có nghề làm tranh”
Làng tranh Đông Hồ xưa là làng nghề nổi tiếng về tranh dân gian, thuộc xã Song Hồ, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh, cách Hà Nội chừng trên 35 km. Làng Đông Hồ nằm trên bờ nam sông Đuống, cạnh bến đò Hồ, nay là cầu Hồ. Làng này xưa còn gọi là “làng Mái”. Làng nằm ngay sát bờ sông Đuống, ngày xưa chỉ cách sông một con đê, nên mới gọi là “Có sông tắm mát có nghề làm tranh”. Ngày nay, do sự bồi lấp của dòng sông nên từ đê ra đến mép nước cách khá xa.
Còn “làng Mái có lịch có lề” thì nghĩa là gì? Tục ngữ có câu: giấy rách phải giữ lấy lề. Chữ “lề” ở đây tượng trưng cho những quy tắc đạo đức của người xưa, rất trọng danh dự, khí tiết. Quan niệm người xưa cho rằng làm nghề thì phải giữ lấy chuẩn mực đạo đức, chữ tín và sự liêm khiết, có như vậy thì mới có thể sáng tạo ra những tác phẩm có giá trị.
Nói đến Bắc Ninh còn phải nói đến gỗ Đồng Kỵ. Đồng Kỵ thuộc thị xã Từ Sơn, có làng nghề đồ gỗ mĩ nghệ truyền thống nổi tiếng của Việt Nam, trước đây ít lâu vẫn được cho là làng nghề giàu nhất Việt Nam.
Nghề làm gỗ mỹ nghệ ở Đồng Kỵ có từ bao giờ thì hầu như người dân không rõ. Chỉ biết những đứa trẻ nơi đây mới lớn đã được bố mẹ dạy cho cách đục đẽo, chạm trổ. Hiện nay, làng vẫn giữ được ngôi đền cổ hơn 300 năm tuổi, được làm bằng gỗ với những đường nét chạm khắc tinh xảo, do 36 người thợ của làng tạo nên. Ngày trước, người thợ Đồng Kỵ đi làm ở khắp nơi, ai thuê gì làm đó, từ giường tủ, bàn ghế đến cả chạm khắc tượng… Đến đầu những năm 1990, khi nhu cầu của thị trường ngày càng tăng, người làng mới bắt đầu mở cơ sở sản xuất gỗ mỹ nghệ ngay tại làng.
Làng Đồng Kỵ nổi tiếng với những sản phẩm gỗ như tủ chè, bàn ghế, gụ, sập… Với những chi tiết chạm khắc vô cùng tinh xảo, mẫu mã đẹp nên đồ gỗ của làng nổi tiếng khắp gần xa. Đồ gỗ Đồng Kỵ còn được chế tác từ nhiều loại gỗ quỹ như hương, trắc, sưa, vô cùng giá trị.
Dù có khá nhiều nơi làm bánh tẻ nổi tiếng như Phú Nhi, hay Hưng Yên, nhưng không có bánh tẻ nào nổi tiếng như bánh tẻ làng Chờ ở Bắc Ninh. Bánh tẻ làng Chờ luôn mang một hương vị đặc trưng đậm đà của đặc sản Miền Bắc. Bánh được làm từ bột gạo tẻ, gói ngoài bằng lá dong và được luộc chín. Bánh tẻ chấm với nước mắm rắc hạt tiêu xay với chanh, tỏi, ớt hoặc chấm với tương ớt. Ở một số nơi người ta còn dùng thêm món chả gà và dầu cà cuống trộn với nước mắm để tăng thêm hương vị của món bánh.
Bánh phu thê Đình Bảng cũng là một đặc sản nổi tiếng. Bánh phu thê khi ăn sẽ thấy độ dẻo của nếp, độ giòn của đu đủ, độ ngậy của đỗ xanh, vị béo của cùi dừa, vị bùi của hạt sen, vị ngọt của đường… tất cả hòa quyện vào nhau làm thành hương vị rất riêng của bánh. Nhân bánh hình tròn nằm trong vỏ bánh bẻ khuôn hình vuông bằng lá dừa, như biểu tượng vuông tròn của triết lý âm dương. Người ta dàn mỏng bột lên khuôn, đặt nhân vào một đầu rồi đắp phần bột còn lại lên nhân, thể hiện ân nghĩa phu thê.
Rượu làng Vân là một thứ đặc sản Bắc Ninh không thể thiếu vào các dịp lễ hội, tết hay làm quà. Rượu được nấu bằng thứ gạo nếp thơm ngon, ngoài ra còn làm bằng sắn khô hoặc tươi, cộng thêm men gia truyền là 35 vị thuốc bắc quý hiếm và nghệ thuật ngâm ủ tài tình của người dân nơi đây. Rượu uống êm, vị đậm, uống xong có cảm giác lâm li hương vị đặc biệt trong họng và không đau đầu. Khi cầm chai rượu lắc mạnh, ngay lập tức có rất nhiều bọt tăm li ti nổi lên rồi tan dần như pháo bông, pháo hoa. Tất cả tạo nên nét riêng có của loại rượu mang thương hiệu làng Vân vốn tồn tại từ hàng chục thế kỷ qua, được mọi người trong và ngoài nước biết đến.
Thanh Phong
Xem thêm:
Mời xem video: Có bao giờ bạn tự hỏi nhà tù nào lớn nhất đời người?
Ông Trần Quân (John Chen) bị kết án vì cùng đồng phạm hỗ trợ ĐCSTQ…
Các cuộc biểu tình tại Trung Quốc trong quý 3 năm nay đã tăng 27%…
Ngoại trưởng Andrey Sibiga cho biết Ukraine sẽ không chấp thuận nhượng bất kỳ lãnh…
Trong cuốn sách "Dũng tràng tiểu phẩm" của tác giả Chu Quốc Trinh đời nhà…
Đâu đó và ngay đây, vẫn có những người với người vẫn tin và thương…
Đề xuất của Bộ Tư pháp Mỹ yêu cầu Google phải bán trình duyệt Chrome…