Cổ nhân cho rằng con người phải lấy việc thuận theo Trời Đất làm tôn chỉ. Thuận theo Trời Đất tức là thuận theo thiên thời, không vi phạm các quy luật khách quan, đạo bất biến của Trời, không vi phạm kỷ cương bất loạn của con người, xem sự vận hành tự nhiên của trời đất là Đạo, là căn cứ để làm người, làm việc. Thiên tử làm được như vậy thì quốc thái dân an, mùa màng bội thu, dân chúng làm được như vậy thì cuộc sống bình an, vạn sự đều thuận lợi.
Người xưa nghiên cứu thiên văn học, vật hậu học, chỉ ra những hiện tượng có tính chu kỳ của sinh vật như cây cỏ ra hoa, kết trái, chim di trú theo mùa, ếch nhái ngủ đông… Những thiên tượng này đều có ảnh hưởng trực tiếp hay gián tiếp tới cuộc sống sinh hoạt làm việc của con người.
Đặc biệt, người xưa cho rằng, các hoạt động chính, lớn của triều đình như lễ miếu hiến tế, lễ nhạc thảo phạt, việc nhà nông…, các sắc lệnh của Thiên tử đều phải thuận theo thiên thời, tuyệt đối không thể để lỡ mất thời cơ hoặc hành động trước thời điểm. Nếu đi ngược lại, không thuận theo thiên thời thì sẽ để lại những mối hậu hoạn.
Sách “Lã Thị Xuân Thu” viết:
Mùa Xuân dương khí phồn thịnh, vạn vật bắt đầu sinh sôi, là mùa sinh trưởng. Thiên tử ban bố các chính lệnh, phải dùng khoan hậu, nhân ái làm chủ ý, cấm chỉ tùy ý dụng binh thảo phạt. Tháng đầu mùa Xuân, Thiên tử phải tự thân vác cày, xuống ruộng để khuyến khích nông dân siêng năng làm việc, không để lỡ mất mùa vụ. Đến giữa mùa Xuân, Thiên tử phải trợ cấp, chăm sóc cho trẻ mồ côi, giảm thiểu lao ngục, không được dùng hình roi để đánh người phạm tội.
Vào tháng cuối mùa Xuân, Thiên tử phải hành đức, cứu tế người nghèo khó, phải ra lệnh cho Tư Không tuần tra thủ thành, thị sát vùng quê, tu sửa đê điều, khơi thông mương máng, khai thông đường xá. Đồng thời phải lệnh cho quan lại chủ quản việc núi rừng làm việc nghiêm ngặt, cấm chặt phá cây Tang (cây Dâu), cây Chá. Ở trong cung, các Vương hậu, Vương phi phải trai giới thể xác và tinh thần, tự mình ngắt lá dâu, khuyến khích phụ nữ hái dâu nuôi tằm để ươm tơ, làm trang phục cung dưỡng cho lễ Giao miếu (Lễ cúng tế Trời Đất và tổ tiên).
Mùa Hạ là mùa vạn vật tiếp tục sinh trưởng xanh tươi, sum xuê, Thiên tử vẫn phải ban bố các chính lệnh khoan dung đại lượng. Tháng đầu mùa Hạ, Thiên tử phải khích lệ dân chúng cố gắng canh tác, không để lỡ thời vụ, không tổ chức săn bắn quy mô lớn, đồng thời giảm hình phạt cho những tội nhẹ, phóng thích những người có tội không đến mức phải dùng hình phạt. Thiên tử mở các buổi biểu diễn lễ nhạc truyền thống cho các quan khách, quần thần thưởng thức và giáo hóa.
Đến giữa mùa Hạ, Thiên tử mệnh lệnh cho nhạc sư sửa chữa, kiến tạo, điều hòa và chấn chỉnh các loại nhạc khí, tổ chức lễ cúng tế các vị Thần sông, Thần núi để cầu phúc cho dân. Bậc quân tử cũng phải trai giới, tĩnh dưỡng, điều chỉnh tinh thần và thể xác.
Đến tháng cuối mùa Hạ, Thiên tử lệnh cho quan lại chủ quản việc núi rừng tuần tra cây cối, cấm chỉ chặt phá cây cối. Ngoài ra, Thiên tử không thể khởi công xây dựng, không tập trung quá nhiều người làm cùng một việc, không làm những việc lớn làm dao động sĩ khí, đồng thời không ban bố các lệnh làm tổn hại đến việc canh tác của nhà nông.
Mùa Thu là mùa vạn vật trưởng thành và héo úa. Thiên tử ban bố các lệnh về trừng trị tội ác, chinh phạt việc bất nghĩa là chính. Tháng đầu mùa Thu, Thiên tử mệnh lệnh cho tướng soái lựa chọn binh sĩ, mài giũa vũ khí, chinh phạt kẻ bất nghĩa, truy cứu và trừng phạt những kẻ hung ác để làm sáng tỏ tốt xấu, yêu ghét. Đồng thời, Thiên tử cũng phải tăng mạnh luật cấm, tu sửa lao ngục, xử tử người tội nặng. Dân chúng lúc này tập trung thu hoạch ngũ cốc, tu sửa đê đập, không phân đất cho chư hầu, không lập quan, không thân tặng hậu lễ, hay phái ra đặc phái viên có sứ mệnh gánh vác đặc thù.
Đến giữa mùa Thu, phải phụng dưỡng người già, chỉnh đốn xiêm y và đồ lễ, xây dựng kho lương thực, giảm bớt thuế quan và thu hút thương khách. Vào tháng cuối mùa Thu, Thiên tử ra các mệnh lệnh nghiêm minh, quan lại dù ở địa vị nào cũng phải thu liễm, không được phóng túng trong công tác. Nhạc công bắt đầu diễn tập lễ nhạc.
Mùa Đông là mùa vạn vật thu liễm, ẩn giấu và phong bế. Thiên tử phải ra các mệnh lệnh yêu cầu quan lại đốc thúc dân chúng bắt đầu ẩn tàng, chất chứa. Đầu mùa Đông, Thiên tử ban các lệnh thưởng tặng cho công thần, trẻ mồ côi, củng cố tường thành, phòng giữ biên ải, đồng thời mở tiệc với các chư hầu quân thần khẩn cầu một năm bội thu.
Vào tháng giữa Đông, hạn chế các công trình bằng gỗ, bậc quân tử bài trừ thanh sắc, bảo dưỡng thân tính. Đến tháng cuối đông, triều đình tổ chức lễ hiến tế lớn để loại trừ tai họa bệnh dịch, lập kế hoạch cho việc mùa tiếp theo, tu sửa và chuẩn bị nông cụ. Nhạc quan đại hợp tấu, kết thúc một năm huấn luyện.
Có thể thấy rằng, người xưa rất coi trọng việc thuận theo thiên thời. Phàm là việc lớn, việc nhỏ, từ triều đình đến cuộc sống của thứ dân, đều lấy “thuận thiên thời” làm căn cứ trọng yếu, ai cũng nguyện ý dụng tâm thuận theo. Trong đó, từ các chính lệnh của Thiên tử có thể thấy, việc thuận theo thiên thời này cũng đặc biệt hiển lộ ra chính sách “lấy dân làm gốc, lấy đức trị vì”, đây cũng là thể hiện ra trí tuệ của bậc minh quân hiền đức thời xưa.
Theo Vision Times tiếng Trung
An Hòa biên tập
Xem thêm:
Mời xem video: Đạo trị quốc của cổ nhân: Thuận theo tự nhiên
Theo ĐBQH Dương Minh Ánh, biện pháp tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với vàng…
Do có các sai phạm, khuyết điểm trong quá trình thực hiện chức trách, nhiệm…
Hôm Thứ Năm, ICC tuyên bố bắt các quan chức cao cấp của Israel quy…
Nước giải khát có hàm lượng đường trên 5g/100ml dự kiến phải chịu thuế tiêu…
Trong vòng một tuần, huyện Nông Sơn (tỉnh Quảng Nam) đã phát hiện 5 con…
Tại Trung Quốc vào tháng trước chứng kiến hiện tượng hiếm thấy khi nước biển…