An Nam tứ đại khí tương truyền là 4 bảo vật của nước ta thời xưa, được tạo nên vào thời Lý – Trần. Chuyện về An Nam tứ đại khí vẫn lưu truyền trong dân gian xưa nay, bởi được người đời thêm thắt nên có phần huyền bí, nửa hư nửa thực…
Tương truyền cách đây hàng nghìn năm, Thần Nông thu linh khí Hoa Hạ vào núi Thái Sơn, khiến đồng đen trong núi Thái Sơn kết tinh thành trâu vàng. Các nhà phong thủy sau này đều biết rằng núi Thái Sơn có mỏ đồng đen rất quý hiếm.
Đến thời nhà Đường, vua Đường Ý Tông sai Cao Biền trấn yểm An Nam. Cao Biền thấy linh khí nước nam rất thịnh, đã thu hết tinh hoa linh khí nước nam vào bụng 36 con trâu vàng rồi để dưới núi Thái Sơn cùng trâu vàng của Hoa Hạ.
Đến đời nhà Tống, sau thất bại khi tiến đánh Đại Cồ Việt, vua Tống Thái Tông sai đem cả trâu vàng của Hoa Hạ lẫn trâu vàng của An Nam đặt yểm trong hoàng cung nhằm diệt linh khí nước nam.
Sau đó thiền sư Nguyễn Minh Không và Từ Đạo Hạnh sang Trung Nguyên đã trị hết bệnh cho vua Tống, lại giúp trừ hết tà trong hoàng cung. Khi được ban thưởng, Nguyễn Minh Không và Từ Đạo Hạnh đã chọn đồng đen, đồng thời lấy luôn 36 con trâu vàng của An Nam rồi về nước.
Sau khi mang đồng đen từ Tống về nước, đầu tiên thiền sư Minh Không và Đạo Hạnh đúc tượng Phật Quỳnh Lâm.
Chùa Quỳnh Lâm ở bên núi thuộc phường Tràng An, thị xã Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh (xưa kia là xã Hà Lôi, huyện Đông Triều, phủ Kinh Môn, tỉnh Hải Dương). Chùa được hình thành từ cuối thế kỷ thứ 5, đầu thế kỷ thứ 6 và được tu sửa qua các triều đại Đinh, tiền Lê, Lý, Trần, hậu Lê.
Đến thời vua Lý Thái Tổ, ngôi chùa không có tăng ni, mà chỉ có người dân đến niệm Phật. Đến năm 1077, ngôi chùa này mới có người đến trụ trì.
Vì độ lớn của tượng nên phải xây tòa điện cao 7 trượng để đặt tượng. Tục truyền rằng, đứng phía nam thị xã Đông Triều, cách chùa Quỳnh Lâm ước chừng 10 dặm, vẫn còn thấy nóc điện che sát đầu pho tượng.
Trong dân gian có thơ:
Nức tiếng Quỳnh Lâm cõi xứ Đông (.…)
Tháp cao chín đợt màu mây ám
Chùa rộng trăm gian gác ngựa hồng
Trước điện thông reo cùng trúc hóa
Trong am khánh đá với chuông đồng
Từ ngày có tượng Phật, ngôi chùa trở nên rất linh thiêng, Đại Việt cũng đánh bại cuộc tấn công của quân Tống, thời nhà Trần cũng 3 lần đánh bại đội quân hùng mạnh và hiếu chiến nhất là Mông Cổ.
Tháp nằm trong khuôn viên chùa Sùng Khánh Báo Thiên, chùa được xây dựng vào năm 1056 thời vua Lý Thánh Tông.
Tương truyền vào rằm tháng giêng năm 1056, Vua ra Hồ Tây xem cá thì gặp một người mắng rằng: “Nhà vua làm chúa trời Nam, sao không tu đức, sửa sang chính sự, mà lại rong chơi? Như vậy là làm gương xấu khiến cho bọn quan lại tham ô, hà hiếp dân chúng. Ta là thần, được thượng đế sai xuống giữ việc mưa nắng vùng này. Nay thấy dân khổ, nên hiện ra báo cho hay.”
Vua Lý Thánh Tông liền bỏ cuộc chơi, quay về triều, giảm bớt yến tiệc cũng như chi tiêu trong cung đình, cách chức các tham quan. Rồi cho làm chùa báo ơn trời đặt tên là “Sùng khánh báo thiên”.
Đến năm sau (1057) Vua cho xây tháp ở trong chùa, tháp cao 20 trượng (40 mét) gồm 12 tầng. Tháp đã cao lại được xây trên gò đất nên lại càng cao thêm.
Sau này dân gian còn cho rằng đỉnh tháp được thiền sư Minh Không và Đạo Hạnh dùng đồng đen lấy được từ bên nhà Tống để đúc bổ sung vào.
Danh sĩ Phạm Sư Mạnh thời nhà Trần có làm bài thơ về tháp Báo Thiên như sau:
Đề tháp Báo Thiên
Trấn áp đông tây củng đế kỳ
Khuy nhiên nhất tháp độc nguy nguy
Sơn hà bất động kình thiên bút
Kim cổ nam ma lập địa chùy
Phong bãi chung linh thời ứng đáp
Tinh di đăng chúc dạ quang huy
Ngã lai dục tủy đề thi bút
Quản lãnh xuân giang tác nghiễn trì.
Bản dịch:
Trấn áp đông tây giữ đế kỳ
Một mình cao ngất tháp uy nghi
Chống trời cột trụ non sông vững
Sừng sững ngàn năm một đỉnh chùy
Chuông khánh gió đưa vang đối đáp
Đèn sao đêm đến rực quang huy
Đến đây những muốn lưu danh tính
Mài mực sông xuân viết ngẫu thi.
Chuông Quy Điền được đúc vào năm 1080 dưới thời vua Lý Nhân Tông khi Vua cho tu sửa lại chùa chùa Diên Hựu (nghĩa là phúc lành lâu dài), ngày nay người ta hay nhầm lẫn gọi là chùa Một Cột.
Để đúc được chuông Quy Đồng, vua Lý Nhân Tông đã dùng đến mười hai ngàn cân đồng (tương đương với 7,3 tấn đồng bây giờ). Thế nhưng chuông đúc xong khi đánh lại không kêu được.
Sách Đại Việt sử ký toàn thư có chép:
Canh Thân, Anh Vũ Chiêu Thắng năm thứ 5 [1080], (Tống Nguyên Phong năm thứ 31). Mùa xuân, tháng 2, đúc chuông lớn cho chùa Diên Hựu. Chuông đúc xong, đánh không kêu, nhưng cho rằng nó đã thành khí, không nên tiêu hủy, bèn đem bỏ ở Quy Điền [ruộng rùa] của chùa. Ruộng ấy, thấp ướt, có nhiều rùa, người bấy giờ gọi là chuông Quy Điền.
Tương truyền vạc được đặt tại chùa Phổ Minh phủ Thiên Trường (Nam Định ngày nay).
Vạc được đúc vào tháng 2 năm Nhâm Tuất (1262), nhân dịp Thượng hoàng Trần Thái Tông về chơi Tức Mặc. Thượng hoàng quyết định biến nơi đây trở thành nơi quan trọng của nhà Trần, nên đổi tên Tức Mặc thành Thiên Trường, xây cung Trùng Quang. Các thượng hoàng của nhà Trần sau khi rời ngôi thì sẽ về đây ở, và vua con phải đến chầu.
Phía Tây cung Trùng Quang, Thượng hoàng cho dựng chùa Phổ Minh. Trong chùa lại đúc chiếc vạc Phổ Minh. Tương truyền vạc đồng này sâu 4 thước (tương đương 13m), rộng 10 thước (tương đương 33m), nặng 6.150 cân ta (tương đương 3,7 tấn).
Sau này vua Trần Minh Tông có bài thơ đề rằng:
Đề Phổ Minh tự thủy tạ
Huân tận hương đầu mãn tọa hương,
Thủy lưu sơ khởi bất đa lương.
Lão dung ảnh lý tăng khai bế,
Đệ nhất thiền thanh thu tứ trường.
Bài thơ được Đào Thái Tôn dịch như sau:
Đề ở nhà thủy tạ chùa Phổ Minh
Hương cháy ngàn tăm khắp chốn thơm,
Nhẹ trôi dòng nước khói lan nồng.
Đa già rợp bóng, sư cài cửa,
Một tiếng ve kêu, thu rộn buông.
Đến thế kỷ 18, Tiến sĩ Bùi Huy Bích có làm bài thơ “Du Phổ minh tự”:
Loạn hậu trùng tầm đáo Phổ Minh,
Nhàn hoa dã thảo mãn nham quynh.
Bi văn tước lạc hòa yên bích,
Phật nhãn thê lương chiếu dạ thanh.
Pháp giới dữ đồng thiên quảng đại,
Thổ nhân do thuyết địa anh linh.
Liêu liêu cổ đỉnh kim hà tại?
Thức đắc vô hình thắng hữu hình.
Bài thơ được Ngô Đức Thọ dịch như sau:
Sau loạn tìm về đến Phổ Minh,
Hoa đồng cỏ nội ngút trời xanh.
Văn bia sứt mẻ nhòe mây khói,
Mắt Phật âu sầu chiếu ngũ canh.
Cõi phép cùng trời bao rộng lớn,
Người đây vẫn nói đất linh thiêng.
Não lòng đỉnh cổ rầy đâu tá?
Mới biết vô hình thắng hữu hình.
Trải qua các triều đại Lý, Trần, An Nam tứ đại khí đã cùng Đại Việt đánh bại cuộc xâm lăng của nhà Tống, 3 lần đánh bại đội quân Mông Cổ hùng mạnh nhất lúc đó.
Đến năm 1400, Hồ Quý Ly cướp ngôi nhà Trần, nhưng nhà Hồ không được lòng dân, linh khí của 4 bảo vật cũng mất. Năm 1406, đỉnh tháp Báo Thiên bị đổ, báo hiệu linh khí của An Nam tứ đại khí đã không còn.
Năm sau 1407 quân Minh tiến đánh, nhà Hồ quả nhiên không giữ được nước. Quân Minh nghe nói An Nam tứ đại khí rất linh thiêng thì phá tháp Báo Thiên, chuông Quy Điền, vạc Phổ Minh lấy đồng làm vũ khí, còn tượng Phật Quỳnh Lâm thì mang đi mất.
Trần Hưng
Xem thêm:
Mời xem video:
HĐGSNN vừa công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh giáo sư, phó giáo sư năm…
Ông Vương Đình Huệ có sai phạm trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; vi…
Ông Musk và ông Ramaswamy đã cùng chấp bút một bài xã luận đăng trên…
Quân đội Ukraine thông báo trong sáng Thứ Năm Nga đã tiến hành không kích…
Hai nước Việt Nam-Malaysia vừa nâng cấp quan hệ lên Đối tác Chiến lược toàn diện,…
UBND TP.HCM vừa đề xuất dùng ngân sách địa phương để xử lý nợ quá…