Năm 1284 quân Mông Cổ chuẩn bị đem 50 vạn quân tiến đánh Đại việt, vận nước lâm nguy, Hưng Đạo Vương liền viết Hịch tướng sĩ hiệu triệu toàn quân chống giặc, tác phẩm nổi tiếng đến tận ngày nay. Trong Hịch tướng sĩ có nhắc đến trận chiến thành Điếu Ngư nổi tiếng khiến Đại Hãn Mông Kha – người đứng đầu Đế Quốc Mông Cổ hùng mạnh chinh phạt khắp nơi – phải tử trận.
Hịch tướng sĩ có đoạn như sau:
“Vương Công Kiên là người thế nào, tì tướng của ông ta Nguyễn Văn Lập lại là người thế nào, mà giữ thành Điếu Ngư nhỏ như cái đấu, đường đường chống lại quân Mông Kha đông đến hàng trăm vạn, khiến cho con dân nước Tống đến nay vẫn còn đội ơn sâu!”
Hịch tướng sĩ được dạy cho học sinh trung học, người Việt đều biết tác phẩm này, nhưng không mấy ai biết được Vương Công Kiên là ai, thành Điếu Ngư nhỏ như cái đấu ấy làm sao có thể khiến cho Đại Hãn Mông Kha – người đứng đầu Đế quốc Mông Cổ chinh phục khắp nơi từ Á sang Âu – phải tử trận?
Năm 1236 quân Mông Cổ đánh Tống, liên tiếp chiếm được các Châu Phủ, Giang Lăng của nhà Tống nguy cấp. Vương Công Kiên lúc này đang ở dưới trướng của tướng Mạnh Củng được lệnh đến cứu viện.
Quân Mông Cổ đóng quân suốt một dải ở Chi Giang, Giám Lợi (thuộc Hồ Bắc ngày nay), đóng tàu bè chuẩn bị vượt sông xuống phía nam đánh Tống. Vương Công Kiên nhân đêm tối cho quân đến đốt sạch 2.000 tàu bè, đồng thời cùng Mạnh Củng liên tiếp phá được 24 trại, khiến quân Mông Cổ phải lui chạy.
Năm 1237, Mạnh Củng cùng Vương Công Kiên trấn thủ thành Hoàng Châu, quân Mông Cổ tấn công thành này suốt hơn 1 tháng nhưng không sao vào được đành rút lui. Năm 1251, Vương Công Kiên tham gia đánh bại quân Mông Cổ giành lại phủ Hưng Nguyên (Thiểm Tây ngày nay).
Năm 1254, Vương Công Kiên chỉ huy quân Tống đánh bại Mông Cổ ở Hợp Châu và Quảng An, rồi được thăng chức làm Hưng Nguyên phủ đô thống kiêm Tri Hợp Châu.
Nhận thấy cuộc chiến với Mông Cổ sẽ lâu dài, Vương Công Kiên và tì tướng Nguyễn Văn Lập đã huy động 17 vạn dân phủ ở 5 huyện tu sửa, gia cố và xây mới thành Điếu Ngư (phía đông Hợp Xuyên, Trùng Khánh).
Thành được xây trên núi thấp Điếu Ngư, diện tích 2,5 km2, phía nam sông Gia Lăng, ba mặt phía trước thành được bao bọc bởi sông nước. Vương Công Kiên chọn nơi đây xây thành nhằm ngăn cản cuộc tấn công của quân Mông Cổ.
Tháng Giêng năm 1259, Đại Hãn Mông Kha sai hàng tướng là Tấn Quốc Bảo đến chiêu hàng, Vương Công Kiên đem ra chém đầu, cùng quân dân kiên quyết giữ thành.
Đến tháng 6/1259, tướng Mông Cổ là Uông Đức Thuần tấn công trại Mã Quân, Vương Công Kiên dẫn quân đến ứng cứu đánh lui quân Mông Cổ.
Tháng 7/1259, Đại Hãn Mông Kha đích thân dẫn đại quân Mông Cổ tiến đánh Điếu Ngư. Quân Mông Cổ được trang bị nhiều vũ khí công thành lợi hại, trong đó có Khiêu đầu bảo (một loại xe lầu, thường có chiều cao ngang mặt thành).
Dù quân Mông Cổ có nhiều vũ khí công thành lợi hại, nhưng quân Tống cũng có vũ khí lợi hại giữ thành, một trong số đó là máy bắn đá.
Đại Hãn Mông Kha cùng 10 vạn quân tấn công Điếu Ngư. Trước sức mạnh của đại quân Mông Cổ, nhiều tướng Tống tỏ ra muốn hàng, nhưng Vương Công Kiên cùng phó tướng Trương Ban vẫn kiên quyết giữ thành đến cùng. Dưới sự chỉ huy của hai tướng này quân Tống đã đẩy lui quân Mông Cổ hết lần này đến lần khác.
Sau hơn 1 tháng công thành thất bại, Mông Kha cho quân cho quân sĩ 10 ngày nghỉ ngơi và chờ quân tiếp lương tới. Tuy nhiên hai đoàn vận lương trên đường từ Trường An và Phù Phong của quân Mông Kha đều bị tập kích đốt sạch. Mông Kha cả giận lại cho điều thêm tiếp lương tới có, có quân theo bảo vệ.
Lúc này việc chuyển lương tới nơi phải mất 10 ngày, trong khi số lương thực còn lại chỉ đủ cho quân của Mông Kha dùng trong 3 ngày. Chính vì thế Mông Kha quyết định dốc toàn lực cho một cuộc chiến quyết định chiếm Điếu Ngư trong 3 ngày.
Kỵ binh Mông Cổ lại công thành. Quân trong thành dùng lôi tiễn, máy bắn đá bắn ra như mưa, khiến quân Mông Cổ chết từng lớp. Nhưng lớp kỵ binh phía sau lại tiến lên, khi đến cách thành 100 trượng (khoảng 350 mét) thì lập thành trận thế. Bộ binh đem theo khiên che chắn lớp lớp tiến đến chân thành, phía sau các loại vũ khí chuyên dùng để phá thành cũng liên tục bắn vào thành Điếu Ngư.
Trong thành Điếu Ngư, máy bắn đá và nỏ bắn ra như mưa khiến quân Mông Cổ chết chồng lên nhau, quân Mông Cổ không sao tiến được phải rút lui. Đúng lúc này Đại Hãn Mông Kha tới, lệnh thúc trống trận, quân Mông Cổ lại dàn thành trận xông lên, bộ binh bắc thang leo lên thành. Trên thành quân Tống cho gỗ đá lăn xuống ngăn quân Mông Cổ dùng thang leo lên. Quân Mông Cổ liên tiếp 10 đợt công thành nhưng không thành công.
Mông Kha đích thân cưỡi ngựa cùng quân công thành. Máy bắn đá trong thành Điếu Ngư bắn ra như mưa. Đại Hãn Mông Kha đã bị máy bắn đá bắn chết tại chỗ trên chiến trường. Quân Mông Cổ thất kinh phải lui quân.
Chiến công tiêu diệt được Đại Hãn Mông Kha không chỉ ảnh hưởng đến cuộc chiến ở thành Điều Ngư, mà còn ảnh hưởng đến toàn cuộc chiến Mông – Tống, lan tỏa ra khắp thế giới ở những nơi có vó ngựa quân Mông Cổ đi qua. Các cuộc tiến quân của Mông Cổ ở khắp nơi đều phải dừng lại, kế hoạch tiến quân sang châu Phi cũng bị dừng lại.
Vì Đại Hãn Mông Kha chết bất ngờ, một cuộc nội chiến trong nội bộ quân Mông Cổ nhằm giành ngôi Đại Hãn khởi động.
Cuối năm 1259 đầu năm 1260, quân Mông Cổ tiếp tục đánh Tống, liên tiếp đánh phá các thành, tin tức bại trận liên tục báo về Kinh thành nhà Tống.
Hữu thừa tướng nhà Tống là Giả Tự Đạo được lệnh thống lĩnh quân Tống chống Mông Cổ. Vương Công Kiên cùng các tướng hiến kế chống giặc cho Giả Tự Đạo, nhưng ông ta không nghe, mà cho người đến trại quân Mông Cổ xưng thần cắt đất để quân Mông Cổ rút lui. Tuy nhiên Hốt Tất Liệt không đồng ý mà muốn tiến binh diệt nhà Tống.
Giả Tự Đạo vì không nghe lời các tướng mà muốn xưng thần cắt đất cho quân Mông Cổ nên mâu thuẫn giữa các tướng với Giả Tự Đạo tăng lên.
Đúng lúc này A Lý Bất Ca được sự ủng hộ của quần thần đã lên ngôi Đại Hãn. Hốt Tất Liệt nghe tin quyết định rút về để tranh ngôi Đại Hãn, nhanh chóng nghị hòa với Giả Tự Đạo rồi lui quân ngay.
Giả Tự Đạo về kinh trong ca khúc khải hoàn, ông ta tâu lên Triều đình tin thắng trận mà dấu nhẹm việc nghị hòa. Vua Ý Tông mừng lắm, phong Tự Đạo làm Thiếu phó, Hữu thừa tướng nhập triều, bách quan phải vái chào.
Lúc này Giả Tự Đạo bèn trả thù các tướng đã từng mâu thuẫn với mình trước kia, nhiều tướng bị đi đày hoặc vì uất ức mà chết. Vương Công Kiên bị điều vào kinh thành rồi được bổ nhiệm mới ở Tri Hòa Châu (nay là huyện Hòa, An Huy).
Năm 1264 cuộc tranh giành ngôi Đại Hãn kết thúc, Hốt Tất Liệt chiến thắng lên ngôi Đại Hãn và tiếp tục tấn công nước Tống, thành Điều Ngư lại một lần nữa lại đứng trước cơn sóng dữ.
Vương Công Kiên xin được trở lại Hợp Châu cùng quân trấn giữ thành Điếu Ngư nhưng không được đồng ý, sau đó ông uất ức mà chết. Cũng có tài liệu cho rằng chính Giả Tự Đạo đã tìm cách bức khiến Vương Công Kiên phải chết.
Vương Công Kiên mất, phó tướng là Trương Ban trấn thủ Hợp Châu đóng quân ở thành Điếu Ngư. Ông cùng quân sĩ trong thành đã anh dũng hết lòng ngăn đại quân Mông Cổ. Không chỉ thế Trương Ban cũng nhiều lần cho quân tới chi viện cho quân ở Trùng Khánh đẩy lui quân Mông Cổ, khiến bức tường phòng thủ này không thể xâm phạm.
Suốt mấy năm liền tấn công mà không chiếm được Hợp Châu, năm 1267, quân Mông Cổ phải theo đường khác tiến vào Trung Nguyên, “thành Điếu Ngư nhỏ như cái đấu” vẫn hiên ngang trước cơn sóng giữ.
Năm 1275, quân Mông Cổ cho quân tiến đánh Trùng Khánh, Trương Ban cho quân từ Hợp Châu đến giải vây cho Trùng Khánh đánh lui quân Mông Cổ.
Quân Mông Cổ cho quân liên tục tiến đánh thành Điều Ngư, Trương Ban cùng toàn quân dốc sức giữ thành. Quân Mông Cổ lần nào tiến đánh cũng phải lui quân. Năm 1278, trong một cuộc chiến ác liệt, Trương Ban đã anh dũng hy sinh.
Triều đình cử Vương Lập lên thay làm trấn thủ Hợp Châu. Khi quân Mông Cổ tiến đến, Vương Lập cùng các tướng khác mở toang cổng thành đầu hàng quân Mông Cổ. Đến năm sau tức năm 1279 thì nhà Tống cũng bị diệt.
Quân Mông Cổ dù chinh phạt khắp nơi từ châu Á sang tận châu Âu, nhưng đứng trước “thành Điếu Ngư nhỏ như cái đấu” đã phải mất 19 năm mới chiếm được.
Bắt đầu từ năm 1259 khi Vương Công Kiên đẩy lui quân Mông cổ, khiến Đại Hãn Mông Kha tử trận, cho đến tận năm 1278 lúc Trương Ban cùng các binh sĩ quả cảm chiến đấu đến tận hơi thở cuối cùng. Tiếc thay khí số nhà Tống đã tận, các tướng sau này không còn muốn chống giặc nên đã mở cổng thành đầu hàng.
Thành Điếu Ngư được các như sử học châu Á và châu Âu quan tâm, được mệnh danh là “nơi bẻ roi của Thượng Đế” do roi là dấu hiệu chỉ huy của Đại Hãn Mông Kha.
Trần Hưng
Xem thêm:
Mời xem video:
HĐGSNN vừa công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh giáo sư, phó giáo sư năm…
Ông Vương Đình Huệ có sai phạm trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; vi…
Ông Musk và ông Ramaswamy đã cùng chấp bút một bài xã luận đăng trên…
Quân đội Ukraine thông báo trong sáng Thứ Năm Nga đã tiến hành không kích…
Hai nước Việt Nam-Malaysia vừa nâng cấp quan hệ lên Đối tác Chiến lược toàn diện,…
UBND TP.HCM vừa đề xuất dùng ngân sách địa phương để xử lý nợ quá…