Ishikawa Mariko
Nguyễn Sơn Hùng giới thiệu
Trong quá trình tìm hiểu tinh thần võ sĩ đạo của Nhật Bản tình cờ người viết đọc được quyển sách “Tinh Thần Võ Sĩ Đạo Hiện Vẫn Còn Sống” của nữ tác giả Ishikawa Mariko xuất bản năm 2008.
Tác giả thuật lại những điều của bà nội truyền dạy cho tác giả từ bé đến 12 tuổi. Bà nội tác giả sinh năm 1889 (Minh Trị thứ 22), trước chiến tranh Nhật Thanh bùng nổ 5 năm, mất năm 1978 (Chiêu Hòa thứ 53), lúc tác giả 12 tuổi. Như vậy bà nội tác giả sống qua 3 đời thiên hoàng: Minh Trị, Đại Chính và Chiêu Hòa, nghĩa là đã trải nghiệm chiến tranh Nhật Thanh, Nhật Nga, Đại thảm họa động đất Kantô năm 1923, Oanh tạc Tokyo năm 1944 trong trận chiến Thái Bình Dương. Tổ tiên (cụ thể là cha của bà nội) của tác giả là phiên sĩ(1) của phiên Yonezawa nhưng thời ông nội, sau Minh Trị Duy Tân kinh doanh tiệm buôn bán y phục Nhật Bản ở Fukushima. Sau khi ông bà nội kết hôn không bao lâu, tiệm bị phá sản và sau đó dời lên Tokyo sinh sống.
Tác giả đã lập mục lục quyển sách rất cụ thể và chi tiết nên xem qua mục lục người viết tin rằng quý độc giả có thể nắm được nội dung và giá trị ích lợi của sách. Với mục đích giới thiệu đến độc giả những ý tưởng hữu ích tham khảo trong việc hiểu thêm người Nhật Bản, việc tự tu thân và giáo dục con cháu của chúng ta, người viết vội dịch mục lục sang tiếng Việt hầu sớm giới thiệu đến quý độc giả. Người viết không bình phẩm các ý tưởng tác giả đã trình bày vì nghĩ rằng việc làm này mất nhiều thời giờ và không đem lại kết quả nhiều. Bởi vì cách sống là do nhận thức, sở thích và cơ duyên của mỗi người; để thuyết phục người khác thay đổi cách sống không phải là việc dễ làm trong một bài viết ngắn.
Lời dạy của bà tôi (1): Nhìn tư thế, vóc dáng thì biết được người đó tiếp nhận cuộc sống họ như thế nào.
(1) Trước hết bắt đầu từ hình dáng, tư thế.
(2) Bà tôi lúc nào cũng giữ tư thế của mình.
(3) Tư thế tốt nuôi dưỡng tốt cơ thể và tinh thần.
(4) Cử chỉ chào hỏi lịch sự đúng cách bằng vạn lời nói.
Lời dạy của bà tôi (2):Hãy luôn giữ gương mặt cho tốt. Làm được vậy, điều tốt sẽ đến đó con!
(5) Không nên bộc lộ tâm tình lộ liễu.
(6) Phúc đến cửa, nơi có nụ cười là sự thật.
(7) Vật phản chiếu trên gương là tâm chúng ta.
(8) Động tác cười giúp chúng ta cân bằng tình cảm và tinh thần.
Lời dạy của bà tôi (3): Mắt trừng to hoặc mắt lạnh lùng là điều xấu hổ không nên làm. Đừng làm bẩn bản thân mình qua lời nói.
(9) Người đẹp không là do đôi mắt.
(10) Để tầm mắt ở xa là điều căn bản.
(11) Lời nói chi phối cách giữ tâm của chúng ta.
(12) Kết quả của lời nói xấu người khác chính là hướng đến tâm chúng ta chớ không phải người khác.
(13) Ý tưởng phải rõ ràng và giải thích qua hành động.
(14) Lời nói đầy thành ý có giá trị và hiệu quả hơn là nói phóng đại.
Lời dạy của bà tôi (4): Trang sức cho nổi bật là chứng cớ cho thấy không có lòng tự tin vào bản thân.
(15) Bất kỳ y phục như thế nào cũng tùy vào bên trong của người mặc.
(16) Y phục vào ngày lễ (hôn nhân, tang chế…) là lễ nghi đối với gia đình.
(17) Đồ vật thượng phẩm chỉ nên có một ít.
(18) Những lúc quyết định thắng bại nên để khí khái vào y phục.
(19) Tại sao võ gia (nhà võ) xem trọng giản dị và thành thật.
(20) Phẩm cách là nội dung của đồ chứa.
Lời dạy của bà tôi (5): Người mà mọi người vui vẻ sảng khoái dùng bữa chung là người biết sử dụng đũa đúng cách và đẹp.
(21) Cách sử dụng đũa nuôi dưỡng, trau dồi cử chỉ hành vi đẹp.
(22) Không được quá câu nệ vào phép lịch sự.
Lời dạy của bà tôi (6): Đối với người trên hãy kính trọng, đối với người dưới hãy quan tâm để ý tâm tình của họ.
(23) Tôi bị quở trách vì đối xử không tốt với người giúp việc.
(24) Không được lầm lẫn giữa thành ý và a dua nịnh hót.
Lời dạy của bà tôi (7): Hãy trân trọng những gì không thấy được bằng mắt và xem chúng như tài sản.
(25) Lòng hiếu kỳ, muốn tìm hiểu là quan trọng.
(26) Hãy học lịch sử.
(27) Hãy nắm rõ mặt sau của sự vật.
Lời dạy của bà tôi (8): Học thêm nghệ thuật hoặc các môn khác như thư đạo, trà đạo… không ngoài mục đích tập luyện tính bình tĩnh.
(28) Ý nghĩa thật sự của việc học thêm các môn cắm hoa, trà đạo, thư đạo…
(29) Không nên tìm đánh giá ở người khác, hãy tự đánh giá. (Không phải học để được khen mà tập luyện cho đến mức tự thấy thỏa mãn hài lòng.)
(30) Mục đích cuối cùng là làm tâm thanh khiết trong sạch.
Lời dạy của bà tôi (9): Hành vi, cử chỉ, thái độ là biểu hiện hình dáng thật sự của bản thân.
(31) Chính hành động biểu hiện bản chất của con người.
(32) Thấy người khốn khó mà làm ngơ không giúp là hạ thấp khả năng và đánh mất lương tâm mình. (Giúp người khác là cần có khả năng, lực lượng. Làm ngơ không giúp là biểu hiện khả năng mình yếu kém, không đủ tự tin).
(33) Năng lực ứng đối lúc bình thường và khi bất thường
Lời dạy của bà tôi (10): Hãy để hết mình lắng nghe lời người khác đừng để nghe rồi cho qua tai.
(34) Hãy đọc chân ý của người nói hơn là chỉ căn cứ vào lời nói.
(35) Tránh né ý kiến nghiêm khắc là lãng phí.
(36) Hãy thử suy nghĩ theo lập trường của đối tượng.
Lời dạy của bà tôi (11): Hãy tập thói quen sau, trước khi định nói gì hãy khoan nói trong khoảng khắc thời gian của một hơi thở.
(37) Vội vàng phát ngôn là chứng cớ không có tự tin.
(38) Trao đổi email trong quan hệ thân thuộc cũng cần giữ lễ.
Lời dạy của bà tôi (12): Khóc trước mặt người khác là thái độ khiếp nhược yếu đuối, nhất định không được như vậy.
(39) Khóc để qua chuyện là vô trách nhiệm.
(40) Làm cho người khác tội nghiệp một cách thiếu suy nghĩ là thất lễ.
(41) Khóc để được tha thứ sẽ đánh mất lòng tin cậy của người đối với mình.
(42) Tại sao không được khóc. (Tinh thần võ sĩ đạo là nuôi dưỡng tinh thần nhẫn nhịn không nói lời bất bình bất mãn, đồng thời không biểu lộ tâm tình của mình ra ngoài để tổn hại an lạc của đối tượng.)
Lời dạy của bà tôi (13): Hãy thử tập luyện không tranh cãi vô ích xem sao.
(43) Không phải lảng tránh mà làm đối tượng không chú ý để tâm đến vấn đề và tránh được tranh cãi vô ích.
(44) Nhượng bộ là tiến tới một bước.
(45) Hợp tác khác với xu nịnh.
(46) Lý tưởng cuối cùng của tinh thần võ sĩ đạo là hòa bình.
Lời dạy của bà tôi (14): Trước khi trách người hãy xem xét lại mình.
(47) Xin lỗi cần nhanh chóng, công minh chính đại, và thật lòng.
(48) Không cần biện bạch. Đó là cách dạy con của bậc cha mẹ biết nghĩ đến tương lai của con cái.
(49) Không đổ lỗi cho đời.
(50) Công lao của nội trợ ở thời đại hiện nay.
Lời dạy của bà tôi (15): Dù chồng có say rượu về nhà, cũng nói cám ơn chồng đã khổ cực (gokurôsama deshita).
(51) Chính bởi vì là thời đại chồng vợ đều phải ra ngoài làm việc nên lời cảm ơn càng cần thiết. (Lời cảm ơn của người vợ xây dựng sự quan tâm và tin tưởng lẫn nhau.)
(52) Dù có nổi giận nhưng cuối cùng là nhẫn nhịn.
(53) Trợ lực của nội trợ là đáng tôn kính. (Công lao của nội trợ là nhường chồng một bước. Thay vì “hy sinh” hãy nghĩ là “cống hiến” hoặc “hiến thân” để gia đình hạnh phúc.)
Lời dạy của bà tôi (16): Nếu nghĩ hơn thiệt (được mất) thì không thể nào phục vụ hoặc cống hiến được.
(54) Người cống hiến là người được hưởng.
(55) Chuẩn bị sẵn sàng cùng chồng đi suốt cuộc đời.
Lời dạy của bà tôi (17): Nếu chỉ để được thù lao thì không thể nào tròn bổn phận.
(56) Khi được bảo làm thì làm ngay. (Bà dạy cháu và tập cho thành thói quen)
(57) Khi xong việc hãy tự nghĩ việc khác mà làm không chờ bảo mới làm. (Bà dạy cháu và tập cho thành thói quen)
Lời dạy của bà tôi (18): “Lợi hơn” chỉ là trong lúc đó, đức mới là báu vật cả đời.
(58) Phán đoán bằng chỉ tiêu “được mất” sẽ đưa đến việc “thất đức”.
(59) Dù được thành công cũng nên luôn nhớ “đó là nhờ ơn giúp đỡ của những người chung quanh” (okagesama).
(60) Hãy làm việc vì người, vì đời như hít thở.
Lời dạy của bà tôi (19): Làm việc là sử dụng tài năng của mình để giúp ích cho đời.
(61) Tài năng, ai cũng được trời ban phú.
(62) Hãy thực hiện chí hướng của mình, tiền tài sẽ theo sau.
(63) Làm việc tốt giống như tạo thêm đèn trên đường đi trong đêm tối cho mình.
(64) Đức là gốc, tiền tài là ngọn.
(65) Khắc phục yếu điểm của bản thân
Lời dạy của bà tôi (20): Hãy tập có tinh thần cường mạnh và dũng cảm.
(66) Trước hết hãy biết bản thân yếu đuối đến mức độ nào. (Muốn mạnh thì phải nắm rõ điểm yếu của mình trước tiên).
(67) Có những thứ té ngã mới thu lượm được.
Lời dạy của bà tôi (21): Nói láo là biểu hiện của lòng yếu đuối.
(68) Nói láo sẽ sinh ra một chuỗi việc xấu xa tiếp nối nhau.
(69) Trốn tránh, lánh nạn khi gặp khó khăn sẽ làm tinh thần trở nên yếu đuối.
(70) Từ nguyên của “chính trực” là “danh dự”. (Tinh thần võ sĩ đạo xem trọng danh dự hơn mạng sống. Quân tử không nói hai lời. Từ nguyên của Latin và tiếng Đức)
Lời dạy của bà tôi (22): Mang cảm tình xấu cho đến kiếp sau, chính điều này mới là tổn thất lớn cho bản thân.
(71) Không phát tiết tức giận ra ngoài.
(72) Đối với vết thương lòng, phải tự mình chữa trị lấy.
(73) Dù gặp khó khăn cũng hãy nghĩ rằng trời muốn mình trở nên quật cường hơn.
Lời dạy của bà tôi (23): Trước hết hãy hiên ngang tiếp nhận vận mệnh. Giải quyết thế nào là sau đó.
(74) Thật đáng thương cho những người chưa từng trải qua khó nhọc.
(75) Lúc khốn khổ, hãy nghĩ: “Rồi mùa xuân sẽ đến”.
Lời dạy của bà tôi (24): Hãy giữ niềm tin từ đầu đến cuối. Hãy có can đảm thực hiện cho đến thành công.
(76) Hãy đi bằng cách đi của mình.
(77) Khi bối rối không biết phải làm sao thì hỏi ý kiến của người đáng tin cậy nhưng cuối cùng bản thân phải tự quyết định.
(78) Quan tâm lưu ý sống tốt, sống đẹp là việc suốt cả đời.
(79) Con người không biết chết lúc nào, hãy sống trọn vẹn mỗi ngày để ngày mai có chết cũng không ân hận.
(80) Lúc quan trọng trong đời người cần phải gan dạ, can đảm dù là phụ nữ.
(81) Có thực hiện mới có thành công, không làm thì làm sao có thành công.
(82) Lời của Tokugawa Ieyasu(3): “Đời người giống như đi đường xa mà vai mang vác vật nặng. Không nên gấp rút vội vàng. Nếu thường nghĩ đến lúc nghèo khó thì không cảm thấy thiếu thốn. Khi lòng phát sinh ham muốn hãy nhớ lúc khốn cùng. Nhẫn nại là nền tảng của bình yên trường cửu, mà tức giận mới chính là thù địch. Nếu chỉ biết thắng mà không biết bại thì có lúc nguy hại sẽ đến bản thân. Đừng trách người, hãy trách mình. Chưa đến mức tốt hơn vượt quá mức.”
Các ý tưởng trình bày trong sách phần lớn giống như các ý tưởng trong các sách cổ điển viết về tinh thần võ sĩ đạo của Nhật Bản, thí dụ như Diệp Ẩn của Yamamoto Jôchô(4), Bushido – The soul of Japan (Võ Sĩ Đạo – Linh Hồn của Nhật Bản) của Nitobe Inazô(5), Võ Sĩ Đạo của Yamaoka Tesshyu(6). Tuy nhiên, tác giả trình bày cụ thể và dễ hiểu vì chính tác giả đã thực hiện cụ thể trong cuộc sống của mình.
Phần cuối của sách Võ Sĩ Đạo của Yamaoka Tesshyu đã cho biết tinh thần võ sĩ đạo quan trọng đối với cả nam lẫn nữ. Trong phần bình luận của Katsu Kaishyu cũng đã đánh giá “Đại nghiệp của các kiệt sĩ (nhân vật xuất chúng) Nhật Bản là nhờ công sức của phụ nữ Nhật Bản”. Lời này thật không quá đáng.
Cảm tưởng của người viết khi đọc sách này là phải chăng tinh thần võ sĩ đạo là tinh thần ý thức rất trọng MỸ, nghĩa là SỐNG ĐẸP; để được MỸ chắc chắn không thể thiếu CHÂN và THIỆN. Trong khi đó có người của dân tộc khác xem trọng THIỆN hoặc CHÂN nhưng ít trọng về MỸ chăng?
Nguyễn Sơn Hùng
Ngày 10/10/2021
Đăng lại từ bài viết cùng tên
Đăng trên Forum Diễn Đàn (Diendan.org)
Creative Commons BY-NC-ND 3.0 France
Ghi chú:
1. Phiên sĩ: võ sĩ (samurai) của phiên. Gia thần (bề tôi) phục vụ cho phiên chủ (lãnh chúa), có thể xem là quan chức của phiên. Phiên là các vùng địa phương có thể xem là các nước nhỏ trong Nhật Bản được thiên hoàng hoặc Tướng quân (tương tự như chúa Trịnh, chúa Nguyễn ở nước ta) ban phong. Trước thời Minh Trị Duy Tân, Nhật Bản có khoảng 300 phiên. Sau Minh Trị Duy Tân, phiên được chuyển hoặc kết hợp thành huyện (ken trong tiếng Nhật) tương đương tỉnh ở nước ta. Hiện nay Nhật Bản được chia ra làm 1 đô (Tokyo) , 2 phủ Kyoto và Osaka) , 1 đạo (Hokkaido) và 43 huyện.
2. Đồ chứa: nguyên văn là đồ vật chứa đựng (khí của khí cụ), có thể hiểu là cơ sở, nền tảng, cốt cách để dựng lên hoặc tích chứa tinh thần võ sĩ đạo.
3. Tokugawa Ieyasu: người lập ra Mạc phủ ở Edo, Tokyo ngày nay, và con cháu truyền nhau tiếp nối trong 264 năm (1603~1867).
4. Diệp Ẩn (Hagakure) viết xong vào năm 1716. Một phần sách này cũng đã dịch sang tiếng Anh và tiếng Việt.
Hagakure: The Book of the Samurai do William Scott Wilson Hagakure dịch thuật phát hành năm 1983.
Hagakure – Luận Đàm Về Cốt Tủy Võ Sĩ Đạo do Hồ Hồng Đăng dịch thuật, phát hành ngày 11/12/2020.
5. Bản tiếng Anh được xuất bản ở New York vào năm 1899. Bản tiếng Nhật do Sakurai Ôson dịch thuật xuất bản ở Nhật Bản vào năm 1908. Bảng dịch tiếng Việt của Lê Ngọc Thảo:
https://www.erct.com/2-ThoVan/LNThao/VSD-01-RCT_Gioithieu.htm
6. Võ Sĩ Đạo của Yamaoka Tesshyu được xuất bản vào năm 1902. Mặc dù nội dung đã được ông giảng giải vào năm 1887, trước 1 năm khi ông qua đời, và trước sách của Nitobe Inazô được xuất bản 12 năm. Sách có thêm phần bình luận của Katsu Kaishyu, một nhà chính trị lỗi lạc của Nhật Bản.
Xem thêm:
Việc hiệu trưởng trường THCS Lê Văn Tám (xã Ia Piơr, huyện Chư Prông, tỉnh…
Một tiệm vàng ở huyện Yên Thành (tỉnh Nghệ An) huy động tiền gửi tiết…
Ông Trần Quân (John Chen) bị kết án vì cùng đồng phạm hỗ trợ ĐCSTQ…
Các cuộc biểu tình tại Trung Quốc trong quý 3 năm nay đã tăng 27%…
Ngoại trưởng Andrey Sibiga cho biết Ukraine sẽ không chấp thuận nhượng bất kỳ lãnh…
Trong cuốn sách "Dũng tràng tiểu phẩm" của tác giả Chu Quốc Trinh đời nhà…