Inamori Kazuo: Huyền thoại của giới kinh doanh Nhật Bản (P1)
- Trần Hưng
- •
Inamori Kazuo được xem là một huyền thoại của giới kinh doanh Nhật Bản, cũng là một doanh nhân nổi tiếng thế giới. Không chỉ là ông chủ của những tập đoàn lớn, ông từng giúp hãng hàng không Nhật Bản Japan Airlines đang bên bờ phá sản trở thành hãng hàng không có lợi nhuận cao nhất thế giới. Điều đặc biệt là ông còn là một nhà sư với pháp danh Đại Hòa.
Inamori Kazuo có triết lý kinh doanh đặc biệt của riêng mình, ông nhấn mạnh rằng: “Trong kinh doanh cũng như trong công việc hành chính, tiêu chuẩn đánh giá số 1 không phải năng lực mà là nhân cách. Nói một cách đơn giản, nhân cách con người nằm ở chỗ người đó có trái tim nhân hậu, vì người khác hay không. Dù là lĩnh vực gì khi chọn lãnh đạo tôi nghĩ tiêu chuẩn về nhân cách quan trọng hơn năng lực”.
Căn bệnh hiểm nghèo cùng bài học đầu đời
Inamori Kazuo sinh năm 1932 tại tỉnh Kagoshima, Nhật Bản. Khi còn là học sinh, ông bị một căn bệnh nan y vào thời đó là bệnh lao phổi. Một số người họ hàng của ông cũng bị mắc bệnh này và lần lượt qua đời. Khi chú ông bị mắc bệnh, Inamori Kazuo đã rất hoảng sợ và xa lánh người thân đang sống cùng nhà. Nhưng cuối cùng, người chăm sóc cho chú là cha và anh Inamori Kazuo thì không mắc bệnh, còn chính ông lại mắc. Hoàn cảnh đó đã khiến ông vô cùng lo sợ.
Giữa lúc Inamori Kazuo tuyệt vọng, một người hàng xóm đã tặng cho ông cuốn sách “Chân tướng của sinh mệnh”, trong đó đề cập đến những điều mà Inamori Kazuo chưa bao giờ biết đến như: “Trong tim chúng ta có một cục nam châm rất mạnh, có thể thu hút tai họa, chúng ta bị bệnh bởi vì chúng ta có một trái tim yếu đuối thu hút vi khuẩn”; “Tất cả mọi sự tình trong cuộc đời đều do nam châm trong tâm mình hút mà đến, bệnh tật cũng không ngoại lệ, hết thảy chẳng qua đều là sự phản chiếu ‘tâm tướng’ trong cuộc đời của mình mà thôi”…
Cuốn sách này đã giúp Inamori Kazuo hiểu rằng bệnh tật là phản ánh cái tâm của ông, cũng là quả báo khi ông xa lánh người thân bị bệnh, từ đó ông dần điều chỉnh tâm thái, loại bỏ sự sợ hãi. Ông còn có được bài học đầu đời quan trọng, rằng “hết thảy chẳng qua đều là sự phản chiếu ‘tâm tướng’ trong cuộc đời của mình mà thôi”. Tuy nhiên tâm trí non trẻ của một người học sinh khiến bài học ấy trong lòng Inamori Kazuo chưa thực sự trở nên sâu đậm.
Một công ty bên bờ phá sản
Sau khi trở nên lạc quan hơn và được điều trị phục hồi, Inamori Kazuo vào đại học. Ông tốt nghiệp đại học địa phương với thành tích xuất sắc, tuy nhiên vào thời điểm đó chiến tranh Triều Tiên vừa kết thúc, nền kinh tế Nhật bước vào giai đoạn suy thoái, việc làm trở nên hiếm hoi.
Nhờ sự giúp đỡ của giáo sư đại học, Inamori Kazuo được nhận vào làm cho công ty Công nghiệp Shofu ở Kyoto, là công ty chuyên sản xuất sứ cách điện. Nhưng sau khi vào rồi, ông mới biết rằng công ty này đang trên đà trượt dốc vì khó khăn, lãnh đạo mâu thuẫn, tiền lương thường xuyên chậm trễ.
Thật khó khăn mới tìm được một công việc nhưng công ty lại đứng bên bờ phá sản, những người bạn cùng vào công ty một đợt với Inamori Kazuo rất chán nản, tìm được công việc mới liền xin nghỉ, cuối cùng chỉ còn mình ông trụ lại trong oán trách và chán nản.
Khi ở tình cảnh “tiến thoái lưỡng nan” như vậy, Inamori Kazuo bỗng thay đổi. Nghĩ rằng không còn gì để phải suy nghĩ đắn đo quá nhiều, ông ngừng than vãn và đem nồi, bát, chậu vào phòng thí nghiệm, lao vào tập trung nghiên cứu phát triển sản phẩm. Các thành quả nghiên cứu ngày càng xuất hiện nhiều hơn, và mọi người xung quanh đã thay đổi cách nhìn đối với Inamori Kazuo, năm đó ông chỉ mới 23 tuổi. Lại một lần nữa, Inamori Kazuo thể nghiệm được “hết thảy chẳng qua đều là sự phản chiếu ‘tâm tướng’ trong cuộc đời của mình mà thôi”.
Lúc này tivi mới được phổ cập, sau khoảng 1 năm rưỡi tập trung nghiên cứu, Inamori Kazuo đã tổng hợp hợp được chất fol stelite, một loại vật liệu gốm công nghệ cao mới sử dụng trong ống chân không của tivi. Ông trở thành người đầu tiên ở Nhật Bản và thứ 2 trên thế giới tổng hợp thành công vật liệu này.
Các tập đoàn đoàn bắt đầu đặt hàng để sử dụng kết quả của Inamori Kazuo, đầu tiên là tập đoàn Matsushita rồi đến các tập đoàn khác. Nhờ đó kết quả nghiên cứu của Inamori Kazuo được đưa vào sản xuất với số lượng lớn. Vậy là công ty chỉ có bộ phận của Inamori Kazuo luôn nhận được rất nhiều đơn hàng và có lãi, trong khi các bộ phận khác vẫn ì ạch như xưa.
Inamori Kazuo trở thành ông chủ
Lúc này công ty Hitachi bắt đầu nghiên cứu chế tạo ống chân không siêu nhỏ bằng gốm dựa trên kết quả nghiên cứu của Hoa Kỳ và vật liệu sẽ lấy từ Công ty Shofu. Inamori Kazuo cũng tham gia nghiên cứu tìm tòi loại vật liệu này.
Tuy nhiên hướng nghiên cứu của Inamori Kazuo lại trái ngược với quan điểm của Phó giám đốc phụ trách kỹ thuật, vì thế mà ông bị buộc phải thôi việc rời khỏi công ty.
Tin Inamori Kazuo bị thôi việc lan khắp công ty, những nhân viên trực tiếp dưới quyền đã đến gặp ông tại khu tập thể và nói: “Chúng tôi cũng sẽ thôi việc để đi với anh”. Dù ông đã nói họ nên ở lại tiếp tục công việc nhưng không ai nghe cả.
Cấp trên của ông là Aoyama Masaji cũng nói rằng: “Tôi cũng thôi việc theo cậu. Tôi sẽ tìm nguồn vốn, thành lập công ty mới để cậu tiếp tục nghiên cứu.”
Aoyama Masaji đã giữ lời của mình, tìm một số người bạn và cùng bỏ ra số tiền 3 triệu yên thành lập công ty Gốm Kyoto vào năm 1959 và để Inamori Kazuo làm chủ công ty.
Nhưng để công ty hoạt động cần phải có vốn đầu tư ban đầu để mua thiết bị, nguyên liệu và một số vốn lưu động. Tổng cộng số tiền cần thiết là 10 triệu yên, một số tiền rất lớn và không dễ có được.
Bấy giờ ông Nishieda, phó giám đốc Công ty Miyaki Denki, đã đồng ý thế chấp căn nhà mình đang ở vay ngân hàng để có đủ số tiền này. Đây không chỉ là thể hiện tấm lòng mà còn là thể hiện niềm tin rất lớn, bởi nếu công ty không thành công, sẽ không có tiền trả ngân hàng và ông có thể mất luôn cả căn nhà mình đang ở.
Đối với Inamori Kazuo được làm chủ một công ty thành lập nên từ tiền của người khác là một áp lực rất lớn, thành bại sẽ ảnh hưởng đến rất nhiều người đặt niềm tin nơi ông.
Được đào tạo để làm kỹ thuật, không biết gì về kinh doanh, nay phải điều hành một công ty mới, rất nhiều việc về kinh doanh Inamori Kazuo không rõ nên làm thể nào.
Trong cuốn sách “Cách sống từ bình thường trở nên phi thường” của mình, Inamori Kazuo mô tả lại những suy tưởng đặc biệt của ông vào lúc đó. Khi gặp vấn đề khó khăn trong kinh doanh, ông nhớ lại những điều đầu tiên mà cha mẹ dạy bảo ông lúc còn thơ ấu: không nói dối, không tham lợi, thành thực, chính trực, suy nghĩ xem làm người thì việc nào nên làm, việc nào không nên làm.
Cuối cùng Inamori Kazuo phát hiện rằng khi áp dụng những nguyên lý này thì dù là việc quản trị kinh doanh hay việc chính sự quốc gia, thậm chí việc nhỏ trong gia đình, việc mâu thuẫn với hàng xóm, mọi việc đều trở nên rất đơn giản.
- Còn nữa
Trần Hưng
Xem thêm:
- Shibusawa Eiichi: Người đặt nền móng cho kinh tế Nhật Bản hiện đại
- Trận đánh đặc sắc thời chiến quốc Nhật: Oda Nobunaga lấy 1 địch 10
Mời xem video:
Từ khóa doanh nhân Văn hóa Nhật Bản doanh nhân Nhật Bản